ĐỜI SỐNG

Đằng sau câu chuyện 8500 tỉ mà người Việt Nam chi dùng cho trà sữa

Minh Trung • 28-09-2022 • Lượt xem: 421
Đằng sau câu chuyện 8500 tỉ mà người Việt Nam chi dùng cho trà sữa

Theo báo cáo đầu tháng tám từ Momentum Works và qlub, Việt Nam là thị trường thứ ba trong Đông Nam Á đứng sau Indonesia và Thái Lan về việc chi tiền cho trà sữa. Đây quả là một tín hiệu vui cho ngành F&B ở Việt Nam. Tuy nhiên, đằng sau nó là cả một câu chuyện đáng suy ngẫm. 
 

Câu chuyện vui của kinh doanh 

Không biết từ lúc nào, những thương hiệu như Grab, Phúc Long trở thành "chủ đề lựa chọn đồ uống" để mọi người nói chuyện cùng nhau, đặc biệt là những khi cần nạp thêm năng lượng,  kiểu như “Phúc Long không mọi người? Grab food đi anh em”. Và đó là một tín hiệu tích cực cho nền kinh doanh đồ ăn vặt, đặc biệt là trà sữa phát triển. 

Việc Masan thâu tóm 34% cổ phần đã nâng tổng giá trị công ty Phúc Long lên 10000 tỉ, giúp chuỗi đồ uống này ngày càng phát triển. Một điều thú vị, rất nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng sau đại dịch Covid-19 thì ngành hàng trà sữa lại tăng trưởng vượt bậc. Điển hình, doanh thu của Phúc Long gấp ba lần của KOI, một chuỗi F&B khác của Singapore tại Việt Nam, mặc dù giá cả và phân khúc khách hàng mà hai bên hướng tới là như nhau. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là: Vì sao 8500 tỉ đã chi dùng không phải là một thứ gì đó có giá trị hơn mà lại là trà sữa? 

Văn hóa “uống trà” đã thay đổi 

Chén trà hay miếng trầu làm đầu câu chuyện là nét văn hóa đẹp đẽ từ lâu đời của ông bà ta. Đến nay, thói quen ấy vẫn được duy trì tại một số ít gia đình ở khu vực miền bắc. Với trà sữa, mọi người có thể uống ở bất kì đâu và phù hợp với nhiều độ tuổi, nhất là với giới trẻ. Nhiều bạn trẻ cho rằng, không thể phủ nhận, việc trà sữa ra đời đã mang trà – một thứ thảo dược quý với tác dụng giúp giảm cân, điều hòa khí huyết đến gần hơn với mọi người. Nhưng thực tế có phải như vậy? Một nhóm các nhà nghiên cứu người Nhật trong một công bố trên tờ The Japan Times (2014) cho biết, việc thêm rất ít đường vào trà có thể giúp chúng ta thưởng thức trà dễ hơn, tuy nhiên, nó đã làm thay đổi một số cấu trúc và thành phần trong trà, khiến nó không giữ nguyên các nguyên tố cần thiết để bổ sung vi chất tốt cho cơ thể. Bên cạnh đó, việc thêm sữa vào trà gây nên một số kết tủa, đóng góp vào việc khó tiêu và gây hại cho cơ thể. Vậy một số tác hại của trà sữa là gì? 

Những tác hại của trà sữa cần lưu ý 

Đầu tiên, trà sữa là nguyên nhân gây nên da mụn. Một trong những tác dụng chính của trà là tăng thân nhiệt để giữ ấm cơ thể. Chẳng thế mà chúng ta thường thấy, mỗi khi bị đau bụng (do lạnh) hay cần làm ấm cơ thể, chúng ta thường được nhắc uống một ít trà gừng. Do đó, việc uống quá nhiều trà sẽ khiến cơ thể “ấm” hơn mức cần thiết. Thêm vào đó, lượng đá trong trà sữa cũng là nguyên nhân làm nóng cơ thể, kích thích việc mọc mụn ở da.  

Trà sữa gây nên mặt mụn

Mất ngủ là hệ quả tiếp theo từ trà sữa. Cũng giống như cà phê, caffeine có trong trà đen – một loại trà chuyên dùng để pha trà sữa là một chất kích thích giúp con người tỉnh táo. Tuy nhiên, khác với việc chỉ uống từng tách nhỏ như thưởng trà để dung nạp một lượng vừa đủ caffeine, các ly trà sữa thường khá to nên lượng caffeine cũng nhiều hơn. Bên cạnh đó, thưởng trà truyền thống thường diễn ra vào buổi sáng đầu ngày để tinh thần sảng khoái thì trà sữa lại thường được uống vào buổi chiều tối, thời điểm chuẩn bị cho giấc ngủ. Ngoài ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử, trà sữa cũng là một nguyên nhân khiến nhiều người có những chuyển biến xấu liên quan đến giấc ngủ (ngủ nông, hay tỉnh giấc, khó ngủ), ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần.  

Trà sữa gây mất ngủ

Nhìn vào thành phần của một ly trà sữa, không quá khó để dự đoán về nguy cơ béo phì từ thức uống “nghìn tỉ” này. Lượng topping bao gồm kem béo, trân châu, sữa đặc, sirô, đường… là con đường nhanh nhất để tăng cân. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA), mỗi ngày lượng đường dung nạp vào cơ thể nên có một mức tối đa nhất định. Nam là 37.5 g (khoảng 9 muỗng cà phê đường) và nữ là 25 g (khoảng 6 muỗng cà phê đường). Tuy nhiên, lượng đường trong một ly trà sữa thông thường là 55 g, gần gấp 2 lần mức cần thiết. Hơn nữa, thành phần kem và trân châu có lượng protein và tinh bột cao, nguyên tố góp phần vào việc tăng cân của mỗi cá nhân. 

Trà sữa gây nên béo phì

Doanh thu về trà sữa quả là một tín hiệu vui cho câu chuyện kinh doanh của nước nhà. Nhưng nó cũng để lại rất nhiều câu hỏi trong chúng ta. Liệu mỗi chúng ta có đang “đầu tư” quá mức cho một thức uống có quá nhiều rủi ro? Đây là câu hỏi sẽ được trả lời bởi chính chúng ta, những người đang chi tiền cho món đồ uống này.