Duyên Dáng Việt Nam

Đào tạo tiến sĩ: Để tình trạng phổ cập, Bộ GD-ĐT cũng có liên quan

DDVN • 09-05-2022 • Lượt xem: 366
Đào tạo tiến sĩ: Để tình trạng phổ cập, Bộ GD-ĐT cũng có liên quan

Những ngày qua, chuyện xôn xao về luận án tiến sĩ "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" đã đặt ra nhiều băn khoăn về vấn đề nghiên cứu khoa học cũng như đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam gần đây.

Đau đầu với những "tiến sĩ giấy"

Khi dư luận đang xôn xao chia sẻ về những đề tài luận án tiến sĩ mà nếu chỉ đọc tên sẽ không thấy được hàm lượng khoa học hay ý nghĩa về mặt thực tiễn, đã đặt ra nhiều câu hỏi về về chất lượng chuyên môn của các luận án tiến sĩ.

Trao đổi với phóng viên, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết bộ đang hướng tới hoàn thiện hệ thống văn bản chính sách nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo, tăng cường sự minh bạch, gia tăng vai trò giám sát của các bên liên quan trong quá trình đào tạo tiến sĩ.

Với các nghiên cứu sinh, Bộ GD-ĐT yêu cầu phải công bố kết quả nghiên cứu của đề tài luận án trên các tạp chí, sách chuyên môn tham khảo, hội nghị khoa học ở trong hoặc ngoài nước; đăng tải thông tin buổi bảo vệ luận án, nội dung toàn văn luận án trên trang thông tin của bộ trước và sau khi bảo vệ luận án để tiếp nhận sự phản hồi, phản biện của xã hội và của những ai quan tâm đến đề tài luận án. "Khi luận án sai sót, trước hết trách nhiệm thuộc về cơ sở đào tạo, người hướng dẫn, đơn vị chuyên môn và các nhà khoa học tham gia vào các bước đánh giá luận án, trong đó vai trò của người hướng dẫn là quan trọng nhất. Việc này cũng gắn liền với uy tín của người hướng dẫn, của hội đồng đánh giá và của cơ sở đào tạo", bà Thủy nhấn mạnh.

Bà Thủy cũng cho hay các đơn vị đào tạo tiến sĩ phải tập trung nâng cao chất lượng, không chạy theo số lượng. Phải chú trọng đến sự công khai minh bạch quy trình lựa chọn và giao đề tài luận án cho nghiên cứu sinh. Trên thực tế, việc đánh giá luận án không chỉ ở tên đề tài mà còn ở nội dung và giá trị khoa học, giá trị thực tiễn của luận án được cộng đồng khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu đó chấp nhận.

Đưa ra ý kiến của mình, TS Nguyễn Văn Tuấn (Đại học quốc gia Hà Nội) đánh giá rằng hiện nay một số đề tài nghiên cứu trên quy mô hẹp, chưa đủ tầm luận án tiến sĩ, giống với báo cáo, tham luận hoặc cùng lắm là luận văn thạc sĩ. Nếu xét cả về tính học thuật hay thực tiễn, nhiều đề tài trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay chưa đạt yêu cầu. Không biết lý do vì sao mà người hướng dẫn nghiên cứu lại đồng ý và hội đồng thẩm định lại thông qua những đề tài như vậy. Ông Tuấn cũng nói chỉ cần vào chuyên trang Luận văn - Luận án của Bộ GD-ĐT sẽ tra cứu ra hàng loạt tên luận án tiến sĩ như vậy. Tên của các luận án này đều là "nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục thể chất..." chỉ khác nhau địa điểm (các trường học, địa phương trên khắp cả nước). Đây không chỉ là thực trạng đau đầu của ngành giáo dục mà còn là nỗi lo lắng với hàng loạt "tiến sĩ giấy" sắp ra lò.

