Duyên Dáng Việt Nam

'Di sản với học đường': Kết nối người trẻ quan tâm lịch sử theo cách mới

DDVN • 22-11-2020 • Lượt xem: 1055
'Di sản với học đường': Kết nối người trẻ quan tâm lịch sử theo cách mới

Sáng ngày 23/11/2020, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV sẽ chính thức ra mắt website “Mộc bản Triều Nguyễn” tại sự kiện “Di sản với học đường” được tổ chức ở trường THPT Bùi Thị Xuân (Đà Lạt). Đây được xem là một sự kiện văn hóa – giáo dục đầu tiên mở màn cho chuỗi hoạt động trưng bày lưu động triển lãm lịch sử tại một số trường THPT và THCS trên địa bàn thành phố Đà Lạt trong năm 2020 - 2021.

 

Theo Ban tổ chức thì đây là sự kiện thu hút quan tâm từ nhiều phía, dự tính có hơn 2.000 người tham dự bao gồm thầy cô giáo và học sinh các trường THPT, THCS tại TP Đà Lạt. Điều đặc biệt trong sự kiện chính là giới thiệu tới người xem công nghệ 360 VR, qua đó, đông đảo mọi người có thể cảm nhận và nhìn thấy các hình ảnh, tư liệu lịch sử một cách chân thực và sống động nhất.

“Đưa Di sản vào trường học”

Mộc bản Triều Nguyễn vốn là vật chứng lịch sử, được tạo ra trong quá trình hoạt động của Quốc sử Quán Triều Nguyễn, dùng để ghi chép lại các sự kiện, biến cố lịch sử lớn nhỏ về đời sống chính trị - xã hội, văn hóa, ngôn ngữ - văn tự… dưới thời phong kiến. Ngày 31/7/2009, Mộc bản Triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới, với những giá trị không thể phủ nhận về nội dung lịch sử và nghệ thuật chế tác, lưu giữ.

Ngày nay, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, trực thuộc Cục văn thư và Lưu trữ nhà nước là đơn vị hiện đang bảo quản 34.619 tấm Mộc bản Triều Nguyễn. Những tài liệu mộc bản này được chia thành hơn 100 đầu sách quý, có thể kể đến như: Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí... Đây là nguồn tư liệu lịch sử tin cậy, còn khá nguyên vẹn để tìm hiểu, khảo cứu và đối chiếu, phục vụ cho việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam ứng dụng trên nhiều lĩnh vực.

DSHD_04_221120
Trang chủ Website "Mộc bản Triều Nguyễn"

Ngoài ra, đây cũng là dịp để Trung tâm giới thiệu đến những người quan tâm tới lịch sử một phương thức tiếp cận nguồn tài liệu mộc bản trân quý qua nền tảng công nghệ thực tế - ảo trên website mocban.vn chính thức ra mắt cùng ngày.

 “Để lịch sử không chỉ là tài liệu”

Sự kiện Di sản với học đường lần đầu được tổ chức tại trường THPT Bùi Thị Xuân – ngôi trường được mệnh danh là có diện tích lớn nhất ở Đà Lạt. Tại đây, chương trình tổ chức trưng bày Quốc huy, Quốc hiệu Việt Nam qua các thời kỳ và một số tài liệu, hình ảnh lịch sử theo 2 chủ đề: Từ Xích Quỷ đến Việt Nam - Quốc hiệu nước ta qua Mộc bản Triều Nguyễn và Đà Lạt - Lâm Đồng, Xưa và Nay. Bên cạnh đó, sự kiện còn trưng bày mô hình những nhân vật trong triển lãm công nghệ, nhân vật trong một số bộ phim lấy đề tài lịch sử sắp ra mắt, tạo nên những góc tương tác gần gũi và có sức lan tỏa tới học sinh.

