Duyên Dáng Việt Nam

Dạy con chơi độc lập là để con tự do khám phá, tự do trưởng thành

Cẩm Tú • 30-07-2020 • Lượt xem: 1039
Dạy con chơi độc lập là để con tự do khám phá, tự do trưởng thành

Nghiên cứu cho thấy rằng những đứa trẻ thường xuyên tự chơi độc lập sẽ phát triển những phẩm chất giúp chúng thành thạo bất cứ thứ gì chúng theo đuổi suốt đời, bao gồm tăng khả năng giải quyết vấn đề, kiên trì, tập trung, quản lý sự thất vọng và sử dụng trí tưởng tượng của chúng để tạo ra.

Sai lầm của cha mẹ

Cha mẹ luôn muốn trở thành người dẫn dắt, chỉ dẫn từng chút một cho con. Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục khuyên rằng con người học tốt nhất khi họ tự khám phá. Trẻ em học thông qua chơi, làm gián đoạn việc chơi của trẻ để dạy chúng phải chơi như thế nào không chỉ làm giảm sự tò mò và hứng thú của chúng đối với việc học, nó làm giảm niềm vui mà trẻ trải nghiệm từ việc chơi độc lập.

Ở những lần trải nghiệm đầu tiên, trẻ luôn có tâm lý cần sự trợ giúp của cha mẹ. Để giải quyết vấn đề này, cha mẹ lên lịch trình chơi cho con, định hướng chúng trong tất cả các hoạt động, trẻ không có nhiều thời gian để tự chơi một cách độc lập. Từ đó, trẻ trở nên phụ thuộc vào cha mẹ, khi nhàn rỗi, nhàm chán chúng không thể tự nghĩ ra cách chơi mà trông chờ vào cha mẹ. Trong khi đó, nếu không có thời gian chơi cùng con, nhiều cha mẹ giải quyết bằng cách cho trẻ giải trí bằng điện thoại, tivi...

Vì vậy, hãy để con tự chơi một mình thường xuyên hơn và trong thời gian dài hơn. Chắc chắn, điều đó sẽ tốt cho con và tốt cho cả cha mẹ. Cha mẹ có thể hoàn thành công việc mà không cần phải đặt con trước màn hình máy tính hay điện thoại. 

Chơi là cách trẻ học, khám phá và xử lý những cảm xúc phức tạp. Chơi là cách trẻ em trải nghiệm môi trường của chúng và chúng là ai trong các tình huống khác nhau. Chơi là công việc của trẻ em, là cách để chúng khám phá chính bản thân mình. Từ góc độ tận hưởng cuộc sống, với trẻ em, vui chơi là điều khiến trẻ em vui vẻ và say mê, vì vậy chúng không than vãn hay đánh nhau.

Tôn trọng cách chơi của con

Nghiên cứu cho thấy rằng trẻ em chơi tập trung hơn khi chúng có thời gian dài hơn để đắm mình mà không bị gián đoạn.

Chơi tập trung gì? Hãy đặt mình vào vị trí của trẻ để trải nghiệm cảm nhận khi bị làm gián đoạn trong lúc đang tập trung sáng tạo, bị cắt dòng suy nghĩ về một công việc quan trọng. Đó chắc hẳn là một cảm giác rất tồi tệ. Với trẻ em, chơi là khoảng thời gian chúng sáng tạo nhất, năng động nhất, hào hứng nhất. Bởi vậy, nếu bị cắt ngang chúng sẽ rất khó chịu.

Trẻ em có thể chơi với người khác, hoặc một mình. Chúng có thể giả vờ, xây dựng, khám phá cảm giác mọi thứ trong tay, di chuyển cơ thể, xem người khác chơi, thậm chí xem những vệt bụi trong một trục ánh sáng.

Đó là công việc của đứa trẻ. Công việc của cha mẹ là tôn trọng trò chơi của con như một thứ gì đó có giá trị. Người lớn nên ủng hộ trò chơi của trẻ, giống như cách hỗ trợ công việc của đối tác.

