VĂN HÓA

Có một Phạm Duy như thế

Phan Trang Hy • 09-11-2021 • Lượt xem: 2936
Có một Phạm Duy như thế

Gia tài âm nhạc của Phạm Duy để lại cho đời quả là đồ sộ. Nhiều lần, tôi có trao đổi với một số thân hữu, nhiều người đều khẳng định Phạm Duy là một trong những nhạc sĩ đóng góp lớn vào nền âm nhạc nước nhà. Phạm Duy cũng đã tự bạch là âm nhạc của ông có nhiều đề tài, chủ đề như Hương ca, Bé ca, Tình ca, Đạo ca, Tục ca, Rong ca, Thiền ca…

Tin và bài liên quan: 

Nguyễn Hữu Hồng Minh: Văn Cao, người nghệ sĩ đa giác quan

GSTS Thái Kim Lan: Tưởng niệm 100 năm Phạm Duy

Âm nhạc của Phạm Duy, gieo tình yêu đất nước

Nhạc sĩ Phạm Duy: Những sợi tóc bạc và năm dòng kẻ trắng

Hồ Trung Dũng da diết với tình ca của cố nhạc sĩ Phạm Duy

Khi nghe những bài hát theo từng chủ đề, đề tài ấy, trong tôi chợt lóe lên là hiển hiện một Phạm Duy với nhiều cung bậc khác nhau của cuộc đời.

Nghe và đọc ca từ trong các tác phẩm âm nhạc của Phạm Duy, tôi lại gặp một Phạm Duy thể hiện rõ tính cách có đủ 3 yếu tố Cái Nó - Bản năng có người gọi là Tự ngã (The Id), Cái Tôi – Bản Ngã (The Ego) và Siêu Tôi - Siêu Ngã (The Superego).

Cái Nó (có người gọi là Tự ngã) – Bản năng (The Id) trong lời nhạc Phạm Duy

Theo Sigmund Freud, Cái Nó chính là nguồn cung cấp libido và chi phối suốt cuộc đời con người.

Không chỉ Phạm Duy mà bất cứ ai cũng đều có libido. Mỗi người thể hiện libido bằng hình thức của riêng mình. Có người, thể hiện bằng tranh tượng; có người thể hiện bằng động tác, cử chỉ, lời nói; có người dùng âm thanh. Riêng Phạm Duy, theo tôi, libido của ông được phô bày bằng giai điệu và ca từ âm nhạc. 10 bài Tục Ca như thể hiện một phần Cái Nó của ông.

Nghe 10 bài Tục ca, hình ảnh đầu tiên mà người nghe cảm nhận là hình ảnh sinh thực khí, các bộ phận trên cơ thể con người, kể cả chuyện giao hoan được Phạm Duy đưa vào âm nhạc,

Hình ảnh sinh thực khí nữ thành lời ca, quả là điều độc, lạ trong âm nhạc. Thực ra, trong văn học dân gian, hình ảnh này đã có trong ca dao, tục ngữ hoặc truyện cười, kể cả trong văn học đương đại cũng có. Còn trong tân nhạc Việt Nam hình ảnh này quả là “sốc” với người nghe như Tục ca số 2, số7, số10.

Hoặc các bộ phận trên cơ thể con người như đầu, chân, vú, tóc, răng,… mang dục tính cũng thành lời ca. Lời ca ấy khơi dục bằng âm thanh, hình sắc như trong các bài Tục ca số 3 – Gái Lội Qua Khe (thơ Bùi Giáng), Tục ca số 6 – Mạo Hóa.

Ngoài ra, chuyện giao hoan cũng đi vào lời ca như chuyện cợt đùa. Chuyện giao hoan thành lời cho âm nhạc quả là độc. như tục ca số 5 – Khỉ Đột (phóng tác Le Gorille của Georges Brassens), hoặc Tục ca số 4 – Úm Ba La Ba Ta Cùng Khỏi.

Theo Freud thì Cái Nó là gốc rễ của mọi nguồn năng lượng tinh thần, khiến nó trở thành thành phần chính của tính cách. Chính vì thế, Cái Nó, cái libido thành lời ca đâu chỉ là chuyện vui mà nó là phần đời của Phạm Duy.

10 bài Tục ca tuy thể hiện Cái Nó - Bản năng (có người gọi là Tự Ngã), nhưng qua đó ta thấy được một Phạm Duy sống thực với chính mình, sống hết mình với thất tình, lục dục ở chốn nhân gian.

Siêu Tôi – Siêu Ngã (The Superego) trong lời nhạc Phạm Duy

Tiếp đến, tôi xin đề cập đến Siêu Tôi – Siêu Ngã (The Superego) trong một số bài nhạc của ông. Theo tôi, những chương khúc viết về Đạo ca, Thiền ca và trường ca Hàn Mặc Tử có lời chuyển tải được cái Siêu Tôi.

Trước tiên là chương khúc Đạo ca. 10 bài Đạo ca là sự đồng cảm, tương tri, tương ngộ giữa nhạc sĩ Phạm Duy và tu sĩ Phạm Thiên Thư. Lời của Phạm Thiên Thư hòa vào trong giai điệu, âm thanh của nhạc Phạm Duy ngợi ca cái Siêu Tôi.

Cái Siêu Tôi ở đây chính là sự ngợi ca chân lý của đời sống tinh thần, ngợi ca sự ngưỡng vọng thế giới tâm linh. Đối với người Việt, cụ thể, đó là ngợi ca về tiếng chuông chùa, ngợi ca lời kinh Phật. Tiếng chuông chùa, lời kinh Phật làm bừng thức tâm linh, xoa dịu nỗi đau khổ của chúng sinh, đem thái bình cho thế gian, đem an vui cho nhân loại:

Bóng đêm qua rồi, bóng đêm qua rồi

Tiếng chuông vang hồi, tiếng chuông vang hồi

Thấy trong nhân loại tiếng chuông vang hồi

Ngọt lành thơm mát, từng giọt chuông rơi.

