Khám phá

Chuyện ngụ ngôn cuối năm

Thoại Vy - Ảnh internet • 21-01-2018 • Lượt xem: 1688
Chuyện ngụ ngôn cuối năm

(“Đừng sử dụng thời gian và ngôn từ một cách bất cẩn. Cả hai thứ đó đều không thể lấy lại”. Đó là lời rỉ tai trước khi chúc ngủ ngon của anh đồng hồ khôn ngoan lọc lõi, căn dặn bạn vong niên là lão già cổ hủ - thời gian).

Năm cùng tháng tận. Trong một căn phòng bình thường như bao văn phòng công sở khác, đồng hồ và thời gian – hai người bạn vong niên chí thân trò chuyện cởi mở với nhau. Thời gian – một bô lão sắp hưu trí than phiền:

-  Tôi chứng kiến biết bao thăng trầm nơi đây. Từ đời sếp này đến đời sếp nọ mà chưa từng thấy có thời đoạn nào những con người vào ra nơi này biết tiết kiệm thì giờ, để làm những việc hữu ích như nâng cao đời sống cho nhân viên, thiết thực quan tâm đến những nhân viên vào ra chốn này. Còn nhân viên thì bàn những chuyện rỉ tai bí mật, nịnh bợ tâng bốc sếp một cách lộ liễu, tiêu phí biết bao nhiêu của cải của tôi. 

Thời gian không nén được tiếng thở dài bất lực. Thấy thế, đồng hồ mới cả cười:

- Nhà bác ơi ! Cứ như tôi đây thong thả gõ nhịp tuần tự, nhân viên cứ thế răm rắp làm theo. Trên bổ xuống dưới, dưới bổ xuống thấp hơn…Thế là mọi người nhắm mắt làm theo đâu vào đấy. Trăn trở gì cho nhọc người hả bác ? Mà ở đời không biết nịnh trên nạt dưới, sao nhà bác thăng chức tổ trưởng “tổ vũ trụ”. Lúc ấy người ta đo thời gian bằng ánh sáng, nhà bác tha hồ ngồi mát ăn bát vàng nhé!

- Hừ ! Ngồi chơi xơi nước thì có.

Như không nghe câu nói phật ý của lão thời gian, chàng trai đồng hồ vẫn say sưa tiếp:

- Bác trông tôi đây này! Lúc nào tôi cũng sáng choang nhá, kim phút kim giây chưa bao giờ hoen gỉ. Tôi làm việc không mệt mỏi, trừ những lúc sụt sịt cảm hoặc kim phút, kim giờ chỉ lệch đôi chút, còn thì vẫn ổn. Thì “tốt mã giẻ cùi” mà lị! Bà chủ quý tôi lắm. Thấy tôi thỉnh thoảng ì ạch sai giờ, nhưng bà ấy vẫn nâng niu lau chùi bóng loáng. Sau đó, cẩn thận vuốt ve vài bộ phận lười biếng chậm trễ của tôi, nạp pin cho tôi ăn. Vậy là tôi lại thênh thang một cõi văn phòng.

- Thì bà ấy rỗi việc nên suốt ngày chỉ biết ngiêng ngó chú mày, rồi hội họp, theo dõi giờ giấc lính lác dưới trướng, chứ làm gì túi bụi như tôi hay chú mày.

Đồng hồ cãi:

- Bác túi bụi vì không biết nịnh. Học theo tôi, bác sẽ không phải suốt ngày quạu quọ, than vắn thở dài. Này nhé, chất lượng làm việc của tôi đã có sếp lo. Miễn là cứ khen giòn vào: một điều sếp bằng lòng thì em vui, thiên hạ nói gì cũng mặc; hai điều sếp tuyệt vời ông mặt trời, sếp là số một. Sếp đi đến đâu là tỏa sáng đến đấy… Chưa kể là tôi nịnh cả thím đêm, để lỡ tôi có ngủ quên, thì thím ấy cũng giúp mấy cây kim giờ, kim phút của tôi lóng lánh như đang chạy đều. Kể cả lúc thằng kim giây dở chứng đình công. Tôi nịnh cả anh ngày để thỉnh thoảng anh ấy bớt lắm lời ồn ào. Lúc đó tôi mới có dịp khoe tiếng chuông báo thức trái giờ, vang lên đĩnh đạc. Khà khà khà…

Thời gian lớ ngớ, chỉ buông được hai tiếng “Ừ nhỉ !”.

Đồng hồ lại thừa thắng xông lên:

- Tôi vẫn dựa vào công lao của bác, thế mà toàn được sếp khen. Còn bác thì bị chì chiết: nào là “thời gian chậm như rùa”, “giờ dây thun”… “Sao mới đây đã hết năm, thì giờ có cánh chắc”, “Thời gian như tên bay, như bóng câu qua cửa”… Quý bà quý cô căm bác lắm. Vì mỗi năm trôi qua,  bác lại hào phóng biếu họ vài nếp nhăn trên gò má, vết chân chim nơi khóe mắt. Người già nghĩ đến bác thì rầu rĩ nhớ lại thời trẻ trung khỏe mạnh bền chí … Ngẫm hiện tại đau yếu: Nửa mong thì giờ qua nhanh để giao thừa, đầu năm sum họp với đám con cháu quanh năm làm việc, vui chơi biền biệt tận đẩu tận đâu. Nửa mong thời gian chậm lại.

Suỵt! Tôi nói nhỏ với bác: Chưa kể các công trình dân sinh đắp chiếu, bỏ hoang cho cỏ dại chơi đùa, người ta cũng đổ vấy cho bác: Nào là chờ thời gian nghiệm thu. Thiếu vốn đầu tư nên chưa hoàn tất các hạng mục, chờ chỉ thị cấp trên … Tóm lại, chờ thời gian trả lời.

Trong khi bác thời gian cau mày nhíu tráng, đăm đăm chiêu chiêu trông phù hợp với khí chất rêu phong của bậc hiền triết, thì đồng hồ ta thong thả điểm 12 tiếng. Chắc tại không có tiếng pháo nổ hay tiếng bật nắp sâm banh, nên mấy tiếng “bong…bong…” càng được thể phô trương.  Âm thanh đĩnh đạc vang trong thinh lặng, khắc ghi khoảnh khắc giao thừa. Đồng hồ đắc ý thầm nghĩ “Chẳng phải năm nay thiên hạ không chịu đốt pháo bông vì tiết kiệm tiếng nổ đấy sao !”.   

Cả hai người bạn tri giao: thời gian – “triết gia” và đồng hồ - “kẻ hành động” lại chìm vào suy tư.

Đêm sắp tàn.

Vài tiếng nữa, tiếng gà gáy sáng sẽ thay cho tiếng gõ trì trệ của giờ khắc. Thời gian khiến con người lãng quên, nhưng cũng có khả năng kết thúc và khởi sự.