Tạo không gian và địa điểm theo lịch trình

Trẻ em làm tốt nhất với một lịch trình, điều này giúp chúng biết những gì mong đợi và giảm bớt lo lắng. Nếu biết rằng mỗi ngày sau khi ăn sáng chúng sẽ được  chơi, chúng sẽ mong đến lúc đó và chơi nhanh hơn.

Một nơi an toàn để chơi mang đến cho con trải nghiệm tự chủ. Thiết lập những nơi dành riêng cho trẻ em chơi đùa phù hợp với từng hoạt động của trẻ. Ví dụ, bố trí một nơi đủ rộng để bé có thể xây dựng, xếp hình hay một góc yên tĩnh ấm cúng để đọc hoặc vẽ tranh. 

Tạo niềm hứng khởi cho con

Nếu con không chơi độc lập, hãy đảm bảo rằng chúng nhận được đủ sự chú ý của cha mẹ để cảm nhận về trò chơi và có thể vượt qua mọi khó chịu hoặc lo lắng để dễ dàng chơi hơn.

Dành thời gian chơi với con mỗi ngày, ít nhất 20 phút. Tạo cho con tiếng cười để giảm bớt lo lắng. Kết nối với con về cảm xúc và thể chất bằng cách đồng cảm và đáp ứng khi chúng cần bạn.

Một số trẻ sẽ có thể tự chơi, nhưng số khác lại khá e dè và cần sự giúp đỡ của cha mẹ. Với những đứa trẻ rụt rè, nhút nhát cha mẹ cần có bước chuẩn bị tâm lý, khích lệ tinh thần. Hãy dành mười phút để quan sát và giúp con bắt nhịp với cuộc chơi. Từ từ tách dần khoảng cách với con, để bé có không gian chơi một mình.

Đừng quên bình luận, tỏ ra cảm thán mỗi khi con hoàn thành một trò chơi, để con biết rằng cha mẹ vẫn đang chú ý đến chúng. Sự chú ý, thái độ hào hứng của cha mẹ giúp con hiểu rằng chúng đang chơi rất tốt, chơi là một việc có giá trị. 

Khi con gặp khó khăn khi bắt đầu một trò chơi mới. Hãy gợi mở cho con bằng những câu hỏi như:  trò chơi này chơi như thế nào? con có thể chỉ cho cha/mẹ được không? Luôn để con tự tìm tòi, chủ động, đừng nên phán xét cách chúng chơi. Chơi là việc dành cho con hãy để con chịu trách nhiệm về việc đó. 

Khuyến khích “chơi sâu”

Khi cha mẹ làm gián đoạn cuộc chơi của trẻ, chúng phải bắt đầu lại, điều này ngăn trẻ chuyên tâm vào cuộc chơi. Vì vậy, cố gắng không làm gián đoạn khi trẻ đang chơi. Hãy tôn trọng thời gian riêng tư của con và coi việc chơi như một công việc quan trọng. 

Thay đổi đồ chơi

Khi không gian của con quá nhiều đồ chơi, chúng sẽ bị choáng ngợp và không còn nhiều hứng thú. Khi còn nhỏ, trẻ thường bị thu hút bởi những điều mới lạ. Vì vậy, thường xuyên dọn dẹp một số đồ chơi mà con bạn đã không chơi. Đặt chúng trên gác mái hoặc mặt sau của tủ quần áo, cất giữ chúng trong một vài tuần. Thỉnh thoảng mang những đồ chơi được cất giữ ra thay thế những đồ chơi hiện có, chắc rằng những đứa trẻ sẽ rất hào hứng.

Nếu con không có nhiều cơ hội để chơi độc lập, đây sẽ là một sự chuyển đổi dần dần. Hãy thử tất cả các mẹo ở trên và tiếp tục giúp con làm chủ cuộc chơi. Theo thời gian, cha mẹ sẽ nhận thấy rằng con không còn cần cha mẹ để chơi cùng nữa, bởi vì chúng đã biết cách làm chủ chính mình.