Duyên Dáng Việt Nam

Đại dịch COVID-19: Kết nối để phục hồi

Cẩm Tú • 08-04-2020 • Lượt xem: 1094
Đại dịch COVID-19: Kết nối để phục hồi

Tổ chức show diễn, tập gym, hẹn hò… tất cả đều được thực hiện trực tuyến qua mạng xã hội. Đại dịch COVID-19 đã phá vỡ những cách thức giao tiếp truyền thống và mở ra một thời không ngừng sáng tạo để tìm kiếm kết nối và phục hồi trong đại dịch.

Tính đến nay, trên toàn thế giới đã có hơn 1 triệu người nhiễm bệnh, 70.000 người chết, hơn 1000 tỷ USD sẽ bốc hơi, nhiều quốc gia phải đóng cửa biên giới, hàng chục triệu người phải cách ly. Sự sợ hãi, thiếu thốn, cô lập hiện lên ngày càng rõ ràng. Trong bối cảnh đó, bản năng sinh tồn đã thúc đẩy con người không ngừng sáng tạo tìm kiếm sự kết nối và khả năng phục hồi trong đại dịch.

Kết nối sáng tạo- thích nghi để tồn tại

Agustín Fuentes, nhà nhân chủng học tiến hóa ở Đại học Nortre Dame cho rằng, những gì COVID-19 mang đến cho thế giới giống như “một bộ phim khoa học viễn tưởng tồi tệ xảy ra trong đời thực”. Một quá trình tiến hóa sâu rộng đang thực sự diễn ra để đảm bảo sự tồn tại giống nòi.

“Điều thật sự quan trọng với thế giới là sự kết nối. Các dạng thức cách ly - như ở New York và Seattle, và cũng sẽ xảy ra ở hàng ngàn nơi khác trên toàn nước Mỹ - sẽ đòi hỏi con người phải liên hệ với nhau bằng nhiều cách khác”. Sáng tạo – là một điều đáng kinh ngạc làm nên sự tiến hóa của con người. Chúng ta sáng tạo để thích nghi, thích nghi để tồn tại.

Trong những ngày đầu tiên của đại dịch toàn cầu, sự sáng tạo của con người tập trung chủ yếu vào các hình thức giải khuây. Ở Trung Quốc, tâm chấn của Covid-19, quốc gia tỷ dân đã trải qua một thời kỳ đóng băng. Các khu vui chơi giải trí buộc phải đóng cửa đã chuyển sang hoạt động như một dạng “đám mây hộp đêm” thực tế ảo. Người xem có thể xem các buổi trình diễn DJ và gửi tin nhắn trên các nền tảng trực tuyến, tạo ảo giác rằng họ đang được kết nối.

Một show thực tế mới “Home Karaoke Station” giúp các ca sĩ nổi tiếng nhận tương tác với gián giả và trình diễn ngay tại nơi họ cách ly. WeChat trở thành nơi các phòng gym cung cấp các bài tập qua cho người dùng và là nơi tìm kiếm người yêu cho những người độc thân.

Tại siêu đô thị nơi Virus Corona phát tán lần đầu tiên, phụ nữ tìm đến karaoke để nâng cao tinh thần các nhóm bị cách ly. Vào ban đêm, các thanh âm của bài “Vũ Hán cố lên” hòa chung với những lời động viên nhau người Trung Quốc hô vang qua cửa sổ.

Một show thực tế mới “Home Karaoke Station”của Trung Quốc

Ở Iran, một tâm điểm khác của COVID-19, các bác sĩ và y tá tham gia vào thử thách điệu nhảy Corona Virus và đưa lên mạng các video họ nhảy trên nền nhạc sôi động trong các bộ đồ bảo hộ. Những nhân viên y tế trong khu cách ly trình diễn các bản nhạc ngẫu hứng cho các bệnh nhân cách ly. Một giáo viên lớp 3 ở tỉnh Khuzestan đã tổ chức lớp học online sau khi trường học bị đóng cửa. Với cánh tủ lạnh làm bảng viết và một cây bút xanh, cô đã viết ra các phương trình và biểu đồ, để giảng giải cách tính diện tích hình vuông, chữ nhật và tam giác. Một bức ảnh về bài học của cô giáo này đã trở nên nổi tiếng trên Twitter.

