“Salvator Mundi” được tin rằng là bức tranh cuối cùng của danh họa người Italy và từng “gánh” nhiều lùm xùm xung quanh tính chân thực của tác phẩm. Tháng trước, “Salvator Mundi” đã trở thành tác phẩm nghệ thuật đắt giá nhất thế giới, sau khi được bán với mức giá 450 triệu USD tại nhà đấu giá Christie’s.
Christie’s cho biết bức tranh sẽ được trưng bày tại Louvre Abu Dhabi nhưng không nói rõ liệu có phải bảo tàng này đã mua nó hay không. Trong một bài đăng trên trang Twitter hôm qua (06/12), Bảo tàng Louvre Abu Dhabi viết: “Salvator Mundi của Da Vinci đang đến Louvre Abu Dhabi”.
Đến thời điểm hiện nay, danh tính người mua bức tranh trên đã trở thành một trong những điều bí mật nóng nhất trong giới nghệ thuật và trên thế giới. Người bán là tỷ phú đến từ nước Nga Dmitry Rybolovlev. Ông này từng trả 127,5 triệu USD cho “Salvator Mundi” vào năm 2013.
Những khách hàng giàu có đến từ Trung Đông và Châu Á gần đây đã không ngừng mua lại các kiệt tác nghệ thuật để “lấp đầy” các bảo tàng địa phương – và điều này đã đẩy giá tranh lên cao hơn nữa.
Louvre Abu Dhabi – một chi nhánh của bảo tàng Louvre Paris nổi tiếng tại Abu Dhaibi, UAE - được coi là một biểu tượng của giới vương quyền Arab trong công cuộc phát triển “sức mạnh mềm”. Để khác biệt với thành phố láng giềng Dubai, Abu Dhaibi đã nhắm tới mục tiêu là các khách hàng giàu có, muốn khám phá các giá trị văn hoá và nghệ thuật. Thành phố này cũng đã xây dựng nhiều khách sạn sang trọng, công viên chủ đề hoành tráng và các khu mua sắm đồ sộ.
Tổ chức đứng phía sau Louvre Abu Dhaibi đã trở thành một trong những người mua quyền lực nhất trên thị trường nghệ thuật toàn cầu trong hơn một thập kỷ trở lại đây. Bảo tàng được mở cửa vào tháng trước, với hơn 600 tác phẩm nghệ thuật nằm trong bộ sưu tập thường xuyên, bao gồm nhiều kiệt tác của các bậc thầy như bức “Madonna and Child” của Giovanni Bellini, “La Belle Ferronnière” của Da Vinci (mượn về từ Louvre Paris)
Mức giá cuối 450 triệu USD đã vượt xa kỷ lục 179,4 triệu USD mà một bức tranh của Pablo Picasso đã đạt được vào năm 2015.