VĂN HÓA

Ghi chú mới về nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn (Kỳ 2)

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 08-10-2019 • Lượt xem: 4313
Ghi chú mới về nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn (Kỳ 2)

Cây bút biên khảo Trương Nguyên Ngã từng có nhiều trang viết, đề tài nghiên cứu  chuyên sâu văn hóa Hội An. Đặc biệt với tân nhạc Việt Nam cụ thể qua nhiều gương mặt nhạc sĩ xuất thân từ phố Hội hay Quảng Nam như La Hối, Phan Huỳnh Điểu, Lan Đài… và nhiều người khác. Anh cho biết qua nhiều tư liệu và gặp gỡ thì đúng là Lê Trọng Nguyễn có được chỉ dạy âm nhạc từ nhạc sĩ La Hối.

Tin, bài liên quan:

Ghi chú mới về nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn (Kỳ 1)

Quốc Bảo, có thực 'một Sài Gòn không ký ức'?

Christophe, Bảo Chấn và nhạc Pháp ở Sài Gòn

Cao Minh Đức, guitarist có hạng của Việt Nam

Lê Trọng Nguyễn và bạn bè từng được La Hối hướng dẫn 

“Có thể việc học nhạc thời gian này không thành từng khóa lên lớp lấy tiền như bây giờ mà vì sự đam mê người đi trước biết gì sẽ chỉ vẽ thêm cho người sau. Tình yêu âm nhạc xóa hết khoảng cách tuổi tác...”. Tìm hiểu thêm tư liệu thì thấy từ những năm 1936 La Hối có từ giã gia đình vào học nhạc ở Sài Gòn, đặc biệt trau dồi âm nhạc cổ điển phương Tây. Đến năm 1939, ông quay về Hội An và cùng một số bạn bè thành lập Hội yêu Nhạc (Société Philharmonique) do ông làm hội trưởng. Như thế chứng tỏ trình độ của ông cao hơn hẳn. Một tư liệu khác tôi tìm được trong từ đường của họ La trên phố Nguyễn Thái Học, không chỉ nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn mà còn một vài nhạc sĩ khác sau này khá nổi tiếng bấy giờ như nhạc sĩ Dương Minh Ninh (tác giả ca khúc Gấm vàng), nhạc sĩ Lan Đài (tác giả Chiều tưởng nhớ)... đã từng được La Hối hướng dẫn âm nhạc.  

Chân dung nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn (Ảnh gia đình NS cung cấp cho Nguyễn Hữu Hồng Minh)

Cũng dò tìm từ nhiều nguồn khác nhau, tôi lại biết thêm một điều thú vị sau nhạc sĩ La Hối đến thế hệ Lê Trọng Nguyễn chính ông cũng có một số “đệ tử”, học trò âm nhạc của mình. Hai trong số những người đó sau này thành danh, cũng có tên tuổi là nhạc sĩ Đynh Trầm Ca với ca khúc “Ru con tình cũ” và nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển với “Thu hát cho người”.

Câu chuyện của thầy qua lời kể của trò

Nhạc sĩ Thanh Trang (trái) và Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn

Trong một chiều cuối năm, trên đường từ Hội An ra, tôi ghé thị trấn Vĩnh Điện tìm đến thăm Thạch Trúc Viên là quán cà phê hay “trạm dừng” chân của “Khúc ca trôi dạt” tên một bài thơ nổi tiếng họ Đynh.

Trôi

trôi

và trôi…

ta dần xa bến cũ

mấy mươi năm gió nhớ thổi mù trời

vẫn muốn chở về sông mẹ những nguồn vui

dù ta chỉ nở được

hoa tím nhạt

 

Đi

như là trôi

tựa đóa mây nở trên trời luân lạc

có mong gì người nhìn ngắm phút giây

trong lang thang mây cứ nở đời mây

rồi tan loãng giữa vô cùng

bát ngát

 

Trôi

trôi

trôi…

bềnh bồng theo tiếng hát

(Phương Nam khúc ca trôi dạt của khóm lục bình)

Nổi tiếng tài hoa cả thơ và nhạc, Đynh Trầm Ca lại có một cuộc đời trôi dạt như rong rêu cuốn về biển. Thân phận lớn lên trong chiến tranh, ông bị cuốn theo cơn lốc thời cuộc. Cả tuổi trẻ lưu lạc hết miền Đông rồi miền Tây. Không chứng minh nhân dân, không hộ khẩu thường trú. Ăn bờ ngủ bụi. Bám vào mấy câu thơ, bài nhạc để treo căng mình lên đu đưa cheo leo tồn tại. Nghệ thuật có ma mị. Nó đổ ra trên bàn tay người nghệ sĩ toàn thuốc đắng ảo tưởng. Nhưng uống vào lại đà đắm, đa đoan, đam mê. Cứ thế thân xác rã rời vật vã theo năm tháng.

