VĂN HÓA

Chúng ta không thể tồn tại mà thiếu phần còn lại của thế giới tự nhiên

Mai Ly • 24-07-2023 • Lượt xem: 3968
Chúng ta không thể tồn tại mà thiếu phần còn lại của thế giới tự nhiên

Thương ngàn là một tác phẩm văn học sinh thái hiếm hoi của Việt Nam, kể về cuộc sống ở rừng và môi trường nói chung. Sách viết đan xen giữa những chuyện xảy ra ở hiện tại và truyền thuyết cổ xưa, có lúc nhẹ nhàng nên thơ nhưng cũng nhiều phân đoạn mạnh mẽ khốc liệt, khi thiên nhiên ứa lên tiếng kêu cứu.

Tin bài khác:

Làm cha mẹ hoàn hảo: Đừng cầu toàn, hãy thấu hiểu tâm lý

Con gái học cách 'sinh tồn'

“Tôi đã đọc bản thảo, thấy rưng rưng thương rừng Việt đã bị khai thác đến mức kêu cứu. Khát khao "tiểu thuyết hóa" tiếng kêu ấy, Vĩnh Quyền không ngần ngại đưa vào Thương ngàn một cấu trúc mới lạ. Cảm hứng và cảm xúc nén chặt trong tiếng kêu câm nín của chữ nghĩa. Từ đáy sâu của 'tiếng kêu tiểu thuyết' ấy, khối tư liệu khoa học, báo chí tự cất tiếng phán xét về mối quan hệ khủng hoảng giữa con người với tự nhiên hôm nay. Từ đó suối cạn, rừng khô đã được nhà văn chuyển hoá thành nhân vật tiểu thuyết. Và cũng từ đó Thương ngàn có thể là một chỉ dấu cho dòng tiểu thuyết sinh thái của văn chương Việt hiện đại. Nhà tiểu thuyết đã táo bạo thử nghiệm cách viết mới cho thông điệp mới, không nhẽ người đọc lại không nghiệm sinh cách đọc mới?” (Lời của PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái).

Mở đầu tác phẩm là lời trích của Sylvia A.Earle (nhà khoa học nữ đầu tiên của cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ, bà được tạp chí Time vinh danh là Anh hùng hành tinh năm 1998): “Phần còn lại của giới tự nhiên có thể tồn tại mà không có chúng ta, nhưng chúng ta không thể tồn tại mà thiếu phần còn lại của thế giới tự nhiên”.

Cuốn sách mở đầu bằng cuộc gặp gỡ kịch tính giữa nhân vật “tôi” và cô bé Bhoo người Katu, cô tưởng lầm anh là những người trong dự án thủy điện đến yêu cầu gia đình cô dời đi, và cô phản ứng bản năng như khi đối phó với thú hoang: Đeo mặt nạ, dùng tên bắn. Từ đó mở ra những nét văn hóa Katu ít người được biết: Phong tục, nhạc cụ, những cảnh sinh họa, tâm tình, tục “săn máu”,… Xuyên suốt tác phẩm là những câu chuyện về thiên nhiên và sự chung sống giữa con người với rừng, mà những luật tục xưa và tín ngưỡng đa thần, cùng niềm kiêu hãnh của dân bản là thành trì trong cuộc chiến bảo vệ rừng. “Con chim trên trời cần rừng xanh bát ngát/ con cá dưới nguồn cần dòng nước trong veo. Con người Katu cần mẹ rừng che chở/ Cho dân làng sinh sôi nảy nở…”. 

Chừng như ta thoáng nhìn thấy một khoảnh khắc của người xưa qua truyền thuyết Mùa săn máu của tộc Katu, khi bản chúc thư chữ Nôm trên đỉnh Zi’lieng được giải mã, để rồi phút sau, ta bắt gặp một bài lý dân gian, kế tiếp nữa là những tường thuật ở hiện tại, cả  những đoạn với văn phong phóng sự với số liệu về rừng cây, về loài thực vật xâm lấn, những hiện tượng tự nhiên cực đoan… xuất hiện trên tin tức cách đây chưa phải quá lâu. Thật kỳ lạ rằng những phong cách khác lạ lắp ghép tạo thành gần 200 trang sách đầy lôi cuốn. Tác phẩm giống như một thể nghiệm văn chương, mà người đọc, tùy vào tâm thế cá nhân sẽ thấy mình ấn tượng với điều gì.

Tác giả Vĩnh Quyền là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Trong đó Debris of Debris, Inside Infinity và Heart for Forests là bộ ba tiểu thuyết Anh ngữ. Các tác phẩm của nhà văn Vĩnh Quyền đã gây được tiếng vang trong đời sống văn học, văn hóa trong nước cũng như nước ngoài. “Debris of Debris”, bản Anh ngữ tiểu thuyết “Mảnh vỡ của mảnh vỡ” của nhà văn đã xuất bản tại Hoa Kỳ (2009), tại Anh (2014) và được lưu trữ tại Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ trước khi nhận giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016. Năm 2020, Trong vô tận cũng đã thu hút giới nghiên cứu tiểu thuyết trước khi nhận Giải nhì của chính cuộc thi này.