Nụ hoa đang ngủ, giấc êm giữa nội

Giọt sương trên lá đón đưa ánh trời

Để cho con suối vươn vai trở mình

Chùa rêu lơ lửng giữa lưng núi mờ

Đại hồng, chuông lớn đã khua tiếng ròn

Nụ cười yên tĩnh ngát hương khói trầm

Lời kinh cao ngất A Di Đà Phật

Ngọt lành thơm mát, từng giọt chuông vang…

(Đạo ca 8 – Giọt Chuông Cam Lồ)


Nhạc sĩ Phạm Duy và thi sĩ Hoàng Cầm (Ảnh tư liệu) 

Theo Sigmund Freud, Siêu Tôi là một phần trong tính cách nắm giữ tất cả những tiêu chuẩn đạo đức và lý tưởng mà con người tiếp nhận từ cả cha mẹ và xã hội – nó chính là cảm nhận của con người về cái đúng sai trong cuộc sống. Chẳng hạn, mẹ thương yêu con là điều đúng, là lẽ đạo hợp với tự nhiên, tạo hóa. Mẹ luôn che chở, thương yêu, hy sinh vì con là chuyện thường tình của con người. Dẫu thường tình, nhưng tình yêu ấy là vĩ đại. Phạm Duy và Phạm Thiên Thư đã kể chuyện bằng âm nhạc về một bà Mẹ, đi tìm con khắp chốn, tìm con cả bốn mùa. Thế rồi, Mẹ chết đi hóa thành Mẹ chung của nhân loại. Chính tình yêu thương con vô bờ bến đã biến tình yêu của Mẹ ôm cả trần gian. Mẹ là Quán Thế Âm chốn bụi trần:

Thế rồi, một hôm Mẹ chết, hơi Mẹ trong trời chưa hết

Ôm cả trần gian đầy vơi, nhân loại đeo tang người

Tim Mẹ thành ra trùng dương, máu Mẹ thành sông thành nước

Ôi đời trầm luân, Mẹ thương, chiếu ánh sáng từ quang.

Bây giờ Mẹ đã thành mơ, hơi Mẹ hóa thành hơi gió

Bốn mùa ngồi nghe mọi nơi, tiếng Mẹ ru bồi hồi

Xưa là Mẹ đi tìm con, tiếng Mẹ ru buồn khắp chốn

Bây giờ hiện thân Mẹ chung, tiếng Mẹ hát ru dịu dàng

Tiếng Mẹ hát ru dịu dàng

Tiếng Mẹ hát ru dịu dàng.

(Đạo ca 4 – Quán Thế Âm)

Tiêu chuẩn đạo đức và lý tưởng còn thể hiện ở sự hướng thiện, hướng về chân lý, hướng về cái đẹp vĩnh hằng. Sự hướng đến chân thiện mỹ trở thành nhu cầu tâm linh, nhu cầu của sự thức tỉnh để lột xác, hóa thân của từng chủ thể để đạt đến cõi an lạc. Chỉ có thái độ, hành xử bình đẳng, trân trọng sự sinh hóa với muôn loài mới có thể đạt đến cảnh giới an lạc, mới thấy tâm bình yên giữa nơi chốn luân hồi:

Tâm là đảo quý giữa biển luân hồi

Thần thánh đi rồi, chỉ có lòng thôi

Hiện hữu đây rồi, không ý không lời

Tôi không là Tôi, Người không là Người

Mười phương mây nổi như cánh hoa trôi

Như sóng ra khơi, như hơi gió thổi

Như mây xa vời, như bóng hạc trời

Tôi không là Tôi, Người không là Người.

(Đạo ca 9 – Chắp Tay Hoa)

Tiêu chuẩn đạo đức và lý tưởng cũng được thể hiện ở lòng nhân ái. Đã là Người, thì lòng nhân ái cũng là điều giúp con người trở thành Người đúng nghĩa. Tục ngữ Việt Nam có câu “Thương người như thể thương thân”. Đó cũng là ý nguyện lớn đâu chỉ cho riêng ai. Thử tưởng tượng cảnh đời như thế nào khi có ý nguyện ấy được cất lên bằng lời ca tự cõi lòng:

Thương người như thương thân! Thương người như thương mình!

Thương người như thương thân! Thương người như thương mình!

Thương người như thương thân!

(Đạo ca 2 – Đại Nguyện)

Ngoài ra còn các bài Đạo ca 1 – Pháp Thân, Đạo ca 3 – Chàng Dũng Sĩ Và Con Ngựa Vàng, Đạo ca 5 – Một Cành Mai, Đạo ca 6 – Lời Ru, Bú Mớm, Nâng Niu, Đạo ca 7 – Qua Suối Mây Hồng, Đạo ca 10 – Tâm Xuân cũng hướng đến cái siêu nhiên, sự thương yêu mầu nhiệm, sự hiến dâng cho tha nhân… Điều đó, cho thấy Phạm Duy và Phạm Thiên Thư phần nào hướng đến tiêu chuẩn đạo đức và lý tưởng.

10 bài Đạo ca, theo tôi là sự hiệp thông của Phạm Thiên Thư, Phạm Duy cùng muôn vật, muôn loài; là sự hướng đến Đại Ngã vô cùng. Đó cũng là những gì trong con người Phạm Duy, Phạm Thiên Thư chứa cái Siêu Tôi – Siêu Ngã (The Superego) muốn hòa cùng Đại Ngã. Thật là quý khi âm nhạc Việt có chương khúc như vậy.

Ngoài Đạo ca, chương khúc Thiền ca gồm có 10 bài cũng hướng đến lý tưởng và tiêu chuẩn đạo đức. Trong Thiền ca, tiêu chuẩn đạo đức lý tưởng ấy hiện rõ trong quy luật nhân quả. Đây là quy luật hầu hết mọi vật, mọi chúng sinh được (bị) chi phối. Mọi thứ đều được (bị) cuốn vào vòng tử sinh luân hồi, kể cả lời hứa:

Tròn như lời hứa chung tình

Chưa tròn nhân quả tái sinh còn nhiều.

(Thiền ca 10 – Nhân Quả)

Bên cạnh đó, chất Siêu Tôi còn được Phạm Duy hiển lộ bằng suy nghiệm của những người hành thiền bằng âm nhạc. Có thể Phạm Duy nhìn vũ trụ này vừa chung vừa riêng, vừa trống không vừa đầy ắp sinh trùng, vừa thực vừa hư, vừa động vừa tĩnh:

Thinh không

Vắng vẻ trầm ngâm

Lặng lẽ âm thầm

Yên tĩnh vô cùng

À à a a bỗng

Rộn rã tưng bừng

Nhất nhất trùng trùng

Nhưng cũng là không…

(Thiền ca 1 – Thinh Không)

Siêu Tôi trong Thiền ca còn được Phạm Duy chọn lọc những ngôn từ, như thanh lọc tâm hồn hướng đến cái đẹp, cái vô cùng của tạo hóa:

Một loài hoa không tên

Không sắc không hương

Mà như lòng tôi

Lộng lẫy thơm lừng

Tỏa ra bốn hướng

Một ngọn suối không tên

Bé nhỏ, ngoan hiền

Mà như lòng tôi

Nổi sóng lên đường

Thành bốn trùng dương

Và lòng tôi không tên

Như suối, hoa tiên.