Nhạc sĩ, nhà thơ Đynh Trầm Ca, nhà phê bình Đặng Tiến (Pháp) và hai nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, Nguyễn Văn Gia

Tài hoa như Đynh Trầm Ca từ mười sáu tuổi đã viết ca khúc đầu tay “Ru con tình cũ” được ca sĩ Lệ Thu hát thu dĩa đầu tiên. Bài hát với những ca từ ám vào số phận ông ngay từ những ngày trẻ tuổi: “Xin một đời thôi tiếc thương nhau/ Xin một đời ngủ yên dĩ vãng/ Kỷ niệm nào ghi dấu trên tay/ Cho lòng này dài những cơn đau…”. Bây giờ ông bỏ phương Nam sau lưng mình trở về quê nhà Vĩnh Điện, nơi sinh ra lớn lên, sống chiêm nghiệm, thanh thản sau cuộc đời giông bão. Có một góc nhỏ quê hương như ông để trở về như thế cũng gọi là phúc, là may mắn.

Nhạc sĩ Đynh Trầm Ca chia sẻ: “Tôi là học trò của thầy Lê Trọng Nguyễn. Có một thời gian thầy đứng lớp ở trường trung học Nguyễn Duy Hiệu - Điện Bàn. Thỉnh thoảng nói chuyện âm nhạc, thầy cũng có kể là từng theo học nhạc sĩ La Hối. Thầy nói rất tiếc là nhạc sĩ La Hối mất quá trẻ chứ ông là một tài năng lớn. Cũng theo thầy, La Hối ngoài ca khúc nổi tiếng “Xuân và Tuổi trẻ” thì còn nhiều tác phẩm khác. Ví dụ như một bài mà thầy nhớ tên là “Xuân sắc quê hương”. Sau khi La Hối mất, phần vì sợ liên lụy (vì ông tham gia tổ chức chống Phát xít Nhật bị hiến binh Nhật bắn), phần cũng không hiểu hết giá trị của các tác phẩm nên có thể gia đình không dám lưu giữ. Theo thời gian ngoài ca khúc “Xuân và Tuổi trẻ” những bài hát khác của ông không thấy ai nhắc đến nữa…”.

Trường Nguyễn Duy Hiệu - Điện Bàn - Thị trấn Vĩnh Điện, ngôi trường nổi tiếng của Quảng Nam

Từ câu chuyện với nhạc sĩ Đynh Trầm Ca, trở về Đà Nẵng, tôi tìm thêm được một số thông tin Lê Trọng Nguyễn từng học ở Hà Nội trong khoảng 1942 đến 1945, thời gian đó ông có làm bạn với nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát. Trước 1954, Lê Trọng Nguyễn từng phụ trách âm nhạc cho toàn thể Liên khu Năm (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên), nhưng sau đó ông rời bỏ và về cư trú tại Hội An.

Ca khúc "Nắng chiều" bản in rời năm 1971. Tái bản lần thứ 10 tại Sài Gòn

Lê Trọng Nguyễn có dạy âm nhạc tại trường trung học Nguyễn Duy Hiệu. Sau khi theo học hàm thụ trường École Universelle của Pháp, ông tốt nghiệp và trở thành hội viên của SACEM - Hội Nhạc sĩ Pháp (La Société des auteurs, compositeurs et éditeurs de musique) với một số tác phẩm, trong đó được biết đến nhiều hơn cả là bản Sóng Đà giang (Đà giang trong bài hát là dòng sông Thu BồnQuảng Nam).

Tuy nhiên, phải thấy Sóng Đà giang hay những ca khúc khác của Lê Trọng Nguyễn đều không nổi tiếng bằng ca khúc Nắng chiều.

Vậy bài hát “Nắng chiều” được viết như thế nào? Có phải là tác phẩm nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn thực sự ưng ý không? Và vì sao nổi tiếng đến như vậy?

(Còn tiếp)