Duyên Dáng Việt Nam

Làm nghệ thuật là làm gì? Hành động sáng tạo một thế giới song song (Kỳ 2)

Trần Đán • 07-09-2020 • Lượt xem: 2341
Làm nghệ thuật là làm gì? Hành động sáng tạo một thế giới song song (Kỳ 2)

Trước tiên tôi phải nói rõ tôi không nhằm trả lời câu hỏi “Nghệ thuật để làm gì?”. Bạn sẽ không thấy tôi bàn ở đây. Nghệ thuật là để tự cởi lòng mình, để hòa mình với xã hội, để tôn vinh cái đẹp, để khám phá chân lý... Tôi xin vay mượn khái niệm một “thế giới song song - parallel universe” từ ngành vật lý lượng tử để nói về nghệ thuật vì mặc dù khó hiểu nhưng nó cũng dễ hình dung.

Tin và bài liên quan:

Làm nghệ thuật là làm gì? Phải chăng chỉ một mớ hỗn độn? (Kỳ 1)

Hội họa hiện đại: cần 'cảm' hay 'hiểu' một tác phẩm nghệ thuật?

Trường hợp Trần Hải Minh: Nghệ thuật như một ý niệm khác biệt!

Thế thì một “thế giới song song” là gì?

Khái niệm “thế giới song song” được đưa ra nhằm giải thích một số quan sát không thể nào giải thích được bằng vật lý cổ điển. Nó bắt đầu với tình huống khó xử là một lượng tử (một vật thể vốn được xem là nhỏ nhất) hiện hữu vừa trong dạng “sóng” vừa trong dạng “vật chất”. Khi ta bắn một lượng tử xuyên qua hai khe hở song song ta không tài nào biết được nó sẽ đáp xuống ở đâu mà chỉ biết xác suất nó sẽ đáp tại một điểm nào đó. Năm 1957 một nghiên cứu sinh tại Princeton tên Hugh Everett III đề xuất Thuyết Đa-Thế-Giới lập luận ra rằng khi ta bắn đi một lượng tử thì thể giới hiện hữu sẽ tách ra thành vô số bản sao của thế giới này, mỗi thế giới song song kia cho phép một điểm đáp chính xác. Có những thế giới song song rất giống thế giới của chúng ta, kể cả có bản sao của chính ta trong đó nhưng hành xử cách khác, nhưng cũng có những thế giới song song rất khác. Đầu tiên thuyết này bị chế nhạo nhưng càng ngày các nhà vật lý càng thấy nó đúng. Trước khi mất năm 2018 nhà vật lý lý thuyết lỗi lạc Stephen Hawking chỉ ra một phương cách phát hiện các thế giới song song đó.


Nhà Vật lý Lý thuyết lỗi lạc Stephen Hawking

Theo tôi tất cả các hoạt động nghệ thuật (“làm nghệ thuật”) là các hoạt động sáng tạo ra các thế giới song song. Tất cả các hoạt động khác của con người như làm khoa học, làm thương mại, làm chính trị… là để phát hiện, giải thích, kiểm soát cái thế giới hiện hữu này.

Trong nghệ thuật một thế giới song song là một bản sao của thế giới này trong đó các quy luật vận hành của các tố chất bị biến đổi đi. Thế giới song song được tạo ra càng ấn tượng chừng nào – tức để lại dấu ấn cảm xúc và tinh thần sâu đậm – nghệ thuật đó được xem là vượt trội chừng ấy.

Về hình thức hai quy luật dễ biến đổi nhất trong một thế giới song song của nghệ thuật là qui luật về thời gian và không gian.

Ví dụ về sự biến đổi về thời gian trong nghệ thuật: qua 600 bức vẽ thú vật trên vách đá trong hang động Lascaux bên Pháp khoảng 2000 năm trước, ta không bao giờ biết được dụng ý của các họa sĩ man khai đó là gì, nhưng ta có thể khẳng định họ đã tạo ra một thế giới song song trong đó thời gian hoàn toàn đứng lại, các thú vật trở thành bất động, không còn là những mối nguy hiểm, và hình ảnh chúng sẽ tồn tại lâu đời trên đá.

Ngày nay một tranh vẽ, vở kịch hay cuộn phim lịch sử cho phép ta đi ngược thời gian để tái diễn quá khứ, một điều bất khả thi trong thế giới này. Một phim khoa học giả tưởng thì lại phóng ta về tương lai như các phim Dr Who, Back To The Future.

Tái tạo lại không gian là một kỹ thuật cơ bản khác dùng trong việc sáng tạo một thế giới song song. Khi Sophocles dựng nên vở Oedipus 400 năm TCN, ông đã sáng tạo nên một thế giởi song song trong đó người phàm và thần thánh giao lưu với nhau ở một không gian huyền ảo. Hơn 100 năm trước phim Star Wars (1977), truyện Du Hành Vào Trung Tâm Quả Đất đã đưa ta đến một nơi không thể đến được trong thế giới này.

