Duyên Dáng Việt Nam

Duy Ninh, triển lãm ‘Một cõi người’

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 21-08-2019 • Lượt xem: 3871
Duy Ninh, triển lãm ‘Một cõi người’

Tôi nhận được thư mời đến dự triển lãm của họa sĩ Duy Ninh khi vừa đáp xuống máy bay ở phi trường Đà Nẵng. Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 24/8 đến 4/9/2019 tại Bảo tàng Mỹ thuật lớn nhất của thành phố biển, số 18 Lê Duẩn, Quận Hải Châu. Điềm lành chăng? Vậy cớ sao không “mục kỉnh” studio của anh để tận mắt tận tay sờ, chạm từng bức tranh huyền hoặc mà phải ngóng qua những bức ảnh thu nhỏ? Cần dùng nhiều đến sức tưởng tượng khi xem từ catalogue? Và tôi đã có nửa ngày lục lọi, chiêm ngưỡng tranh Duy Ninh từ xưởng vẽ của anh cùng họa sĩ, nhà thơ Huỳnh Lê Nhật Tấn.

Tin, bài liên quan:

'Ký ức quê nhà' của họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi

Nữ họa sĩ đầu tiên làm từ điển Tây Ban Nha - Việt Nam

Họa sĩ Thanh Hồ còn tình yêu ‘ngõ tím’

Vĩnh Phối và hội họa trừu tượng

Buổi chiều ấy chúng tôi cùng bày biện, uống rượu, xem tranh, để hiểu thêm về “ông Phật đất”, một tài năng kín tiếng, hiền lành của giới làm nghệ thuật tạo hình Đà Nẵng. Không chỉ nổi tiếng mà còn kín tiếng, Duy Ninh là một cõi riêng biệt. Nói không quá, anh là một trong số rất ít họa sĩ lớn có thành tựu được giới công chúng sưu tập, thưởng ngoạn cũng như giới trí thức, phê bình mỹ thuật ghi nhận, đánh giá cao. Ngoài tuổi tên lẽ thường, tranh Duy Ninh đã chạm đến ngưỡng một biên giới khác. Đó là tài năng thực thụ, sự khiêm tốn, nho nhượng và phẩm cách sống.

Xưởng làm việc của họa sĩ Duy Ninh (Ảnh: Huỳnh Lê Nhật Tấn)

Họa sĩ Duy Ninh và một trang ghi chú về Mỹ thuật hiện đại của anh trong studio. (Ảnh: Đông Dương)

Tôi cảm nhận 3 yếu tố tối ưu, luôn cố gắng thu gọn để ẩn mật công phá trong tranh Duy Ninh, đó là: Bố cục chặt chẽ, chi tiết đường nét tinh tế và màu sắc tương biệt, thấu cảm. Ba yếu tố trong một bức tranh đó đã tạo thế chân vạc, cộng với sự tiết chế kiềm nén tối đa đã thể hiện “đẳng cấp” vượt trội của một họa sĩ.

Nhưng cảm nhận thế mà phân tích vào mỗi đường nét tranh Duy Ninh lại không hề dễ. Dường như tất cả những gì đa đoan, phức tạp của cõi người, hay linh ẩn, huyền nhiệm từ vũ trụ mà tâm hồn, châu thân anh nhận biết đã quy nạp và thu lực nén xả qua mỗi bức tranh. Trên mỗi nét cọ, mảng màu, độ dài ngắn, lớn nhỏ của tranh các chiều kích tương hợp được căng ra đau đớn, quặn thắt và lộng lẫy. Đó là những Trái cấm, Cội rễ, Donquixot và hoa hồng, Người giữ lửa, Hiroshima, Trăng đỏ, Totem 1, Khúc tráng ca về mẹ… Tôi thấy đôi khi tranh Ninh là tiếng thở dài tức ngực nhưng đột phá vãi tung ra trong tranh như sự giải thoát nhiệm màu.    

Duy Ninh bên bức ký họa cha anh, cũng là một nghệ sĩ nổi tiếng đã mất (Ảnh: Huỳnh Lê Nhật Tấn)

Gọi cuộc ra mắt lần này của Duy Ninh là “triển lãm đời người” cũng không có gì quá đáng khi họa sĩ đã chọn ra 52 bức tranh cho một hành trình dài làm nghệ thuật. Không tính các cuộc triển lãm chung ở nước ngoài như Đan Mạch (1995), Hoa Kỳ (1996) thì triển lãm cá nhân gần đây nhất của anh tại TP.HCM (1991) cũng đã suýt soát 30 năm. Ba mươi năm trong cuộc đời một nghệ sĩ ở Việt Nam quá dài cho những rã rời suy nghiệm, suy tư. Những ánh sáng kỳ ảo nhất, những phát hiện độc đáo nhất cũng đã hiện chân, phơi bày. Và với Duy Ninh, ngoài sơn dầu, bút sắc, acrylic… anh đã khẳng định mình ở địa hạt Thủ ấn họa.