(Thiền ca 4 – Không Tên)

Theo S. Freud thì Siêu Tôi hành động nhằm hoàn thiện và giáo hóa hành vi của con người. Nó đè nén tất cả các ham muốn không thể chấp nhận của Cái Nó và đấu tranh để bắt Cái Tôi hành động dựa trên các chuẩn mực lý tưởng thay vì theo các nguyên tắc của thực tế. Chính vì thế, Siêu Tôi trong Thiền ca của Phạm Duy còn hiển lộ ở thái độ cợt cười thất tình, lục dục - những thứ làm khổ con người - tự răn mình chọn lọc ký ức để an nhiên, tự tại:

Nhớ ơn người

Quên thù ai

Nhớ điều buồn

Quên điều vui

Nhớ tình này

Quên tình khác

Nhớ mình rồi

Quên mình luôn

Ha ha ha

Ha ha ha!

(Thiền ca 8 – Răn)

Cũng theo S. Freud, Siêu tôi chỉ dẫn giúp con người đưa ra phán xét. Chính sự phán xét mà con người mới tự răn mình và khuyên người khác. Bội bạc, dối trá, hung dữ, hận thù đem lại gì ngoài cái chết! Rõ là Phạm Duy đưa ra phán xét để thoát được bến mê, đến được bờ sông giác:

Muốn tới được bờ sông giác

An nhiên hát nhỏ, cùng tôi

Tôi là tôi, tôi cũng là em

Em là tôi, em cũng là anh

Là Xuân con bướm hút nhụy xuân tình

Là gió xuân hồng, là cơn xuân vũ

Là ý thơ nồng trang giấy xuân thư.

(Thiền ca 5 – Xuân)

Ngoài ra, các Thiền ca còn lại như Thiền ca 2 – Võng, Thiền ca 3 – Thế Thôi, Thiền ca 6 – Chiều, Thiền ca 7 – Người Tình, Thiền ca 9 – Thiên Đường Địa Ngục cũng được chắt lọc lời ca mang hơi thở, giai điệu phù hợp với chất thiền.


Nhạc sĩ Phạm Duy và nhà thơ Hữu Loan (Ảnh tư liệu) 

Với 10 bài Thiền ca, Phạm Duy suy nghiệm, làm chứng cõi thiền bằng ngôn từ âm nhạc như đưa người yêu nhạc tự lắng hồn rửa sạch những bụi trần, hướng đến cõi siêu nhiên.

Siêu Tôi trong nhạc Phạm Duy, không những có trong Đạo ca, Thiền ca mà còn có trong trường ca Hàn Mặc Tử. Trong trường ca Hàn Mặc Tử, Phạm Duy đã chọn những bài thơ tiêu biểu của tập thơ Gái Quê, Thơ Điên (Đau Thương), và Xuân Như Ý để phổ nhạc. Trường ca này gồm 3 phần: phần I – Tình Quê, phần II – Trăng Sao, phần III – Ave Maria. Cũng trong trường ca này, phần III – Ave Maria cũng thể hiện Siêu Tôi. Siêu Tôi ở đây là sự ngưỡng vọng, là lời xưng tụng Đức mẹ Maria. Bởi Mẹ là Thánh Nữ tinh truyền giàu nhân đức, từ bi, với nhiều phép lạ nhiệm màu:

Maria Maria

Maria linh hồn tôi ớn lạnh

Maria Maria

Run như run thần tử thấy long nhan

Maria Maria

Run như run hơi thở chạm tơ vàng

Maria Maria

Nhưng lòng nhuần ơn trìu mến

Maria Maria…

Theo Phúc âm Luca, Sứ thần Thiên Chúa Gabriel (Ga-bri-en) đến gặp thiếu nữ đồng trinh Maria để tiên báo về việc mang thai Chúa Giêsu. Lời báo tin ấy là Tin Mừng cho nhân loại. Để ngợi ca Tin Mừng ấy, Phạm Duy đã dựa vào lời thơ của Hàn Mặc Tử xưng tụng Sứ thần Thiên Chúa Gabriel. Xưng tụng Gabriel cũng là xưng tụng hồng ân của Thiên Chúa với Mẹ Maria Sầu Bi, cũng như loài người tội lỗi:

Hỡi Sứ Thần Thiên Chúa Ga-bri-en

Hỡi Sứ Thần Thiên Chúa Ga-bri-en

Khi Người xuống truyền tin cho Thánh Nữ

Người có nghe thơ màu nghiệm ra đời

Người có nghe náo động cả muôn trời

Người có nghe xôn xao nghìn tinh tú

Để ca tụng bằng hoa hương sáng láng

Bằng tràng hạt, bằng Sao Mai chiếu rạng

Một đêm Xuân là rất đổi anh linh

Hỡi Sứ Thần Thiên Chúa Ga-bri-en

Hỡi Sứ Thần Thiên Chúa Ga-bri-en

Lòng vua chúa như lòng lê thứ

Sẽ ngất ngây bởi thơ đầy ứ

Nguồn thiêng liêng yêu Mẹ Sầu Bi

Nguồn thiêng liêng yêu Mẹ Sầu Bi…

Mẹ Maria là Đấng tinh truyền. Xưng tụng Mẹ cũng là sự ngưỡng vọng về Phượng Trì vừa hư vừa thực. Sự ngưỡng vọng ấy hướng đến Cái Đẹp vĩnh hằng rực rỡ hào quang, bởi “Cái Đẹp cứu rỗi thế giới” (F.M. Dostoyevsky).

(Lạy Bà là Đấng tinh truyền)

Phượng Trì ôi Phượng Trì ôi Phượng Trì

(Lạy Bà là Đấng tinh truyền)

Phượng Trì ôi Phượng Trì ôi Phượng Trì

(Lạy Bà là Đấng tinh truyền)

Phượng Trì ôi Phượng Trì ôi Phượng Trì

(Lạy Bà là Đấng tinh truyền)

Phượng Trì ôi Phượng Trì ôi Phượng Trì

Thơ tôi bay suốt một thời chưa thấu

Hồn tôi bay biết bao giờ mới đậu

Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang

A-men.

Theo S. Freud thì “Siêu Tôi luôn hướng tới sự hoàn hảo về đạo đức”. Hướng tới sự hoàn hảo về đạo đức trong trường ca này, có thể nói đó là sự ngưỡng vọng, ngợi ca Cái Đẹp: Phượng Trì, Sứ Thần Gabriel và Mẹ Maria.

