Duyên Dáng Việt Nam

Đâu là sự khác nhau giữa lối sống bán chay và thuần chay?

LP • 01-08-2019 • Lượt xem: 4959
Đâu là sự khác nhau giữa lối sống bán chay và thuần chay?

Trong nhiều năm trở lại đây, việc ăn chay ngày càng phổ biến vì được cho là mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, liên quan đến việc ăn chay cũng chia ra hai hình thức đó chính là thuần chay và bán chay. Liệu bạn đã biết cách để phân biệt được sự khác nhau đó?

Việc ăn chay được đánh giá sẽ giúp ích rất nhiều đối với những người đang đối diện với tình trạng thừa cân, các bệnh về tim mạch, xương khớp, máu cao... Trong khái niệm ăn chay người ta chia ra hai loại là vegan (thuần chay) và vegetarian (bán chay), đâu là sự khác biệt giữa hai hình thức này.

Lối sống bán chay

Chế độ ăn bán chay với tên gọi tiếng Anh là Vegetarianism, còn người ăn bán chay hay thực phẩm bán chay được gọi là Vegetarian(s). Những người ăn bán chay vẫn sử dụng các loại thực phẩm như hạt lương thực, các loại đâu, hạt, rau củ quả, trái cây, nấm, thực vật biển, men hoặc sữa và sản phẩm từ sữa, mật ong và trứng. Hoặc thậm chí có một số người sử dụng cả hải sản trong khẩu phần ăn bán chay của mình.

Có những người ăn bán chay theo kiểu không ăn thịt nhưng vẫn dùng cá hoặc có ngày chay ngày không (gọi là part-time vegetarians).

Lối sống thuần chay

Thuần chay với tên gọi tiếng Anh là Vegan, trong khẩu phần ăn loại bỏ hoàn toàn thị, sữa, trứng và các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật bao gồm của gelatin, mật ong, vài biến thể của vitamin B3 như dầu cá...

Những người ăn thuần chay hạn chế sử dụng sản phẩm từ động vật càng nhiều càng tốt.  Cách sống này áp dụng không chỉ với chế độ ăn uống mà còn những khía cạnh khác trong cuộc sống.

Cả người ăn bán chay và thuần chay đều hạn chế ăn thịt cũng như sản phẩm có nguồn gốc động vật vì có lý do tương tự nhau. Sự khác biệt lớn nhất là cách họ lựa chọn có thể ăn hoặc dùng những sản phẩm nào.

Ví dụ, cả người theo chế độ ăn bán chay và thuần chay đều loại bỏ thịt khỏi chế độ ăn uống của họ vì sức khoẻ và môi trường. Tuy nhiên, người ăn thuần chay (Vegan) nói không tất cả các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật vì họ cảm thấy điều đó ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ của họ, cũng như môi trường sống.

Về mặt đạo đức, người ăn bán chay (Vegetarian) phản đối việc khai thác thịt động vật làm thực phẩm, nhưng họ sẽ suy nghĩ và chấp nhận tiêu thụ các sản phẩm phụ từ động vật như sữa và trứng, miễn là động vật được nuôi dưỡng trong điều kiện thích hợp.

Mặt khác, người theo chủ nghĩa thuần chay tin rằng động vật cũng có quyền tự do tương tự như loài người, chính vì vậy họ sẽ không sử dụng động vật  trong bất cứ mục đích nào từ tiêu thụ, làm quần áo, nghiên cứu cho đến mục đích giải trí. Đó là lý do họ tìm cách loại bỏ tất cả các sản phẩm phụ của động vật, bất kể chúng có được nuôi trong điều kiện tốt hay là không.

Xét về chế độ dinh dưỡng nghiên cứu cho thấy chế độ ăn chay thông thường và thuần chay có xu hướng ít chất béo, cholesterol nhưng có xu hướng chứa lượng lớn vitamin, khoáng chất, chất xơ và hợp chất thực vật lành mạnh. Hơn nữa, cả hai chế độ ăn đều xuất phát từ lượng lớn các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng. Chúng có thể bao gồm trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, hạt và các sản phẩm từ đậu nành.