VĂN HÓA

Có một ông Khanh Da Vàng…

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 16-12-2019 • Lượt xem: 4829
Có một ông Khanh Da Vàng…

Ông Hoàng Khanh, giám đốc nhà xuất bản, nhà in Da Vàng nổi tiếng một thời ở Đà Nẵng vừa qua đời ngày 15/12. Nhiều tác phẩm của các thi sĩ, văn nhân miền Trung được sự chăm sóc, đỡ đầu của ông. Thời gian trôi đi với bao nỗi niềm…

Tin, bài liên quan:

Nguyễn Trọng Hiệp, người say hồn xưa

Du Tử Lê, ‘thi sĩ của tình yêu’ từ trần

Nhà thơ, dịch giả, họa sĩ Hoàng Ngọc Biên qua đời

Có một ông Da vàng…

Mê và sưu tập đồng hồ thì hỏi tên ông Hoàng Khanh ở Đà Nẵng những tay chơi sành điệu đều biết. Ông còn được biết đến với cái tên Khanh Da vàng do trước năm 1975 ông có một nhà in và một nhà xuất bản cùng tên nổi tiếng. Rất nhiều tên tuổi văn nghệ sĩ đã được ông hỗ trợ xuất bản những tác phẩm đầu tiên như A Khuê (Vàng bay - trong thi phẩm này có bài thơ "Về đây nghe em" sau này nhạc sĩ Trần Quang Lộc phổ thành bài hát nổi tiếng), Đoàn Huy Giao (Cho con vật hai chân), Nguyễn Nho Nhượn (Thơ), Đynh Trầm Ca (Hát ru tình cũ), Đông Trình (Giữa vòng tay thân hữu - Văn), Thơ Thiếu Khanh (Trong cơn thao thức)... Sau này khi tên tuổi của họ vang danh trên văn đàn cái tên Da Vàng càng lấp lánh một thương hiệu vang bóng một thời.

 

Chân dung ông Hoàng Khanh

 

Thi phẩm "Trong cơn thao thức" của dịch giả, nhà thơ Thiếu Khanh do ông Khanh Da Vàng in cách đây gần nửa thế kỷ
 

Ông Khanh còn nức tiếng với những quán cà phê dành riêng cho văn nghệ sĩ và tuổi cập kê như Tuổi Ngọc, Sao Mai trên hai con đường Phan Châu Trinh, Trưng Nữ Vương ở thành phố biển. Với cách đề-co độc đáo, quán của ông nổi bật bởi sự sang trọng và trang nhã. Ông đều cố gắng để tạo ấn tượng riêng trong phong cách. Kể hơi dông dài thế để biết ông là người “có gu”, ý thức gìn giữ cuộc chơi. Vì thế ông đã có nhiều bộ sưu tập độc đáo như tranh, hộp quẹt, sách quý.

 

Chơi đồng hồ hay chơi thời gian

Nhà thơ A khuê (thứ ba từ phải sang) nổi tiếng với bài thơ "Về đây nghe em" do nhạc sĩ Trần Quang Lộc phổ nhạc. Bài thơ này được tìm thấy in lần đầu trong thi phẩm "Vàng bay" do ông Khanh Da Vàng xuất bản

Về đồng hồ thì ông Da vàng có câu nổi tiếng: “chơi thời gian”. Ngẫm nghĩ kỹ thấy đúng thật. Thời gian sống trôi nhanh vùn vụt nhưng quả rất mơ hồ nếu bạn thiếu ý thức, chỉ thấy nó thực sự hiện diện qua tiếng tích tắc và những bước nhích dzích dzắc chuyển động nhẹ trên những chiếc kim đồng hồ. Ý thức sưu tập đồng hồ cũng là cách luôn tái hiện “màu sắc” thời gian. Ông dẫn giải: “Nhiều người nói thời gian không màu, không mùi. Tôi khác. Tôi thấy thời gian có nhiều màu, nhiều mùi. Điều đó được hiện diện trên các dòng đồng hồ đắt tiền hay rẻ tiền. Đó là mùi thơm của da, màu sắc của mặt. Các dòng đồng hồ nổi tiếng trên thế giới đều rất ý thức khi tạo ra một tiểu vũ trụ nhỏ gắn trên tay bạn”. Từ đồng hồ để viện dẫn một tiểu vũ trụ đeo trên tay như ông Da vàng nghiệm ra quả thật hấp dẫn và thú vị. Ông “chơi thời gian” còn dẫn giải hình tượng: “Có cái gì khuấy động hồn ta hơn bề mặt là một đường tròn tròn khép kín? Hai kim và mười hai con số? Đó là hình ảnh độc hành, cô đơn của con người đi trên mười hai tháng trong năm? Từ thời Hy Lạp La Mã cổ xưa đến nay cuộc độc hành ấy có gì khác nhau? Chúng ta có thể có bao nhiêu cuộc vui nhỏ hẹp quây quần với bạn bè nhưng khi cô đơn, rộng lớn buồn bã thì dường như chỉ có một mình?” Rồi nữa: “Tôi chơi đồng hồ khi những ngày tháng còn trẻ mê tranh của Savador Dali. Thiên tài hội họa người Tây Ban Nha này có bức tranh đồng hồ nhão. Trên những cái cây nhão nhẹo buồn rũ móc vào thời gian. Một cái đồng hồ hiển hiện không còn nhân dáng mà thãu thệu như đang chảy ra. Một khối hình ngỡ vững chắc mà đang tan vữa. Điều đó khác nào nỗi ám ảnh về thời gian trong cơ số tuổi của mỗi người?”.