Có thể nói rằng, những lời ca trong Đạo ca, Thiền ca và trường ca Hàn Mặc Tử hướng tới sự hoàn hảo về đạo đức để Phạm Duy thể hiện Cái Tôi trong những lời ca lắng đọng còn lại.

Cái Tôi – Bản ngã (The Ego) trong lời nhạc Phạm Duy

Bên cạnh Cái Nó, Cái Siêu Tôi – theo tôi – Cái Tôi cũng cần đề cập. Bởi hầu hết nhạc Phạm Duy đều có Cái Tôi.

Trước tiên, đó là Cái Tôi yêu nước. Hầu như mọi người đều công nhận trong một số bài hát, cũng như một số trường ca, Cái Tôi yêu quê hương, đất nước của ông cất lên cùng tiếng lòng của người dân Việt. Đâu phải một mình Phạm Duy mới thể hiện tình yêu quê hương, đất nước trong âm nhạc. Nhưng qua lời ca, nghe lời ca ấy cất lên, người yêu nhạc lại thổn thức, trầm trồ có một nhạc sĩ viết lời ca với những giai điệu làm xao xuyến lòng người, khơi dậy cái tình yêu quê hương, đất nước ấy trong bản thể của người nghe. Cái tình yêu ấy bắt nguồn từ tiếng khóc đầu đời, từ lời ru của mẹ, của bà… Không thể không xúc động khi nghe lời ca:

Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời! Người ơi!

Mẹ hiền ru những câu xa vời

À à ơi! Tiếng ru muôn đời

Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui

Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi! Nước ơi!…

(Tình Ca)


Ký họa chân dung nhạc sĩ Phạm Duy - Họa sĩ Nguyễn Phạm Thúy Hương 

Tình yêu quê hương, đất nước ấy cụ thể là yêu con “sông đào xinh xắn” đem nước tưới mát cánh đồng quê thơm mùa gặt hái, là yêu bóng dáng của mẹ, của chị, của em lúc tan chợ chiều vội về lo bữa cơm chiều đầm ấm, và là yêu nhớ cô gái có miếng cười duyên. Đó còn là yêu bóng đa che chở những trẻ quê lúc trưa hè im nắng, có những con trâu lành nằm nghe khúc sáo quê hiền hòa. Đó còn là tình cảm với những bà mẹ quê hát ru, vỗ về, ôm ấp tuổi thơ. Và chính những gì cụ thể đó, khi xa quê, tình yêu ấy dâng trào thành nỗi nhớ xốn xang:

Tình hoài hương!

Khói lam vương tâm hồn chìm xuống

Chiều soay hương!

Sống vui trong mối tình muôn đường

Tình ngàn phương!

Biết yêu nhau như lòng đại dương

Người phiêu lãng!

Nước mắt có về miền quê lai láng

Xa quê hương! Yêu quê hương…!

(Tình Hoài Hương)

Yêu quê hương, đất nước trong nhạc Phạm Duy còn là tiếng thở dài về cái nghèo của quê hương một thuở. Tiếng thở dài ấy không bi lụy mà là tiếng lòng quá đỗi yêu quê, bởi quê nghèo hiện lên với hình ảnh “những cánh đồng cát dài”, “lũy tre già tả tơi”, “ruộng khô”, “ông già rách vai”, “đàn trẻ gầy”, “người bừa thay trâu”,… Yêu đến nỗi chỉ mong có ngày được mùa, để gái trai rộn ràng niềm vui đôi lứa:

Bao giờ cho lúa được mùa luôn, lúa ơi

Để cho cô con gái không buồn vì gió Đông

Bao giờ cho lúa về đầy sân, hỡi em

Để cho anh trai tráng được gần người gái quê.

(Quê Nghèo)

Cái Tôi yêu quê hương, đất nước ấy thành tiếng gọi thiết tha “Chiều ơi!”. Tiếng gọi chiều là tiếng gọi tự đáy lòng, tiếng gọi vọng vào vách núi, tiếng gọi vọng theo người quảy lúa, tiếng gọi vọng về lúc yên vui. Đó còn là tiếng gọi vọng vào hồn núi, hồn quê một thuở:

Chiều ơi! Lúc chiều về mọc ánh trăng tơ

Cho ngày mùa bài hát nên thơ, ơi chiều

Chiều ơi! Mái nhà sàn thở khói âm u

Cô nàng về để suối tương tư, ới chiều

Chiều ơi! Biết chiều nào còn đứng trên nương

Phố phường nhiều chiều vắng quê hương, ới chiều

Chiều ới! Chiều ơi! Chiều ơi!

(Nương Chiều)

Cái Tôi yêu nước ở Phạm Duy rất đặc biệt. Bởi, ngoài những bài ca mang đượm hồn quê hương đất nước, còn có hai trường ca để lại dấu ấn sâu đậm với người yêu nhạc không những bởi giai điệu phong phú, đa dạng, mà còn có lời ca mang đậm hồn nước vừa dân dã vừa trang trọng, vừa gần gũi vừa thiêng liêng. Đó là trường ca Con Đường Cái Quan (Sài Gòn, 1960) và trường ca Mẹ Việt Nam (Sài Gòn, 1964).

Chính hai trường ca này cho người yêu nhạc cảm nhận được Cái Tôi yêu nước của Phạm Duy quả là đặc biệt. Phạm Duy từng viết: “Tôi đã chủ trương những cuộc lên đường trong âm nhạc… thì còn cuộc lên đường nào thú vị hơn là đường đi vào quê hương với những trường ca?

Trường ca CON ĐƯỜNG CÁI QUAN được thai nghén từ 1954, vừa lúc các cường quốc vừa chia đôi nước Việt Nam ra thành hai miền Quốc – Cộng với bản Hiệp Định Geneve. Tôi đang đi học nhạc tại Paris và bằng trường ca này, tôi phản đối sự chia cắt đó. Vào năm 1960, tôi hoàn tất phần còn lại của trường ca CON ĐƯỜNG CÁI QUAN.

Nếu CON ĐƯỜNG CÁI QUAN là một hành ca ghi lại bước tiến của dân tộc ta trên một sinh lộ nhất quyết không chịu chia cắt thì MẸ VIỆT NAM là một âu ca, ca tụng Mẹ Tổ quốc và những mẹ điển hình trong truyền kỳ lịch sử nước nhà, đề tài và cảm hứng nhắm dựa vào tình thương yêu và tính hiếu hòa, tính tình này đã sinh tồn mạnh mẽ trên đất ta và phải được truyền đi trong thế giới tàn nhẫn hiện tại.

