VĂN HÓA

Đinh Phong - Tay chơi từ những giấc mơ

Trương Nguyên Ngã • 28-12-2020 • Lượt xem: 2511
Đinh Phong - Tay chơi từ những giấc mơ

Hiện tượng tranh họa sĩ Đinh Phong thời gian qua đã gây chú ý công luận khi anh triển lãm "Người bay và giấc mơ siêu thực" tại Hà Nội (tháng 11.2020) và được các họa sĩ, các nhà nghiên cứu Nguyễn Quân, Ca Lê Thắng, Lương Xuân Đoàn, Đào Châu Hải, Lê Thiết Cương... viết bài, đến xem và đánh giá cao. Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha còn cảm hứng viết thơ tặng anh. DDVN giới thiệu 1 bài nghiên cứu sâu từ tranh họa sĩ Đinh Phong của cây bút phê bình Trương Nguyên Ngã vừa gửi về từ Hội An.

Tranh và bài liên quan:

Nhà phê bình Nguyễn Quân: Tốc lực nghệ thuật

Họa sĩ Ca Lê Thắng: 'Mỹ thuật luôn cần những ngọn gió mới'

Họa sĩ Đinh Phong: 'Tôi nhìn thấy sự sụp đổ của những kiến trúc hoành tráng...'

'Người bay và giấc mơ siêu thực' hiện tượng và hiện thực hội họa

Mê hội họa từ năm 19 tuổi, nhưng phải chờ đến hơn bốn mươi năm sau Đinh Phong mới ra mắt triển lãm đầu tay của mình. Gần 70 tác phẩm bao gồm hội họa, điêu khắc đồng và gốm thực sự gây nhiều ngạc nhiên thú vị cho giới chuyên môn lẫn giới thưởng ngoạn.

Họa sĩ Đinh Phong và họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông cho DDVN biết "Đinh Phong là người được duyên và được nghệ thuật chọn". 

Và đáng ngạc nhiên hơn nữa là hầu hết các tác phẩm đều được gã sáng tác chỉ trong vòng…sáu tháng, một sự lao động cật lực của một người nghệ sĩ. Có nên chăng gọi đó là sự nhập đồng của chính gã, hay còn nguyên nhân nào khác?

Nghệ thuật luôn có những cái trắc trớ của chính nó. Có những người lựa chọn nghệ thuật làm nghiệp dĩ cho chính mình, đồng thời có những người khác được chính nghệ thuật chọn lựa như một nghiệp dĩ, có lẽ Đinh Phong thuộc trường hợp thứ hai. Có lẽ vậy, nếu không thì khó có thể giải thích được vì sao mãi đến lúc tuổi đời đã ngoại sáu mươi gã mới bắt đầu đặt chân bước vào tòa lâu đài nghệ thuật.

Trừu tượng là một trường phái hội họa, thoạt nhìn tưởng chừng như ai muốn vẽ như thế nào cũng ra tranh “trừu” được. Nhưng trong hội họa có một sự thật hoàn toàn khác hẳn, tranh trừu tượng thực sự là những chiêm nghiệm sâu sắc, những giằng xé nội tâm, đôi khi ám ảnh cả cuộc đời của người họa sĩ. Những đường nét, những mảng miếng, những khối màu tưởng chừng như ngẫu nhiên, tưởng chừng như bất chợt đến, bất chợt đi thực ra đã ám ảnh, đã dồn nén trong tâm trí Đinh Phong từ lâu, từ rất lâu trong vô lượng. Để rồi đến một ngày chín muồi, khi đầu óc gã không chịu đựng nỗi dồn nén tích tụ, nó bắt buộc gã phải bùng phát ra bên ngoài, thể hiện nó lên trên khung vải, để cho ra những tác phẩm trừu tượng.

Phải chăng lục thập lão hoàn nhi? Bất chấp những lý thuyết tạo hình, bất chấp những khuôn khổ học thuật, tranh của Đinh Phong thoạt nhìn cứ ngỡ như những nhát bay, những đường cọ pha trộn sắc màu mang đầy tính hồn nhiên trẻ thơ, như chính gương mặt trẻ trung của gã.

Nổi bật lên trên nhiều tác phẩm của gã là những khối hình, những đoạn màu rời rạc tưởng chừng như đứt đoạn, tưởng chừng như không hề có sự liên kết nào về thực thể. Nhưng thực ra đó là những đứt gãy đầy chiêm nghiệm, những liên kết chặt chẽ mang đầy triết lý nhân sinh phát xuất từ tiềm thức của một tâm hồn đa cảm, tạo nhiều suy gẫm cho giới thưởng ngoạn.

Tranh họa sĩ Đinh Phong 

Nếu đối chiếu toàn bộ những tác phẩm đã được trình làng thì có một sự ngược đời không hề nhỏ trong những tác phẩm của Đinh Phong. Thông thường hầu hết tác phẩm của các họa sĩ thường xuất phát từ hướng động để tìm về tĩnh, thì ngược lại gã lại phát xuất từ tĩnh để đi dần tới động.

