VĂN HÓA

Ngày Nhà giáo Việt Nam: Tôn sư trọng đạo - nét đẹp văn hóa Việt luôn được gìn giữ

DDVN • 19-11-2020 • Lượt xem: 2444
Ngày Nhà giáo Việt Nam: Tôn sư trọng đạo - nét đẹp văn hóa Việt luôn được gìn giữ

Dân tộc ta vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo. Cho dù thời thế xoay chuyển, bối cảnh lịch sử, nhân sinh quan, thế giới quan của con người thay đổi nhưng vai trò của người thầy, của đạo thầy trò vẫn còn nguyên giá trị.

“Bát canh của thầy” - bài học từ tiền nhân

Ngược dòng lịch sử, tìm về một xã hội Việt Nam xưa khi đạo học cao hơn cả đẳng cấp trong xã hội, dù là vua, quan cũng vẫn phải kính trọng thầy. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí ghi lại câu chuyện cảm động về việc vua Lê Hiến Tông về thăm thầy cũ.

Thầy của vua Lê Hiến Tông là Đông các học sĩ Nguyễn Bảo, chịu trách nhiệm giảng dạy cho nhà vua trong giai đoạn còn là Thái tử. Trong thời gian cụ Nguyễn Bảo về Hải Dương, vua Lê Hiến Tông từng đến thăm hỏi.

Vua mời cụ ngồi lên sập giữa để mình đứng vấn an thầy. Cụ Nguyễn Bảo giật mình thốt lên: "Tâu bệ hạ, đâu lại có thể như thế được. Đạo thầy là nặng, song phép nước cao hơn, xin hoàng thượng cho lão phu này được đứng hầu. Người ngoài trông vào sao tiện ạ".

Nhà vua đáp: "Tôn sư cho phép đệ tử ngồi chung là đã quá lắm rồi".

Nói xong, nhà vua đỡ cụ xuống cùng ngồi đàm đạo. Vua hỏi thăm sức khoẻ và đời sống của thầy cùng gia đình, cùng bình thơ, luận phú.

Bữa cơm thầy trò diễn ra vô cùng thân mật, nhà vua đặc biệt thưởng thức món canh cua đồng, bất giác nói: "Thầy cho con ăn một bát canh này thật là niềm hạnh phúc. Hương vị cua đồng quê nhà ít có thức ăn nào sánh tày, quả là ngon".

Hình ảnh một vị vua không tùy tùng, không kèn, không trống, đi bộ vào bái kiến “tôn sư” đã trở thành giai thoại được lưu truyền trong hậu thế. Qua đó, giúp người đời sau hình dung được nền giáo dục của cha ông ta thời xưa mà tự vấn mình, nuôi dưỡng kế thừa và tiếp nối truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc.

Tôn sư như thờ cha, kính mẹ

Tôn sư trọng đạo là một truyền thống văn hóa được truyền từ đời này sang đời khác, trở thành một phong tục, tập quán mang tính bền vững và được coi là một chuẩn mực đạo đức của xã hội.

Trong phong tục lễ tết của người Việt, từ xa xưa đã đặt người thầy ở vị trí ngang tầm với cha, mẹ: "Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”. Tác giả Phan Kế Bính đã đề cập đến quan hệ thầy- trò trong cuốn “Việt Nam phong tục” như sau: "Học trò mới vào học gọi là nhập môn, phải kiếm buồng cau lạy thầy hai lạy. Lúc học gặp khi mùng năm ngày tết như tết Nguyên Đán, tết Thanh Minh, tết Đoan Dương, tết Trung Thu, mùa nào thức ấy, hoặc cặp gà thúng gạo, đường mứt bánh trái, hoặc dăm ba quan tiền, tùy tình đa thiểu mà đem đến lễ thầy".

Nói như vị vua huyền thoại Alexander Đại đế “Tôi mang ơn cha mẹ cho tôi sự sống, nhưng tri ân thầy tôi đã dạy tôi sống đẹp”.

Nền giáo dục nước ta lấy “tiên học lễ, hậu học văn” làm trọng, ý nói đặt việc học lễ nghi, tu dưỡng nhân cách lên trước việc học chữ, học kiến thức. Bởi vậy mà người Thầy luôn có vai trò, vị thế cao trong xã hội, được nhiều người kính nể.

Khi xã hội thay đổi, nền giáo dục cũng có nhiều đổi mới kéo theo đó là sự thay đổi tất yếu của quan hệ thầy – trò. Ngày nay, với phương pháp giáo dục “lấy học sinh làm trung tâm” cùng sự bùng nổ của tự do ngôn luận, mối quan hệ Thầy - Trò đã có nhiều thay đổi và phức tạp hơn rất nhiều. Thầy không chỉ là người dạy dỗ như cha, mẹ mà còn là người bạn của trò.

Tuy nhiên, dù cuộc sống có hiện đại hơn, chuẩn mực xã hội có thay đổi như thế nào, người Thầy vẫn được học trò quý mến, kính trọng và được xã hội tôn trọng.

Hạt nhân duy trì đạo Thầy – trò

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Nhiệm vụ giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế - văn hóa”.

Điều đó đòi hỏi người giáo viên phải có đức và có tài. Đức để trò kính trọng, Tài để trò nể phục. Đức của nhà giáo được hiểu là là tư cách đạo đức, trách nhiệm với nghề, tình yêu với học sinh; tài là sự am hiểu, tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng… Mỗi người Thầy phải luôn tự học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt, thích ứng với sự phát triển của xã hội, khoa học kỹ thuật.

Trọng trách của người Thầy không chỉ là truyền đạt kiến thức mà còn là cầm tay, mở óc bồi dưỡng những con người có ích cho xã hội, không để đứa trẻ nào bị bỏ lại phía sau.

Học giả nghiên cứu giáo dục người Mỹ K.Patricia Cross nhận định: “Công việc của người thầy ưu tú là kích thích những người có vẻ tầm thường có nỗ lực phi thường. Vấn đề hóc búa không phải là xác định người chiến thắng, mà làm cho những người bình thường trở thành người chiến thắng”.

Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng từng yêu cầu mỗi thầy cô giáo phải xác định được “Dạy cái gì? Dạy để làm gì? Nhà trường phải coi trọng giáo dục toàn diện cho học sinh, cả đức dục và trí dục, thể dục và mỹ dục. Phải làm và làm tốt giáo dục đạo đức cách mạng. Phải xây dựng trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò, dạy ra dạy, học ra học”. Có như vậy học sinh mới kính nể thầy, cô giáo; thầy, cô giáo mới tâm huyết với học sinh.