Đây là một trường ca trong đó, lúc trẻ tuổi, Mẹ Việt Nam được biểu tượng bằng đất màu tươi tốt, đa tình, nền tảng của gia đình, ruộng nương, làng nước. Khi đứng tuổi, Mẹ hiện thân là núi non sắt đá, trong sự hy sinh ròng rã, vẫn bền bỉ đợi chờ và che chở cho người chinh phu chưa hết nợ binh đao. Mẹ còn âm thầm xót thương lũ con sông ngòi, có những đứa dại dột, hiếu thắng, phản bội Mẹ vì sự tranh giành lẫn nhau, gây oán hận phân chia, làm nát tan lòng Mẹ. Vào lúc tuổi già, Mẹ trở thành biển cả đại lượng bao dung, kêu gọi và ôm đón đàn con giang hồ, thành công hay thất bại. Nước mắt vui mừng của Mẹ gặp con bốc lên trời cao làm mây đầy đặn và ấm áp, bay đi rửa sạch địa cầu bằng ơn mưa móc, nối chặt chu kỳ trường ca MẸ VIỆT NAM” (Một Đời Nhìn Lại – Ngàn Lời Ca).

Cái Tôi yêu nước ở Phạm Duy qua lời ca, đó chính là sự sáng tạo nghiêm túc, đầy trách nhiệm với nền âm nhạc Việt Nam cũng như với Tổ quốc Việt Nam. Ý thức trách nhiệm là người Việt Nam thì phải có tiếng nói, hành động như thế nào với hiện tình đất nước Việt Nam lúc bấy giờ. Làm được những điều đó là sự chọn lựa của từng cá nhân, trong đó có Phạm Duy. Bởi theo S. Freud thì Cái Tôi là thành tố của tính cách chịu trách nhiệm giúp con người xử trí với thực tại.

Bên cạnh đó, tôi còn bắt gặp Cái Tôi yêu đời, yêu người của Phạm Duy trong lời ca. Chỉ là lời ca viết cho con gái Thái Hiền hát, nhưng ở đó là cõi lòng của ông như trẻ thơ dành cho đời, cho người. Nào quê hương đẹp ngời cùng năm châu; nào là thương xá hay vỉa hè, nào là ngồi xe lam trên đường vui với biết bao là thú vị rộn tiếng yêu đời, yêu người:

Bỗng dưng yêu đời! Bỗng dưng yêu đời!

Nhìn mây trăng trắng bay trên nền trời

Nhìn mây trăng trắng bay ra ngoài khơi

Bỗng dưng yêu đời! Bỗng dưng yêu đời!

…………………………………………..

Bỗng dưng yêu người! Bỗng dưng yêu người!

Từ nơi xóm vắng hay trên lộ đầy

Từ nơi phố đó hay trong làng đây

Bỗng dưng yêu người! Bỗng dưng yêu người!

(Tuổi Xuân)

Cái Tôi yêu đời, yêu người trong nhạc Phạm Duy còn là những gì cụ thể. Không xa rời cuộc sống, Cái Tôi ấy của Phạm Duy cất lên lời ca ngợi bà mẹ quê tảo tần, “vất vả trăm chiều”, “nuôi một đàn con chắt chiu” (Bà Mẹ Quê); ca ngợi hình ảnh em bé quê: “Em bé dân quê Việt Nam/ Là mầm non tươi thắm/ Sức mai sau xây đắp quê hương/ Cho nước giàu mạnh hơn” (Em Bé Quê); ca ngợi cuộc sống yên bình của người nông dân: “Chàng vừa cày sâu vừa hứng mưa trên mái đầu/ Hái bông ngô vàng hay bới khoai nâu/ Nàng vừa cuốc bẫm, tắm trong sương sớm/ Tát xong nước rồi, sẽ về thổi cơm/ Chữ i móc ngược, o o ó o tròn/ Còn trong một nước ứ ư/ Người người ơi, ta còn yêu nhau/ Người người ơi, ta đừng bỏ nhau” (Vợ Chồng Quê).

Còn đây là Cái Tôi yêu đời, yêu người qua những việc bình thường. Chính những thứ thường thường ấy làm nên điều kỳ diệu của tâm hồn. Chuyện kể, có lần Phạm Duy hồi hương, đi thăm miền Hậu Giang. Trên chuyến phà qua sông, ông nghe tiếng mời mua vé số. Trước mắt ông là cô bé bán vé số thật xinh: “Guốc mộc áo lành không rách/ Mắt tròn trong sáng và to/ Má em hoe và môi em đỏ/ Mái tóc dày mùi tóc thơm tho/ Với chiếc kẹp tóc thơm tho”. Ông móc túi ra, tặng cho em chút quà không nhỏ. Thế nhưng, em bé lắc đầu, bởi em không muốn xin tiền người. Thế là ông phải mua một lúc 20 tờ, dù chẳng tin vào xổ số. Em bé rất vui! Và thật bất ngờ, như một truyện ngắn với chi tiết đắt, gây ấn tượng ở phần cuối. Chỉ có lòng trân trọng, yêu quý con người và cuộc đời mới có kết thúc đẹp, lắng đọng hồn người như vậy:

Thế rồi phà tới bến quê

Thế rồi tôi bước lên xe

Bé thơ chạy tuốt lên bờ

Rút kẹp tóc ra, rút kẹp tóc ra.

Con tặng cho ông đó

Thế rồi tôi vẫn còn đi

Trên đường giang hồ đây đó

Mang theo hương vị quê mùa.

Hương nồng tự đất quê ta

Đến từ kẹp tóc em thơ

Chiếc kẹp tóc thơm tho.

(Chiếc Kẹp Tóc Thơm Tho)

Cái Tôi yêu đời, yêu người trở thành máu thịt được truyền từ Mẹ Việt qua nhạc Phạm Duy. Cái Tôi ấy có khác chi tinh thần: “Xin yêu mãi yêu và yêu nhau mãi/ Trần gian ôi! Cánh bướm cánh chuồn chuồn/ Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại/ Con vi trùng sâu bọ cũng yêu luôn” (Phụng Hiến, Bùi Giáng). Cái Tôi ấy có khác chi tiếng gọi đồng bào từ thuở sinh ra từ bọc Mẹ Âu Cơ:

Trời cho anh được hơn muông thú

Sinh ra đời với kiếp con người

Trời cho anh bộ tim khối có

Cho linh hồn, cho biết buồn vui.

