Duyên Dáng Việt Nam

'Chuyện về con trai tôi' và cách dạy con mà nhiều cha mẹ nên tham khảo

N.Minh • 04-10-2019 • Lượt xem: 5042
'Chuyện về con trai tôi' và cách dạy con mà nhiều cha mẹ nên tham khảo

Diễn giả Lê Châu Hoài Nhật là một nhà đào tạo giáo dục, người sáng lập thương hiệu Sensecom. Mới đây, trong cuốn sách Thích nghi và Sống sót, anh đã chia sẻ nhiều bài học cuộc sống thú vị. Đặc biệt, câu chuyện "Chuyện về con trai tôi" mà anh nhắc tới, gợi lên nhiều suy tư và ý nghĩa đối với người đọc.

“Bố ơi, bố có nhiều tiền phải không?

Cũng có thể hiểu như vậy.

Con muốn bố mua cho con vài món đồ con thích.

Con trai ạ, bố không nợ con. Bố sẽ không mua nếu thấy nó không cần thiết dù con muốn.

Bố có nhiều tiền cơ mà.

Đó không phải là tiền của con. Nếu con muốn vay, bố sẽ cho vay”.

Lẽ dĩ nhiên cậu con trai của tôi ngơ ngác, ấm ức, bực tức rồi khóc toáng lên vì không đạt được mục đích. Tôi không quan tâm đến thái độ của con trai, tiếp tục làm những công việc khác của mình. Hai ngày sau, con trai đến gặp tôi và nói:

“Bố ạ, con muốn vay tiền của bố để mua món đồ đó.

Được. Nhưng con hãy trình bày đi, món đồ con muốn mua là gì và vì sao con lại thích nó đến vậy.

Con muốn mua một chiếc máy ảnh cá nhân khoảng gần ba triệu đồng. Con thích chụp hình, quay phim và cơ bản là con thấy mình có năng khiếu trong việc chụp ảnh.

Rất thuyết phục. Bố sẽ cho con vay. Nhưng con đã nghĩ cách đã trả nợ bố như thế nào chưa?

Con chưa biết làm cách nào để kiếm ra tiền. Con nghĩ mình sẽ bán những bức ảnh con chụp những cảnh quan đẹp, những điều lạ lùng trong thiên nhiên và bán chúng đi để lấy tiền trả bố theo hàng tháng.

Hợp lý đấy. Nhưng đam mê đó có làm ảnh hưởng đến việc học tập của con không?

Chắc chắn là không đâu bố. Đam mê là cái để con thư giãn thôi.

Nhưng nếu con không bán được bức ảnh nào thì sao?

Con trai tôi có vẻ lung túng và cậu ấy có vẻ như đã nhụt chí. Tôi vỗ nhẹ vai con trai và nói:

Hãy đưa những bức ảnh mà con thấy xuất sắc ấy lại đây mời hàng bố. Bố cũng thích chụp ảnh và chắc chắn nếu nó đẹp bố sẽ bỏ tiền ra mua.”

Đây là tác phẩm nhiếp ảnh đầu tay mà Nhật Huy chụp bé Hoài Phương (ở nhà là bé Na) em gái của cậu

Đó là câu chuyện của bố con tôi. Có vẻ như tôi đã không giống thói quen của đại đa số những ông bố bà mẹ Việt rằng cố sức làm việc để có tiền cho con sau này. Và việc cho con vay tiền bắt con trả hàng tháng cũng có vẻ gì đó “nhẫn tâm”. Tôi thì không nghĩ vậy. Tôi đẩy con ra khỏi vùng an toàn, muốn gì được nấy như thói thông thường đối với một đứa trẻ con nhà có điều kiện. Tôi muốn con được khám phá, sáng tạo, học hỏi, trưởng thành một cách độc lập. Con sẽ sống thực nhất với ước mơ hoài bão của mình.

Có những người cả đời không đi đâu ra khỏi nơi họ đang sống, mảnh vườn mảnh ruộng là phương tiện để họ lao động kiếm sống mà không bao giờ dám mạo hiểm thử sống một cách khác.

Nhưng cũng có những người luôn vươn ra bên ngoài chấp nhận nguy hiểm, thử thách và đó cũng chính là cơ hội để biết khả năng mình đến đâu. Bạn phải nỗ lực đến mức không giới hạn nào đo nổi để đạt đến thành công mà chính bạn cũng không dự đoán trước được.

Khi bạn đã thích nghi được với mọi hoàn cảnh sống thì những thay đổi không quá lớn lại không hề tác động đến tinh thần bạn, bạn tự nhiên và tự do với nó, bạn thoải mái để tiếp tục đón nhận với những thay đổi lớn hơn. Khả năng thích nghi của bạn lớn đến đâu thì tự do của bạn lớn đến đó, những đổi thay liên tục diễn ra trong cuộc đời của bạn sẽ không quá ảnh hưởng đến niềm vui, sức khỏe của bạn.

Nhờ ông bố 'khó tính' mà cậu ấy có thể chăm sóc được bé Na - em gái của mình những khi mẹ đi vắng

Vẫn là câu chuyện của con trai tôi. Cậu ấy được cưng chiều nên khá dựa dẫm vào người thân. Nhân một đợt mẹ cậu ấy đi công tác chỉ có bố con tôi, tôi thực hiện “chiến lược dạy con của một ông bố doanh nhân”. Tôi để cho mọi chuyện diễn ra bình thường và giảm dần các hỗ trợ phục vụ cậu ấy. Một buổi sáng tỉnh dậy cậu ấy hoảng hốt:

- Trời ơi, con đã trễ giờ rồi, sao bố không gọi con

- Bố không đi học. Con đi học thì phải tự chủ động chuyện đó.

Cậu ấy hớt hải đánh răng rửa mặt bỏ buổi ăn sáng và tìm đồng phục. Loay hoay một hồi cậu ấy lại la lên: - Bố ơi, cả ba bộ đồng phục của con đều quá bẩn rồi, sao bố không giặt cho con?

- Đó không phải là đồng phục của bố. Con phải tự lo.

- Trời ơi bố làm sao thế, hàng ngày mẹ đều lo cho con cơ mà.

- Mẹ đã làm thay con. Đáng lẽ con đã tự mình làm từ rất lâu.

Cậu ấy đành mặc lại bộ đồ dơ và ấm ức đến trường. Buổi trưa về nhìn bố có vẻ trách móc:

- Con không thoải mái tí nào khi mặc một bộ đồ dơ, không chỉ thế con còn đi trễ, tệ hơn cặp con đã không soạn sổ ngày hôm nay

- Bố...

– Chưa dứt câu, con trai tôi nói luôn.

- Con biết, đáng lý con phải tự kiểm tra.

Ba ngày sau, con trai của tôi dường như đã thích nghi được việc phải sống độc lập. Cậu ấy tự bỏ quần áo vào máy giặt cho cả hai bố con, sắp xếp sách vở, dọn dẹp phòng ngủ.

Ba tuần sau thì mẹ cậu ấy về, cô ấy giật mình khi thấy con trai có thể quản lý mọi việc của mình rất chu toàn không giống như một cậu bé hậu đậu quen được nuông chiều như trước kia nữa. Cậu ấy khá thoải mái không cần bố mẹ phải thường xuyên bận tâm tới.

(Trích Thích nghi và Sống sót - Lê Châu Hoài Nhật)