ĐỜI SỐNG

Dán miệng khi ngủ, trào lưu tiềm ần nhiều nguy hại cho sức khỏe

Lan Hương • 07-10-2022 • Lượt xem: 336
Dán miệng khi ngủ, trào lưu tiềm ần nhiều nguy hại cho sức khỏe

Dán băng dính lên miệng để hạn chế tiếng ngáy là trào lưu được lan tỏa trên mạng xã hội dạo gần đây, đặc biệt phương thức này được rất nhiều người hưởng ứng và khen ngợi. Thế nhưng các chuyên gia y tế đã cảnh báo những tác hại rất lớn cho sức khỏe tiềm ẩn từ trào lưu nguy hiểm này.

Nếu thường xuyên theo dõi mạng xã hội, chắc chắn nhiều người sẽ biết đến video hướng dẫn dán miệng bằng các loại băng dính, băng keo y tế lên miệng khi ngủ với tác dụng được nêu ra là hạn chế tiếng ngáy và giúp có được giấc ngủ ngon.

Người bắt đầu trào lưu này là một tiktoker về sức khỏe và video nhanh chóng được lan tỏa rầm rộ trên các trang mạng xã hội. Tuy nhiên phương pháp này đem đến nhiều tranh cãi về tác dụng thực sự hay ngược lại, đây lại là nguy cơ tiềm ẩn những ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe.

Nguồn gốc của phương pháp này

Thực ra phương pháp này về bản chất có tên Buteyko, đây là kỹ thuật được phát minh của một bác sĩ người Liên Xô vào những năm 1950. Kỹ thuật Buteyko có nguyên lý đơn giản như sau: Bình thường chúng ta thở bằng mũi, khi đường thở bằng mũi có vấn đề thì cơ thể sẽ thở bằng miệng. Nếu như dán kín miệng thì mũi sẽ phải tự thích nghi và điều chỉnh làm sao cho đường thở thông thoáng trở lại.

Bác sĩ này cho rằng tình trạng hô hấp, hen suyễn của nhiều người có thể liên quan đến cách thở. Và nếu như được tập thở đúng cách bằng mũi, có thể sẽ các vấn đề về hô hấp sẽ biến mất theo thời gian. Tuy nhiên mặt trái của phương pháp này khiến chúng ta có thể bị sặc, hóc, buồn nôn, nôn mửa, thậm chí ngưng thở khi ngủ trong trường hợp nặng.

Tiếng ngáy bắt nguồn như thế nào?

Ngủ ngáy là hiện tượng thường thấy ở rất nhiều người. Theo thống kê ước tính thì có khoảng 40% phụ nữ và 57% nam giới đi ngủ với tiếng ngáy, họ cảm thấy ngủ không ngon giấc bởi cảm giác khô miệng và đôi lúc sẽ làm phiền người khác bởi tiếng ngáy ồn ào này.

Khi ngủ, không khí sẽ qua mũi hoặc miệng để đi vào hầu họng, đến thanh quản, khí quản và đến phổi. Nếu như bình thường khi thức, các cơ bắp sẽ co lại và đường thở thông thoáng thì lúc ngủ là thời gian để các cơ thư giãn, khi đó đường thở sẽ hẹp hơn. Không khí ở bên ngoài được hít vào khi đi qua đường thở hẹp làm rung lắc các mô, các cơ quan. Đó chính là khởi nguồn cho tiếng ngáy của chúng ta khi ngủ.

Ngoài ra, việc có thói quen há miệng khi ngủ còn đem đến nhiều vấn đề như các bệnh răng miệng, hơi thở hôi, đau họng, miệng khô, đau họng, ngủ hay bị giật mình, thức giấc… Vì thế mà có nhiều người ủng hộ việc dán miệng khi ngủ như vậy.

Dán miệng khi ngủ có an toàn không?

Các chuyên gia y tế khuyến cáo dán miệng khi ngủ là hoàn toàn không nên. Bởi việc này có thể làm luồng không khí qua mũi bị hạn chế. Và đây quả là một việc làm vô cùng nguy hiểm nếu bạn có vấn đề khi thở bằng mũi hoặc nghi ngờ bị chứng ngưng thở khi ngủ.

Thử tưởng tượng trong lúc ngủ với đôi môi bị dán kín, khi thời tiết lạnh và mũi bạn bị tắc nghẽn do cảm lạnh hoặc dị ứng, có thể bạn sẽ bị ngạt thở vì thiếu oxy cho phổi. Ngoài ra còn rất nhiều hiểm họa khác như biến chứng tim mạch cấp tính, phổi tắc nghẽn và đột quỵ.

Với những người mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ, dán miệng lại là phương pháp vô cùng nguy hiểm vì nếu không may, nó còn còn khiến cơ thể ngưng hô hấp đột ngột trong lúc ngủ.

Ngoài ra băng dính còn có thể gây ảnh hưởng không tốt đến niêm mạc môi. Việc xé, dán băng dính mỗi ngày khiến lớp da môi mỏng manh bị dễ dàng tổn thương ngay cả khi dùng băng dính y tế.

Trào lưu dán miệng với mục đích là cải thiện giấc ngủ và hạn chế tiếng ngáy. Thế nhưng sau những tác hại tiêu cực như đã kể trên, vẫn còn rất nhiều cách khác an toàn cho sức khỏe mà chúng ta có thể áp dụng được.

Thông thường, bạn có thể cải thiện triệu chứng ngủ ngáy bằng việc thay đổi tư thế ngủ, hạn chế rượu bia, giữ cân nặng hợp lý… các vấn đề này khiến tiếng ngáy trở nên tổi tệ.

Trong trường hợp việc ngủ ngáy ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn và ảnh hưởng nhiều đến mọi người xung quanh, hãy đến gặp bác sĩ để có sự trợ giúp thích hợp. Hãy điều trị tận nguyên nhân gốc rễ, khi đó bạn sẽ cảm thấy hiệu quả mang lại rõ rệt.