VĂN HÓA

 Dặn dò trẻ nhận lì xì ngày Tết sao cho phải phép

Lan Hương • 04-01-2023 • Lượt xem: 1214
 Dặn dò trẻ nhận lì xì ngày Tết sao cho phải phép

Lì xì đầu năm là phong tục đẹp từ bao đời của người Việt mỗi dịp Tết đến. Chính vì vậy, việc hiểu về ý nghĩa của bao lì xì và làm thế nào để trẻ biết nhận lì xì cho đúng với nét văn hóa là điều cần thiết trong mỗi gia đình. 

Hầu như đứa trẻ nào cũng háo hức mong chờ đến Tết, bởi Tết sẽ được mặc quần áo đẹp, được ăn nhiều món ngon, được đi chơi nội ngoại, được gặp gỡ mọi người… Và đặc biệt, Tết đến sẽ được nhận lì xì. Thế nhưng đã không ít những tình huống dở khóc dở cười xoay quanh việc trao nhận lì xì cho trẻ khiến người lớn vô cùng khó xử.

Rất nhiều trường hợp khi khách đến nhà chúc Tết là lũ trẻ lại ùa ra vòi vĩnh đòi lì xì, với những khách đã chuẩn bị trước phong bao thì không sao nhưng với những người chưa chuẩn bị sẵn hay trong túi đang hạn hẹp thì chắc chắn sẽ rất khó xử.

Hay có những bé vừa nhận được lì xì đã tò mò mở phong bao trước mặt khách và buông lời phê bình khi số tiền quá nhỏ. Lại có trường hợp bé nhận lì xì mà quên mất việc nói lời cảm ơn, hay hành động vô ý hơn là giật bao đỏ từ tay khách rồi bỏ chạy… Và còn rất nhiều tình huống trớ trêu khác nữa khiến bố mẹ của trẻ và khách đến chơi nhà đều ngượng ngùng xấu hổ.

Trẻ em háo hức khi được nhận lì xì đầu năm mới

Trẻ con như tấm gương phản chiếu của cha mẹ, mọi hành động của trẻ chỉ là bản năng, do đó chúng cần được dạy dỗ, uốn nắn ngay từ bé để trở nên những đứa trẻ biết ứng xử văn minh trong những tình huống dù là nhỏ nhất.

Bởi thế, mỗi dịp Xuân về dù bố mẹ có bận rộn đến đâu, hãy bỏ ra một ít thời gian để chia sẻ cho con trẻ hiểu về ý nghĩa tốt đẹp của việc lì xì, dạy trẻ hành xử đúng mực khi có ai đó lì xì cho mình và biết cách sử dụng tiền mừng tuổi sao cho hợp lý. Để cả người cho và người nhận đều cảm thấy vui, và đặc biệt là để phong tục lì xì mừng tuổi phát huy đúng ý nghĩa thực sự của nó trong những ngày đầu năm mới.

Để trẻ hiểu về ý nghĩa của việc nhận lì xì

Phong tục lì xì là tập quán lâu đời của các nước Á đông, việc lì xì ngày Tết bắt nguồn từ câu chuyện ông Bụt tặng cho các trẻ em những phong bao chứa các đồng xu vào ngày đầu năm mới. Với mong muốn xua tan điều xấu và ngăn chặn quỷ dữ quấy rối trẻ con khi ông Táo về trời. Các bao đỏ được đặt dưới gối và ánh sáng của đồng tiền sẽ làm quỷ dữ sợ hãi không dám bén bảng đến. Từ đó về sau, các gia đình thường tặng trẻ các phong bao lì xì tiền như thế để bảo vệ trẻ và cầu chúc cho trẻ bình an trong năm mới.

Tục nhận lì xì đầu năm là một nét văn hóa lâu đời

Cho đến nay, việc lì xì trở thành tục lệ không thể thiếu trong dịp Tết, không chỉ trong 3 ngày Xuân mà còn kéo dài cho đến hết mùng.

