Duyên Dáng Việt Nam

Đại dịch đã thay đổi cuộc sống của người dân Hawaii như thế nào

Mai Hương • 15-09-2020 • Lượt xem: 2527
Đại dịch đã thay đổi cuộc sống của người dân Hawaii như thế nào

Đại dịch Corona đã thay đổi hoàn toàn cách sống của người dân Hawaii, hãy cùng tìm hiểu câu chuyện của một cặp đôi mới cưới phải tập trồng trọt để tự cung cấp thực phẩm cho gia đình và câu chuyện của những nông dân Hawaii phải thay đổi để thích nghi với nền kinh tế đi xuống của một hòn vốn phụ thuộc phần lớn vào ngành dịch vụ du lịch.

Vince và Gabbi Kawasaki Wenke vừa kết hôn từ hồi tháng 2 năm nay và tiệc cưới của họ diễn ra chưa được bao lâu thì cuộc sống trên đảo Hawaii đã đảo lộn hoàn toàn vì Covid. Thử thách đầu tiên trong cuộc hôn nhân nhanh chóng xuất hiện khi cửa hàng sơn và phục chế gỗ của cặp đôi phải ngưng hoạt động vì lệnh cấm.

Với một nửa thu nhập bị cướp đi bởi đại dịch, cặp đôi mới cưới phải nghĩ ra cách xây dựng một khu vườn nhằm cắt giảm chi phí ăn uống. Họ trồng các loại rau, cà chua bi, thảo mộc và đậu với mong muốn sẽ làm giảm bớt phần nào áp lực chi phí sinh hoạt hàng ngày.

Cho đến giữa tháng 5, khu vườn của họ đã được mở rộng tới 122 mét vuông, vừa bằng kích thước ngôi nhà của họ. Với chỉ một chút kinh nghiệm trồng vườn khi mới bắt đầu, Vince và Gabbi Kawasaki Wenke đã học hỏi để canh tác đa dạng các loại rau và thảo mộc. Khi rau củ được thu hoạch, cặp đôi bắt đầu trao đổi rau củ với bạn bè, hàng xóm và những người họ gặp trên mạng xã hội.

Trong bối cảnh người dân Hawaii đang phải gồng gánh hết sức để chống đỡ khủng hoảng tài chính do Covid-19, không ít người đang phải nghiêm túc đối mặt với vấn đề thiếu thực phẩm hàng ngày.

Kết quả, nhiều người đang thay đổi cách tìm nguồn thực phẩm – nhiều người buôn bán và trao đổi thực phẩm với các tiệm tạp hóa, câu cá và săn bắn nhiều hơn, trồng vườn, tìm các nguồn thực phẩm miễn phí (giveaway) từ trang trại và mua thực phẩm bày bán trong các lều trại dọc đường, trên Instagram hay Facebook Marketplace.

Đại dịch cũng thay đổi cách nông dân bán, trong vài trường hợp là cho, trái cây mà họ trồng được.

Với khoảng đất màu mỡ từ tro núi lửa và những mùa vụ rau củ quanh năm, Vince và Kawasaki đã cắt giảm được 3 phần 4 hóa đơn mua sắm thực phẩm hàng ngày bằng cách tận dụng nguồn rau củ cây nhà lá vườn.

Những người làm vườn thông minh này trồng nhiều rau củ hơn những gì mình có thể ăn, và hàng tá rau xà lách và cải kale là đủ cho họ đổi với hàng xóm của mình hàng chồng rau ong choy hay còn gọi là bina nước, và cả những chùm vải nữa.

Cặp đôi dùng rau bina nước để làm món đậu phụ chiên và đổi một phần rau cho 2 ổ bánh mì homemade từ một người phụ nữ họ biết đến qua Facebook Marketplace. Phần rau bina cuối cùng được trao đổi với một người hàng xóm khác lấy cà rốt, rau dền và phô mai dê.

Và cứ như vậy, Vince và Kawasaki đã sử dụng rau củ không ăn hết để đổi lấy nhiều thực phẩm khác, cả thịt bò, mù tạt vàng, Cherrios, trứng tươi, thịt gà đông lạnh và mùi tây. Họ còn tạo riêng một tài khoản Instagram chuyên trao đổi đồ ăn.

Gabbi nói cô rất phấn khởi khi có thể lấp đầy ngôi nhà với đồ ăn từ khu vườn của chính mình.

Trước đại dịch, chi tiêu hàng tháng cho đồ ăn của cặp đôi lên tới 850 đô la. Đến tháng 6, họ chỉ chi 200 đô là mỗi tháng cho việc làm vườn và một vài đồ ăn thức uống mua ngoài khác như beer, đậu hũ và nấm men kombucha.

Bật chế độ “sống sót”

Nhiều người cho biết họ đang thay đổi thói quen ăn uống vì những lý do khác nhau. Đại dịch đã buộc nhiều người phải nghiêm túc suy nghĩ xem sẽ thế nào nếu những chiếc tàu biển chở hàng và máy bay vẫn cung cấp nguồn thực phẩm cho hòn đảo không thể cập bến.

Cách đất liền gần 2500 dặm, khoảng 4023 km, Hawaii phải chi tới 3 tỉ đô mỗi năm để nhập khẩu 90% thực phẩm phục vụ cho hòn đảo. Thực tế đáng lo ngại này, cộng với nền kinh tế bấp bênh vì đại dịch đã khiến cho người dân trên đảo ngày càng ủng hộ nền nông nghiệp địa phương.

