VĂN HÓA

Làm cha mẹ hoàn hảo: Đừng cầu toàn, hãy thấu hiểu tâm lý

Cẩm Chi • 23-07-2023 • Lượt xem: 1466
Làm cha mẹ hoàn hảo: Đừng cầu toàn, hãy thấu hiểu tâm lý

Sai lầm của hầu hết các bậc cha mẹ là biến con mình trở thành hoàn hảo theo cách của mình mà quên đi con thực sự muốn gì và có khả năng gì. Cuốn sách giúp cha mẹ nhìn thấu hơn hành trình nội tại của mình, trút bỏ áp lực và xây dựng sự thấu hiểu, lắng nghe, để làm người bạn đồng hành thực sự của con.

Những sai lầm của cha mẹ

Người làm cha làm mẹ phải có quyền mong cầu hành trình làm cha làm mẹ đẹp nhất có thể. Tuy nhiên người luôn luôn nói cho họ biết không cần phải hoàn hảo đâu, chỉ cần là cha mẹ của bọn con thôi, chính là con mình.

Tình yêu thương của cha mẹ chính là món quà vô giá đối với con cái. Nó là cội nguồn yêu thương để mỗi con người tìm thấy sức mạnh trong những giây phút khó khăn. Nhưng đừng biến tình yêu thành một “món hàng” bắt con cái phải đạt được thành tích nào đó để trao đổi.

Th.S Nga cho biết trong nhiều năm, cô nghe nhiều các con chia sẻ rằng bố con làm to lắm, mẹ con thành công lắm, nhưng khi ở nhà, con chỉ muốn họ làm bố làm mẹ con thôi. Các con không cần họ dạy như là giáo viên. Các con cũng càng không cần bố mẹ ra lệnh cho con như đang làm một nhà quản lý.

Việc nuôi dạy con cái khiến chúng ta thường quá tập trung vào danh sách các việc cần phải làm cho con như học gì, chế độ ăn uống ngủ nghỉ như thế nào, chơi với ai… Điều đó mang tới cho các bậc phụ huynh nhiều áp lực và vô tình khiến trẻ không thoải mái. Và không nhiều cha mẹ dành sự tập trung vào chính mình, để tỏ tường hơn, hiểu hơn về những gì đang âm thầm ảnh hưởng, vừa là rào cản, vừa là động lực thực sự của ta trong việc nuôi dạy con.

Nếu cha mẹ quá nghiêm khắc với con cái, đứa trẻ sẽ nhút nhát, thu mình lại và không muốn chia sẻ về khó khăn của mình. Nhưng nếu cha mẹ quá chiều chuộng, con sẽ “sinh hư” và luôn đòi hỏi. Theo tác giả Phương Hoài Nga, các bậc phụ huynh phải phân biệt được thế nào là “nuông chiều” và “yêu chiều”. Hãy “yêu chiều” con cái, chứ đừng “nuông chiều” chúng.

Nhiều đứa trẻ từng tham gia điều trị, tư vấn tâm lý với Thạc sĩ Phương Hoài Nga đã chia sẻ rằng: chúng rất sợ khi nghe những câu nói như: “Nếu con không ngoan, không chăm học, cha mẹ sẽ không yêu con nữa”. Cha mẹ hãy để con cái con cái cảm nhận được rằng tình yêu thương là thứ tình cảm thiêng liêng vô điều kiện giữa những thành viên trong gia đình.

Thấu hiểu và bao dung

Bản sắc, theo tác giả là vô cùng quan trọng, đặc biệt khi người ta đứng giữa vô vàn "trường phái" nuôi dạy con.

Th.S tâm lý học Phương Hoài Nga dẫn chứng từ chính chuyện gia đình mình. Khi cô thấy phòng vệ sinh lênh láng nước, sọt quần áo bẩn thành xô chứa nước, thảm ướt nhẹp. Thế nhưng thay vì cáu giận nổi đóa thì cô bình tĩnh nói như một lời gợi ý xử lý vấn đề với con mình "Sam ơi, bây giờ sàn ướt. Nếu cứ để như vậy thì vừa nguy hiểm, vừa bẩn, mình phải làm gì bây giờ hả con". Đáp lại, Sam nói "Mình phải dọn sạch và lau khô ạ"…

Những câu chuyện tâm lý trong "Làm cha mẹ hoàn hảo" không mang "chủ nghĩa kinh nghiệm" mà là khoa học, hơn thế nữa, thực tế đã chứng minh mọi việc đều trở nên tích cực. Cậu bé nghịch nước đã đi lau dọn sàn nhà. Mọi việc dần dần được hoàn thiện, con trẻ dần trưởng thành.

Việc mình nghe mình và nghe con là thông điệp quan trọng của cuốn sách. Không có bậc cha mẹ nào là hoàn hảo. Làm cha mẹ chính là quá trình trau dồi không ngừng nghỉ. Khi phát hiện ra khuyết điểm của con, cha mẹ hãy tìm cách cùng con khắc phục, từ đó tìm ra những điểm chưa thỏa đáng trong cách dạy con của mình. Hãy lắng nghe con mình để xem điều mình làm vì yêu con thì liệu con có cảm nhận được tình yêu không. Điều mình nghĩ là quan tâm thì nó có cảm nhận được không hay lại nghĩ mình tọc mạch, kiểm soát.

Nói về sự chiều chuộng, cha mẹ có thể chiều theo ý muốn của con, nhưng phải đặt ra giới hạn cho mọi vấn đề và yêu cầu con tuân thủ giới hạn đó. Tôn trọng quyết định, sở thích của con là điều đúng đắn, nhưng hãy nghiêm khắc, đừng để con vượt qua các giới hạn mà cha mẹ đề ra.

Điều cha mẹ cần làm là tôn trọng ưu điểm của con, giúp con phát huy ưu điểm và khắc phục nhược điểm. Hai việc này cần sự kiên nhẫn rất lớn. Con trẻ đang trong quá trình hình thành nhân cách, chúng cần có thời gian để học cách thích nghi, và nhận ra đâu là ưu và nhược điểm của bản thân. Trong hành trình ấy, cha mẹ hãy cố gắng vừa là người thầy, vừa là người bạn của con.

Tác giả cho biết làm cha mẹ là một hành trình giúp người lớn trưởng thành hơn. Đồng hành cùng một đứa trẻ, chúng ta sẽ học được cách ứng xử linh hoạt, kìm bớt cái tôi cá nhân, thấu hiểu và yêu thương sao cho đúng mực. Rõ ràng chúng ta vẫn là những người lớn đang học làm cha mẹ. Cha mẹ cũng đang học để biết yêu con và dạy con đúng cách. Không chỉ học, quan trọng nhất là chúng ta làm, chứ không phải mang gánh nặng cũng như uy quyền của cha mẹ ra để đặt lên chính mình và con cái.

"Làm cha mẹ hoàn hảo" với từ "hoàn hảo" được gạch đi hi vọng có thể là một lời tâm tình và dẫn dắt để bất kỳ một người cha người mẹ nào đang thấy mệt mỏi và khó khăn, có thể được bình tâm, buông bớt các áp lực. Không phải những lời khuyên để làm sao nuôi dạy những đứa con đáng ngưỡng mộ, mà là những dẫn dắt để cha mẹ nhìn thấu vào những chuyển động nội tâm của chính mình, dần đối diện, vượt qua những rào cản của xã hội và của cả bản thân, mở ra cánh cửa đến với hành trình thực sự trở thành cha mẹ, dệt nên những ký ức đầy ý nghĩa với mình và con.