VĂN HÓA

Ghi chú mới về nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn (Kỳ 1)

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 07-10-2019 • Lượt xem: 6011
Ghi chú mới về nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn (Kỳ 1)

Cuộc đời của những nhạc sĩ tài danh mở đầu hay có những đóng góp quan trọng cho nền tân nhạc Việt Nam như Đặng Thế Phong, Đoàn Chuẩn, Văn Cao, Phạm Duy, La Hối… bên cạnh những tác phẩm lớn đều gắn với những huyền thoại. Hãy cùng DDVN thử “giải mã” đôi điều bí mật và tìm kiếm thêm những tư liệu mới…

Bài xem thêm:

Ghi chú mới về nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn (Kỳ 2)

Quốc Bảo, có thực 'một Sài Gòn không ký ức'?

Christophe, Bảo Chấn và nhạc Pháp ở Sài Gòn

Cao Minh Đức, guitarist có hạng của Việt Nam

Di ảnh nhạc sĩ La Hối và bài hát "Xuân và Tuổi trẻ" nổi tiếng của ông trong nhà Từ đường họ La ở phố Nguyễn Thái Học - Hội An. (Ảnh: Đông Dương)

Tháng 11 năm 2017 tôi có về Hội An để tìm kiếm tư liệu về nhạc sĩ La Hối, tác giả của ca khúc nổi tiếng “Xuân và Tuổi trẻ”. Xung quanh ca khúc này tôi cũng đã hoàn thành loạt bài ba kỳ đăng trên báo Một Thế Giới về cuộc đời và sự nghiệp ngắn ngủi nhưng rất ấn tượng của ông.

Hiện nay di ảnh ông vẫn được đặt ở nhà thờ họ La trên phố Nguyễn Thái Học - Hội An. Nếu viếng thăm các bạn sẽ chứng kiến Từ đường còn rất nhiều tư liệu xung quanh về một dòng họ lớn, vinh hiển, thành đạt, đặc biệt có nhiều đóng góp và thành tựu trong lĩnh vực âm nhạc. Cho đến hôm nay con cháu La Hối vẫn còn nối tiếp truyền thống cha ông, vẫn hoạt động âm nhạc và xây dựng nên những tên tuổi mới.  Họ La cũng là một dòng họ lớn có công đóng góp và xây dựng nên văn hóa Hội An ngay từ những ngày đầu tiên.

Để tường tận cuộc đời của nhạc sĩ La Hối và những trước tác của ông mời bạn đọc loạt bài trên. Còn ở trong bài viết nhỏ này tôi muốn ghi chú thêm về một trong những người học trò rất thành công của nhạc sĩ La Hối nhưng rất ít người biết, đó chính là nhạc sĩ tài danh Lê Trọng Nguyễn. Đây là phần tư liệu tôi tìm thấy trong quá trình nghiên cứu, tìm kiếm, truy xét các tư liệu và trực tiếp đi thực tế.

Nhạc sĩ La Hối có mở lớp dạy nhạc không?

Có một điều khá lạ trong cuộc đời rất trẻ của mình La Hối đã để lại rất nhiều dấu ấn. Ông sinh năm 1920 tại Hội An trong một gia đình gốc Quảng Đông (Trung Quốc) đã định cư nhiều đời tại Việt Nam. Ngay từ nhỏ ông đã thể hiện năng khiếu về âm nhạc. Trong những năm 1936 - 1938 nhạc sĩ có vào học ở Sài Gòn, thời gian này ông trau dồi âm nhạc cổ điển phương Tây. Năm 1939, ông về Hội An và cùng các bạn của mình thành lập Hội yêu Nhạc (Société Philharmonique) do ông làm hội trưởng.

Bên cạnh đó, ông có mở lớp dạy nhạc cho một số bạn bè, người yêu nhạc. Trong số đó có nhiều người theo học và sau này trở thành nhạc sĩ nổi tiếng không thua gì thầy của mình. Một trong những gương mặt nổi trội đó chính là nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn. Điều này trên từ điển Wiki có ghi nhận.

Chân dung nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn (Ảnh gia đình NS cung cấp cho Nguyễn Hữu Hồng Minh).Bài hát "Nắng chiều" nổi tiếng của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn.

Tuy vậy, câu hỏi đặt ra là Lê Trọng Nguyễn có học La Hối không và giai đoạn nào? Bởi vì giữa hai ông không cách quãng tuổi tác là mấy. Chính xác, Lê Trọng Nguyễn sinh năm 1926, nhỏ hơn La Hối 6 tuổi. Lúc nhạc sĩ  bị hiến binh Nhật bắn chết tại núi Phước Tường vào năm 1945, ông tròn 25 tuổi.

Về cái chết của La Hối từ điển Wiki có làm rõ như sau:

“Năm 1945 La Hối gia nhập và trở thành một trong những người lãnh đạo một tổ chức chống phát xít Nhật. Ông cùng các đồng chí in truyền đơn, nổ bom, phá đường, phá cầu, tập kích quân đội Nhật. Tháng 5 năm 1945, La Hối và 10 đồng chí bị hiến binh Nhật bắt. Sau khi bị tra tấn tàn nhẫn tất cả bị xử bắn chôn chung một mộ tại chân núi Phước Tường, nay đã được cải táng về Nghĩa trang Chống phát xít Nhật ở Hội An. Khi ấy ông vừa mới 25 tuổi…”.

Nguyễn Hữu Hồng Minh trước tượng đài tưởng niệm nhạc sĩ La Hối và đồng đội ông bị Hiến binh Nhật sát hại khi ông mới 25 tuổi. Hội An, tháng 11.2017.

Tôi đã mất cả một buổi giữa phố cổ để lần tìm ra được khu mộ tập thể cải táng từ núi Phước Tường thuộc Đà Nẵng đưa về  Hội An này để thắp hương cho nhạc sĩ La Hối củng bạn bè ông  vào tháng 11.2017. Điều khá lạ lùng là nơi đây cũng thuộc một địa danh lịch sử nhưng hình như lâu nay cũng không ai thăm viếng chăm sóc. Cỏ cây mọc rễ bò lan man, có nơi lau sậy mọc lút đầu người. Giống hệt như chưa hề tồn tại vậy! 

Liệu nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn có phải học trò của nhạc sĩ La Hối?

Như vậy, chỉ có thể thấy La Hối dạy nhạc cho Lê Trọng Nguyễn chỉ có thể xảy ra vào giai đoạn khoảng năm 1939, khi ông vừa từ giã Sài Gòn để trở về Hội An và cùng các bạn của mình thành lập Hội yêu Nhạc (Société Philharmonique) do ông làm hội trưởng.

Nhưng nếu như thế thì vào lúc này nhạc sĩ La Hối mới bước vào tuổi 19. Và Lê Trọng Nguyễn tròn 13 tuổi (?!). Điều đó liệu có hợp lý?

Nhạc sĩ Đynh Trầm Ca gặp gỡ Nguyễn Hữu Hồng Minh tại thị trấn Vĩnh Điện trên đường đi anh đi tìm tư liệu về nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn (Ảnh: Hoàng Thu An)

Để kiểm chứng điều này tôi đã tìm thêm rất nhiều tư liệu. Trong đó có những tư liệu đầu tiên được công bố từ nhạc sĩ Đynh Trầm Ca (Vĩnh Điện) và nhà nghiên cứu Trương Nguyên Ngã (Hội An).

Nhà nghiên cứu Trương Nguyên Ngã và tác giả tại nhà một nhân chứng về cuộc đời nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn ở Hội An (Ảnh: Hoàng Thu An).

(Còn tiếp)