Duyên Dáng Việt Nam

Danshari, một lối sống tối giản của người Nhật

Hòa Bảo • 24-08-2020 • Lượt xem: 4716
Danshari, một lối sống tối giản của người Nhật

“Rốt cuộc, chúng ta lại trở thành nô lệ cho chính những món đồ mà ta sở hữu” và rồi chủ nghĩa tối giản Danshari đến trao cho ta sự thở phào nhẹ nhõm.

Phong cách sống tối giản là gì?

Phong cách sống tối giản bắt nguồn từ Nhật Bản với tên gọi là Danshari hay còn gọi là Minimalism (chủ nghĩa tối giản). Phong cách này bắt đầu trở nên phổ biến ở Nhật vào khoảng năm 2010-2011, đặc biệt sau khi xảy ra thảm họa động đất sóng thần đột ngột cướp đi hàng ngàn sinh mạng. Những vụ thương vong xảy ra tại Nhật Bản được biết đến với 30-50% nguyên nhân là do đồ đạc rơi vỡ. Cũng chính vì điều này mà người Nhật đã đặt ra nhiều câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống. Nếu sống trong các căn phòng ít đồ, giản dị thì người dân Nhật sẽ không phải mang trong mình những nỗi lo tổn hại về vật chất lẫn tinh thần.

 Căn phòng theo phong cách tối giản. Ảnh: UNSPLASH

Danshari bắt nguồn từ ba hán tự: Dan (từ chối), Sha (vứt bỏ) và Ri (Tách biệt). Nghĩa là bạn từ chối việc tiếp nhận thêm thêm những thứ không cân thiết vào cuộc sống của mình, bạn sẽ vứt bỏ tất cả những thứ không cần dùng đến và tránh xa những cám dỗ, những ám ảnh về vật chất. Mục đích là để bản thân được hạnh phúc, bình an và tự do đón nhận những điều mới mẻ, những năng lượng tích cực mà vũ trụ mang đến cho bạn.

Ý nghĩa của từ Danshari

1. Dan: Từ chối

Để hiểu đơn giản, nó như việc bạn trở thành một người trung thực với chính bản thân mình, chỉ lấy những gì bạn thực sự cần thiết. Đó là một cách để hạn chế “chủ nghĩa tiêu dùng vô tâm” mà có lẽ bất cứ ai trong chúng ta cũng từng mắc phải. Đây là một cách tuyệt vời để giúp bạn ghi nhớ rằng khi mua bất cứ món hàng nào bạn đều suy nghĩ: “À, mình thực sự cần món đồ này”, chứ không phải với cái lí lẽ “Chị bán hàng chào hàng giá ngọt quá”.

2. Sha: Vứt bỏ

Ở đây, nghĩa là bạn sẽ loại bỏ một phần lộn xộn trong thói quen hàng ngày của mình. Bạn chắc chắn sẽ đảm bảo được rằng sự lộn xộn đó và đống dư thừa sẽ nằm trong tầm kiểm soát của bạn. Chẳng hạn đơn giản như việc bạn vứt rác. Loại bỏ những điều không cần thiết chính là việc đang giúp bạn giảm bớt những gánh nặng đang đè lên đôi vai mỗi ngày vậy đó. Nếu không chịu loại bỏ, cứ để chúng tồn tụ theo thời gian thì gánh nặng sẽ ngày càng lớn và có ngày sẽ bùng nổ.

3. Ri: Tách biệt

Bạn tách bản thân mình ra khỏi cám dỗ của vật chất, rời xa cuộc đua hào nhoáng ngoài xã hội và quay trở về với chính bản thân bạn. Cuộc sống của bạn bao gồm nhiều thứ hơn là những gì bạn sở hữu. Một khi bạn chấp nhận điều này, vũ trụ sẽ mang lại cho bạn một món quà lớn hơn rất nhiều. Đó chính là sự hài lòng với những gì bạn có hơn là khao khát những gì bạn sẽ được tặng.

Bất cứ ai khi sinh ra cũng là người sống tối giản

“Hạnh phúc không phải là có trong tay những thứ mình từng ao ước, mà là cảm giác luôn mong ước những vật mình đang có” – Rabbi Hyman Schachtel.