Mẹ cho anh còn hơn thế nữa

Cho tấm lòng không thiếu không thừa

Niềm vui hay niềm đau thấp thoáng

Anh yêu người, giun dế còn thương.

(Tình Nhân Loại, Nghĩa Đồng Bào)

Yêu đời, yêu người, bởi đời và người luôn luôn cho ta nhiều thứ quý giá ở cõi người. Bởi đời và người tốt đẹp trong thế gian này ban ơn cho chúng ta biết bao điều. Do thế, yêu đời, yêu người như là bổn phận của chúng ta như là sự biết ơn. Đã là người không ai thoát được bổn phận ấy trong cõi đời:

Ôi ơn đời chói vói

Nhớ khi thân tròn ôm gối

Ba trăm ngày trong gói

Ngóng trông ra đời góp mối chung vui

Ôi ơn đời mãi mãi

Thoát thai theo đời vun xới

Bao nhân tình thế giới

Lớn lên trong vườn ái ân muôn đời.

(Tạ Ơn Đời)

Ngoài ra, trong lời ca của Phạm Duy bộc lộ Cái Tôi khát vọng tự do. Bởi “Tự do đáng để trả giá” (Jules Verne), tự do là thứ quý nhất trên đời. Khát vọng tự do có trong lời ru con: “À ơi, con ngủ u ù cho muồi/ À ơi, cười vui trong giấc mộng/ À à ơi! Yêu đời tự do/ À à ơi, à à ơi! À à ơi, à à ơi!” (Vợ Chồng Quê). Cũng có cả trong lời xưng tụng ngợi ca: “Việt Nam đây miền xinh tươi/ Việt Nam đem vào sông núi/ Tự do công bình bác ái muôn đời” (Việt Nam! Việt Nam!). Và có cả trong lời nguyện cầu: “Tình nhân loại, nghĩa đồng bào/ Tránh cho nhau máu chảy ruột đau/ Tránh cho nhau máu chảy ruột đau/ Gọi nhân loại, cứu đồng bào/ Đang kêu to: Tự do yêu dấu/ Gọi nhân loại, cứu đồng bào/ Sống yên vui dưới mặt trời cao/ Sống yên vui dưới mặt trời cao” (Tình Nhân Loại, Nghĩa Đồng Bào).

Không những thế, trong nhạc Phạm Duy, lời ca còn thể hiện Cái Tôi ước mơ. Đã là người, theo tôi nghĩ, ai cũng có mơ ước. Mơ ước giúp con người hy vọng vào cuộc sống, tin vào tương lai. Một cuộc sống buồn tênh bởi kiếp nghèo, bởi hoàn cảnh vẫn không ngăn được niềm ước mơ về cuộc sống an lành:

Đường về trong mơ đêm đêm phố lớn thênh thang

Ánh sáng kinh kỳ tràn lan

Đời nghèo không riêng thương yêu bóng dáng Xuân sang

Yêu phố vui, nhà gạch ngon

Đèn đêm không soi bóng vắng

Kinh đô thắc mắc

Im nghe phố buồn

Người đi trong đêm tối ám

Nghe mưa thức giấc

Khuyên nhau chờ mong.

(Phố Buồn)

Cái Tôi ước mơ còn thể hiện về một thời chấm dứt chiến tranh, hòa bình được trở về trên đất Mẹ Việt Nam để cho người con được một lần hát ru cho Mẹ giấc ngủ an lành. Quả là đẹp, bởi có gì đẹp hơn khi con nhìn Mẹ yên bình trong lời ru của con:

Mẹ năm mươi tuổi chiến tranh

Con hai mươi tuổi, Hòa Bình về chơi

Từ lâu súng nổ vang trời

Hôm nay yên lặng cho đời ngẩn ngơ

Mẹ tôi giấc ngủ khó khăn

Xưa nay ru mẹ toàn bằng đạn bom

Mẹ ơi! Giâc ngủ muộn màng

Con xin ru mẹ một ngàn lời ru…

(Ru Mẹ)

Cái Tôi ước mơ trong nhạc Phạm Duy luôn trong sáng. Đành rằng ước mơ suy cho cùng cũng chỉ là ham muốn, có tính dục, libido. Nhưng ở đây, Cái Tôi ước mơ ấy như được soi sáng bởi Cái Siêu Tôi để ước mơ càng thêm đẹp. Ước mơ của người bình thường là ước mơ có tiền có bạc để có cuộc sống sung túc, ước mơ thành nghệ sĩ để có tiếng tăm. Tất cả là ước mơ vì lợi danh. Thế nhưng, trong nhạc Phạm Duy, ước mơ giàu có, không phải chỉ để mình hưởng thụ; ước mơ thành nghệ sĩ là để cống hiến cho đời. Ước mơ đẹp như thế quả là đáng ngợi ca:

Cho tôi lại một mùa mưa rơi buồn ngoại ô

Đêm đêm đèn trong ngỏ soi sáng mảnh tim khô

Tôi mơ thành triệu phú cứu vớt gái bơ vơ

Tôi mơ thành thi sĩ đem thơ dệt mộng hờ.

(Kỷ Niệm)


Nhạc sĩ Phạm Duy và nhà sưu tập Nguyễn Trọng Hiệp trong sinh nhật cuối cùng của ông tổ chức tại Sài Gòn. 

Tôi từng đọc bài thơ “Mao Ốc Vị Thu Phong Sở Phá Ca” (Bài Ca Nhà Tranh Bị Gió Thu Phá) của Đỗ Phủ (712-770) trong đó có đoạn: “An đắc quảng hạ thiên vạn gian/ Đại tí thiên hạ hàn sĩ câu hoan nhan/ Phong vũ bất động an như san/ Ô hô, hà thời nhãn tiền đột ngột kiến thử ốc/ Ngô lư độc phá thụ đống tử diệc túc” (tạm dịch: Ước sao có được nhà rộng muôn ngàn gian/ Giúp cho các hàn sĩ trong thiên hạ đều vui/ Gió mưa chẳng kinh động, vững như núi non/ Hỡi ôi, bao giờ thấy nhà ấy sừng sững trước mắt/ Riêng nhà ta bị phá nát, chịu rét đến chết cũng cam lòng). Ước mơ đó thể hiện Cái Tôi nhân đạo cao cả của Đỗ Phủ. Ông xứng là Thi Sử, Thi Thánh như người đời ca ngợi. Còn Phạm Duy lại có ước mơ trong khi đất nước đau thương, đói nghèo, buồn khổ là “mơ thấy trăm họ tốt tươi”, “mơ thấy bên lề cuộc đời” đôi lứa rạng ngời yêu thương, mọi người đùa vui trong nắng đẹp. Uớc mơ của Phạm Duy, theo tôi, cũng cao cả, xứng đáng được ngợi ca:

Từ khi đau thương lan tràn sông núi

Quê cũ đã nghèo lắm rồi

Thêm đói thêm sầu mà thôi.

