Duyên Dáng Việt Nam

Bửu Chỉ, tranh là những nỗi niềm bí mật

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 28-08-2019 • Lượt xem: 3643
Bửu Chỉ, tranh là những nỗi niềm bí mật

Triển lãm tranh của cố họa sĩ Bửu Chỉ (1948 - 2002) vừa khai mạc ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM) từ 25/8 đến hết ngày 3/9. Một cố gắng của Lythi Auction giới thiệu tranh ông với người thưởng ngoạn phía Nam. Lấy lại tên đợt trưng bày là “Thời gian của người” - một ám ảnh thường trực bùng nổ của họa sĩ giai đoạn cuối cũng là một cách nhìn lại vết tích thời gian tựu thành trong tranh ông. 

Tin, bài liên quan:

Duy Ninh, triển lãm ‘Một cõi người’

'Ký ức quê nhà' của họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi

Nữ họa sĩ đầu tiên làm từ điển Tây Ban Nha - Việt Nam

Họa sĩ Thanh Hồ còn tình yêu ‘ngõ tím’

Sinh thời Bửu Chỉ sống ở Huế và cũng không có nhiều cuộc trưng bày tranh. Có lẽ, hội họa đối với ông là lẽ sống, là cuộc chiêm nghiệm. Cuộc đối đầu của bản thể với thời gian để truy lĩnh, giác ngộ mặc khải chứ không phải cuộc ráo riết áo cơm thương mại. Vì thế, tôi không được xem nhiều tranh của ông. Tuy nhiên, phải nói rằng tranh ông gợi nhớ đến những đề tài quen thuộc mà các “mét-tơ”, các danh họa thế giới đã đeo đuổi như Matisse, Picasso đặc biệt là Salvador Dali. Các biểu thức như đồng hồ chảy nhão, con người cheo leo trên mỏm vực thời gian đi từ lập thể đến chủ nghĩa siêu thực. Tranh Bửu Chỉ cho thấy siêu niệm về một thế giới suy tàn mà con người thực ra đã bất lực vì không thể làm chủ được nó cho dù ngỡ đã tàn phá, cải đổi, dời non chuyển bể.

Chân dung họa sĩ Bửu Chỉ

Tác giả Nguyễn Hữu Hồng Minh tại triển lãm tranh của họa sĩ Bửu Chỉ

Ông đã viết: “Có người quan niệm rằng hội họa không thể nào truyền đạt được một thông điệp khi nó là một thứ nghệ thuật phi tuyến tính, nghĩa là không có trình tự trước sau… Tôi không đồng ý với quan niệm này, vì nó có nhiều điểm không ổn và không xác đáng”. Từ sự tìm kiếm tân biểu hiện (néo-expressionnisme) qua tượng trưng (symbolism), cuối cùng ông đã mặc nhiên kết hợp nhiều phong cách với nhau. Để tôn tạo một cái Tôi - Tranh trên bề mặt thế giới hỗn độn các quan niệm, chủ thuyết và sắc màu.

Người yêu tranh Bửu Chỉ đều biết ông là một mẫu người lý tưởng ngay từ vạch xuất phát. Tranh bút sắc của ông chính là ngọn lửa, là biểu tượng tranh đấu trong dòng văn nghệ đô thị và phong trào yêu nước của sinh viên học sinh miền Nam trước 1975. Như vậy có nghĩa Bửu Chỉ đã có “một trình tự trước sau” chứ, tại sao không? Khi ông viết “hội họa không thể nào truyền đạt được một thông điệp khi nó là một thứ nghệ thuật phi tuyến tính, nghĩa là không có trình tự trước sau” có nghĩa ông đã có thay đổi về cái nhìn và cách “lập mỹ” (mỹ cảm nhận thức - chữ của tôi). Có thể ông từ bỏ hoặc chối bỏ. Có nghĩa ông sẽ không còn quan niệm về hội họa, về cái sẽ vẽ như trước nữa. Và các chặng hành trình ngỡ lẽ ra phải trình tự tiếp nối thì ngay bây giờ đã có thể dứt bỏ, đập vỡ. Tại sao không? Một quan niệm đầy xung đột, táo bạo mà chỉ có ở những tài năng lớn như Bửu Chỉ.     

Nhà phê bình Thái Bá Vân đã đúc kết: “Tôi không hiểu sai Bửu Chỉ. Nghệ thuật không phải để trang điểm hay phụ bạc, mà nó phải được bảo đảm và định hướng bằng chính cái ý nghĩa người, bao giờ cũng đẹp đẽ và có ích, trong cuộc sống thường là nhỏ nhen và tàn bạo. Sự trốn thoát nào đó cái hàng ngày, bằng hội họa, của anh là có nghĩa bởi nó đồng nhất với nhập cuộc và đấu tranh cho cái chưa là…”.

Và cũng chính từ đây đã hình thành ý niệm Bửu Chỉ là một ca khá phức tạp để có thể cảm, hiểu và luận về tranh ông. Tôi đã từng nghe người Huế riễu ông: "Phân còn chưa được nói chi tới chỉ (!?)". Cả phân và chỉ đều là những lượng toán đo đếm trong cách tính tỷ lệ vàng. Giá trị phẩm cách của một con người sống trong muôn vàn quy chuẩn xử thế đặt định đã khó huống hồ nghệ thuật là tâm hồn, tài năng, là cái cao nhất của họ.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, có thể xem là một người bạn thân nhất của họa sĩ, viết: “Bửu Chỉ, tự bản chất là một con người phản kháng. Anh không chỉ nổi loạn với chính bản thân mình, mà còn muốn phá phách những trật tự xung quanh. Đó cũng chính là tiền đề cho những cuộc dấn thân không ngừng nghỉ trong cuộc đấu tranh thời chiến và bây giờ muốn tiếp nối con người ấy trong hội họa".

"Hội họa đối với Bửu Chỉ chính là đời sống và đời sống với anh cũng chính là hội họa. Ngày xưa đã thế, ngày nay còn hơn thế nữa. Nhất là trong thời gian này…”.

Tôi xem tranh Bửu Chỉ thấy ở tác phẩm ông là một cái đẹp mâu thuẫn. Ông là một con người giằng xé luôn bức bối đẩy mình đi tới cùng nhưng thực ra chúng ta đang đậu trên mặt phẳng mặt bẹt của sự tương đối. Chúng ta chỉ là những con ruồi hay hạt cám hạt bụi li ti trên cái cối xay miên viễn thời gian. Và nghệ thuật chỉ là chọn cách nói lên, nói chạm ngưỡng cuối cùng một, hai suy nghĩ lần mò rốt ráo. Ai chạm đến mặt bên kia của vấn đề họ được phong thánh là nghệ thuật tối thượng hay nhà tiên tri.

Để mãi mãi thế giới riêng Bửu Chỉ vẫn còn những nỗi niềm bí mật…