Một hoạt động của Hawaii Food Bank, ngân hàng thực phẩm cho người khó khăn tại Hawaii.

Những nông dân và nhà trồng vườn chuyên nghiệp trên đảo, chịu ảnh hưởng thứ cấp từ ngành công nghiệp khách sạn và nhà hàng đang gặp lao đao, đang phải đối diện với áp lực tạo ra lợi nhuận từ những mùa màng sản xuất cho một thị trường mà giờ đây không còn tồn tại.

Theo Phó chủ tịch Quỹ phân tích đầu tư Ulupono Initiative, Jess Cooke, vấn đề nguồn thực phẩm bấp bênh trong tình hình hiện tại nghiêm trọng hơn mọi người tưởng rất nhiều. Không ai nghe đến việc nông dân phá sản và đóng cửa các trang trại, nhưng chắc chắn họ đang phải thu hẹp sản xuất. Không có lý do gì để duy trì sản lượng nếu không có đầu ra. Và tình trạng này sẽ còn kéo dài.

Nông dân Hawaii cũng đang phải xoay xở bằng cách tìm kiếm đầu ra mới, tiêu biểu là các dịch vụ giao hàng như Farm Link Hawaii và Oahu Fresh. Nhưng không có nguồn thu nào trong số này bù đắp được thị phần bị mất do việc đóng cửa toàn bộ ngành dịch vụ du lịch của hòn đảo.

Tệ hơn nữa, không ít người thậm chí không còn đủ tiền để mua thực phẩm từ nông dân địa đương, dù sản phẩm và mức giá có tốt đến mức nào. Một phần năm các gia đình Hawaii cho biết trong một khảo sát mới đây của US Census Data, họ không còn đủ đồ ăn và thức uống ít nhất trong một vài khoảng thời gian gần đây. Hơn một nửa các hộ dân được khảo sát cho biết, họ hoặc không hề tự tin hoặc chỉ tự tin một phần vào khả năng chi trả cho thức ăn từ khi được hỏi đến đầu tháng 8.

Jansen Estrada, một người đàn ông Maui bản địa 34 tuổi cho biết mình đang “trong trạng thái sống sót”. Anh vừa quay về Hawaii từ tháng trước, sau 8 năm sống tại đất liền. Covid 19 đã khiến Estrada rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Anh nhận ra giờ đây anh sẽ phải chờ đợi một thời gian trước khi có thể cầm tấm bằng Thạc sĩ Chuyên gia y tế đi xin việc và có nguồn thu nhập.

Vừa thứ 5 tuần trước, anh phải tới Keopuolani Pavillion để nhận sự giúp đỡ của các tình nguyện viên, những người tổ chức phân phát 9 tấn khoai tím miễn phí cho những người đang trong tình cảnh khó khăn vì covid. Estrada nói phần khoai tím anh nhận được sẽ giúp anh sống sót trong nhiều tuần.

Tình nguyện viên phân phát 10 tấn khoai tím một tuần cho những người thiếu đồ ăn.

Số khoai tím được phân phát miễn phí này là một ví dụ điển hình về cách nông dân địa phương thích nghi với nền kinh tế trong đại dịch, đôi khi họ phải cho đi nông sản miễn phí vì thị trường tiêu thụ bị ảnh hưởng một cách nặng nề.

Khách hàng lớn nhất của Hanalei Colleado, một nông dân nuôi lợn Maui, đã bị Covid đánh gục, khiến ông phải chuyển sang bán lợn thịt trực tiếp cho khách hàng qua một website mới. Trang trại lợn của ông, Ho’omana Farms cũng lao đao vì đại dịch, thịt bán chậm nên ông đã cho đi miễn phí số thịt trị giá hàng trăm đô la, giúp đỡ các gia đình không còn khả năng chi trả cho thực phẩm.

Colleado nói, đây không phải là vấn đề kinh doanh, ông thực sự đồng cảm với những gia đình đang gặp khó khăn vì đại dịch. Cuối cùng, một chương trình mua lại vận hành bởi Chính Phủ đã giúp Colleado phần lợi nhuận bị mất.

Một vấn đề khác nảy sinh, Colleado cảm thấy không đúng khi cho lợn ăn chế độ bình thường với khoai tím, trong khi có rất nhiều người đang không còn đủ tiền để mua đồ ăn.

Vì vậy, Colleado quyết định thay đổi thức ăn chăn nuôi từ khoai tím sang cám để có thể cho tặng miễn phí 10 tấn khoai tím mỗi tuần. Số khoai này Colleado nhận được miễn phí từ Maui’s Best, hoàn toàn thơm ngon và bổ dưỡng, nhưng quá nhỏ hoặc không đủ đẹp để bán ra thị trường.

Đại dịch Corona đã ảnh hưởng đến cuộc sống của tất cả chúng ta, gây ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế của từng đất nước nói riêng. Không ngoại lệ, Hawaii với kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào du lịch đã bị ảnh hưởng rất lớn. Nhưng người dân Hawaii đã thay đổi để thích nghi và trong những lúc khó khăn nhất, câu chuyện thích nghi của cặp đôi mới cưới và lòng nhân đạo của những người nông dân Hawaii đã phần nào truyền cảm hứng sống mạnh mẽ đến tất cả chúng ta, những người cũng đang phải đối mặt với khó khăn của riêng mình.