Nằm mơ, mơ thấy trăm họ tốt tươi

Mơ thấy bên lề cuộc đời

Áo dài đùa trong nắng cười…

(Quê Nghèo)

Theo Sigmund Freud thì Cái Tôi là một phần của tính cách có nhiệm vụ điều chỉnh những nhu cầu của Cái Nó, Cái Siêu Tôi và đời sống thực. Theo đó có nghĩa là nhu cầu về tình yêu là nhu cầu đích thực cần phải tồn tại. Nhu cầu đó vừa thuộc vào Cái Nó vừa thuộc vào Cái Siêu Tôi. Mặt khác, không có nhu cầu về tình yêu trong cuộc sống thì, một là Cái Nó trở thành nhu cầu, khi đó tình yêu không có mà chỉ là sự tương tác của quan hệ xác thịt, hai là Cái Siêu Tôi trở thành nhu cầu, khi đó tình yêu chỉ là những thứ thuần túy trên đầu môi, chót lưỡi, và khi đó đời sống thực cũng chẳng là gì. Bởi vậy, những bản nhạc tình của Phạm Duy đã thể hiện trọn vẹn Cái Tôi trong tình yêu. Đó là Cái Tôi đa tình có trong lời ca của Phạm Duy. Bởi “Cái tình là cái chi chi/ Dẫu chi chi cũng chi chi với tình” (Vịnh Chữ Tình, Nguyễn Công Trứ). Cái nòi đa tình thời nào cũng có. Không có cái nòi ấy, thì làm gì có những vần thơ, bài hát ca ngợi tình yêu trai gái. Không có Cái Tôi đa tình trong âm nhạc thì làm gì có những tác phẩm để đời, cho người yêu nhạc thưởng thức. Chính Cái Tôi này góp phần làm nên những tình khúc trong dòng nhạc tình của Phạm Duy. Từ bản nhạc bước đầu trong sự nghiệp sáng tác như Cô Hái Mơ (1942), phổ thơ Nguyễn Bính, rồi trong những năm đi theo kháng chiến, Phạm Duy cũng không quên soạn nhạc tình, nhưng thứ tình ở đây, theo ông, là “thứ tình ca ấp úng”:

Người ôi! Tôi thường hay muốn biết

Với tình hoa thắm thiết

Yêu tôi hay yêu đàn?

Yêu tôi hay yêu đàn?

Tình tang tính tính tình tang.

(Cây Đàn Bỏ Quên)

Rồi “thứ tình ấp úng” ấy cũng qua đi. Nhưng trong lòng của Phạm Duy nào dứt được tình. Cái Tôi đa tình lại trổi dậy để rồi sản sinh ra những bản nhạc tình khác. Đó là thứ tình cảm khát khao của đôi lứa yêu nhau, cần có nhau để tồn tại trong cõi nhân gian:

Ngày đó có em đi nhẹ vào đời

Và mang theo trăng sao đến với lời thơ nuối

Ngày đó có anh mơ lại mộng ngời

Và se tơ kết tóc giam em vào lòng thôi.

Ngày đôi ta vui tiếng hát vói đường dài

Ngâm khẽ tiếng thơ, khơi mạch sầu lơi (ý y y)

Ngày đôi môi đôi môi đã quyết trói đời người

Ôi những ngón tay đan vòng tình ái (ớ ơ ờ).

(Ngày Đó Chúng Mình)

Đó còn là thứ tình cảm quyến luyến từ thuở yêu nhau đến cuối cuộc đời. Tình cảm ấy chỉ có được khi cả hai người thuộc về nhau, luôn nghĩ về nhau, yêu nhau, trân trọng nhau vì cuộc tình hiện hữu, và vì đến muôn đời sau. Xin đừng nói tiếng xót xa, xin đừng oán trách, xin đừng cay đắng cho nhau mà hãy vì tình yêu như thuở mộng mơ ban đầu:

Đừng xa nhau! Đừng quên nhau!

Đừng dứt tiếng ngậm sầu,

Đừng im hơi đắng cay rời nhau.

Đừng đi mau, để mãi mãi,

Là chiếc bóng đậm màu

Còn theo nhau tới muôn đời sau.

(Đừng Xa Nhau)

“Còn theo nhau tới muôn đời sau”, theo nhau mãi bởi tình yêu đâu dễ gì quên. Đâu dễ gì quên “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” (Thế Lữ). Đâu dễ gì quên cuộc tình thơ mộng, dư âm ngọt ngào còn mãi vấn vương. Đâu dễ gì quên ánh mắt long lanh, nụ cười hiền quá đỗi thuở yêu nhau. Vẫn luôn nhớ về nhau dù tình lỗi hẹn:

Trăm năm dù lỗi hẹn

Nghìn năm vẫn không quên

Vẫn nhớ y nguyên.

(Ngàn Năm Vẫn Chưa Quên)

Cái Tôi đa tình trong nhạc Phạm Duy còn là sự đau khổ khi tình yêu không còn, là sự tuyệt vọng đích thực khi cuộc tình tan vỡ. Có chăng còn lại nỗi đau tột cùng dẫu ngóng trông nhau mà chẳng thấy hình bóng của nhau. Dẫu tưởng nhớ về nhau thì chỉ là nỗi đau âm ỉ trong lòng. Có khóc cũng chẳng vơi bớt nỗi sầu thương nhớ, có gọi thầm tên nhau cũng chẳng là gì của nhau:

Còn gì nữa đâu mà phải khóc nhau

Có đi theo mùa ngâu tới suối reo nghìn thâu

Tình chôn đã lâu

Còn gì nữa đâu mà kể với nhau

Vết thương đau ngày nào

Có sống bao đời sau thì đã mất nhau

Còn gì nữa đâu mà gọi mãi nhau.

