Duyên Dáng Việt Nam

Đà Nẵng- Lý Sơn khi khoảng cách không còn ngăn cách

Ngọc Quang • 22-03-2021 • Lượt xem: 1940
Đà Nẵng- Lý Sơn khi khoảng cách không còn ngăn cách

UBND TP.Đà Nẵng có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất mở tuyến vận tải khách bằng đường thủy Đà Nẵng - Lý Sơn và đề nghị xem xét, bổ sung vào danh mục các tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo trong vùng biển Việt Nam. Theo các cơ quan chức năng, việc mở tuyến đường thủy này là phù hợp, nhằm tạo sự liên kết để các địa phương cùng phát triển.

Ngành du lịch hưởng lợi

Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi Huỳnh Thị Phương Hoa cho biết: Năm 2017, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam có vào làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi về việc này. Sau đó, tỉnh Quảng Nam có văn bản đề xuất Bộ GTVT về việc cho phép mở tuyến đường thủy Cù Lao Chàm - Lý Sơn. Nay TP.Đà Nẵng đề xuất nới rộng tuyến là rất đáng mừng. Bởi một khi tuyến vận tải này đi vào hoạt động, sẽ tác động tích cực đến ngành du lịch Quảng Ngãi. Bởi chỉ có liên kết vùng mới tạo được sự phát triển lớn mạnh cho ngành du lịch Quảng Ngãi.

Một tàu cao tốc vận chuyển hành khách đến đảo Lý Sơn.“Nếu tuyến đường thủy Đà Nẵng - Cù Lao Chàm - Lý Sơn được chấp thuận, đây sẽ là sản phẩm du lịch đường biển liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam. Một khi đưa được khách du lịch từ Đà Nẵng, Quảng Nam đến đảo Lý Sơn, thì Quảng Ngãi không khó để “kéo” một lượng khách vào tham quan trong đất liền, là tiền đề để tỉnh thu hút các nhà đầu tư lớn tìm đến Quảng Ngãi, mở ra giai đoạn phát triển mới cho ngành du lịch Quảng Ngãi”, bà Hoa nói.

Trong văn bản gửi Bộ GTVT, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh thống nhất về đề xuất mở tuyến vận tải thủy Đà Nẵng - Lý Sơn và đề nghị bổ sung tuyến này vào phụ lục 1 kèm theo Thông tư số 36 năm 2019 của Bộ GTVT.

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình, việc mở tuyến đường thủy Đà Nẵng - Lý Sơn đem lại rất nhiều lợi ích. Ngành du lịch sẽ góp thêm sản phẩm mới không chỉ tốt cho du lịch Đà Nẵng, Quảng Ngãi, mà còn tốt cho du khách, người dân nói chung.

Liên kết để phát triển

Trong khi đó, các chủ tàu cao tốc đang hoạt động trên tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại tỏ ra lo lắng, bởi hiện trên tuyến có 6 tàu cao tốc đang hoạt động, với tổng tải trọng 1.228 ghế. Song, lượng khách đi lại trung bình trong các ngày bình thường chỉ từ 150 - 200 khách, nên chỉ có từ 1 - 2 tàu hoạt động, các tàu khác phải nằm bến chờ đến phiên. Riêng ngày cuối tuần, lượng khách tăng từ 500 - 700 khách, nên vẫn có 2 tàu phải ngừng hoạt động chờ đến phiên. Đối với các thời điểm như lễ, Tết, lượng khách tăng đột biến, đội tàu vẫn đáp ứng tốt. Điều đó cho thấy, năng lực vận tải đường thủy của tỉnh vượt so với nhu cầu thực tế hiện nay. Nếu mở tuyến Đà Nẵng - Lý Sơn, lượng khách sẽ giảm đi.

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi Huỳnh Thị Phương Hoa cho rằng, Quảng Nam và Đà Nẵng là hai thị trường phát triển du lịch rất mạnh. Nếu mở tuyến đường thủy Đà Nẵng - Cù Lao Chàm - Lý Sơn, thì hai thị trường này sẽ cung cấp khách du lịch cho Quảng Ngãi và ngược lại, du khách từ Quảng Ngãi đi các tỉnh này cũng sẽ tăng lên. Thay vì Quảng Ngãi đi nhiều nơi để xúc tiến, mời gọi, thì việc mở tuyến đường thủy là “đợt xúc tiến” hiệu quả nhất.

“Ngành du lịch Quảng Ngãi chưa thực sự phát triển, nên chỉ có liên kết các tuyến du lịch liên tỉnh thì mới "cất cánh" nhanh và bền vững. Liên kết để cùng phát triển là yêu cầu tất yếu. Cơ hội có mà không nắm bắt thì khó mà phát triển được. Quảng Ngãi muốn phát triển du lịch, không thể đi ngoài quỹ đạo liên kết. Vậy nên, cần thiết phải mở tuyến đường thủy Đà Nẵng - Lý Sơn. đây sẽ là cú huých để ngành “công nghiệp không khói” cất cánh”, bà Hoa khẳng định.

Nhiều "nút thắt" cần được tháo gỡ

Huyện Lý Sơn có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng, nên cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các lực lượng chức năng, tránh tình trạng phát sinh các yếu tố bất lợi gây mất an ninh chính trị, hay trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, cơ sở hạ tầng kỹ thuật của huyện Lý Sơn còn hạn chế, nhất là hạ tầng giao thông. Trên đảo chưa có cảng, bến chuyên dụng để phục vụ vận tải đường thủy. Cảng Bến Đình chỉ phục vụ cho phương tiện đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh là chủ yếu và chỉ đủ khả năng tiếp nhận đồng thời 1 tàu có tải trọng 2.000DWT, 1 tàu có tải trọng 1.000DWT và 1 tàu khách có tải trọng 400 ghế.

Báo Quảng Ngãi