Duyên Dáng Việt Nam

Đẩy mạnh những giải pháp phát triển văn hóa đọc

Minh Nhân • 19-04-2022 • Lượt xem: 786
Đẩy mạnh những giải pháp phát triển văn hóa đọc

Từ lâu, đọc sách là thói quen tốt được nhiều người áp dụng vì nó đem lại những tri thức tốt đẹp về con người và thế giới. Do đó việc phát triển văn hóa đọc rất được chú trọng ở thời đại ngày nay.

 

Thực trạng thói quen đọc sách hiện nay 

Theo nhiều khảo sát ở các nước châu Á như Hàn Quốc thì trẻ em đọc sách ít nhất 3 ngày/tuần và mỗi lần khoảng 30 phút hay ở Indonesia học sinh đọc sách 15 phút mỗi ngày trước giờ học chính thức. Do đó, chỉ xét riêng trung bình ở Việt Nam tỷ lệ 4,08 cuốn/người/năm là vẫn còn quá thấp so với các nước khác.

Điều này đặt ra một vấn đề vô cùng to lớn đối với những người làm nghề giáo dục và các bậc cha mẹ. Vì lẽ đó tọa đàm “Văn hóa đọc: Cơ hội, thách thức và những kiến nghị” đã được tổ chức một lần nữa để thúc đẩy những giải pháp phát triển văn hóa đọc. 

Theo ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM, muốn phát triển văn hóa đọc cần phải kết hợp nhiều yếu tố lại với nhau. 

“Muốn phát triển văn hóa đọc, chúng ta cần phải thúc đẩy đồng bộ 3 yếu tố: Thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc. Việc đọc chỉ có thể trở thành thói quen khi được lặp đi lặp lại trong một thời gian nhất định với tần suất cố định”, ông Lê Hoàng chia sẻ. 

Bên cạnh đó, văn hóa đọc của trẻ cũng bị ảnh hưởng phần nào bởi gia đình, nhà trường và các nhà xuất bản. Từ trước đến nay, nhà trường hầu như chưa đưa tiết đọc sách vào thời khóa biểu chính thức của học sinh do đó để các em có thói quen đọc sách khá khó khăn. Ngoài ra, hầu hết các bậc phụ huynh hiện nay chỉ chú ý vào kết quả học tập mà thiếu sự quan tâm đến thói quen đọc sách từ sớm cho trẻ. Các đơn vị xuất bản không có kế hoạch cụ thể để thúc đẩy văn hóa đọc ở người mua, thực sự chú trọng tới công tác thị trường. Với tất cả những yếu tố đó thì có thể phần nào hiểu được vì sao văn hóa đọc ở Việt Nam vẫn chưa thực sự phát triển như các đất nước khác. 

Hình minh họa

Những giải pháp để phát triển văn hóa đọc 

Có nhiều giải pháp được đặt ra trong buổi tọa đàm để phát triển văn hóa đọc. Theo như TS Nguyễn Thị Ngọc Minh - giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội, để tạo ra được thói quen đọc sách của con người đầu tiên chính là môi trường đầy ắp sự gợi ý, thứ hai là tần suất phải được lặp đi lặp lại nhiều lần và cuối cùng chính là phần thưởng sau mỗi lần đọc sách. 

Ngoài ra, ba mẹ cũng nên tác động đến thói quen đọc sách của các bé bằng cách gợi ý những đầu sách hay và phù hợp, đọc sách cùng bé và hơn hết chính là tác động đến nhận thức của con trẻ về vai trò của sách để các em thấy rằng sách là người bạn quan trọng như thế nào. 

Hình minh họa

Về phần Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, ông Lê Hoàng cho biết một trong những cách có thể tác động để văn hóa đọc chính là thành lập Ủy ban Quốc gia phát triển văn hóa đọc. Bên cạnh đó Hội Xuất bản Việt Nam cần tổ chức nghiên cứu, khảo sát định kỳ 5 năm/lần về thực trạng đọc trong xã hội để lấy đó làm cơ sở dữ liệu, lập ra nhiều kế hoạch và giải pháp cho văn hóa đọc. 

Hơn hết cần có sự chung tay của Bộ GD&ĐT và nhà nước, tổ chức dạy học và đọc theo hướng dẫn hay mở nhiều thư viện để phục vụ cho nhu cầu đọc sách. Cuối cùng, một đề xuất không thể quan trọng hơn chính là tổ chức nhiều ngày hội đọc sách, sự kiện tôn vinh sách, trao giải thưởng cho những tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thúc đẩy văn hóa đọc…

Tựu trung, phát triển văn hóa đọc là việc làm vô cùng cấp bách và cần thiết hiện nay. Phát triển thói quen đọc sách không khó nếu như không có sự chung tay từ độc giả, các đơn vị xuất bản, nhà trường và gia đình.