Hàng ngồi, từ phải qua: Ông Huỳnh Khanh nhà in Da Vàng, đạo diễn Đoàn Huy Giao, nhà thơ Đông Trình... gặp gỡ bạn bè đầu xuân Kỷ Hợi 2019

Quả thật với đồng hồ, kẻ mê sưu tập còn có thể rút ra biết bao suy nghiệm cho mình. Càng suy nghiệm càng thấy thích thú khi mỗi dòng đồng hồ, mỗi hãng sản xuất đặt ra một nhân tố riêng để kinh doanh. Ví dụ đồng hồ Thụy Sĩ thì nghiêng về chất lượng, bền bỉ nhưng với các hãng đồng hồ Pháp hay Ý lại nghiêng về thời trang, kiểu dáng.

“Nếu nói về phục sức, đồng hồ nâng cao thẩm mỹ và cái đẹp. Đeo một cái đồng hồ trên tay đôi khi là một hiệu lực để chứng tỏ đẳng cấp, địa vị…”, ông Khanh chia sẻ thêm về góc độ này.Vì thế, trong âm thầm lặng lẽ ông Da vàng đã sưu tập hàng trăm chiếc đồng hồ quý theo quan điểm ông. Trong căn nhà nhỏ mấy chiếc tủ chứa đồng hồ được ông kiêu hãnh xếp vào vị trí long trọng. Có chiếc ông tình cờ mua trong cửa hiệu bán đồ phế liệu, có chiếc phải trao đổi với người sở hữu. Có chiếc bạn bè biết ông Da vàng “mê chơi” nên mang đến tặng hòng đóng góp làm dày thêm bộ sưu tập. Và trước sau như một, ông chơi đồng hồ như có dịp nhìn ngắm lại thời gian đã mất. “Một chiếc đồng hồ gắn với một cột mốc thời gian nào đó trong kỷ niệm ngày tháng. Khi đã sống qua, có hồi ức nào không lung linh? Có dịp nhìn lại tôi như thấy tái hiện những phần đời đã mất…”.

 

Kẻ lữ hành chơi thời gian

Ông Khanh bắt đầu thú đam mê của mình từ những năm còn trẻ qua bao thâm trầm thời cuộc và đất nước. Và ông cũng đã đánh mất khá nhiều khi có việc xáo trộn xảy ra trong gia đình như chuyển nhà, mất cắp. Những chiếc còn lại đã theo ông như theo cố nhân. Và ông giữ gìn chúng như báu vật.

Ông Khanh Da Vàng và họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật La Toàn Vinh trong một lần gặp gỡ, tìm kiếm các tư liệu. Ảnh chụp ở Đà Nẵng năm 2010

Trò chuyện với chúng tôi về câu hỏi đồng hồ chính thức có mặt ở Việt Nam từ bao giờ? Ông nói rằng rất khó trả lời vì ông chỉ là người chơi. Có lẽ câu hỏi nghiêm túc và cũng rất đáng quan tâm này phải chờ các nhà nghiên cứu có đủ chứng liệu giải đáp. Theo ông, từ thời xưa ông bà ta đã biết nghe tiếng gà, ngắm mây, bóng mặt trời… để đoán định thời gian, cất đặt công việc. Và thường điệu nghệ đến ít sai. Các nước lớn ở Âu châu có một nền công nghệ cao như Thụy Sĩ, Đức, Pháp… đều có nhiều dòng, hãng đồng hồ nổi tiếng. Và có thể nói, đồng hồ bắt đầu có mặt ở Việt Nam theo chân những người lính đi xâm chiếm cai trị các thuộc địa.

 

Gia đình ông Hoàng Khanh

Ông cũng cho chúng tôi tư liệu “cổ xưa” mà ông sưu tầm được, đó là cuốn Kể chuyện vua quan nhà Nguyễn của nhà xuất bản Thuận Hóa – Huế 1989. Trong sử liệu lưu truyền có câu chuyện vui thuật lại việc vào năm 1885 một bà đầm, vợ của một viên khâm sứ Pháp đã tặng cho một bà Hoàng trong cung chiếc đồng hồ đeo tay có con gà gáy. Và cả đám cung nữ, triều thần ai cũng ngạc nhiên thú vị khi cứ đúng giờ lại có một con gà hiện ra gáy ò ó o. Sau đó thì tự biến mất. Thời điểm ấy không ai nghĩ đó là bước tiến khoa học kỹ thuật mà nghiêng về cách nghĩ ám bùa, ma thuật. Để kết cục, chiếc đồng hồ bị đập vỡ để tìm… con gà (!). Và ông kết thúc hóm hỉnh: “Chúng ta cũng chỉ là những con gà mổ thóc - ông ám chỉ là làm việc – hữu hạn trên cánh đồng vô hạn. Vậy tại sao không biết quý những hạt thóc vàng là những giây phút đẹp nhất của tuổi trẻ”?