VĂN HÓA

Họa sĩ Đinh Phong: 'Tôi nhìn thấy sự sụp đổ của những kiến trúc hoành tráng...'

Đông Dương • 23-11-2020 • Lượt xem: 2454
Họa sĩ Đinh Phong: 'Tôi nhìn thấy sự sụp đổ của những kiến trúc hoành tráng...'

Từ ngày 24-30/11/2020, Họa sĩ Đinh Phong sẽ ra mắt triển lãm “Người bay và giấc mơ siêu thực” tại Art Space - Trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam - 42 Yết Kiêu, Hà Nội. Từ TP.HCM, anh đã dành cho DDVN một cuộc trò chuyện trước giờ lên máy bay ra Hà Nội để khai mạc triển lãm cá nhân đầu tiên của mình…

Tin và bài liên quan: 
Nhà phê bình Nguyễn Quân: Đinh Phong - Tốc lực nghệ thuật
Chinh Lê, triển lãm Alo: Một tài năng biểu cảm
Trường hợp Trần Hải Minh: Nghệ thuật như một ý niệm khác biệt!
Nhà nghiên cứu Trần Đán: Làm nghệ thuật - Hành động sáng tạo một thế giới song song 

Nhà phê bình Mỹ thuật Nguyễn Quân nói về trường hợp của họa sĩ Đinh Phong trên DDVN: Người viết không thể không ngạc nhiên và hoang mang”. Rồi ông đã diễn dịch để tìm ra một cách trả lời gần với trái tim mình nhất khi đứng trước thế giới sáng tạo quá phong nhiêu, đầy năng lượng của một họa sĩ mới chưa ai từng biết đến: “Trước đây nửa thế kỷ một danh họa Mỹ từng nói: Giờ đây người ta chỉ cần 15 phút để trở thành người nổi tiếng. Giờ đây liệu ta có thể nói: chỉ cần một ngày để trở thành nghệ sĩ!?”.


Tượng - Họa sĩ Đinh Phong - Ảnh: Phạm Tuấn Ngọc.

* Tôi đã đọc nhiều bài viết mỹ thuật của nhà phê bình hội họa đương đại nổi tiếng Nguyễn Quân. Phải nói là, anh Quân là người có bộ óc tư duy, khả năng tổng hợp, trình độ thẩm thấu chi ly, thuyết phục đến từ "cen-ti-met" tranh. Vậy nhưng, trong bài viết về họa sĩ Đinh Phong, ông đã không tránh khỏi những bối rối cho người đọc và cả chính ông trước một trường hợp chưa từng thấy trước đó. Cá nhân anh nghĩ sao về bài viết "Họa sĩ Đinh Phong - Tốc lực nghệ thuật"?

Họa sĩ Đinh Phong: - Có một sự thật xuyên suốt là bản thân tôi, như anh Nguyễn Quân viết, chưa bao giờ nghĩ tới việc vẽ tranh hay làm nghệ thuật để đi tìm sự nổi tiếng! Cũng như vậy, tôi chưa bao giờ nghĩ tới việc mình sẽ trở thành họa sĩ hay nhà điêu khắc. Thời gian gần đây tôi mới bắt đầu vẽ và làm điêu khắc gốm với sự đam mê và thích thú.  

* Nhưng với "tốc lực nghệ thuật" như thế, tôi nghĩ đã có một quá trình lâu dài và sâu bền, ẩn giấu hoặc tiềm tàng với anh và hội họa? Phải chăng “giấc mơ bay” hôm nay đã vượt thoát bao thời gian “siêu thực” vì đã tới từ quá khứ?

- Tôi đến với hội họa, đến với Mỹ thuật từ rất lâu, có lẽ từ những năm tháng còn học phổ thông. Thích nhìn ngắm những tác phẩm hội họa, những tác phẩm điêu khắc... Tôi cũng đến các bảo tàng nghệ thuật trong ngoài nước, tôi lục tìm tư liệu nghệ thuật trong các tạp chí, sách báo. Một may mắn khác, tôi có nhiều người bạn là họa sĩ, nhà điêu khắc, những nhà nghiên cứu, lý luận và phê bình mỹ thuật… Và tôi đã học hỏi được ở họ rất nhiều.

Từ quá khứ hay hiện tại tôi luôn có những giấc mơ. Tôi thấy những hình thể bay bổng sống động trong không gian tĩnh lặng và trong không gian tĩnh lặng tôi nghe được cả âm thanh của nó.  Âm thanh của sự tĩnh lặng.

Tôi cũng nhìn thấy cả sự sụp đổ của những kiến trúc hoành tráng. Sự sụp đổ, tan vỡ dừng lại trong không gian! Tôi thấy mình bay bổng cùng tất cả…

Xin được kể lại chân thật từ đáy lòng mình với phóng viên DDVN như vậy!  

* Thật là thú vị. Những họa sĩ trên thế giới anh đã xem và ám ảnh? Thường trực, những vấn đề nào trong tranh anh quan tâm? Phải chăng tính siêu thực, trừu tượng? Cái phức cảm, khó hiểu? Hay những gì dễ hiểu mà không cầm nắm được?

