Duyên Dáng Việt Nam

'Cuộc chơi' có khiến người ngoài cuộc chạnh lòng?

DDVN • 05-11-2021 • Lượt xem: 442
'Cuộc chơi' có khiến người ngoài cuộc chạnh lòng?

Liên hoan Sân khấu Kịch nói 2021 vẫn diễn ra, dẫu trước đó nhiều ý kiến cho rằng nên cân nhắc lùi thời gian tổ chức, vì nhiều lý do.

Liên hoan sẽ được tổ chức từ 5-16/11, với sự tham gia của 14 đơn vị, 20 vở diễn. Các vở diễn tham gia Liên hoan sẽ được phát trực tiếp trên kênh YouTube Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam. 


Làng song sinh là vở diễn của Nhà hát kịch Hà Nội tham gia liên hoan lần này

Đoàn Kịch nói Hải Phòng khai mạc liên hoan bằng vở diễn Đường chân trời. Nhà hát Công an Nhân dân có vở Con đò của mẹ và dự kiến có thêm vở Những trái tim thành phố để tham dự liên hoan. Nhà hát kịch Hà Nội góp mặt với tác phẩm: Làng song sinh, Hà Thành chính khí.

Trong khi đó, Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ dự thi vở Điều còn lại. Tình mẹ là vở diễn dự thi của Hội Sân khấu Hà Nội. Nhà hát Tuổi Trẻ cũng là một trong những đơn vị sẽ tranh tài tại cuộc thi lần này…

Từ tháng 9/2021, việc có tổ chức liên hoan này hay không đã nhận được sự quan tâm từ dư luận, giới làm nghề. Không ít ý kiến cho rằng việc dời liên hoan là động thái cần thiết, giữa thời điểm dịch bệnh vẫn còn hiện diện, đời sống văn hóa nghệ thuật vẫn chưa thể trở lại guồng quay bình thường. Nhưng cuối cùng liên hoan vẫn diễn ra.

Việc thích nghi trong cuộc sống bình thường mới là cần thiết, nhưng trong thời điểm này, nhu cầu giải trí, đến rạp hát, sân khấu không/chưa nằm trong ưu tiên của công chúng. Việc một tác phẩm, chỉ mang dự thi, mà không có được đời sống sôi động thực sự sau đó, cũng là điều đáng để suy ngẫm. Chưa kể, một cuộc vui diễn ra trong thời điểm dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp ở một số địa phương, liệu có thực sự cần thiết? 

Liên hoan vô tình phác họa hai trạng thái đối lập của đời sống sân khấu kịch nói cả nước trong thời điểm hiện tại. Nơi tăng tốc, nhộn nhịp, nơi đìu hiu, dửng dưng. Hẳn bức tranh với sự phân cách biệt lập này là điều không ai mong muốn, nay càng được tô đậm. 

Mục tiêu được đề ra của liên hoan là phát hiện những tìm tòi, sáng tạo mới trong lao động nghệ thuật, phương pháp sáng tạo, từ đó tìm ra các giải pháp và phương thức hoạt động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, điều kiện thực tế của mỗi đơn vị. Nhưng mục tiêu này có thể đạt được hay không khi gần 2 năm qua, sân khấu, đặc biệt tại TPHCM gần như đứng yên tại chỗ. Nay, việc hoạt động trở lại theo con đường cũ vẫn còn là chuyện không ít nghệ sĩ trăn trở thì tìm đâu những điều cao xa hơn nữa. Thực tế và kỳ vọng đang có khoảng cách rất lớn.

Thường, tại các kỳ liên hoan sân khấu kịch toàn quốc, sân khấu tại TPHCM và khu vực phía Nam sẽ chiếm từ 30-50% số lượng đơn vị tham dự. Riêng tại TPHCM, phần lớn là các đơn vị xã hội hóa, với những đặc thù rất riêng, góp phần hình thành diện mạo sân khấu kịch nói Việt Nam. Nhà văn, nhà biên kịch Chu Thơm (người từng làm việc với nhiều sân khấu trên cả nước) từng nhận định những sân khấu xã hội hóa ở TPHCM luôn sôi động, tìm cách gần khán giả, thị trường nhất có thể. Vì thế, ông cho rằng liên hoan cần làm sao để những sân khấu này tham gia nhiều nhất có thể.


Tại TPHCM, nhiều sân khấu xã hội hóa gặp khó khăn trong 2 năm qua

Trong thời gian dịch bệnh xảy ra, một số đơn vị gần như khánh kiệt. Ngay khi nghe thông tin về liên hoan, cũng chẳng mấy ai mặn mà. Một số đơn vị ban đầu đăng ký dự thi, nhưng cũng nhanh chóng rút hồ sơ. 

Ngay thời điểm sự kiện sắp khai mạc (vốn được cho rằng tổ chức cho nghệ sĩ) thì nhiều ông bầu, bà bầu sân khấu - cũng chính là nghệ sĩ - tại TPHCM vẫn còn đang vật lộn với những khó khăn chất chồng thời gian qua. Ngoài sự cản trở về mặt địa lý do dịch bệnh thì tâm trí của họ cũng không thuộc về cuộc chơi này khi gánh nặng tiền nong vẫn còn hiện diện trước mắt. Điều đó lại càng cho thấy những cách biệt rõ nét giữa mô hình sân khấu công lập và xã hội hóa. 

Chuyện có tham gia liên hoan này hay không (nếu được tổ chức kỳ 2 dành cho các sân khấu phía Nam-trước 15/1/2022) trong vài tháng tới là điều không ai dám chắc, bởi tình hình hiện tại không cho phép họ có thể thoải mái đầu tư vở diễn như trước, hoặc ít nhất là nghĩ đến một cuộc vui, khi tình hình dịch bệnh chưa thật sự ổn định.


Trong khi liên hoan sắp khai mạc thì nhiều nghệ sĩ, ông bầu, bà bầu tại TPHCM vẫn đang chật vật với những khó khăn về kinh tế

Trong khi đó, Liên hoan Sân khấu Cải lương toàn quốc năm 2021 đã dời sang năm 2022, chờ tình hình ổn định hơn, thì việc liên hoan sân khấu kịch nói vẫn diễn ra, khiến nhiều người không khỏi đặt dấu hỏi. Cục Nghệ thuật biểu diễn (đơn vị tổ chức) từng cho biết mong muốn duy trì liên hoan để các nhà hát hoạt động, có chương trình phục vụ nhân dân vì thường chương trình dự thi là hay. 

Mong muốn này hoàn toàn chính đáng, đáng trân trọng. Nhưng trong khi liên hoan sắp diễn ra thì có không ít người đứng ngoài, hẳn cũng không tránh được cảm giác chạnh lòng. Ví như một gia đình, người vui, kẻ sầu não, thì cuộc vui đó liệu có ý nghĩa, tròn vẹn. Điều đó có thực sự đúng ý nghĩa của một liên hoan hay không? Chuyện này, nhiều người thấy, nhưng có lẽ con số ấy vẫn chưa đủ sức nặng để một liên hoan cần phải chọn một thời điểm thích hợp hơn chăng? 

Theo Trung Sơn/Phunuonline.com.vn