DSHD_02_221120
Hình ảnh triển lãm thực tế ảo "Hậu phương thời chiến"

Website giới thiệu kho tư liệu quý báu về Mộc bản Triều Nguyễn (www.mocban.vn), để kết nối phục vụ nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử của các nhà nghiên cứu, người làm công tác giáo dục, nghệ thuật, đặc biệt là học sinh – sinh viên. Bên cạnh đó, người đọc có thể tìm kiếm tài liệu và tham quan các triển lãm lịch sử sống động như thật nhờ nền tảng số hóa tài liệu và công nghệ thực tế - ảo. Một số triển lãm được thực hiện theo công nghệ này đã được tích hợp trên nền tảng website www.mocban.vn như: Triển lãm thực tế ảo Hậu phương thời chiến, Thiên hùng ca sử Việt, Biệt điện Trần Lệ Xuân… Phương thức này giúp giữ gìn và tiếp cận lịch sử một cách mới mẻ dựa trên những tiến bộ của công nghệ, đem đến cho người dùng những trải nghiệm chân thật và sống động.

Bên cạnh đó, chương trình cũng hứa hẹn mang lại cho người tham dự những góc nhìn mới mẻ về chủ đề “phát huy, ứng dụng lịch sử trong cuộc sống và định hướng nghề nghiệp” từ các nhà nghiên cứu, nhà  văn hóa, nghệ thuật cũng như các nghệ sĩ, doanh nhân. Một số khách mời có thể kể đến như: nhà sử học Dương Trung Quốc; NSND – Đạo diễn Đào Bá Sơn; Cặp đôi biên kịch Ngọc Bích – KIM và đạo diễn Lý Minh Thắng; Nhà sản xuất Janet Ngo; Nhà biên kịch Phạm Vĩnh Lộc; Đạo diễn Trần Ngọc Nguyệt Quế...

DSHD_03_221120
Các khách mời tại sự kiện

 Di sản với học đường chắc chắn sẽ tạo nên dịp gặp gỡ, giao lưu và học hỏi giữa nhiều thế hệ về lịch sử nước nhà. Đồng thời, sự kiện mong muốn mang lại điều kiện để giúp học sinh, giáo viên tiếp nhận và có cơ hội bày tỏ quan điểm tiếp cận di sản, lịch sử Việt. Chương trình cũng khuyến khích các học sinh tham dự tự tìm kiếm những động lực cho riêng mình trong việc nâng cao kiến thức lịch sử, văn hóa Việt Nam trước hội nhập văn hóa.

Giao lưu cùng những nhà nghiên cứu, nhà văn hóa, các nghệ sĩ, doanh nhân có mặt tại sự kiện:

  • Nhà sử học Dương Trung Quốc: Sẽ tham gia chia sẻ góc nhìn với mục đích để tài liệu lịch sử không chỉ là tài liệu nghiên cứu khoa học mà còn là chất liệu để phát triển các ấn phẩm văn hóa đại chúng cho thế hệ sau dễ tiếp cận giá trị lịch sử lâu dài.

  • Cặp đôi biên kịch Ngọc Bích - KIM và đạo diễn Lý Minh Thắng đại diện cho đoàn phim Quỳnh Hoa Nhất Dạ chia sẻ góc nhìn mới khi khai thác câu chuyện lịch sử từ những tài liệu xưa. Bên cạnh đó, chia sẻ về cách chọn góc độ chuyển thể, gắn với tâm tư tình cảm, giá trị nhân văn của những con người được khắc họa trong các hoàn cảnh lịch sử. Những chia sẻ này sẽ gợi mở thêm cho giới trẻ, tìm thấy sự gần gũi khi tiếp cận lịch sử trong thời kỳ hiện đại.

  • Janet Ngo - Nhà sản xuất phim Trưng Vương, vốn là một người Việt trẻ lớn lên tại Úc, với đam mê mang văn hóa lịch sử Việt Nam ra thế giới khi luôn hướng về nguồn cội.

  • Phạm Vĩnh Lộc – Biên kịch Dự án Việt Sử Kiêu Hùng sẽ giúp người trẻ thông qua niềm tự hào lịch sử chuyển thành câu chuyện định hướng nghề nghiệp.

  • Đạo diễn Nguyệt Quế - Điều hành mảng ứng dụng công nghệ của tập đoàn Truyền thông Thanh Niên. Chị sẽ chia sẻ về việc sử dụng công nghệ VR và AR để giới thiệu những tài liệu lịch sử thêm trực quan, sinh động, phát triển nội dung nghe nhìn có tính tương tác từ xa kết nối với giới trẻ giúp bảo tồn và phát huy tài liệu lịch sử lâu dài.