 - Tôi xem tranh và điêu khắc của rất nhiều họa sĩ lừng danh thế giới. Tôi cho rằng họ cũng có những giấc mơ của họ.

Tôi không bị ám ảnh bởi bất cứ ai.

Những hình ảnh trong giấc mơ của tôi đối với ngoài đời được đặt tên là trừu tượng, là siêu thực nhưng trong giấc mơ tôi nó là thật 100%.

Có điều đúng là nó không thể cầm nắm được. Tôi vẽ để nhìn thấy được lần thứ hai giấc mơ đó!

* Nhiều người nói vẽ trừu tượng, siêu thực dễ? Giống một quan niệm phương Đông “vẽ người khó, vẽ ma quỷ dễ”? Liệu cái nhìn này có đúng trong thế giới hiện đại?

 - Tôi cho rằng đó là quan niệm sai. Đối với tôi, việc thể hiện những suy nghĩ, những hình ảnh trong tiềm thức hay trong giấc mơ của mình bằng hội họa hay điêu khắc rất khó khăn cần phải có kỹ năng và kỹ năng cần phải học cần phải được đào tạo. Tôi không được học, không được đào tạo.

* Vậy nhưng qua tác phẩm, anh đã vẽ rất bay bổng, thơ mộng và rất đẹp. Và thế giới sáng tạo hiện ra thật đa chiều kích, đa giác không thể suy đoán được hết. Anh thường vẽ vào thời gian nào của ngày? Trước toan trắng vệt màu đầu tiên của anh theo đuổi là gì?

- Tôi vẽ vào tất cả mọi giờ trong ngày và trong đêm khi có cảm hứng. Suốt giai đoạn vừa qua tôi dành tất cả thời gian cho vẽ và làm điêu khắc. Chỉ dừng tay khi đến giờ thì vợ cho ăn (cười). Tôi làm việc không biết mệt. Chỉ buông tay khi ý thức mình phải cố gắng dành ít thời gian ngủ để giữ gìn sức khỏe. Thật khó tránh được cám dỗ từ những chân trời và giấc mơ vô tận. 

Khi bắt đầu vẽ tôi ngồi trước tấm toan trắng một lúc (giống như ngồi thiền) khoảng 1h đến 1,5h. Cần hết sức tập trung mới thì mới vẽ được. Lúc đó những hình ảnh trong tiềm thức bắt đầu hiện ra. Đã vẽ được rồi thì ko còn biết đến thời gian nữa!

Có thể nói, trong cơn say sắc màu, tôi vẽ cả khi ăn khi ngủ. Trong thời gian theo đuổi ý tưởng và màu sắc, vợ tôi thường bảo “Anh như người mất hồn ấy”.

Tranh Họa sĩ Đinh Phong - Ảnh chụp: Phạm Tuấn Ngọc. 

* Giữa tranh và điêu khắc liệu có chung một cầu nối trong nghệ thuật của anh? Nếu có, thông điệp đó là gì?

- Tôi làm điêu khắc bằng cách sử dụng những hình vẽ của tôi. Bởi trước khi những hình ảnh tôi đưa vào tranh. nó đã là vật thể có thật trong không gian Ba chiều ở trong tiềm thức của tôi .

Tôi luôn nghĩ có những thế giới khác tồn tại song song với thế giới hiện hữu như nhà nghiên cứu Mỹ thuật Trần Đán từng nói (*).

Tại sao sinh sống và làm việc ở TP.HCM mà triển lãm đầu tay của họa sĩ Đinh Phong lại tổ chức ở Hà Nội? Đó là một ý thức chọn lựa hay chỉ một cơ duyên?

- Đúng là cơ duyên. Nhưng tôi cũng rất mong muốn triển lãm đầu tiên của tôi được diễn ra tại Hà Nội, nơi tôi sinh ra và lớn lên. Đây là một điều kỳ diệu.

* Những dự liệu của anh sắp tới sau triển lãm “Người bay và giấc mơ siêu thực”?

- Sau triển lãm tại Hà Nội, chắc tôi lại nhờ họa sĩ Thanh Hương xinh đẹp tiếp tục giúp tôi tổ chức các triển lãm tại TP.HCM và những nơi khác. Tất nhiên, từ những thôi thúc trước mỗi lần ra mắt, tôi tin mình tiếp tục tìm thấy những năng lượng để làm việc vẽ thêm và tạo thêm tác phẩm điêu khắc...

Họa sĩ Đinh Phong trong xưởng làm việc và những bức tranh của mình - Ảnh: Phạm Tuấn Ngọc. 

Cám ơn họa sĩ Đinh Phong đã dành cho DDVN một cuộc trao đổi và chuyện trò hết sức cởi mở, đầy bất ngờ và thú vị này!  

Chú thích: Xem loạt bài viết về mỹ thuật, hội họa hiện đại của nhà nghiên cứu, họa sĩ, photographer Trần Đán viết cho DDVN. Đường link dẫn ở trên tin và bài liên quan.

Tham khảo, xem tranh của họa sĩ Đinh Phong tại đây.

 Đông Dương thực hiện