Lối sống tối giản là cách sống cắt giảm vật dụng xuống còn mức tối thiểu. Và cùng với cuộc sống ít đồ đạc, ta có thể để tâm nhiều hơn tới hạnh phúc.

Chẳng có ai từ khi sinh ra đã có tài sản, đồ đạc gì trong tay. Vậy nên bất cứ ai khi mới chào đời đều là những người sống tối giản. Cứ mỗi lần bạn sở hữu trong tay những đồ dùng hơn mức cần thiết là một lần bạn lấy mất tự do của chính mình. Giá trị bản thân chúng ta không đo bằng những đồ dùng mà chúng ta sở hữu. Những đồ dùng này chỉ cho chúng ta một chút cảm giác hạnh phúc nhất thời mà thôi. Mang theo những đồ dùng hơn mức cần thiết sẽ lấy hết thời gian, năng lượng của bạn. Khi nhận ra được điều đó, tức là bạn đã bắt đầu trở thành một người sống tối giản.

Những người sống tối giản luôn cảm thấy vui vẻ, mới lạ mỗi ngày. Cái cảm giác này, tôi nghĩ bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được, dù bạn có phải là một người sống tối giản hay không, bởi bất cứ ai cũng từng trải qua. Ví dụ như một chuyến du lịch chẳng hạn.

Hầu như ai cũng gói ghém đồ đạc đến sát giờ xuất phát. Nhưng dù bạn có kiểm tra hết danh sách vật dụng mang đi cũng vẫn cảm thấy thiếu thiếu cái gì đó. Bạn hãy nghiệm lại mà xem… Đến giờ xuất phát rồi, bạn phải khóa cửa và kéo vali đi thôi. Chính lúc này, bạn mới cảm thấy thoải mái. Đúng vậy, nếu có một chiếc vali này, mình có thể sống được một thời gian khá dài đấy. Có thể là mình đã quên một vài thứ ở nhà, nhưng không sao, những thứ cần thiết nhất đã ở đây rồi.

Sau thời gian di chuyển, bạn đến nhà nghỉ hay khách sạn, ngủ trên chiếc chiếu tatami và tận hưởng sự thoải mái. Phòng nghỉ rất sạch sẽ, gọn gàng và ít đồ đạc. Trong phòng nghỉ này cũng chẳng có những đồ vật dư thừa như ở nhà. Bởi vậy nên nhà nghỉ luôn là nơi dễ chịu trong các chuyến đi. Bạn để lại đồ đạc trong phòng và đi dạo gần đấy hoặc thảnh thơi tới bất cứ đâu. Bạn có thời gian tận hưởng phong cảnh, con người, cuộc sống và chẳng có việc gì phải hoàn thành cả.

Chính là cảm giác như vậy đó, có lẽ bất cứ ai cũng đã trải qua cảm giác mà lối sống tối giản mang lại.

Ảnh: STIL / UNSLPASH

Và tất nhiên, có thể bạn cũng đã cảm nhận cảm giác ngược lại, đó là lúc kết thúc chuyến đi, bạn lên máy bay về nhà. Những món đồ bạn đã xếp rất gọn gàng trước khi đi giờ nằm lung tung trong vali. Những món quà lưu niệm được nhét đầy trong túi giấy xách tay. Vé vào cửa khu du lịch, hóa đơn mua hàng… nhét hết vào túi quần. Đến lúc kiểm tra vé máy bay thì bạn mới tìm loạn cả lên, “Ơ, mình để đâu rồi nhỉ?” Lúc đấy, bạn sẽ nhận được những ánh mắt khó chịu từ phía sau.

Đây chính là cảm nhận khi bạn bị quá nhiều đồ đạc làm phiền, bởi khi có việc cần thiết, bạn chẳng thể rảnh tay để làm gì được.

Chúng ta luôn mất thời gian, công sức để sở hữu một món đồ nào đó, hoặc để bảo quản, quản lý những món đồ mình đã có. Và chúng ta bỏ ra nhiều đến mức, những món đồ vốn chỉ là vật dụng hàng ngày cuối cùng lại trở thành ông chủ của chúng ta.

Tyler Durden trong bộ phim Sàn đấu sinh tử đã nói rằng: “Rốt cuộc, chúng ta lại trở thành nô lệ cho chính những món đồ mà ta sở hữu”

Giá trị giản đơn nhưng đầy ý nghĩa

1. Không gian sống của bạn trở nên rộng rãi và thoáng mát hơn

 Ảnh: HUY-PHAN / UNSPLASH

Khi bạn loại bỏ bớt những quần áo cũ và đồ đạc bạn đã lâu ngày không muốn đả động đến, bạn sẽ tạo được không gian cho sự thư thái trong tâm hồn của chính mình. Sẽ không còn cảm giác sau giờ làm mệt mỏi, phải chạy ào về nhà với đống đồ hỗn độn nữa. Mà giờ đây, bạn có thể thoải mái lấp đầy cuộc sống của bạn bằng những năng lượng tươi mới và tích cực hơn.

2. Cuộc sống của bạn trở nên tự do hơn

Ảnh: JOSEPH-FRANK / UNSPLASH

Bạn hàng ngày vẫn đang quẩn quanh trong cuộc đua hàng hiệu, hay cuộc đua sở hữu vật chất với hàng trăm, hàng triệu con người khác bạn ngoài kia. Bạn cảm thấy như mình đang gò ép bản thân mình vào cái cuồng quay mà chính bạn cũng thấy mệt mỏi. Vậy thì chần chừ gì nữa, Danshari là lựa chọn thích hợp cho bạn. Hãy từ bỏ những gì bạn không muốn, hãy thực sự là chính bạn, là những gì mà bạn chọn. Bạn sẽ không cần phải lo ấu hay chịu nỗi ám ảnh về tiền bạc hay của cải vật chất nữa. Bạn sẽ có cuộc sống chính bạn cần. Tự do là chính mình.

3. Bạn sẽ cảm thấy an tâm hơn

Ảnh: ARTEM-MILITONIAN / UNSPLASH

Khi chúng ta cứ bám dính vào tài sản vật chất, chúng ta càng trở nên căng thẳng. Bởi vốn dĩ, những gì bạn có so với vật chất ngoài kia là một phần tỉ. Thế nên khi sở hữu vật chất, bạn luôn lo sợ rằng mình sẽ mất nó. Và bằng cách đơn giản hóa cuộc sống, sợi dây ràng buộc giữa bạn và vật chất sẽ dần biến mất mà thôi. Kết quả là bạn sẽ không phải lo lắng về bất cứ điều gì liên quan đến vật chất nữa.

4. Bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn

Ảnh: TYLER-NIX / UNSPLASH

Rõ ràng là như vậy rồi, vũ trụ sẽ mang đến hạnh phúc khi bạn hiểu được nội tại bên trong của chính mình. Để hiểu rõ được cái ẩn sâu bên trong mình, bạn phải giành nhiều thời gian cho nó hơn. Bạn tự hỏi: “Mình thậm chí còn không có thời gian cho bản thân mình, vậy mình không có hạnh phúc ư?” Từ đây, bạn suy nghĩ thử xem, thời gian phần lớn là bạn giành cho công việc. Công việc đó bạn có thực sự yêu thích không hay vì công việc đó mang lại cho bạn số tiền lớn và bạn có thể mua cái này cái kia mà bấy lâu nay ai cũng ao ước muốn có. Và đó lại quay về mối quan hệ ràng buộc giữa bạn và vật chất. Muốn hạnh phúc, mình nghĩ, chúng ta nên học cách buông bỏ và học cách yêu thương bản thân mình nhiều hơn.

5. Bạn sẽ ít sợ thất bại hơn

Ảnh: JARED-RICE / UNSPLASH

Bạn cứ nghĩ xem, những nhà tu hành, vì sao họ lại không hề sợ hãi? 

Có lẽ, cũng bởi chính họ không còn thứ gì để mất. Đối với bất cứ điều gì bạn theo đuổi, sự thực là nếu bạn không sợ mất những gì mình đang có thì bạn có thể đạt được nhiều hơn. Để đi đến thành công, đôi khi điều bạn sợ nhất không phải là thất bại mà là chính nỗi sợ hãi của bạn.