Duyên Dáng Việt Nam

Đèn lồng Trung Hoa

Quyên Hà • 23-08-2020 • Lượt xem: 4382
Đèn lồng Trung Hoa

Trong không khí cận kề của một mùa Trung thu sắp tới, hãy cùng tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa sâu xa của đèn lồng, một trong những hình ảnh không thể thiếu trong ngày Tết thiếu nhi. Tuy từ lâu đã trở nên quen thuộc và phổ biến ở Việt Nam và nhiều nước châu Á khác, trên thực tế, đèn lồng bắt nguồn từ Trung Quốc.

Những chiếc đèn lồng đầu tiên đã có lịch sử hàng ngàn năm và trong mỗi dịp lễ lại mang một ý nghĩa riêng độc đáo.

Lịch sử lâu đời của đèn lồng Trung Hoa

Bắt đầu từ thời nhà Hán

Đèn lồng Trung Hoa xuất hiện lần đầu tiên từ thời nhà Hán, đã có những ghi chép chứng nhận sự có mặt của đèn lồng bằng giấy thời Đông Hán (Năm thứ 25 đến năm thứ 220 Sau Công Nguyên). Thời đó người Trung Hoa bắt đầu biết làm khung đèn để thắp nến, sử dụng tre, gỗ hoặc thân lúa mỳ và bao quanh bằng lụa hoặc giấy, tạo hiệu ứng khinh khí cầu. Vỏ lụa và giấy của lồng đèn thường được trang trí bằng chữ Hán và có khi quảng cáo của các cửa tiệm kinh doanh.

Coi những chiếc lồng đèn này là biểu tượng văn hóa thời bấy giờ, các vị sư bắt đầu dùng chúng trong các lễ hội Phật giáo. Đèn lồng khi ấy được coi là một trong những nghi thức thờ cúng trong những buổi lễ được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng hàng năm. Một vị Hoàng Đế sùng đạo đã ban lệnh cho người dân dưới quyền trị vị của mình phải tuân theo nghi lễ này, từ đó người Trung Hoa bắt đầu thắp đèn lồng để thể hiện lòng tôn kính với Đức Phật. Như một phần của nghi thức, những người sùng đạo sẽ dâng đèn lồng lên Cung điện tại Lạc Dương.

Từ thời nhà Đường đến ngày nay

Qua nhiều thế kỷ, nghi thức thờ cúng với đèn lồng này bắt đầu trở thành lễ hội lớn trên mọi miền Trung Hoa. Lễ hội đèn lồng ngày một thịnh hành hơn vào thời Nhà Đường (Năm 618 đến 907 Sau Công Nguyên), dân chúng bắt đầu thả những chiếc đèn trời đầu tiên để chúc mừng sự hưng thịnh của đất nước. Dưới thời Đường, người dân Trung Hoa đã được hưởng cuộc sống hòa bình và no đủ, vậy nên họ thả đèn trời như một cách tỏ lòng biết ơn cho những phúc lành được ban. Kể từ đó, tục thả đèn trời bắt đầu trở nên phổ biến.

Tại Trung Quốc ngày nay, Lễ hội đèn lồng vẫn tiếp tục được duy trỳ vào ngày 15 tháng Giêng, đánh dấu sự kết thúc của kỳ nghỉ Tết âm lịch tại đây. Vào ngày này, cả gia đình sẽ quây quần bên nhau, cùng thả đèn và ước nguyện. Các thành phố trên khắp Đại lục Trung Hoa sẽ được trang hoàng bởi những chiếc đèn lồng cỡ lớn đầy màu sắc và hoa văn rực rỡ với đủ mọi hình dạng. Mỗi người sẽ viết những câu đối lên lồng đèn của mình và giải câu đối là một trong những hoạt động phổ biến nhất Lễ hội lồng đèn Trung Hoa.

Ý nghĩa của những chiếc đèn lồng

Đèn lồng Trung Quốc rất đa dạng về màu sắc và hình dạng, mỗi loại đều mang ý nghĩa khác biệt, nhưng nhìn chung, chúng đều có ý nghĩa ước muốn cho một tương lai tươi sáng tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, mỗi màu sắc của lồng đèn lại mang những ý nghĩa tinh thần và đặc biệt là tâm linh rõ ràng và khác biệt.

Đèn lồng đỏ

Trong văn hóa Trung Quốc, màu đỏ tượng trưng cho sự giàu có, danh vọng và của cải. Đó là lý do tại sao các lễ hội, hôn lễ và những buổi lễ chúc mừng khác thường quy định trang phục và rất nhiều đồ trang trí màu đỏ. Cũng phải nói thêm, phần lớn lồng đèn tại Trung Quốc chủ yếu có màu đỏ và lồng đèn đỏ tượng trưng cho việc làm ăn hưng thịnh và cuộc sống sung túc.

