VĂN HÓA

"Diễn viên hạng ba", vai diễn nào sẽ là khó nhất?

Diễm Hương • 09-05-2022 • Lượt xem: 363
"Diễn viên hạng ba", vai diễn nào sẽ là khó nhất?

“Tuổi nào cũng có vai để diễn. Nhưng vai người già đau đớn, khó khăn hơn”. Nỗi mặc cảm tội lỗi của người cha với việc làm trong quá khứ đã lấy đi không ít nước mắt của khán giả trong vở kịch “Diễn viên hạng ba” được diễn ra tại nhà Văn hóa thanh niên đêm 7/5 vừa qua.

Tin, bài liên quan:

Vở kịch “Diễn viên hạng ba” lấy nước mắt hàng trăm khán giả sau đêm tái diễn 

Theo đó, vai ông Tư (do NSƯT Thanh Điền thủ vai) đã khiến rất nhiều khán giả phải ngậm ngùi. Với những sai lầm thời quá khứ ông Tư đã có một đứa con rơi thất lạc với người phụ nữ bên ngoài. Theo thời gian, mọi chuyện ngỡ như sẽ mãi nằm yên tại vị trí vốn có của nó, thế nhưng cho đến khi lá thư của người phụ nữ năm xưa xuất hiện. Bà ấy nói rằng mình mang bệnh và muốn đưa đứa con cho ông Tư chăm sóc. Nhưng lòng đố kỵ của phụ nữ đã khiến vợ của ông Tư cất giấu lá thư. Cứ thế, mỗi người đều lầm lũi với vai diễn cuộc đời của mình. Ông Tư phần nào cũng linh cảm được chuyện đứa con thất lạc, nên trong lúc tuổi già sức yếu đã vờ nửa tỉnh nửa mê để con cháu đưa về quê tịnh dưỡng, nhưng thực chất là ông muốn tìm lại đứa con ruột thịt. Vợ ông Tư cũng không ngừng ăn năn về việc làm của mình nên nhờ đứa con trai lớn đưa ba về quê nhưng đồng thời cũng tìm kiếm thông tin của người con rơi đó.

Và có lẽ “Nước chảy sẽ về nguồn, lá rụng sẽ về cội”, tình thân ruột thịt luôn được gắn kết với nhau bằng một sợi dây vô hình nào đó. Mỹ Duyên (do diễn viên  Kỳ Thảo thủ vai), vốn chỉ là một diễn viên vai phụ trong các vở kịch trên sân khấu, được con trai của ông Tư nhờ về đóng giả vai em gái sống ở Úc về kề cận chăm sóc ba.  Cha con họ vốn là những người xa lạ, nhưng lại được xô đẩy diễn cảnh gia đình đầm ấm. Và rồi, vai diễn đó cũng là vai chính mà Mỹ Duyên phải mang trong cuộc đời. Mỹ Duyên chính là đứa con gái ruột mà ông Tư ngày đêm mong ngóng trước sự dày vò của mặc cảm tội lỗi. 

“Diễn viên hạng ba” là vở kịch không quá dài, nhưng chứa rất nhiều những lát cắt mang tính tự sự. Ở đó khán giả sẽ từng chút, từng chút chiêm nghiệm được những triết lý nhân sinh qua lời thoại đầy chất văn học. Như ông Tư trong vở kịch đã nói: "Con cái đóng kịch cho mình vui, còn mình đóng kịch cho con cái yên lòng. Tuổi nào cũng có vai để diễn nhưng vai của người già đau đớn, khó khăn hơn". Trong cuộc đời này biết đâu mỗi người chúng ta đều đang cố gắng để diễn cho tốt vai diễn của mình, vai diễn trên sân khấu đã khó, vai diễn cuộc đời còn khó khăn hơn. Mong rằng bản thân của mỗi người hãy đủ mạnh mẽ để vượt qua khó khăn, đủ can đảm và dũng khí để đối mặt với những lỗi lầm trong quá khứ. 

Hãy giống như ông Tư trong “Diễn viên hạng ba” dù vai diễn người già khó khăn lắm nhưng ông đã biết ăn năn trước những lỗi lầm, thậm chí còn muốn dùng 30 trang sách cuối cùng trong cuộc đời mình ở bệnh viện để viết lại câu chuyện ân hận về đứa con thất lạc. Có lẽ cũng chính vì thế mà dù không được sự chăm sóc của ba từ nhỏ nhưng cuối cùng trước những chân thành thì con gái cũng rơm rớm nước mắt nhận lại ông Tư.

Diễn viên hạng ba là vở kịch được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Lý Lan. Biên kịch là Việt Linh và đạo diễn Lê Chi Na. Vở diễn với sự tham gia của các diễn viên trẻ đầy tài năng như Kỳ Thảo, Kim Hải, lê Bửu Đa, Lê Trang, Đăng Khoa. Đặc biệt là sự góp mặt của NSƯT Kim Điền đã khiến vở diễn trở nên thấm đẫm cảm xúc hơn hết.

Vở diễn đã được cho ra mắt khán giả nhiều lần trước đó, nhưng đến hiện tại vẫn không ngừng lấy đi cảm xúc của rất nhiều khán giả. Bởi không đơn giản đó chỉ là một vở kịch mà còn là những quan niệm, cách nhìn nhận, ứng xử về con người, cuộc đời mà biên kịch Việt Linh đã gửi gắm trong đó.