Hành vi thay đổi, đại dịch sẽ suy giảm

“Chúng ta từng trải qua rất nhiều thứ, nhưng lần này ở một quy mô chưa từng có tiền lệ” Fuentes nói. Qua thời gian, sức ảnh hưởng “cuốn tiểu thuyết” Corona có thể sâu rộng đến mức biến đổi những nghi thức và hành vi đã phát triển qua hàng thiên niên kỷ. Điều này có thể thay đổi mọi thứ từ cách chúng ta vận hành nền kinh tế đến cách chúng ta tổ chức những nghi lễ chúc mừng hay chia buồn.

Giữa năm 2013 và 2016, để ngăn ngừa thảm họa Ebola ở Tây Phi, người ta đã thay đổi một nghi thức lâu đời trong việc ma chay, đó là hủy bỏ việc chạm tay vào người chết. Từ một ca bệnh, năm 2014, xuất phát từ đám tang kéo dài 3 ngày của một thầy thuốc có uy tín trong cộng đồng ở Sierra Leone, 28 người đã mắc bệnh Ebola, 8 người đã chết.

“Virus Ebola gây ra những cái chết kinh hoàng. Bạn sẽ chỉ đơn giản là chảy máu cho đến chết,” Terrence Deacon, giáo sư nhân chủng học sinh học tại Đại học California, Berkely nhận định,:“Điều tệ nhất bạn có thể làm là chạm vào xác chết, vì thi thể họ bao phủ bởi đầy các chất dịch chứa virus Ebola. Người ta đã phải dùng đến cả súng để ngăn không cho các gia đình chạm vào xác chết”. Hành vi thay thổi, đại dịch sẽ suy giảm.

Một đám tang tại Hill station - Châu Phi – người thân chuyển từ chạm vào sang cầu nguyện cho một nạn nhân Ebola - Ảnh N Alexander - Nguồn WHO

Các truyền thống đã phát triển vì nó tương thích với sinh thái học và sinh vật học của các thời kỳ. Cuộc cách mạng lễ nghi bắt đầu từ những hành động nhỏ, không tụ tập, không đi du lịch, không tham gia các buổi họp mặt tôn giáo. Trên khắp thế giới, rất nhiều người đã thôi bắt tay, một truyền thống từng được coi là dấu hiệu của sự tin tưởng thì giờ là cách phổ biến nhất làm lây lan dịch bệnh.

Chúng ta là những chủng loại luôn cảm thấy thật khó khi không chạm vào nhau, bởi phần nhiều trong sự giao tiếp là ngôn ngữ cử chỉ. Chúng ta chưa có những quy ước về việc làm sao để ứng xử trong những tình huống như thế này.

Sau sự bùng nổ của Virus Corona, Deacon đã tham gia một hội thảo cùng đồng nghiệp ở Stanford. “Mọi người bắt đầu cúi chào và chạm khuỷu tay. Chúng tôi không biết phải làm gì. Nhưng chúng tôi biết rằng cần phải tránh bắt tay”. Con người đã phát triển các tập quán văn hóa mới, thực hành những kỹ năng mới để vượt qua đại dịch.

Khi được hỏi rằng ông có nghĩ COVID-19 sẽ đặt dấu chấm hết cho thói quen bắt tay hay không. Deacon trả lời “Có thể”. “Các hành vi được điều chỉnh bởi hoàn cảnh. Bắt tay thể hiện sự tin tưởng. Nếu hành vi đó chuyển sang đại diện cho một loại virus chết người, nó sẽ ảnh hưởng đến ấn tượng về sự tin tưởng của chúng ta.”

Sylvie Briand, giám đốc của Ban chỉ đạo Đại dịch và các bệnh truyền nhiễm của Tổ chức y tế thế giới, đã đăng tải một dòng tweet hình ảnh về “sự thay thế cho những cái bắt tay”, với dòng trạng thái nói về “khuỷu tay”, cúi chào “kiểu Thái” với hai tay chắp lại phía trước, và một kiểu vẫy tay như nữ hoàng. “Chúng ta cần thích nghi với loại dịch bệnh mới này", Briand viết.

Ở Trung Quốc, cái được gọi là bắt tay kiểu Vũ Hán, là một loại “bắt chân”, gõ giày vào nhau. Ban đầu “bắt chân” xuất hiện như một trò đùa, nhưng dần dần đã trở nên nghiêm túc. Trong một buổi lễ khánh thành cầu ở Tehran hồi tháng trước, thị trưởng và chủ tịch tỉnh đã trao đổi “nắm đấm”, một cử chỉ mà, tuy hai tay đến gần nhưng không chạm vào nhau.