Trong hội họa, tôi chỉ cần dẫn chứng việc một vật 3 chiều trong thế giới này được tái tạo lên trên một thế giới chỉ có 2 chiều là tấm toan. Trong hội họa châu Âu cổ điển, họa sĩ sao chép thế giới thực bằng cách áp dụng quy luật về chiều sâu, ví dụ vật càng xa càng nhỏ đi. Đối lại hội họa châu Á, không hề áp dụng quy luật đó, vật trước vật sau đều như trước mặt – một không gian ảo. Về sau các họa sĩ lập thể phá đi rồi làm lại không gian bằng cách cho đồng hiện một vật thể được nhìn từ nhiều hướng khác nhau.

Ta cũng có thể nhận thấy một khu vườn Nhật Bản, tuy dựa vào mô hình thiên nhiên, nhưng thật sự đưa ta vào một thế giới song song tĩnh lặng hơn, thuần khiết hơn, nơi không có cỏ dại, cành khô, tất cả mọi hoen ố trong thiên nhiên đã được gạn lọc.

Một quy luật khác cũng được biến đổi đi là qui luật về âm thanh để sinh ra âm nhạc. Rõ ràng nhất là khi con người nghĩ ra các ca điệu để diễn tả cảm xúc, nó không còn là ngôn ngữ bình thường của thế giới này mà trở thành âm nhạc đưa ta đến một thế giới khác. Xa xưa nhất, các thầy pháp có thể được xem là các nghệ sĩ hát đầu tiên vì qua những điệu hát của họ người nghe thâm nhập vào những thế giởi song song nơi họ giao lưu với tổ tiên hay thần thánh. Các tôn giáo ngày nay tiếp tục thực hành đó trong các bài thánh ca của họ. Âm nhạc đạt đỉnh cao nhất vào thế kỉ thứ 18 bên châu Âu với các nhà soạn nhạc Beethoven, Chopin. Mozart khi họ viết cho dàn nhạc giao hưởng với hàng chục nhạc cụ, tạo ra những cảm xúc dữ dội nhất. Kinh nghiệm làm nô lệ của người Mỹ da đen khiến họ trân quý tự do và từ đó tạo ra thế giới song song của nhạc jazz.


Một tác phẩm đương đại La Condition Humaine của họa sĩ siêu thực René Magritte

Múa có lẽ cũng bắt đầu từ các lễ nghi, đầu tiên là để giao tiếp với tổ tiên, thánh thần, để xin được mùa, sau là để mua vui cho vua chúa. Chủ yếu, các “nghệ sĩ múa” man khai đã sáng tạo ra những động tác không có trong cuộc sống bình nhật để đưa ta đến một thế giới song song hưng phấn hơn, năng lượng hơn. Hình ảnh múa được tìm thấy trong hang động bên Ấn Độ 30000 năm trước, bên Ai Cập 3000 năm trước. Ngày nay có hàng nghìn vũ điệu dân tộc được ghi nhận. Thoát ra khỏi các qui ước cứng nhắc của ballet, vũ điệu đương đại của Martha Graham chú trọng lấy động tác và cơ thể để biểu hiện cảm xúc một cách phóng khoáng hơn.

Tương tự như múa điêu khắc có lẽ khởi đầu với các lễ nghi tôn giáo. Từ Ai Cập, Ần Độ đến Hy Lạp các tượng thần được tìm thấy nhiều nhất trong các đền đài cổ. Những nền văn minh ốc đảo còn đế lại cho ta những khuôn mặt đá khổng lồ cỏ lẽ của tổ tiên. Điêu khắc là một dạng thức của nghệ thuật trong đó yếu tố không gian được các nghệ sĩ vận dụng triệt để. Thời sơ khai họ tạc tượng gỗ, tượng đá, về sau họ đúc tượng bằng đồng, và trong thời hiện đại họ không chừa bất cứ chất liệu nào. Đối tượng của điêu khắc lúc đầu là các thần linh, thú vật được trừu tượng hóa, về sau là con người bằng da bằng thịt, và vào thời kỳ hiện đại là những hình thể trừu tượng, là tính biểu đạt của chất liệu chính nó. Điêu khắc đương đại với kích thước khủng bước ra khỏi gallery, viện bảo tàng – các “đền đài đương đại” – để ngự trị trên đường phố.


Điêu khắc đương đại tác phẩm 'Untitled' của điêu khắc gia tối giản Donald Judd

Về tư duy, vì thế giởi song song trong nghệ thuật phản ảnh sự phát triển của xã hội, nên tư duy trong nghệ thuật cũng thay đổi, đôi khi đi trước, đôi khi theo sau xã hội.

