Duyên Dáng Việt Nam

Cờ vây, không chỉ là một môn thể thao giải trí

Phan Ngân • 03-01-2018 • Lượt xem: 7816
Cờ vây, không chỉ là một môn thể thao giải trí

Xuất hiện từ khoảng 3000 đến 4000 năm trước, cờ vây là môn cờ bảng tồn tại lâu nhất trong lịch sử. Một phần vì sự đơn giản trong luật lệ và cách chơi, cũng như giá trị tinh thần mà nó mang lại.

Sự tối giản độc đáo mang lại vẻ đẹp rất gần gũi cho bộ cờ vây - Ảnh: Internet

Bắt nguồn từ Trung Hoa cổ đại và được lan rộng ra thế giới, hiện nay quốc gia đứng đầu thế giới về số lượng chơi cờ vây là Nhật Bản, môn cờ này không chỉ là một môn thể thao giải trí, mà nó còn được xem như một phần văn hoá Nhật Bản và ẩn chứa rất nhiều ý nghĩa.

Cờ vây rất dễ chơi, ai cũng có thể học được. Tuy nhiên để chơi giỏi đòi hỏi sự rèn luyện và mài dũa rất nhiều năm. Một bàn cờ vây có 19x19 đường kẻ ngang, dọc, giao nhau tại 361 điểm tượng trưng cho một năm âm lịch. Các quân cờ có 2 màu trắng, đen tượng trưng cho âm và dương. Bốn góc của bàn cờ sẽ là 4 mùa xuân, hạ thu, đông. Trên một bàn cờ rộng lớn sẽ có 9 điểm chấm đen, gọi là các “sao”, để giúp “soi đường” cho các kì thủ dễ nhận diện ván cờ hơn.

Hikaru no Go, bộ truyện tranh Nhật Bản gối đầu giường của những người yêu thích cờ vây khắp Việt Nam - Ảnh: Pinterest

Để chơi một ván cờ vây, đòi hỏi sự tập trung cao độ cũng như chiến thuật, tầm nhìn của người chơi. Đây không phải là môn cờ mà 2 bên đối thủ phải “giết” quân của nhau như cờ vua, cờ tướng. Chơi cờ vây, mục đích cuối cùng là chiếm đất, bao vây quân của đối thủ. Công việc của một kì thủ không phải là đặt bẫy, giết quân mà là thiết kế, xây dựng và dàn trận.

Cùng một lúc phải tính toán cho nhiều đám quân nằm rải rác trên một bàn cờ 361 điểm đòi hỏi nhiều kinh nghiệm chứ không phải là việc có thể học được trong ngày 1, ngày 2. Thế nên chơi cờ vây, ngoài học được sự tập trung cao độ, người chơi còn có khả năng sử dụng não bộ để suy nghĩ với cường độ cao trong thời gian ngắn. Có lẽ vì thế mà ngay trong đại học Tokyo (được ví như Harvard của Nhật) có rất nhiều kì thủ mạnh.

Cờ vây rất tốt để dùng rèn luyện khả năng tập trung và kích thích phát triển trí não ở trẻ nhỏ - Ảnh: Vietnamchess

Triết lý âm dương trong cờ vây được áp dụng rất toàn diện và khéo léo, một ván cờ không chỉ là một cuộc chơi, nó còn thể hiện bản tính, cách đối nhân, xử thế của người cầm cờ. Một người đi những nước nhỏ, tham lam ăn quân của đối thủ mà không có tầm nhìn rộng ra toàn diện, sẽ khó có cơ hội thắng được ván cờ.

Học cờ vây ban đầu rất dễ, do không có nhiều luật lệ và các quân cờ đều ngang bằng, không có vua hay tướng. Bạn có thể bắt đầu học bất cứ lúc nào, và chơi thử bất cứ ở đâu, có thể khó trở thành "kì thủ" nhưng cờ vây cũng sẽ mang lại cho bạn những lợi ích bất ngờ đấy.