Đèn lồng đỏ có mặt trong hầu hết các lễ hội quan trọng nhất của Trung Quốc, đáng chú ý nhất là Tết âm lịch và Lễ hội lồng đèn. Ở ngoại quốc, những chiếc lồng đèn màu đỏ gần như đã trở thành biểu tượng của những những cửa tiệm Trung Quốc, các khu phố người Hoa, cửa hiệu và nhà hàng Trung Quốc treo đèn lồng đỏ gần như quanh năm.

Đèn lồng vàng

Những chiếc đèn màu vàng tại Trung Quốc thường tượng trưng cho may mắn và nhìn chung khá trung tính. Trong văn hóa Trung Quốc, màu vàng vốn tượng trưng cho Hoàng tộc và vẫn thường được coi là màu của Ngũ đế trong Tam Hoàng ngũ Đế Trung Hoa.

Màu vàng cũng là biểu tượng của sự tự do tự tại và an nhiên, do đó cũng thường được sử dụng trong Phật giáo. Thanh thiếu niên và học sinh sinh viên Trung Quốc vẫn thường chọn thả những chiếc đèn trời màu vàng với mong muốn nhận được may mắn trong con đường học hành thi cử.

Đèn lồng xanh

Xanh lá cây cũng có thể coi là một trong những màu sắc phố biến của đèn lồng Trung Hoa. Trong văn hóa Trung Quốc, màu xanh là màu của sức khỏe, thịnh vượng và hòa thuận. Do đó, những chiếc đèn trời màu xanh thường được thả với mong muốn tiến lên phía trước.

Hình dạng và kích thước

Bên cạnh màu sắc, hình dạng của đèn lồng cũng là một trong những yếu tố đáng chú ý. Tuy trong thời hiện đại hình dạng của đèn lồng rất đa dạng, người ta thậm chí còn làm ra lồng đèn hình các cung Hoàng đạo, nhưng hình tròn vẫn luôn là phổ biến nhất. Hình tròn trong văn hóa Trung Quốc tượng trưng cho sự toàn vẹn, đủ đầy và thống nhất như hình ảnh của mặt trăng, một biểu tượng không thể thiếu trong Lễ hội đèn lồng và Trung thu.

Cách trang trí và hình vẽ khác nhau trên đèn lồng cũng đều mang những ý nghĩa riêng. Thông thường, những gì được viết trên đèn lồng sẽ là những ước nguyện cho cuộc sống mạnh khỏe và tương lai hưng thịnh. Hình ảnh con rồng rất phổ biến trên đền lồng thì thể hiện sức mạnh, trong khi hoa cỏ và bướm thì thể hiện hạnh phúc, hình ảnh cây tre thì tượng trưng cho sự kiên cường và cây cối thể hiện sức sống mãnh liệt.

Ý nghĩa của 3 loại đèn lồng Trung Quốc

Ba loại đèn lồng truyền thống Trung Hoa bao gồm: đèn lồng treo, đèn trời và đèn hoa đăng. Thời gian gần đây xuất hiện một loại đèn lồng mới rất phổ biến trong các lễ hội truyền thống tại Trung Quốc và nhiều nước châu Á và thành phố khác như Việt Nam, Hong Kong, Đài Loan, Singapore, Maliasia, đó là những chiếc đèn lồng khổng lồ được thiết kế theo nhiều chủ đề lễ hội.

Đèn treo

Đèn treo đặc biệt phổ biến trong các lễ hội vì được cho là mang lại may mắn. Trong các lễ hội mùa xuân, lồng đèn đỏ mang ý nghĩa xua đổi Lân, con vật làm hại mùa màng trong truyền thuyết Trung Quốc. Những chiếc đèn treo làm sáng bừng các con đường từ đầu Lễ hội mùa xuân cho đến khi lễ hội này kết thúc sau 15 ngày với Lễ hội đèn lồng.

Đèn trời

Đèn trời bay được nhờ luồng khí nóng tạo ra bởi một ngọn lửa nhỏ được đốt trong chiếc đèn lồng lớn bằng giấy, như một khinh khí cầu thu nhỏ. Những chiếc đèn trời thường được thả vào buổi tối, vào các dịp như Tết trung thu. Thông thường, đèn trời Trung Quốc sẽ được thả với số lượng lớn, tạo nên một cảnh tượng mê hoặc.

Đèn hoa đăng

Đèn hoa đăng hay đèn thả thường được dùng trong các sự kiện lớn, đáng chú ý nhất là Lễ hội Thuyền Rồng. Có vai trò như đèn trời nhưng đèn thả có hình dáng đa dạng như hoa sen hay trái tim.

Hiệu ứng của đèn hoa đăng rất độc đáo, đặc biệt là khi được thả trên nước, ánh sáng của đèn phản chiếu trên mặt nước tạo ra ảo ảnh thị giác khiến ta có cảm giác như đang thấy những chiếc đèn bay trên bầu trời. Nếu được đến Trung Quốc vào những dịp lễ hội thả đèn hoa đăng, bất cứ ai cũng sẽ công nhận đây là một trong những kỳ quan ấn tượng tượng nhất Trung Quốc.

 

Tag: