Du lịch

'Chuyện lạ' ở vương quốc Hồi giáo Brunei

Vân Thanh • 07-08-2019 • Lượt xem: 3132
'Chuyện lạ' ở vương quốc Hồi giáo Brunei

Ai cũng mơ một lần đi du lịch nhưng đến Thái Lan, Singapore, rồi Mã Lai, Campuchia, Lào đã là chuyện “xưa rồi Diễm”. Bây giờ, những vùng đất… Hồi giáo như Brunei mới là cảm hứng cho những tâm hồn yêu “xê dịch”.

Tin, bài liên quan:

Những sự thật ngỡ ngàng khi khám phá Brunei

Bộ sưu tập nhiều siêu xe nhất thế giới của Quốc vương Brunei

Chỉ cần 2 giờ bay, chúng ta đã tới được sân bay Brunei - hiện đại nhưng vắng lặng, bởi ít ai chịu đến xứ sở này. Brunei không lớn lắm, chỉ khoảng 500 nghìn người sống trong một thành phố, bằng một khu vực của TP.HCM. Brunei được xem là vương quốc hồi giáo thưa dân nhất châu Á.

Đường phố, nhà cửa, khách sạn… đều nằm trong vùng… rừng cây cỏ xanh um, đường phố láng o, dường như không có ổ gà, ổ voi như Việt Nam. Khi phố lên đèn, khoảng 20 giờ là gần như tất cả các cửa hàng đều đóng cửa, không có chuyện ăn chơi, nhậu nhẹt, nhảy múa hoặc dạo phố đêm trên những tuyến đường nhộn nhịp như Thái Lan. 

Khó nhìn thấy sự thịnh vượng hào nhoáng với những toà nhà chọc trời ở đây, nhưng vùng đất này lại có sự an lành, an toàn khiến du khách cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng. Ngôn ngữ chính thức của Brunei là tiếng Mã Lai, tiếng Anh và tiếng Trung Quốc. Và nói đến Brunei là người ta hình dung ngay tới vùng đất chuyên sản xuất dầu thô và khí thiên nhiên, thuộc top 10 đất nước có doanh số xuất khẩu về tài nguyên này trên thế giới.

Ngất ngây với Cung điện và Bảo tàng Brunei

Dạo một vòng chưa đầy 15 phút, điểm hút mắt nhất đối với chúng tôi là toà cung điện vừa cổ kính vừa hiện đại khiến ai nấy choáng ngợp. Những cô gái, chàng trai trẻ sẵn sàng làm “nhiếp ảnh gia” chụp tất cả mọi góc của cung điện, bất chấp những hạt mưa rơi, để thoả thích sự tò mò về một cung điện xa hoa, tráng lệ.

Được biết Thánh đường được xây bằng tiền tỉ USD. Chóp trên nóc của toà nhà được dát vàng rực rỡ, tường xây bằng gạch nhập từ châu Âu, bên trong trải thảm Ả Rập, tường sơn dát vàng khắp nơi, đèn chùm chiếu sáng bằng pha lê cũng dát vàng rực rỡ…

 

 

Bên hông cung điện Hồi giáo

 

 

Cung điện Hồi giáo về đêm

 

Thánh đường Hồi giáo này đại diện cho sự sung túc của Vương quốc, được xây dựng từ năm 1958, cao 52m với mái vòm và những nóc tháp được mạ vàng. Đây là một trong những thánh đường đẹp nhất châu Á Thái Bình Dương, niềm tự hào của cộng đồng Hồi giáo. Được xem là hình mẫu của kiến trúc Hồi giáo hiện đại, nhà thờ được trang trí nội, ngoại thất đắt đỏ với đá cẩm thạch màu trắng tinh khiến cho Thánh đường đồ sộ toát lên sự uy nghiêm, tráng lệ. Tuy nhiên, nếu như ai đó muốn đi vào bên trong khám phá, cảm hứng của du khách sẽ bị dập tắt ngay bởi thánh đường không dành cho khách tham quan.

 

 

Một trong những thánh đường đẹp nhất châu Á Thái Bình Dương
 

Đây là hoàng cung hoành tráng và lớn nhất thế giới. Với tổng chi phí xây dựng 1,4 tỷ USD, được thiết kế theo kiến trúc đặc trưng Hồi giáo với 1.788 phòng, 110 gara đậu xe ở tầng hầm và bộ sưu tập khoảng 7000 chiếc xe hơi đắt tiền, hàng nghìn chiếc Roll Royce hạng sang... Ngoài ra, trong cung điện còn có một thánh đường với sức chứa 1.500 người, phòng khách chứa 4.000 người. Đây là những con số dễ hớp hồn với những ai lần đầu đến với đất nước này, vì quy mô quá hoành tráng.

 

 

Bên trong bảo tàng Hoàng gia

Ngoài cung điện dát vàng, chúng tôi còn tham quan Bảo tàng Hoàng gia Royal Regalia, nơi lưu giữ những chứng tích cuộc sống của hoàng gia Brunei qua nhiều thời kỳ khác nhau.

