VĂN HÓA

Văn Cao, người nghệ sĩ đa giác quan

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 28-10-2019 • Lượt xem: 4065
Văn Cao, người nghệ sĩ đa giác quan

Văn Cao luôn là một ấn tượng mạnh mẽ trong tôi. Bởi ông, người nghệ sĩ đa-giác-quan. Cách tôi hình dung, nghĩ và thầm gọi riêng về ông như vậy. Văn Cao sáng tác không nhiều, nhưng đa dạng và ở mỗi thể loại ông đều có những tác phẩm hoàn hảo. Nói cách khác tất cả đều được ông chiêm nghiệm đúng mực và khai thác hết chiều sâu. Những bài thơ, bài hát hay tranh của ông mà tôi có dịp tiếp cận như toàn bích. Nó luôn tạo một độ rung chấn sâu xa về mặt thưởng thức.

Tin, bài liên quan:

Ghi chú mới về nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn (Kỳ 1)

Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến và liveshow ‘Tiền Duyên’

“Mặt trời soi vết thương yêu” từ tâm hồn đến trái tim

Tôi gặp nhạc sĩ, nhà thơ, họa sĩ Văn Cao lần đầu vào tháng 8/1991 khi ra Hà Nội nhận giải thưởng "Tác phẩm Tuổi xanh" của báo Tiền Phong. Đây là giải thưởng văn chương đầu tiên của tôi. Thành thử nhớ Hà Nội, tôi lại nhớ tới ông. Ông cũng chính hồn dân tộc Việt khi là tác giả của Quốc ca. Ông là nhạc sĩ duy nhất có bài hát mà mọi người dân Việt Nam đều biết, thuộc. Một niềm vinh dự duy nhất, hiếm thấy! Tuy vậy ông còn là một nhạc sĩ quan trọng của nền tân nhạc Việt với những ca khúc bất hủ như Thiên thai, Suối mơ, Bến xuân, Trương Chi… Thời gian càng trôi xa càng in đậm chiếc bóng vĩnh hằng của ông.

Nhạc sĩ, Thi sĩ, Họa sĩ Văn Cao

Nói về thơ, Văn Cao cũng là thi sĩ nổi tiếng với những bài thơ mang âm hưởng cách tân, hiện đại như: Chiếc xe xác đi qua phường Dạ Lạc, Thời gian, Trôi, Ba biến khúc tuổi 65, Năm buổi sáng không có trong sự thật… Đặc biệt là tiểu luận “Một vài ý nghĩ về thơ” ông viết từ năm 1957 đến nay vẫn mới mẻ, hết sức độc đáo: “Người ta yêu những người cố mở đường mà thất bại, yêu những người thất bại mà dám mở đường. Con đường lớn nhất là mở cho tất cả những giấc mơ, những khát vọng thuộc về sự sáng tạo của con người…” “Cuộc đời và nghệ thuật của nhà thơ phải là những dòng sông lớn, càng trôi càng thay đổi, càng trôi càng mở rộng…”.

Vì những quan niệm mới, tự do và quyết liệt này theo nhiều nhà nghiên cứu cuộc đời ông cũng truân chuyên, lắm nỗi phong trần. Một thời gian dài các tác phẩm của ông gần như đông kín và ít được nhắc tới. Ông lui về sống lặng lẽ, nương tựa vào tình yêu với người bạn đời của mình. Đó là điểm xuất phát đặc biệt của bài thơ “Khuôn mặt em” của Văn Cao tôi rất thích, ám ảnh và đã phổ nhạc.


“Giữa những ngày dằng dặc

Chỉ còn khuôn mặt em

Sáng trong và bình lặng

Dù hai đứa chúng ta

Chưa lúc nào vui sướng

Những ngày đau khổ ấy

Khuôn mặt em như mảnh trăng những đêm rừng cháy…”


*

Cũng kể thêm về lần gặp nhạc sĩ Văn Cao và giải thưởng “Tác phẩm Tuổi xanh” lần thứ Nhất của báo Tiền Phong. Buổi sáng hôm ấy chúng tôi tụ tập ở báo Tiền Phong thì tình cờ gặp nhạc sĩ Văn Cao. Ông đến toà soạn do một người con trai chở đi. Bấy giờ nhìn ông đã yếu lắm. Giai đoạn đó trên tờ Tiền Phong Chủ nhật có một bài viết đặt vấn đề hình như đã có hai tác giả cùng viết bài hát nổi tiếng “Tiến quân ca” chứ không phải chỉ một nhạc sĩ Văn Cao như mọi người vẫn biết từ trước đến nay. Nhân vật đòi “đồng sở hữu” phần lời của bài hát nổi tiếng này có trưng ra vài văn bản in bài hát đã lâu có đề tên ông ta ở phần lời và Văn Cao ở phần nhạc.