Về thế mạnh này của anh, nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Huỳnh Hữu Ủy đã có những nhận xét quan trọng viết trong cuốn sách kinh điển “Nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại” xuất bản lần đầu tiên bằng hai thứ tiếng Anh – Việt, in tại Mỹ, nhằm giới thiệu hội họa Việt Nam ra với thế giới: “Những Thủ ấn họa đầy chất siêu thực của Duy Ninh tươi sáng hơn, nhưng cũng hàm chứa những ray rứt của một tâm hồn đầy chiều sâu, giữa một thế giới tịch mịch và trầm lặng. Thông điệp của người nghệ sĩ Việt Nam gửi đến cho cuộc đời và thế giới chính là những kêu đòi đổi mới và tái xây dựng trong yêu thương, hòa hợp và hy vọng”.

Thủ ấn họa là nghệ thuật riêng tạo được ấn tượng của họa sĩ Duy Ninh 

Ở triển lãm lần này có một loạt tranh thủ ấn họa của Duy Ninh như Một cõi người, Dạ khúc trăng non, Dư chấn chiến tranh, Tình yêu biển cả…

Nhà thơ Đông Trình và Tần Hoài Dạ Vũ cảm nhận về tranh anh: - “Duy Ninh muốn tập trung thể hiện thế giới nội tâm đầy biến hóa, phức tạp của con người. Dù ở đâu cũng vậy, giữa cái cao cả và cái tầm thường, giữa lý tưởng và ảo vọng, giữa ước mơ vô cùng và quy luật khắc nghiệt của thời gian, con người vẫn sống như một “Kẻ tuẫn nạn” đầy bi tráng… Khổ đau và hạnh phúc, nước mắt và nụ cười, không chịu bằng lòng với từng mảng màu ổn định, Duy Ninh đã đan cài, điều phối, bổ sung thành một thứ tổng hòa rất Đời ở nhiều tác phẩm" (Báo Thanh Niên số 42 -  (299/91).  

Họa sĩ Rừng cảm nhận: - “Màu nâu ngả sang vàng đất tạo không khí u tịch cho thế giới hội họa của Duy Ninh. Có lẽ đó cũng là trạng thái của người nghệ sĩ trầm lắng góc Huế cổ kính. Tuy vậy trong cái vẻ trầm lắng u tịch đó vẫn âm vang những ray rứt, dằn vặt của một nội tâm phong phú. Kỹ thuật Thủ ấn họa của Duy Ninh khai thác những bất ngờ trong đường nét, bố cục màu, có thể nói với sự thả rong tư duy hình tượng, anh đã đạt được một thế giới có chiều sâu suy tưởng” (Mỹ thuật TP.HCM, số 5/92). 

Dư chấn chiến tranh - War aftershok - Thủ ấn họa - Tranh Duy Ninh

Họa sĩ Hoàng Đặng, cũng là một “cây đa cây đề” trong giới mỹ thuật Đà Nẵng, nhận xét: - “Hội họa là tiểu lộ nối hai bờ xao xuyến… Một hơi thở rạo rực nội tâm và phía biển khơi lồng lộng. Con đường nhỏ vô tận không cột mốc bắt đầu cũng như điểm tận cùng kết thúc. Tranh Duy Ninh như những tấm thảm lót nền cho vô số viên bụi hồng quý hiếm mà Duy Ninh đã lượm nhặt tìm kiếm trên đường với đôi mắt không hề biết nhàm chán và tấm lòng không hề vơi cạn hiếu kỳ…”.

Cũng cần biết thêm để cảm nhận chiều sâu tranh Duy Ninh của nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái, một người em trong gia đình có rất nhiều người làm nghệ thuật nổi tiếng, nhạc sĩ, họa sĩ, thi sĩ  Duy Thanh – Duy Ninh – Duy Khoái – Duy Hối: - “Và bây giờ tôi đang đứng ở giữa bốn bề màu sắc mới của anh. Những sắc màu như những âm thanh đan chéo, giao hòa trên bề mặt không gian tạo nên những hợp âm lặng lẽ mà vang động. Một phòng tranh, bao nhiêu điều bày tỏ, bao nhiêu ẩn dụ, bao nhiêu điều Duy Ninh tự thoại với chính mình? Tác phẩm của anh ra đời bằng nét cọ tài hoa, tinh tế, cái nhìn sâu lắng và nhiệt tình sáng tạo là hoa trái đời anh gửi đến chúng ta…”. (Đất Quảng số 64/90).

Triển lãm lần này, giới thưởng ngoạn còn được xem hàng trăm mẫu bìa tác phẩm văn học, nghệ thuật cũng như rất nhiều sách, tạp chí… do họa sĩ Duy Ninh trình bày trong suốt thời gian gần 30 năm qua. Họa sĩ Duy Ninh cũng là một tên tuổi trong nghệ thuật đồ họa và ứng dụng ở miền Trung.

Chúng tôi đã có một buổi chiều cùng anh xem tranh để nghe “Một cõi người” vang động.    

(Đà Nẵng, 19/8/2019)

Duyên Dáng Việt Nam trân trọng giới thiệu một số tranh của họa sĩ Duy Ninh trong triển lãm “Painting Exhibition Duy Ninh” tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng khai mạc ngày 24/8 tới.

 

Một cõi người - A land of man - Thủ ấn họa - Tranh Duy Ninh

Nỗi buồn của biển - Sadness of the sea - Acylic on canvas

Tranh non phố cổ - Crescent moon at the old town

Khúc tráng ca về Mẹ - The heroic song of the Mother

Thời gian - Time