(Còn Gì Nữa Đâu)

Từ chỗ đa tình đến chỗ dại tình chỉ trong tấc gang. Đa tình quá nên phải dại tình thôi. Đó là lẽ đương nhiên. Cái dại trong tình yêu chỉ một mình biết một mình mình hay, chớ bày tỏ cùng mọi người cũng chẳng ích gì. Thôi thì, cứ hát một mình, ai hiểu được chừng nào hay chừng nấy, ai thông cảm, đồng cảm thì cứ hát cho bớt nỗi đau tình. Coi như tình yêu có chỗ trong lòng thiên hạ. Bởi tình yêu giờ chẳng còn, chỉ là sự cách xa, chia lìa đôi lứa. Có chăng chỉ là dư âm của cuộc tình đã lỡ và lời cầu chúc ai kia hạnh phúc:

Nghìn trùng xa cách đời đứt ngang rồi

Còn lời trăn trối gửi đến cho người…

Nghìn trùng xa cách người cuối chân trời

Đường dài hạnh phúc, cầu chúc cho người.

(Nghìn Trùng Xa Cách)

Người đời thường nói không có cái dại nào giống cái dại nào. Điều đó đúng với cái dại tình trong nhạc Phạm Duy. Bởi cái dại tình trong nhạc Phạm Duy đẹp ở chỗ cứ vương hoài cuộc tình của tuổi thư sinh. Cái dại tình ấy đáng yêu làm sao! Ai từng qua cái dại tình ấy? Có nhiều lắm, Cái dại ấy của những ai từng cắp sách đến trường, của những ai từng đếm bước chân của mình trên con đường bình yên và của những ai một thời say đắm yêu nhau:

Con đường mộng hoa xưa, vẫn từng đôi từng lứa

Con đường vào mộng mơ, con đường mặn mà

Hỡi người tình Văn Khoa, bóng người trên hè phố

Lá đổ để đưa đường, hỡi người tình Trưng Vương

Hỡi người tình Gia Long, hỡi người trong cuộc sống

Con đường này xin dâng cho người bình thường

Hỡi người tình xa xăm, có buồn ra mà ngắm

Con đường thảnh thơi nằm nghe chuyện tình quanh năm.

(Con Đường Tình Ta Đi)

Có cái dại tình nào hơn khi trả hết những gì khi yêu nhau? Nào là trả lại khung trời đại học thuở yêu nhau, trả lại những buổi chiều vương vấn tình, trả lại những bước chân tìm nhau vồi vội, nào là trả lại hết khoảng trời mùa hạ vấn vương nỗi buồn cư xá, trả lại cả giọt mưa trên má, trên tóc, trên cả dáng hiền hòa. Trả lại tất cả: hẹn hò đôi lứa và cả môi mềm dịu ngọt cho em:

Trả lại em yêu mối tình vời vợi

Ngôi trường thân yêu, bạn bè cũ mới

Đừng buồn anh đi bao giờ cho tới?

Nỗi đau cao vời, nỗi đau còn dài

Trả lại em yêu! Trả lại em yêu!

Mây trời xanh ngắt…

(Trả Lại Em Yêu)

Ngoài ra Cái Tôi đa tình còn được thể hiện bởi cái tình đam mê, nồng cháy. Cái tình đam mê, nồng cháy ấy là một phần của Cái Nó được điều chỉnh, bởi theo Freud thì “Cái Tôi chính là bộ phận của Cái Nó đã được điều chỉnh bởi tác động trực tiếp từ thế giới bên ngoài”. Do thế, không thể không đam mê, nồng cháy khi tình tay trong tay, môi trong môi, khi anh cùng em đi vào cõi mộng, khi anh rước em lên đồi tiên có cỏ mềm đọng giọt sương trinh nguyên chờ nắng sớm cho tình thơm như cỏ hồng, tình ngoan như tình nồng. Và cái tình đam mê, nồng cháy ấy để cho đất trời chứng giám:

Níu em trên đồi, cỏ thơm mùi sữa

Níu em yêu ngồi trên bãi cỏ non

Giương đôi tay ôm thân tròn ơn mưa móc

Hãy xõa mái tóc, rũ trên vai anh mòn

Đồi quen quen, cỏ ngoan ngoan, tưởng mơn man làn tóc rối mềm

Rồi nghe thêm lời van xin

Từ trong tim hoặc dưới suối tiên, ngã êm êm trên cỏ hoang

Trời trong em, đồi choáng váng, rồi run lên cùng gió bốn miền.

(Cỏ Hồng)


Tác phẩm nghiên cứu "Phạm Duy và lời ca lắng đọng" của nhà văn Phan Trang Hy 

Cái tình đam mê, nồng cháy ấy có khác chi cánh phượng hồng rực rỡ khoe màu tình ái vang lên tiếng yêu đương thổn thức của con tim mù lòa bằng tiếng nói đơn sơ, bằng gió núi qua khe, bằng cơn mơ rụt rè, bằng tiếng hát yêu tinh của loài ma quái:

Yêu người, yêu có một lần thôi

Xin yêu, dù gian dối

Xin yêu tôi, dẫu nghi ngờ

Khi bơ vơ còn nhiều

Thì đâu chối bỏ tình yêu.

(Phượng Yêu)

Và đam mê, nồng cháy hơn trong tình yêu là được sống cho nhau, dâng hiến cho nhau như mùa hè nung tình yêu lửa cháy, thiêu đốt cả đất trời để con tim tỏa nắng nhuộm hồng cả trăng sao. Tình yêu lên ngôi, tình yêu làm đất trời tỉnh giấc, đưa đôi lứa yêu nhau như thuở hồng hoang. Địa đàng bừng dậy:

Mùa hè thiên nhiên như tỉnh giấc

Mùa hè đưa ta tới hồng hoang

Trần truồng yêu nhau trong trời đất

Mùa hè của uyên ương.

Đôi ta chỉ có một mùa hè thôi

Đôi ta chỉ có một cuộc tình thôi…

(Hạ Hồng)

Cái Tôi trong lời ca của Phạm Duy còn nhiều lắm. Nhiều như di sản âm nhạc của ông để lại cho đời. Nhiều như những đắng cay, tủi nhục, những hạnh phúc, sướng vui… đi qua đời ông.

Qua một số ca từ thể hiện Cái Nó, Cái Siêu Tôi, Cái Tôi, một Phạm Duy còn lại cho đời là vậy!

Xin mượn lời của ông để kết thúc bài viết này: “Dù sao tôi cũng đang sống một cuộc đời phỉ nguyện. Tôi đã có đầy đủ vinh quang và tủi nhục (vì một sì-căng-đan về tình), hạnh phúc và khổ đau. Tôi cũng nói khá nhiều về cái chết. Coi như đã được sống tới tận cùng của cuộc sống…” (Một Đời Nhìn Lại – Ngàn Lời Ca).

Phan Trang Hy