Duyên Dáng Việt Nam

Đi đò ở Sài Gòn

Đại Trí • 21-12-2017 • Lượt xem: 936
Đi đò ở Sài Gòn

Mặc dù được coi là một trong những thành phố sầm uất, hoa lệ nhất của khu vực nhưng hiện nay, thật lạ, đâu đó ở Sài Gòn vẫn còn những chuyến đò ngang cũ kỹ, xộc xệch.

Những bến đò ngang với đặc điểm chung riêng biệt là một con đò nhỏ, bến sông nhỏ, phận người nhỏ bé cùng rất nhiều điều nhỏ nhặt nhưng cũng thấm đẫm tình người.

Ảnh: Tác giả bài viết

Hôm rồi đi qua Bình Chánh, tôi thấy vô cùng bất ngờ khi từ quốc lộ 50 rẽ vào một con hẻm, đi thêm mấy chục mét là đã gặp một bến đò. Mà lạ, so với những tòa cao ốc chọc trời ở vùng ngoại ô này, tuổi đời của bến đò nó cao gấp hàng chục lần. Thậm chí, nhiều người dân trong vùng còn cho rằng, bắt đầu từ những bến sông, con đò neo lại đó, sau mấy trăm năm, vùng đất này bây giờ mới nhộn nhịp, tất nập như ngày nay. Và ở một góc nào đấy, chính những con đò, bến sông nhỏ bé ấy mới là chủ nhân, là khởi đầu của mình đất này. Trước mặt tôi, một chiếc ghe nhỏ bé, buộc gớ vào cây sung còn ông lão lái đò nằm võng lim dim ngủ. Thấy có tiếng xe, ông mở mắt, nhìn tôi lạ lẫm như muốn hỏi, đi đò làm chi? Ngồi xuống, lặng lẽ cùng ông nhìn con kênh nhỏ bé trước mặt mà không rõ nước chảy hướng nào.

Ảnh: Tác giả bài viết

Cũng không đợi tôi hỏi, ông bảo mình đã ngồi đưa đò ở bến sông này tới hơn bốn chục năm, bằng hai phần ba cuộc đời. Mặc dù gắn bó rất lâu với bến sông này nhưng thật lạ, ở phía bên kia bờ sông chỉ là một xóm nhỏ. Một xóm chừng ba chục hộ dân, toàn người nhập cư dưới miền Tây lên. Sau khi làm đủ thứ nghề quen thuộc ở thành phố như công nhân, phụ hồ, quán ăn nhà hàng, họ trở về xóm nhỏ không tên này để gắn bó với công việc mà họ thành thạo nhất, sống bám vào thiên nhiên với sinh kế là những đám bồn bồn, nguồn lợi thủy sản ít ỏi trên sông nước. Mà thật lạ, cái sinh kế mỏng manh ấy lại giúp họ sống khỏe, hơn hẳn những công việc mới mức lương nghe qua tưởng chừng hậu hĩnh khác.

Hình ảnh đi đò qua sông Sài Gòn giờ đã trở thành hiếm hoi dù chưa mất hẳn - Ảnh: Internet

Hầu hết những bến đò còn sót lại ở Sài Gòn bây giờ đều mang trong mình những câu chuyện trắc trở nhưng thấm đẫm tình người, tình sông nước. Và rất lạ lùng. Như bến đò của ông lão đang ngồi với tôi cũng vậy. Dù nhìn quanh quất chỉ toàn lau lách nhưng loáng thoáng vẫn nghe tiếng còi xe từ phía đường Nguyễn Văn Linh, một trong những đại lộ đẹp nhất thành phố này vọng lại. Và khi bóng đêm trùm lên, rất rõ ràng, những ánh đèn lấp lánh từ những tòa cao ốc bên Phú Mỹ Hưng vẫn đổ bóng xuống bến đò này. Ở đó, dù khoảng cách địa lý thật gần nhưng bến đò như một thế giới khác, đối lập với những gì sang trọng của thành phố này. Gần như một không gian của quá khứ còn hiện hữu ngay trong hiện tại vậy.

Nhưng đó không phải là con đò duy nhất ở thành phố nhộn nhịp còi xe này, nhiều xã ở Nhà Bè, Cần Giờ, Củ Chi hay Thủ Đức, Quận 8, đò vẫn là phương tiện được nhiều người, nhất là người già chọn lựa. Không phải vì không có đường mà có khi phần nhiều vì thói quen sông nước, và cũng bởi đường bộ thường vòng vèo, xa xôi hơn so với đi đường sông. Đó là lý do rất nhiều con đò vẫn ngày đêm đi đi, về về trên những bến sông nhỏ bé và khuất lấp nơi đây.

Ảnh: Tác giả bài viết

Thú thực, tôi đã từng rất bất ngờ vì nhiều nơi, chỉ sau những dãy nhà cao tầng đồ sộ, rẽ vào con hẻm chút chút là đã gặp ngay khúc sông, với con đò. Những người dân ở đây bảo đò cũng ít đi nhưng vẫn neo ở đấy, như xe ôm, taxi trên sông nước vậy, khi nào có ai cần thì gọi. Nó như một thói quen mà những người dân gốc gác miền Tây sông nước thường duy trì, như một nét văn hóa của cộng đồng mình. Và cũng thật may, thành phố này đủ rộng lớn và bao dung tất thảy, kể cả thói quen sông nước tưởng chừng như trái ngược kia.