Để lọt đề tài không xứng đáng: Trách nhiệm của cả Bộ GD-ĐT

Trao đổi với phóng viên về những đề tài nghiên cứu của các tiến sĩ được đánh giá là quá non này, tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết hiện nay các chương trình đào tạo định hướng nghiên cứu có mục tiêu và nội dung theo hướng chuyên sâu về nguyên lý, lý thuyết cơ bản trong các lĩnh vực khoa học phát triển các công nghệ nguồn, làm nền tảng để phát triển các lĩnh vực khoa học ứng dụng và công nghệ. Bộ đã cho ra một quy trình đào tại tiến sĩ phải theo định hướng nghiên cứu. Những người để lọt đề tài không xứng đáng cần phải xem xét trách nhiệm của bản thân. Để lọt một đề tài dưới tầm như thế không phải chỉ là trách nhiệm của người hướng dẫn mà còn có trách nhiệm của hội đồng bảo vệ, trách nhiệm quản lý nhà nước nhiều đơn vị, trong đó có Bộ GD-ĐT.

"Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện những đề tài không xứng đáng như thế. Hiện nay học vị tiến sĩ là yêu cầu tối thiểu để làm việc ở vị trí giảng dạy tại các trường đại học theo định hướng nghiên cứu, hoặc làm việc ở các viện nghiên cứu khoa học. Đó là tiêu chuẩn tối thiểu để xem xét tuyển dụng tại những đơn vị này. Một vấn đề nữa là hiện nay chúng ta đang đào tạo tiến sĩ theo kiểu tại chức, họ vừa phải làm việc, vừa phải học tiến sĩ, không tập trung thời gian làm nghiên cứu, không hoàn thành đúng thời hạn mà vẫn bảo vệ xuất sắc là điều vô lý. Việc để lọt luận án tiến sĩ gây xôn xao dư luận như thời gian qua khiến người ta lo ngại vấn đề tiêu cực có thể xảy ra. Rồi sau này, nếu những tiến sĩ như vậy có thể được xét chức danh phó giáo sư, giáo sư thì là điều không thể chấp nhận. Cần phải có sự chấn chỉnh trong công tác đào tạo tiến sĩ. Từ việc sàng lọc đối tượng học tiến sĩ, phải đưa ra những điều kiện, yêu cầu để đảm bảo đào tạo tiến sĩ đúng mục đích, đúng đối tượng" - TS Lê Viết Khuyến trao đổi.

Đồng tình với ý kiến trên, TS Lê Thị Hoa (Đại học quốc gia TP.HCM) cho rằng những những nghiên cứu dạng như vậy có phần nguyên nhân từ việc đầu năm 2021 Bộ GD-ĐT quy định bỏ công bố khoa học quốc tế khi bảo vệ luận án tiến sĩ. Các hội đồng khoa học đã quá dễ dàng thông qua một đề tài như vậy, chứ một đề tài nghiên cứu ở một số nước châu Âu thì người làm luận án phải làm việc chăm chỉ, nghiêm túc thực chất trong 3 - 5 năm mới có đủ giờ nghiên cứu trong phòng lab, thực địa, thông tin để bảo vệ trước hội đồng. Thậm chí có người bảo vệ đến 5 lần vẫn chưa được hội đồng thông qua do chưa đạt yêu cầu. "Tôi cho rằng những luận án nhỏ nhặt như vậy ra đời bởi những cơ chế nới lỏng của chính Bộ GD-ĐT. Chúng ta rất cần cơ chế thắt chặt tuyển sinh đầu vào và bảo vệ luận án để tránh sự háo danh và phổ cập tiến sĩ. Việt Nam cũng nên có chính sách khắt khe và những giáo sư, phó giáo sư đầu ngành ngồi hội đồng cần thẳng tay chấm, đừng cả nể, xuề xòa mà cho ra lò những tiến sĩ giấy chỉ biết copy và paste".

Theo Dạ Thảo/1thegioi.vn