Khởi phát từ những cảm xúc mơ hồ đâu đó vẫn ẩn hiện trong tâm trí gã, những Vỉa, Cào, Ảo, Lốc... lần lượt chào đời trong một không gian tĩnh lặng. Khi nguồn cảm xúc lớn dần Nhịp, Choáng, Rơi, Mơ… tiếp tục ra đời với những nhịp điệu nhanh dần, để rồi tăng tốc đập phá sắc màu, đập phá nhịp điệu với những Hố, Lò, Hình, Khối… mà đỉnh điểm là Hống ra đời sau những phút mê cuồng, khi những dày vò nội tâm của gã bất chợt sững lại. Từ đó gã bắt đầu nhận ra cuộc chơi, lúc đó gã nhận chân được rằng gã là một tay chơi sắc màu được nghệ thuật chọn lựa.

Nhìn tranh của Đinh Phong ta thoáng gặp mơ hồ từ đâu đó những hình ảnh Ai Cập cổ đại chăng? Những bóng dáng Champa ngàn năm ẩn hiện chăng? Những vật dụng của nền văn hóa Óc-Eo còn sót lại chăng? Những hình ảnh của thôn làng vùng đồng bằng Bắc bộ chăng?

Điêu khắc của họa sĩ Đinh Phong

Hay là tất cả những cái đó đã hòa quyện lại từ trong tâm thức, khởi phát lên qua sự từng trải của Đinh Phong? Chắc cũng chỉ có riêng gã mới có thể biết rõ nhất.

Gần cả cuộc đời, những kiến thức, hình ảnh được gã vô tình hay hữu ý nắm bắt, chiêm nghiệm và lắng dần vào trong vô thức, để rồi hàng đêm gã lắng nghe những thanh âm vọng đến, những hình ảnh mơ hồ hiện về trong những giấc mơ mà gã gọi là “Những giấc mơ bay”, và rồi một ngày tất cả bùng nổ để trở thành những tác phẩm hội họa mang phong cách trừu tượng. Cho dù có những tác phẩm riêng còn nhiều điều phải luận bàn, nhưng sự kết nối, sự chuyển tiếp sắc màu mềm mại và liên tục trong toàn bộ các tác phẩm của Đinh Phong thực sự đã mang lại một luồng gió mới, một sinh khí mới trong không gian nghệ thuật nước nhà, cũng đủ để gã một bước đặt chân vào tòa lâu đài nghệ thuật.

Triển lãm của họa sĩ Đinh Phong "Người bay và giấc mơ siêu thực" tổ chức tại trường Mỹ thuật Yết Kiêu - Hà Nội, 22.11.2020 gây được chú ý của công chúng và nghệ sĩ. 

Không dừng lại ở hội họa, cái mong muốn hiện thực hóa những giấc mơ lại tiếp tục xô đẩy Đinh Phong chuyển sang điêu khắc. Ở đó, những không gian mơ hồ trong các tác phẩm hội họa đã được gã gắng sức định hình qua một ngôn ngữ khác. Khác biệt ngôn ngữ, khác biệt hình hài nhưng từ trong cảm thức, giới thưởng ngoạn vẫn nhận ra được chuỗi liên kết tổng thể và sự nhất quán giữa hội họa và điêu khắc trong toàn bộ các tác phẩm của gã. Qua các tác phẩm điêu khắc, giấc mơ của Đinh Phong có xu hướng đi dần về hiện thực. Các tác phẩm của gã tuy mang kiểu dáng đương đại nhưng vẫn giữ được sự mềm mại, sự sâu thẳm trong từng cấu trúc và đường nét. Điều đó kéo người xem vào một chiều kích cảm thức khác biệt, gợi mở ra nhiều suy gẫm khác nhau trong không gian nghệ thuật của chính gã. Ngắm nhìn các tác phẩm điêu khắc của Đinh Phong khiến ta ngỡ rằng đang được xem những cổ vật của các nền văn minh rực rỡ một thời đã lụi tàn trong quá khứ, nay được khai quật lại, tuy mơ hồ, bí ẩn nhưng lại rất hiện thực. Chính xác là vậy, chẳng phải các tác phẩm này đã được khai quật lại từ trong tiềm thức của gần cả cuộc đời gã hay sao.

Từ phải sang: Nhà nghiên cứu Trương Nguyên Ngã, họa sĩ Đinh Phong và nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh. Ngày cuối năm, Hội An, 12.2020. 

Và nữa, sau những rộn rã ban đầu Đinh Phong lại tiếp tục sáng tác một seri mới. Những tác phẩm mới nhất của gã có xu hướng khai thác nhiều lớp chiều sâu, ẩn tàng nhiều trăn trở, nhiều chiều kích mới mẻ. Kết quả như thế nào còn phải chờ xem.

Tuy nhiên chúng ta - những người thưởng ngoạn, khi xem những tác phẩm của Đinh Phong không cần thiết phải tìm hiểu tác giả vẽ cái gì, vẽ như thế nào. Một khi gã đã dùng cảm xúc tự thân để sáng tác thì ngoại giới cũng chỉ nên dùng cảm xúc cá nhân để mà chiêm ngưỡng, để mà tìm hiểu và để gặp được một sự đồng cảm nào đó trong không gian nghệ thuật có tên là trừu tượng của tay chơi từ những giấc mơ, được nghệ thuật chọn lựa.

Hội An những ngày cuối năm 2020.

NNC Trương Nguyên Ngã