Duyên Dáng Việt Nam

Đã tìm ra cách giúp các nàng dâu sống trong hòa bình với nhà chồng

Thanh Thảo • 17-07-2019 • Lượt xem: 1128
Đã tìm ra cách giúp các nàng dâu sống trong hòa bình với nhà chồng

Rất nhiều cuộc hôn nhân đã tan vỡ vì những rạn nứt với gia đình nhà chồng. Nguyên nhân đôi khi lại không phải từ người chồng mà ra mà là từ các mối quan hệ với mẹ chồng, em chồng... Bạn đã biết cách làm sao chung sống trong hòa bình với họ chưa?

Nắm rõ tình huống nào mình cần nhất

Nhiều người không hề thích làm dâu nhưng vẫn chọn cách sống chung với nhà chồng vì nhiều lý do. Nếu hình dung rõ về mục tiêu mà mình hướng tới, bạn sẽ thấy câu chuyện làm dâu của mình không phải hoàn toàn là sự ràng buộc mà vẫn có những mục tiêu để bạn hướng đến. Hãy xem bạn có thuộc vào những tình huống dưới đây không nhé:

• Sự hỗ trợ từ gia đình chồng: Sự hỗ trợ của ông bà trong việc chăm cháu sẽ tốt hơn thay vì chọn giải pháp thuê thêm người giúp việc hay bạn phải nghỉ hẳn việc để chăm con. Ở với nhà chồng cũng sẽ giúp bạn có thêm người hỗ trợ thay vì gia đình nhỏ neo người. 

• Nghĩa vụ chăm sóc bố mẹ: Nếu chồng ở vào thế là người chịu trách nhiệm chăm sóc bố mẹ thì bạn nên cân nhắc kỹ việc này trước khi muốn chung tay xây dựng gia đình. Nếu tình yêu của bạn đã đủ lớn để về sống chung với nhà chồng thì hãy nghĩ về điều đó mỗi khi gia đình có xung đột. 

• Kế hoạch ngắn hạn: Trong nhiều trường hợp, thời gian sống chung với nhà chồng chỉ là giải pháp tạm thời của hai vợ chồng. Khi ấy, bạn có thể tận dụng khoảng thời gian này để ổn định tài chính hay chăm lo cho con nhỏ trước khi ra ở riêng.

Hình minh họa

Tìm hiểu kỹ ranh giới, vị trí của mình 

Mâu thuẫn vẫn thường xuất hiện vì những xung đột quyền lợi và quyền tự do cá nhân. Do đó, điều cần thiết là bạn vẫn nên tự đặt ra những giới hạn cho mình và cùng thảo luận để tìm ra một số ranh giới giữa bạn và nhà chồng. 

Ở với nhà chồng, hãy luôn nhớ rõ rằng việc chăm con vẫn là nghĩa vụ của bố mẹ. Ông bà hay các cô chú có thể thương cháu nhưng bạn không thể thoái thác trách nhiệm của mình. Bạn chỉ nên nhờ hỗ trợ trông cháu vào một vài thời điểm nào đó mà thôi. Việc đùn đẩy trách nhiệm hay quan điểm giáo dục khác nhau sẽ dẫn đến những mâu thuẫn không đáng có, làm rạn nứt mối quan hệ của bạn với nhà chồng. 

Không những thế, dù bạn có thể đã trở thành một thành viên thân thiết trong gia đình nhà chồng nhưng cũng không nên can thiệp vào các mâu thuẫn giữa các thành viên khác. Giữa những thành viên ruột thịt với nhau vẫn có sự ràng buộc mà bạn – ở vị thế “người đến sau” – nếu cư xử không khôn khéo sẽ dễ dẫn đến những điều không hay.   

 Tự tìm cách giải quyết tình huống 

Gia đình càng nhiều người sẽ càng dễ phát sinh mâu thuẫn, ngay cả khi là những người ruột thịt với nhau. Khi gặp những tình huống khó xử, bạn nên hiểu mình không phải giải quyết tình huống dựa trên hai phía, mà hãy nghĩ đến cả tình thế của chồng. 

Khi có mâu thuẫn với mẹ chồng, nguyên tắc là đừng bắt chồng bạn phải lựa chọn bên đúng, bên sai. Có những cuộc chiến giữa mẹ chồng – nàng dâu không bao giờ là có hồi kết. Thế nên, thêm một ý kiến nữa từ người chồng dù nghiêng về bất cứ bên nào cũng sẽ thổi bùng lên ngọn lửa tức giận ở bên kia. 

Điều này có nghĩa là, bạn vẫn nên là người chủ động dàn xếp mọi mối bất hòa trực tiếp mà không phải thông qua chồng mình. Khi cảm thấy thật sự bế tắc thì hãy chia sẻ câu chuyện với chồng. Hãy đặt chồng bạn ở thế “trọng tài” chứ không nên ở vị trí “người chồng tốt” hay “con trai ngoan” để phân giải.