Ở Châu Âu, sự thích ứng với COVID-19 thậm chí đã len lỏi vào tuần lễ thời trang. Giorgio Armani đã hủy show diễn ở tuần lễ thời trang Milan, và thay vào đó ra mắt Bộ sưu tập mùa đông trong một nhà hát trống không cho các khán giả qua mạng. Dù không hề có người xem tại rạp, ông vẫn chọn đeo khẩu trang.

Tại tuần lễ thời trang Paris, những người mẫu cho Marine Serre sải bước trên sàn catwalk trong các bộ quần áo và khẩu trang hợp mode. Những quý cô quý bà ngồi hàng đầu trong show của Dries Van Noten thì được chụp ảnh với chiếc khẩu trang trên mặt.

Ở Croatia, nhà thiết kế Zoran Aragovic thuộc nhãn hiệu thời trang BiteMyStyle, đã tạo ra những phụ kiện khẩu trang với màu sắc sinh động, được truyền cảm hứng từ truyện tranh, văn hóa nhạc Pop và các nhân vật hoạt hình Disney. Chúng giống như các phụ kiện thời trang hơn là đồ bảo hộ y tế.

Trình diễn thời trang

Kết nối để phục hồi và sinh tồn

Nhu cầu thích ứng gần như chắc chắn sẽ không dừng lại ở một liều vắc xin chống COVID-19. “Học thuyết tiến hóa của Darwin ở đây là, chúng ta ở trong một môi trường mà virus có sự biến đổi. Một dạng cúm thông thường như corona virus không ngừng biến hóa. Các loại virus là sự tiến hóa bằng hành động – trong môi trường nội tiết tố”, Deacon nói.

Trong thế kỷ 21, những sự thay đổi của con người, từ thương mại, sự di chuyển trên phạm vi toàn cầu đến thay đổi khí hậu có thể sản sinh các loại virus lây lan nhanh và xa hơn bao giờ hết.

Nhưng học thuyết tiến hóa của Darwin không hẳn luôn bàn về những điều tiêu cực, Samuel Paul Veissière, một nhà nhân chủng học tiến hóa và đồng giám đốc của Chương trình Văn hóa, Tư tưởng và Não bộ tại Đại học MacGill nói. Sự cách ly đã có từ thời kỳ đồ đá mới – như một sự dịch chuyển từ săn bắt – hái lượm sang thời kỳ canh tác tại nhà khi mầm bệnh động vật được truyền từ động vật sang người, đã sản sinh ra các bệnh truyền nhiễm và bệnh dịch đầu tiên.

Các cộng đồng cuối cùng đã phát triển hệ miễn dịch với những căn bệnh mang tính địa phương, nhưng không miễn dịch với những căn bệnh tại các vùng địa phương ngay lân cận. “Có khả năng chúng ta đã tiến hóa để phòng ngừa bệnh tật và các căn bệnh từ người lạ”. Trong hàng thập kỷ, mọi người đã trở nên cẩn trọng hơn với những mối đe dọa tiềm tàng, bởi vì “định kiến tâm lý khiến chúng ta luôn đưa ra giả thiết rằng có thể có mầm bệnh trong những người khác”.

Những xã hội hiện đại, đặc biệt ở phương Tây, không quen với những sự càn quét sâu rộng hay những nguy hiểm chết người như vậy trong thế kỷ 21. Cuộc khủng bố ngày 11/9 là một cú sốc với người Mỹ vì họ chưa từng trải qua một thử thách mang tính lịch sử đến vậy đối với sự sống và cái chết hay sự sự tồn vong của cả một quốc gia từ thời nội chiến hay cuộc tấn công Trân Châu Cảng.

 “Đã có một sự hao mòn trong khả năng tự phục hồi trong một xã hội quá an toàn. Chúng ta mất đi sự quen thuộc với những mối đe dọa”, Veissière nói. Do vậy, quá trình thích nghi với Covid-19 mới chỉ bắt đầu. Những sự ảnh hưởng của cột mốc đánh dấu này trong sự tiến hóa của loài người sẽ không chỉ dừng lại ở đây.

Tuy nhiên, con người có xu hướng trở thành một giống loài có tính vị tha và hợp tác khi gặp phải vấn đề sống còn. “Một trong những điều tuyệt vời là con người sẵn sàng chung tay khi đối diện với một thảm họa thiên nhiên”, Veissière nói. “Đó là cách chúng ta tiến hóa trong những điều kiện khắc nghiệt”.

(Theo The NewYorker)