VĂN HÓA

Điệu nhảy chữa lành tổn thương tinh thần của người Thổ Nhĩ Kỳ

Lan Hương • 20-04-2023 • Lượt xem: 1288
Điệu nhảy chữa lành tổn thương tinh thần của người Thổ Nhĩ Kỳ

Đất nước Thổ Nhĩ Kỳ nổi bật với những nhà thờ Hồi giáo nổi tiếng, nơi lưu giữ điệu nhảy Sema truyền thống lâu đời. Đây được xem là điệu nhảy giúp con người kiểm soát tâm trí, chữa lành tổn thương tinh thần và được kết nối gần hơn với Thượng đế.

Điệu nhảy Sema, Sufi Whirling (Sufi quay), Whirling Dervishes hay còn được gọi là vũ điệu của phái Sufi thuộc đạo Hồi ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là điệu múa mà người thực hiện cứ xoay tròn liên tục không ngưng nghỉ trong hàng chục phút cho đến nhiều giờ mà không mà không cảm thấy bất cứ vấn đề gì về sức khỏe. Điệu múa tuy đơn giản nhưng lại ẩn chứa thông điệp vô cùng sâu xa này đã được UNESSCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại năm 2008.

Nguồn gốc điệu múa Sema huyền bí

Người sáng tạo ra Sufi Whirling là Hazreti Mevlana Jelaluddin Rumi, hay còn gọi là Rumi. Ông vừa là nhà thơ, vừa là nhà thần học, tu sĩ và là nhà hiền triết vĩ đại người Ba Tư vào thế kỷ thứ 13.Vì quá đau buồn trước sự qua đời của người thầy của mình, Rumi đã sáng tạo một tập thơ để cầu xin Đấng Allah ban phước cho mọi tín đồ. Trong lúc đọc bài thơ, ông đã rơi vào trạng thái mê ly cùng những động tác xoay người càng lúc càng nhanh trong 3 ngày 3 đêm mới nghỉ.

Sau khi kết thúc, nhà thơ không hề cảm thấy chóng mặt, đau đớn hay mệt mỏi. Và đó có thể là phép màu mà Thượng đế ban cho ông. Từ đó Rumi đã mang điệu múa dạy lại cho các học trò của mình, đến nay các Dervishe (thành viên dòng tu của đạo hồi Sufi) đều dễ dàng xoay tròn từ 30 phút đến hơn 6 tiếng.

Múa Sufi là vũ điệu xoay tròn không ngừng nghỉ nhưng lại mang ý nghĩa lớn về kiểm soát tâm trí và giá trị chữa lành.

Sau khi Rumi qua đời, điệu múa Sema trở thành nghi lễ tưởng nhớ Allah với mục đích dọn dẹp tâm trí, dọn dẹp trái tim để đón nhận lời dẫn dắt của Người. Vào ngày ông từ trần, người Sufi đổ về quê hương ông – thành Konya để kỷ niệm ngày ông hợp nhất với Thượng đế.

Múa Sema có gì đặc sắc

Whirling Dervishes cho đến thế kỷ thứ 15 đã trở nên nổi tiếng, được thiết lập các quy tắc và trở thành điệu múa tôn giáo. Là nghi lễ của những giáo sĩ đặc biệt thuộc dòng Hồi giáo thần bí Sufi.

Các vũ công thầy tu mặc chiếc áo choàng trắng với một chiếc váy trắng tượng trưng cho vải liệm bản ngã. Trên đầu mỗi người đội mũ hình nón gọi là “sikke” màu nâu, xám hoặc đen tượng trưng cho bia mộ bản ngã của họ. Bên ngoài áo choàng trắng, họ mặc một chiếc áo choàng dài màu tối tượng trưng cho sự trần tục của cuộc sống, chiếc áo này sẽ được trút bỏ ngay khi buổi lễ bắt đầu.

Các vũ công sẽ biểu diễn xoay vòng với áo và váy trắng cùng mũ sikke đội đầu.

Khi thực hiện điệu nhảy, bản thân mọi vũ công đều hướng về phía Allah và xoay người theo vòng tròn ngược chiều kim đồng hồ. Họ sử dụng chân trái làm trụ còn chân phải để lướt đi, vừa xoay vòng vừa gọi tên Alll-ahhh… hàng chục lần.