Bảo tàng mang lại cho du khách cái nhìn tổng thể về cuộc sống cũng như sinh hoạt của gia đình vương gia với rất nhiều hiện vật liên quan đến các vị vua đã từng trị vì vương quốc Brunei. Khách vào tham quan phải trật tự, nghiêm túc… Trong hàng trăm gian phòng thì gian phòng triển lãm hoàng bào, ngai vàng, gươm kiếm sắc lệnh toàn bằng… vàng dễ làm người xem choáng ngợp. Và tất nhiên nơi đây cũng được bố trí hệ thống bảo vệ và mắt thần (camera) dày đặc. Có tham quan mới thấy được sự xa hoa của một vương quốc Brunei tưởng bình thường, nhưng lại “vĩ đại”.

Vừa quen vừa lạ với sự bình dị của Brunei đời thường

Đến Brunei mà không tham quan ngôi chợ Tamu là xem như mất 50% sự thú vị bởi sự giản dị, gần gũi đến lạ lùng. Một ngôi chợ không cần ban quản lý, cũng không có sự tranh giành hay mua bán nhộn nhịp. Nó diễn ra khá lặng lẽ, an nhàn như cái tính hiền lành hiếu khách của người dân nơi đây. Đến chợ này, chúng ta như được trở về thập niên sáu mươi của vùng Nam bộ Việt Nam.

Những chiếc nón lá, bó rau, thịt cá… bày bán rất trật tự ven chợ. Vui mắt và cũng là đặc sản của Brunei lại là những trái sầu riêng múi đỏ, nhỏ chưa đầy 1 kg trông rất bắt mắt. Mua thử một hộp với giá 300 nghìn đồng là 6 người có thể thưởng thức ngon lành với hương thơm, ngọt và béo ngậy. Các vị vua chúa xứ Brunei cũng rất thích loại sầu riêng này, nhưng trái to hơn.

Sát bên chợ là vùng sông nước, cực kỳ nổi tiếng với tên gọi: Khu làng nổi Kampong Ayer. Đây là ngôi làng nổi cổ nhất có từ 600 năm trước. Chỉ cần 10 phút với “taxi bay” - tên gọi của những chiếc xuồng có động cơ rất mạnh, du khách sẽ được tham quan những ngôi nhà san sát bên sông, gợi nhớ lại những căn nhà lụp xụp ở kênh Nhiêu Lộc Sài Gòn ngày nào, nhưng nó rộng hơn, mát hơn và sạch hơn. Đây là nơi ở của hơn 13 nghìn người sinh sống một cách an lành, có trường học, nhà thờ Hồi giáo, cơ quan hành chính, cây xăng, chợ...

Bên trong nhà của ngôi làng nổi được trang trí rất bắt mắt

Điểm đặc biệt ở ngôi làng này là người dân được nhà nước lo rất chu đáo: Đi học, khám chữa bệnh được miễn phí. Tiền thuế cũng được ưu ái nên đời sống người dân rất thoái mái. Chúng tôi được vào thăm nhà của một lão dân chuyên đóng xuồng để đi thi. Những chiếc cúp vàng được trưng bày rất trang trọng trong ngôi nhà, cho thấy môn thể thao bơi xuồng rất được yêu thích ở nơi đây. Tuy người dân sống ở vùng sông nước, nhưng rất ít đánh bắt cá bởi sự ô nhiễm của môi trường. Tàu nhỏ chở chúng tôi đi dọc bờ sông tham quan những cánh rừng tràm bát ngát, nơi có những chú khỉ rừng ung dung tự tại trên các cành cây, và thỉnh thoảng khách sẽ được nhìn thấy những chú cá sấu lặng yên trên những khúc gỗ mục.

 

 

Vì là xứ Hồi giáo, nên việc một người đàn ông lấy... 4 vợ là chuyện thường. Nhưng theo lời chuyên gia du lịch Nguyễn Văn Mỹ thì: “Lấy 4 bốn vợ? Dễ thôi, nhưng phải chu cấp đầy đủ, vợ sau phải được vợ trước đồng ý, và cái khoản 1 đêm phục vụ 4 bà mới là điều mà rất nhiều người đàn ông Việt phải bỏ chạy, bởi họ dư biết sức của mình đến đâu...”.

 

 

Thêm một điều lạ là nước uống ở đây mắc hơn xăng dầu là có thật. Chuyện rượu bia rất hạn chế, 1 chai bia cùng một dĩa đậu phộng nhỏ trong một quán ca hát nhẹ nhàng đã được tính gần 300 nghìn đồng. Còn muốn kêu taxi thì khó hơn... lên trời, bởi theo thống kê cả Brunei chỉ có khoảng 50 chiếc hoạt động, và người dân ở đây mỗi người có riêng 3 đến 6 chiếc xe hơi là chuyện rất thường tình.

 

Ảnh: Lữ Đắc Long