Duyên Dáng Việt Nam

Có đáng lo khi dừng thử nghiệm vắc xin Astra Zeneca?

DDVN • 12-09-2020 • Lượt xem: 856
Có đáng lo khi dừng thử nghiệm vắc xin Astra Zeneca?

Ngày 8.9, hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh-Thụy Điển) đột ngột dừng thử nghiệm lâm sàng vắc xin AZD1222 sau khi một tình nguyện viên bị sự cố thần kinh. Thông tin này khiến niềm hy vọng có vắc xin ngừa COVID-19 phần nào suy giảm.

 

Vắc xin AstraZeneca hợp tác với đại học Oxford là 1 trong số 9 loại vắc xin COVID-19 thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, nhưng được đánh giá là ứng cử viên tiềm năng nhất giúp nhân loại bước qua đại dịch. Vì lý do này mà Mỹ, châu Âu và nhiều quốc gia khác đã xin đặt hàng trước gần 3 tỷ liều vắc xin dù cho nó vẫn còn nghiên cứu.

Thử nghiệm của Astra-Zeneca dự tính tiếp nhận 40.000 – 50.000 tình nguyện viên ở Anh, Brazil, Nam Phi và Mỹ. Theo The New York Times, một phụ nữ Anh tình nguyện viên đã bị viêm tủy cắt ngang (transverse myelitis), một hội chứng viêm tủy sống gây ra bởi virus.

Tuy nhiên, nguyên nhân thực sự của sự cố này vẫn chưa được xác định và nó cần được đánh giá bởi một điều tra độc lập nhắm làm rõ có mối liên quan gì với vắc xin thử nghiệm hay không.

Vắc xin AZD1222 sử dụng vi rút adenovirus thường gây bệnh trên tinh tinh, để mang gen mã hoá của S protein virus SARS-CoV-2. Sau khi vắc xin tiêm vào người, cơ thể tạo ra các S-protein và kháng thể nhận ra các S protein này, tấn công và trung hoà nó. S protein chính là các gai bên ngoài giúp virus SARS-CoV-2 thâm nhập vào tế bào.

Viêm tủy cắt ngang có thể gây liệt, những vấn đề cảm nhân và rối loạn chức năng ruột, bàng quang. Đa số bệnh nhân sẽ phục hồi, nhưng trong một số trường hợp nghiêm trọng bệnh nhân có thể bị di chứng nặng nề, kéo dài. Ước tính mỗi năm thế giới có 1-8 viêm tủy cắt ngang/1 triệu dân.

Sau sự cố này, cổ phiếu của AstraZeneca rớt giá khá nhiều. Tuy nhiên cộng đồng khoa học lại cho rằng vụ việc chỉ tạm thời và cho thấy nhà sản xuất đã nghiêm túc khi đặt an toàn lên hàng đầu.

Giáo sư Beate Kampmann, giám đốc Trung tâm vắc xin của Trường Y học nhiệt đới và vệ sinh London, nói với tờ The Telegraph: “Thật đáng lo nếu có một tình nguyện viên bị sự cố khi thử nghiệm… nhưng nếu có thêm 5 hay 6 ca nữa tôi mới thấy cần báo động nhiều hơn. Còn quá sớm để nói rằng thử nghiệm sẽ thất bại”.

Trong khi đó Sir Jeremy Farrar, giám đốc quỹ nghiên cứu khoa học hàng đầu Anh quốc Wellcome Trust, nhận định: “Các vắc xin sẽ cho phép chúng ta đi những bước nhỏ trở về trạng thái bình thường, nhưng bản thân chúng không thể tạo ra một kết thúc lập tức hay kỳ diệu cho đại dịch. Kết thúc đó chỉ đến khi những quốc gia, giàu và nghèo, cùng hợp tác với nhau vì ích lợi dài lâu toàn cầu chứ không phải ích lợi quốc gia”.

CEO của AstraZeneca, Pascal Soriot, cho biết người phụ nữ đang bình phục tốt và có thể xuất viện sớm. Ông cũng cho rằng thử nghiệm từng bị hoãn vào tháng 7 say khi một tình nguyện viên có vấn đề về thần kinh. Tuy nhiên điều tra sau đó cho thấy sự cố không liên quan đến vắc xin và người này được chẩn đoán bị chứng xơ hóa rãi rác.

Nhiều nghiên cứu phát hiện những “liên kết giới hạn” giữa chích ngừa và sự cố. Một nghiên cứu vào năm 2018 phân tích dữ liệu trong 3 thập kỷ về sự cố chích ngừa ở Mỹ phát hiện 119 ca viêm tủy cắt ngang, con số quá nhỏ khi so sánh với hàng chục triệu người chích ngừa, mặc dù thế các nhà khoa học gọi đây có thể là tác dụng phụ “rất hiếm gặp”.

Vắc xin của AstraZeneca được xem là một trong những ứng cử viên tiềm năng ngoài Trung Quốc không chỉ vì nó được điều chế nhanh mà còn có giá thành chấp nhận được và khá dễ để sản xuất cũng như phân phối. Vì thế nó sẵn sàng có mặt trên khắp thế giới.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết có gần 180 ứng cử viên vắc xin COVID – 19 đang được thử nghiệm khắp thế giới nhưng chưa có sản phẩm nào hoàn tất thử nghiệm lâm sàng. Tổ chức này nói họ không hy vọng chúng đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn và hiệu quả để được chấp thuận sử dụng trong năm nay vì cần thời gian đánh giá an toàn hay không.

(Theo MTG)