Nghệ sĩ, họa sĩ Trần Đán làm việc nhiều năm trong ngành thiết bị y và tin học. Ngoài 50 anh mới tự khai phá nghệ thuật, đặc biệt là hội họa và nhiếp ảnh. Trong nước anh từng triển lãm tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam 2013 và VICAS 2019. Anh nhận giải vàng tại Cuộc Thi Nhiếp Ảnh Quốc Tế Tokyo 2019. Anh hiện sống tại Mỹ. Anh vừa gửi đến DDVN một bài viết về việc thưởng thức một tác phẩm hiện đại nên thế nào? Cần 'cảm' hay 'hiểu'?
Tin bài liên quan:
Trường hợp Trần Hải Minh: Nghệ thuật như một ý niệm khác biệt!
Bửu Chỉ, tranh là những nỗi niềm bí mật
Huỳnh Lê Nhật Tấn: Bay ngơ ngác trong Tranh và Thơ
Tôi thường nghe nói một kiệt tác nghệ thuật là một tác phẩm làm ta có "cảm xúc" dạt dào, không cần ta phải "hiểu." Nói nôm na hơn, nó phải lay động "con tim", không nhất thiết phải lay động "trí não." Tựa hồ như có hai bộ phận của cơ thể phụ trách hai chức năng khác nhau.
Theo tôi đây là một ngộ nhận cơ bản về quy trình thưởng thức nghệ thuật. Tôi xin khắng định chỉ có trí não là có khả năng "cảm" và "hiểu" được nghệ thuật.
Nghiên cứu mới của giới y khoa đem đến nhiều thú vị cho người yêu nghệ thuật
Đã từ lâu khoa học chứng minh chỉ có não bộ của con người là có khả năng "cảm" và "hiểu". Thậm chí họ còn xác minh được vị trí nào trong não bộ phụ trách chức năng nào, và đặt tên chúng là đại não, tiểu não, thùy trán, thùy đỉnh, là quả amygdala, là vùng hippocampus.... Qua đối chiếu các triệu chứng trong những người có hành vi bất bình thường hoặc bị chấn thương sọ não với chẩn đoán qua chụp ảnh y học và phẫu thuật, họ đã định vị được các vùng chức năng của não. Ví dụ họ xác minh: "Thùy đỉnh phân tích đồng thời các tín hiệu nhận được từ các vùng khác nhau của não, từ đó tổng hợp đưa ra các thông tin, cảm nhận, ý nghĩa mới của sự vật". Họ còn xác định được chất nội tiết (hormone) nào được tiết ra từ não bộ để gây ra cảm xúc nào. Ví dụ endorphin, serotonin hay dopamine gây ra cảm xúc hưng phấn (euphoria) hay oxytoxin khi ta cảm thấy yêu thương. Ức chế việc tiết ra các chất trên (do bệnh tật, tai nạn, stress...) sẽ gây ra cảm xúc trầm cảm. Với hiểu biết đó họ đã điều chế được thuốc để điều chỉnh cảm xúc cho các bệnh tâm thần. Các nhà y học có thể quả quyết con tim không hề "thông minh" chút nào và chỉ có khả năng duy nhất là bơm máu.
Vậy từ đâu ra sự ngộ nhận rằng một kiệt tác nghệ thuật phải làm lay động con tim ta? Tôi đoán rằng khi đứng trước một kiệt tác nghệ thuật không ít người xem cảm thấy con tim đập như ngựa phi nên vội đổ tội cho con tim là thủ phạm. Nào ngờ đấy là do các đường dây thần kinh từ não bộ "giật dây" người ấy thôi.
Vậy quy trình thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật là như thế nào? Thế nào là "cảm" và thể nào là "hiểu"?
Đầu tiên các tính hiệu phát đi từ thế giới bên ngoài như ánh sáng, âm thanh, mùi vị, nhiệt độ... kích thích ngũ quan (tai, mắt, lưỡi, miệng, da thịt...) và trở thành những dòng điện chạy xuyên qua hệ thần kinh lên não bộ. Khi được tiếp nhận, các tín hiệu đó được xử lý bởi các "trạm" khác nhau của não bộ. Tôi dùng từ "trạm" cho dễ hiểu như một quy trình xử lý dây chuyền nhưng thật ra đó là một ma trận (matrix) trao đổi tín hiệu một cách vô cùng phức tạp. Để biết thêm các bạn có thể tra Google, gõ vào "các chức năng của não".
Đầu tiên là trạm "nhận diện và đối chiếu". Chức năng này có thể thông qua "ký ức bản thân" rút từ kinh nghiệm bản thân trong quá khứ (ví dụ người đàn bà của Modigliani được so sánh với người đàn bà bằng da thịt mà ta từng ôm ấp, màu đỏ nhắc nhở đến sự sống hay chết chóc... ) hoặc thông qua "ký ức xã hội" tức những gì ta tiếp thu được từ xã hội (như những giá trị đạo đức, thẩm mỹ, tôn giáo, triết lý...). Từ đó nó tạo cho ta một cảm xúc mà tôi gọi là "cảm xúc tiền tư duy." Vì bỏ qua nhiều trạm xử lý nên đặc trưng của loại cảm xúc này là chúng đến rất nhanh, như một trực giác, khiến ta biết ngay thích hay không thích một tác phẩm.