Tại châu Âu nghệ thuật Cổ Điển làm ra cho giới tinh hoa, nhằm tạo ra thế giới song song theo “khuôn vàng thước ngọc” nào đó, đề cao “Cái Đẹp” và “Đạo Đức” lý tưởng – tất nhiên đó là Cái Đẹp và Đạo Đức dưới nhãn quan của giai tầng quý tộc. Một thời gian dài châu Âu rơi vào thời kỳ Trung Cổ còn gọi là Thời Kỳ Tăm Tối và nghệ thuật chỉ ca ngợi tôn giáo và vua chúa. Thời kỳ Phục Hưng bên châu Âu ở thế kỉ 14-15 rời bỏ tôn giáo để quay về những khuôn thước của thời kỳ Cồ Điển với lòng tin ở con người, do đó đẻ sinh ra các nhân tài điêu khắc như Michelangelo và Leonard deVinci và nhà thiên văn như Galileo, Copernicus. Tiếp theo là thời kỳ Khai Sáng ở thế kỉ 17-18 khi nghệ thuật ngày càng giải phóng cá nhân, đề cao lý trí và cổ vũ cho tự do biểu đạt. Từ thế kỷ thứ 19 đến nay chứng kiến sự bùng phát của các khám phá khoa học kỹ thuật, sự xâm chiếm các thuôc địa, các đại chiến thế giởi và sự toàn cầu hóa thông tin. Trong các điều kiện xã hội đó các thế giởi song song tạo ra bởi nghệ thuật không tránh khỏi phản ảnh các thay đổi đó.

Bước sang thời kỳ hiện đại và hậu hiện đại ta thấy các nghệ sĩ đưa ra nhiều cách thiết lập các thế giới song song đó, mỗi trường phái có một “hệ thống” riêng với quy luật chặt chẽ riêng. Trừu tượng vứt bỏ hình ảnh có trong thế giới này để hiển hiện lên ý tưởng hoặc cảm xúc “thuần túy”. Hành động đặt trải nghiệm vô thức lên hàng đầu. Ý niệm đặt ý tưởng trước hành động. Pop Art ca ngợi sự hưởng thụ hàng loạt và văn hóa “bình dân”…


Cut Piece (Cắt mảnh) của nghệ sĩ Yoko Ono khán giả cắt áo đang mặc.

Ta thấy sự hình thành của những dạng thức nghệ thuật mới nhằm tạo ra các thế giởi song song. Khác với kịch nghệ, Nghệ Thuật Trình Diễn là môn nghệ thuật có sự tham gia trực tiếp của người xem. Tại MoMA New York, năm 1964, trong vở Cut Piece (Cắt Mảnh) Yoko Ono ngồi yên rồi mời khán giả cắt áo nàng đang mặc ra thành mảnh. Trong cái thế giới song song đó người ta liên tưởng đến một màn hãm hiếp với sự đồng lõa của khán giả.

Khác với điêu khắc Nghệ Thuật Sắp Đặt không chủ trương khai phá những hình thể hay chất liệu mới nhưng dùng các hình thể và chất liệu đã có và sắp xếp chúng thế nào để tạo ra cái thế giởi song song theo một ý niệm nào đó. Khi ta bước vào Vườn của Narcissus của Yayoi Kusama ( Brazil, 2009) ta bước vào một khu vườn Nhật Bản thường thấy nhưng chứa đầy các trái banh bằng gương phản chiếu để ta có thể soi mặt.

Một tác phẩm Nghệ thuật Môi trường 'Narcissus Garden' của nghệ sĩ sắp đặt Yayoi Kusama

Nghệ thuật Môi trường do hai vợ chồng Christo và Jeanne-Claude triển khai cũng nhằm dựng nên một thế giới song song bắng cách khoác lên các tòa nhà nổi tiếng, các địa danh, những tấm màn vải khổng lồ nhiều màu. Nó biến thiên nhiên và những kiến trúc nhân tạo thành những bức “điêu khắc” vĩ đại.

Nói tóm lại chức năng của người nghệ sĩ là tạo ra các thế giới song song còn chức năng của các nhóm người khác là phát hiện, thấu hiểu và nắm quyền kiểm soát cái thế giời này của chúng ta.

Vâng, trong khắp “khu rừng nghệ thuật” ta sẽ thấy hàng ngày những thế giới song song được sáng tạo ra. Vô số nghệ sĩ tham gia vào hành động đó. Tất nhiên chỉ một số ít sẽ được xem là “sáng tạo”, tức chưa từng thấy trước đến giờ, là “khai phóng”, tức mở đường cho những hướng đi mới, là “sâu thẳm”, tức để lại ảnh hưởng sâu đậm trong cảm nhận và tri thức của con người, dù không nhất thiết là của đại chúng. Sẽ có những thế giởi song song đầy u tối, thấp hèn và thời thượng, nhưng hãy để chúng tự đào thải. Việc cần làm là nâng cao giáo dục về nghệ thuật, tạo môi trường nẩy nở nghệ thuật, khuyến khích sáng tạo, nâng cao tầm thưởng thức nghệ thuật của công chúng.

Nếu bạn đã đọc được đến đây thì tôi chào mừng bạn. Chúng ta hãy cùng nhau bước qua thế giới song song của nghệ thuật để cùng bị chửi là bọn ăn cắp thời gian và không gian!

***Chú thích ảnh avatar: Tác phẩm 'Le Pont Neuf' của nghệ sĩ môi trường Christo và Jeanne-Claude.

T.Đ