Trẻ cần được hiểu ý nghĩa lớn lao của việc lì xì là những giá trị tinh thần chứ không phải mang nặng vật chất. Đó chính là thể hiện sự yêu quý của người lớn dành cho trẻ, cầu chúc may mắn, bình an, mong muốn con luôn khỏe mạnh, học giỏi và vâng lời. Cùng với đó, mừng tuổi cho người cao tuổi với mong muốn cầu chúc sức khỏe, sống lâu, vui vẻ, an yên bên con cháu.

Dạy trẻ nhận lì xì ngày Tết sao cho phải phép

Việc nhận được lì xì tức là mình được người tặng nhớ đến và chúc phúc, đó chính là niềm vui và vinh dự. Còn việc số tiền trong bao lớn hay nhỏ là tùy điều kiện mỗi người, quan trọng nhất chính là giá trị tinh thần mà người tặng muốn gửi gắm, đó chính là ý nghĩa cao đẹp trong dịp đầu năm mới. Vì vậy, bố mẹ cần dặn dò trẻ về cách nhận lì xì một cách cẩn thận nhất, chính những điều nhỏ bé đó sẽ góp phần hình thành nên tính cách tốt đẹp của trẻ sau này.

Dạy trẻ cách thưa gửi

Khi có khách đến nhà chơi hoặc cả gia đình đến nhà khách dịp năm mới, trẻ cần lễ phép chào hỏi và biết chúc Tết người lớn. Bố mẹ có thể dạy bé những câu chúc đơn giản, hoặc có thể tạo ấn tượng hơn bằng một bài thơ chúc Tết đầy ý nghĩa… Những câu thơ, lời chúc cần dễ hiểu, dễ đọc để trẻ có thể thuộc và ghi nhớ dễ dàng. Hãy cho trẻ biết rằng khi nhận được những lời chúc của mình, mọi người sẽ rất vui và hạnh phúc.

Dạy trẻ cách nhận bao lì xì và nói lời cảm ơn

Trẻ cần được bố mẹ hướng dẫn khi nhận lì xì từ người lớn phải đón nhận bằng cả hai tay. Sau đó vòng tay, lễ phép cảm ơn rồi cẩn thận cất vào túi hoặc nhờ bố mẹ giữ hộ. Bên cạnh đó, bố mẹ nhớ dạy con khi thấy khách đến nhà tuyệt đối không được chạy tới đợi hoặc vòi vĩnh đòi khách lì xì. Một câu cảm ơn lễ phép sẽ giúp mọi người cảm thấy hài lòng, vui vẻ và làm cho ngày Tết càng thêm ý nghĩa.

Cần biết ứng xử lễ phép khi nhận lì xì

Dạy trẻ không xé phong bao trước mặt khách

Tiền lì xì được đựng trong phong bao cũng là một cách thể hiện sự tế nhị, để tránh so bì, tị nạnh của con trẻ. Bởi thế bố mẹ cần dặn dò trẻ kỹ càng về việc tuyệt đối không được mở bao lì xì trước mặt khách, vì như thế là không lịch sự. Hãy cho trẻ hiểu rằng tiền lì xì là lộc may nắm đầu năm, nếu được ai lì xì hãy cất trong túi hoặc đưa cho bố mẹ để lúc khác xem sau cũng được.

Dạy con sử dụng tiền lì xì sao cho hữu ích

Thường chỉ có ngày Tết, con trẻ mới có số tiền tương đối lớn, vì thế bố mẹ cần dạy trẻ biết cách tiết kiệm và chi tiêu sao cho hữu ích. Bố mẹ cần dạy con biết cách sử dụng số tiền hợp lý, con có thể sử dụng tiền lì xì để bỏ ống heo và dùng vào những việc như mua sách vở, dụng cụ học tập, mua quà tặng ông bà hay người thân yêu vào những dịp đặc biệt… Chi tiêu hợp lý giúp con biết trân trọng và hiểu thêm giá trị của đồng tiền.