Tranh của họa sĩ Monet
Tiếp theo là trạm phân tích. Tại trạm này, não bộ đi sâu hơn không những vào "tác-phẩm-như-tác-phẩm" mà còn vào "quy-trình-sáng-tạo-tác-phẩm" và "tác-giả-môi-trường-thời-điểm" để tìm cách "kiến giải" một tác phẩm. Tại trạm này người xem tranh Monet sẽ thấu hiểu hội họa không cần sao chép thiên nhiên như trước nữa mà chỉ cần bày hiện cái ấn tượng của sự vật để lại trong ký ức, với màu sắc thay đổi tùy thời gian, một phát minh trong hội họa phản ảnh các khám phá mới nhất về quang học và cơ cấu vật lý của ánh sáng. Nhờ "hiểu" được điều đó nên thế giới nghệ thuật mới bỏ đi thái độ công kích lúc đầu đối với trường phái ấn tượng.
Sau đó là trạm tích hợp mà các nhà y học đã đinh vị được trong vùng gọi là "thùy trán" (frontal lobe) của não, cũng là nơi có chức năng suy nghĩ trừu tượng hay tưởng tượng. Tại đó người xem vượt lên trên "tác-phẩm-như-tác-phẩm" đế hình dung "tác-phẩm-như-ý-niệm" hoặc "tác-phẩm-như-có-thể". Tại trạm này người xem vượt thoát hình dạng rất thực dụng của cái bồn tiểu của Marcel Duchamp để đạt đến ý niệm của một "Nguồn Nước" như tên ông đặt cho tác phẩm. Hay khi ta đi sâu hơn hình tượng con cá mập được lưu giữ trong tủ kính chứa formaldehide để rùng mình cảm nhận ý niệm Cái Chết Bất Khả Hình Dung của Thể Xác Trong Mắt Người Sống theo tên đặt của tác giả Damien Hirst.
Tác phẩm của Damien Hirst gây nhiều tranh cãi thậm chí phẫn nộ
Và từ tất cả các trạm trên hình thành cảm xúc mà tôi gọi là "cảm xúc hậu tư duy." Cảm xúc nay đi từ tiêu cực như sợ hãi, buồn nản, hay tích cực như sảng khoái, mê mẩn. Thậm chí cảm xúc này có thể là sự kết hợp của hai thái cực như sợ hãi đi đôi với sản khoái (vi dụ khi xem tranh của Francis Bacon hay Salvador Dali).
Tác phẩm của họa sĩ Francis Bacon
Đối với người xem thì họ hoàn toàn có khả năng chấm dứt quy trình thưởng thức nghệ thuật đó ở bất cứ trạm nào. Quyết định này có thể do ý muốn có ý thức, hay do cách họ được giáo dục đã trở thành thói quen.
Trong trường hợp họ dừng tại "cảm xúc tiền tư duy" thì ta nói họ "cảm" tác phẩm. Nói nôm na họ thích (hay ghét) mà không cần hiểu tại sao.
Ngược lại một số người khác, họ sẽ đi suốt ma trận xử lý trước khi nhận thấy dâng tràn một "cảm xúc hậu tư duy." Cảm xúc này có đặc trưng là tuy đến chậm nhưng tồn tại bền lâu. Trong trường hợp sau, ta nói họ "hiểu" tác phẩm vì họ có thể đưa ra một nhận định (đúng hay sai) về tác phẩm. Không sai nếu ta nói tuy "cảm" có thể không đi kèm với "hiểu" nhưng "hiểu" luôn luôn đi kèm với "cảm". Ta có thể so sánh với cảm giác hưng phấn của Einstein về sự tối giản của vũ trụ khi hiểu ra rằng năng lượng của vạn vật có thể được thể hiện qua công thức e=mc2.
Nếu quy trình trong não dùng để "cảm" nghệ thuật đã phức tạp thì cái dùng cho "hiểu" nghệ thuật lại càng phức tạp hơn, và do đó nhiều người xem không muốn đạt đến. Về phía nghệ sĩ, do xã hội ngày càng phức tạp, nên sức ép trên họ từ trường lớp, giới phê bình nghệ thuật, nhà triển lãm đến viện bảo tàng đều thúc đấy họ nhắm về chiều hướng "phức tạp hóa" nghệ thuật. "Giá trị bổ sung" nằm trong sự phức tạp của một tác phẩm - từ hình thức đến nội dung tư duy. Do đó nghệ thuật không tránh khỏi ngày càng "xa rời quần chúng".
Họa sĩ, nghệ sĩ Trần Đán
Nhưng đối với những ai chịu khó nâng tầm nhận thức của mình lên từ "cảm" đến "hiểu" thì tôi chắc chắn phần thưởng tinh thần sẽ phong phú hơn. Nếu ta chỉ dừng ở tiêu chí "cảm" một tác phẩm thì e rằng ta sẽ mất mát rất nhiều. Ví dụ họa sĩ siêu thực René Magritte vẽ một ống điếu rất tầm thường, chẳng có gì kích thích thị giác và đặt tên "Đây Không Phải Là Ống Điếu."
Họa sĩ siêu thực René Magritte và tác phẩm nổi tiếng "Đây Không Phải Là Ống Điếu."
Nếu ta vượt qua cái "cảm" để tìm hiểu thêm, ta sẽ sản khoái khi phát hiện "trò chơi tâm lý" đằng sau tác phẩm, không khác gì các câu "công án" trong Thiền khiến ta đốn ngộ. Hoặc khi ta hiểu được vận động tư duy nào đã sản sinh ra các trường phái Ấn Tượng, Lập Thể, Trừu Tượng Biểu Hiện... Lúc đó ta sẽ nhận ra rằng sự đa diện của nghệ thuật thật sự phản ảnh sự đa diện của cuộc sống chính nó, và một xã hội chấp nhận sự đa diện trong nghệ thuật chính là xã hội chấp nhận sự đa diện trong cuộc sống.
T.Đ