Chân dung Văn Cao

Vào dịp ấy tôi không quan tâm nhiều lắm vì tôi nghĩ Văn Cao không cần chứng minh ông là tác giả vì ai cũng biết ông là người sáng tạo viết ra! Kẻ kiện tụng ông, muốn được ké phần, xiển dương mới cần làm việc này.
Và sau đó lịch sử và các nhân chứng đã trả lời chỉ một mình Văn Cao - duy nhất chỉ một mình ông - là tác giả của "Tiến quân ca", bài hát bây giờ là Quốc ca Việt Nam.
Buổi gặp gỡ tình cờ, Văn Cao biết chúng tôi là những cây viết trẻ từ nhiều miền khác nhau trên đất nước về Hà Nội nhận giải thưởng “Tác phẩm Tuổi xanh” ông vui. Ông nói, các bạn tuổi mười tám, đôi mươi mà đã có tác phẩm được in, đoạt giải thưởng là một niềm vui lớn! Trong sáng tạo, tuổi trẻ thường mạnh dạn tìm tòi, bộc lộ cái tôi của mình chưa bị khuôn khổ nên thường có những tác phẩm độc đáo.

Văn Cao còn kể là ngày trẻ, khởi đầu ông viết văn, làm thơ nhưng hoàn toàn mất "tăm tích" không ai biết. Sau này khi những “Suối mơ", "Thiên thai", "Bến xuân"... ra đời mọi người mới biết đến cái tên nhạc sĩ Văn Cao. Như vậy, ông đến với thi ca văn chương sớm hơn làm nhạc và vẽ tranh. Nhưng chính âm nhạc đã kết duyên để làm ông nổi tiếng nhất. Thể nghiệm mình với nhiều thể loại như vậy bởi tuổi trẻ nhiều năng lượng, giàu mơ ước và khát vọng.

*

Tượng Văn Cao của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng (trái sang) đặt trong Vườn Điêu khắc của ông ở Đà Lạt (Ảnh: Hoàng Thu An)

Lần gặp gỡ khó quên ấy với Văn Cao, người nhạc sĩ thiên tài đã tạo cho tôi những suy nghĩ đa chiều. Đó là những lát cắt mâu thuẫn về hình ảnh đối kháng, giằng xé từ góc nhìn phản biện, quy chiếu sáng tạo. Ví như hình hài tiều tụy, mảnh khảnh, bé nhỏ của ông đối lập hoàn toàn những gì ông viết, vẽ, tư duy. Ông không chỉ là một nhạc sĩ lớn mà còn là một thi sĩ, họa sĩ, hiệp sĩ. Ông viết tiểu luận, vẽ minh họa sách, báo rất độc đáo. Lấy đâu ra nội lực sáng tạo lớn lao trong sắc vóc nhỏ bé, khiêm tốn ấy?

Và bây giờ xin kể về kỷ niệm của tôi khi phổ nhạc bài thơ “Khuôn mặt em” của Văn Cao.
Tôi thích đọc thơ Văn Cao. Hơn hết và trên hết, ông là thi sĩ trí tuệ, tự do. Tiên tri hay dự báo được nhiều điều về thời đại đang sống và sẽ tới!

Tập "Lá" là thi phẩm đầu tiên tập hợp khá đầy đủ những bài thơ hay nhất của Văn Cao được xuất bản trở lại sau vụ Nhân văn Giai phẩm.

Ở tập này tôi tìm thấy bài thơ "Khuôn mặt em" của ông.

“Trên đường đi anh đặt em bên đồng cỏ

Thấy đẹp mãi màu xanh cỏ dại

Trên đường đi

Anh đặt em trên dốc núi

Để tìm lại những đường mềm của núi…”

Bài hát "Khuôn mặt em" phổ thơ Thi sĩ Văn Cao của Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh

Tôi rất hiếm khi phổ thơ trừ khi đó phải là một bài thơ hay, dữ dội. Đôi khi, chúng ta quá kính trọng một tài năng, một nhân cách và bằng cách này hay cách khác chúng ta mong muốn họ hiện diện trong tâm thức nghệ thuật của mình. Với tôi, hai ca khúc tôi phổ thơ Hàn Mặc Tử và Văn Cao đều như vậy!…

“Trên đường đi khuôn mặt em làm giếng

Để anh tìm lấy đáy ngọc châu…”

Phổ thơ với tôi còn là một phát hiện cho thấy chiều kích khác của cuộc sống. Cái cuộc đời chảy như nhiên bao ngày cứ ngỡ đã nhàm nhạt tình cờ một thi tứ vụt hiện. Như hoa nở trên đá. Bài thơ “Khuôn mặt em” của Văn Cao với tôi chính là vậy.

Sau những gian nan, nguy khốn hiểm trở, Văn Cao đã tìm thấy “bến xuân” an bình bên tình yêu của ông. Đó là “khuôn mặt em”, gương mặt người tình chung thủy theo ông bao năm tháng cho đến khi mất.

“Ôi khuôn mặt sáng trong và bình lặng

 Tôi được đầu tiên và còn lại cuối cùng”…

Ca khúc này tôi viết khi là sinh viên Đại học Tổng hợp, năm 1993. Nhưng phải ôm ấp, chỉnh sửa mãi đến hơn mười lăm năm sau mới ưng ý. Như một kỷ niệm đẹp của tôi khi nhớ về ông.
Ca khúc "Khuôn mặt em" phổ thơ Văn Cao được ca sĩ Thành Đạt trình diễn thành công lần đầu tiên trong đêm nhạc “Sài Gòn Paris mưa đến ngàn sau - Những tình khúc Nguyễn Hữu Hồng Minh ” tổ chức tại Sài Gòn tháng 1/2016. Sau đó, Thành Đạt đã ghi âm và hát trong nhiều chương trình khác.