Khi xoay, mỗi vũ công đều giữ tư thế  đầu và thân thẳng, hai tay ôm lấy vai thể hiện con số 1, biểu thị sự duy nhất và chỉ sự tôn kinh hết lòng với Thượng đế. Còn khi múa, họ sẽ giữ bàn tay phải ngửa lên cao để hứng nhận phúc lành, ân huệ được ban từ Đức Allah. Bàn tay trái thì úp xuống đất để tưới rải hạnh phúc, hòa bình khắp nhân gian.

Điệu múa được tiến hành với âm nhạc, những vạt váy từ từ được nâng lên cao lơ lửng như hòa mình vào vũ trụ bao la.

Điệu nhảy Sema thường đi kèm với âm nhạc, các nhạc cụ được dùng là sáo ney, trống ấm và chũm chọe… Khi vũ điệu quay cuồng bốc lên, những vạt váy được nâng lên tạo thành hình nón, lơ lửng huyền ảo như đang hòa vào vũ trụ bao la.

Các vũ công lúc này đều ở trong trạng thái say sưa ngây ngất, tuy nhiên họ vẫn rất tỉnh táo và nhạy cảm. Bởi bằng chứng là cho dù màn trình diễn có rất nhiều người, nhưng không ai chạm vào nhau dù nhiều người nhắm mắt khi múa và họ ở khoảng cách rất gần nhau.

Ý nghĩa sâu xa từ những vòng xoay không ngừng nghỉ

Sufi Whirling được biết là một kiểu thiền động, có nguồn gốc từ các tu sĩ Sufi. Với họ, múa không chỉ là biểu diễn nghệ thuật hay thỏa mãn đam mê mà còn là phương pháp giúp tâm trí tĩnh tại, biết yêu thương, buông bỏ mọi thứ phàm trần, cho lòng sạch trong, nhận biết được chân lý và đạt tới cảnh giới giao hòa với Thượng đế.

Trong nghi thức, việc cởi bỏ áo choàng tối màu thể hiện ý nghĩa rời bỏ những gì là phàm tục. Lúc này chỉ còn chiếc áo choàng trắng cùng váy trắng tượng trưng cho tâm hồn trinh bạch, không còn vướng bận để hòa mình cùng Thượng đế, lĩnh hội tình yêu của Ngài với sự sống và lan tỏa nó đến muôn nơi thông qua những vòng xoay huyền diệu.

Đặc biệt hơn, điệu múa xoay vòng còn tượng trưng cho sự hòa nhịp của vũ trụ, vạn vật bao la. Như trái đất, các vũ công sẽ vừa xoay quanh mình vừa xoay quanh vòng tròn và cả hai quỹ đạo đều ngược chiều kim đồng hồ đem đến cho người xem cảm giác thú vị, vừa lôi cuốn lại dịu dàng duyên dáng. Điệu múa chính là cách để đưa con người tiến gần, hội ngộ với đấng tối cao và đạt tới sự hoàn mỹ trong từng cử động.

Việc xoay tròn có thể diễn ra hàng chục phút đến hàng giờ nhưng các vũ công vẫn không cảm thấy mỏi mệt hay chóng mặt.

Bên cạnh ý nghĩa tâm linh, vũ điệu Sema còn có ý nghĩa tích cực tới sức khỏe con người. Chia sẻ của Fadel Zeidan (trợ lý giáo sư tại Khoa Gây mê, ĐH California) cho biết, Sema là một loại thiền chánh niệm, giúp con người tập trung hơi thở để tâm trí linh hoạt và biết cách kiểm soát mọi thứ. Ông cho biết thêm, tâm trí cũng tương tự như cơ bắp, nếu được thường xuyên luyện tập, tâm trí cũng ngày càng trở nên mạnh mẽ.

Với những người bị đau mãn tính, thiền chánh niệm chẳng hạn Sema lại càng quan trọng. Khi cơn đau lấn át tâm trí, khiến người bệnh lo lắng, chán nản sẽ làmbệnh ngày càng trầm trọng. Để xua tan ý nghĩ về cơn đau, người bệnh cần tìm đến những phương pháp rèn luyện tinh thần bằng vận động, và Sema là một hình thức tổng hòa tuyệt vời có thể nghĩ tới.

Giờ đây, múa Sema cũng được mở rộng đến những người không phải tu sĩ Sufi và đã phát triển thành một vũ điệu trình diễn. Tuy nhiên trải qua thời gian, vũ điệu này cũng đang trở nên dần mai một. Việc bảo tồn nghệ thuật múa này đang là điều quan trọng với người Hồi giáo hiện nay.