Duyên Dáng Việt Nam

Vĩnh Phối và hội họa trừu tượng

Đông Dương • 18-07-2019 • Lượt xem: 2948
Vĩnh Phối và hội họa trừu tượng

Một triển lãm, trưng bày tranh của cố họa sĩ Vĩnh Phối nhân 2 năm ông rời cõi tạm, khai mạc ngày 17/7  đang gây chú  ý với người yêu tranh ở Huế và cả nước.

Tin, bài liên quan:

Họa sĩ từ 16 quốc gia giao lưu, sáng tác tại Đà Nẵng

Họa sĩ Việt vẽ 500 chân dung Tổng thống Mỹ được mời triển lãm tại Ý

Tranh của họa sĩ Việt Nam xuất hiện bên bờ sông Seine

 

Thứ nhất, triển lãm làm tại tư gia họa sĩ ở bên bờ sông Đông Ba, cách chân cầu Gia Hội chừng vài chục mét, chứ không phải một cơ quan hữu trách, đoàn hội. Thứ hai, một tài năng như Vĩnh Phối, theo nhiều đánh giá, vẫn chưa được quan tâm đúng tầm, đúng mức. Trong khi ở Huế đã “cởi mở”, đầu tư để có nhiều khu trưng bày “mặt tiền”, tưởng niệm, các phòng tranh của các họa sĩ, điêu khắc gia gốc Việt nổi tiếng thế giới cuối đời về đây như Lê Bá Đảng, Điềm Phùng Thị… thì một họa sĩ tài năng “tại chỗ”, có nhiều đóng góp cho Huế cả về giáo dục và mỹ thuật như Vĩnh Phối lại bị bỏ quên, vẫn đang là một dấu hỏi.

Dịch giả Bửu Ý xúc động phát biểu trong buổi khai mạc phòng tranh. Trên tay dịch giả là bức chân dung của ông do họa sĩ Vĩnh Phối vẽ.

Thật khó có thể tìm được một tài năng hội họa nào có một bề dày, chiến tích và chứng tích độc đáo như họa sĩ Vĩnh Phối. Ông theo đuổi dòng tranh tư tưởng cực khó luôn là vấn đề gây tranh cãi trên thế giới về mặt hiểu biết và nền tảng nhận thức luận, đó là hội họa trừu tượng. Thời còn trẻ, ông đã được học hành bài bản tại Ý, châu Âu… và được ghi nhận qua rất nhiều giải thưởng mang tầm quốc tế. Rất nhiều tranh quý của ông lần đầu tiên được trưng bày ở phòng triển lãm này gây bất ngờ, choáng ngợp vì độ độc đáo, lạ lẫm, vượt khuôn khổ, chiều kích tư duy của nó.

Nhà thơ Đông Trình - Ký họa của họa sĩ Vĩnh Phối

Tôi còn nhớ lần đầu được gặp họa sĩ Vĩnh Phối trong triển lãm “Không gian và tiết điệu” tổ chức tại bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM năm 2012. Triển lãm này tôi nhớ không nhầm là do gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, một người bạn thân của họa sĩ bảo trợ. Ông nói giọng Huế, nhỏ nhẹ, nho nhã. Phải chú ý lắm mới nghe được thông điệp của ông gửi qua sắc màu hội họa. Ông kể lại tình bạn của mình với Trịnh Công Sơn, cũng như những bạn bè một thời thường gặp gỡ tại Huế cùng khát vọng làm nghệ thuật như nhà thơ Đông Trình, dịch giả Bửu Ý, nhà phê bình Đặng Tiến…

Ông nói đại ý, thời bấy giờ Huế là một cái nôi có đủ độ ấm áp bằng hữu để nuôi lớn mọi giấc mơ nghệ thuật, mọi khuynh hướng, trường phái. Vấn đề lớn của người nghệ sĩ không phải tả khuynh hay hữu khuynh mà có đủ nghị lực đi hết con đường sáng tạo của mình hay không? Vì dù có lựa chọn xuôi chèo mát mái hay dang dở đoạn trường thì cuối cùng y vẫn phải một mình độc đạo độc hành cho đến chết mà thôi! Biết được điều gửi gắm này rất quan trọng. Bởi nó giúp người thưởng thức có thêm một chìa khóa tư tưởng để khám phá, mở vào thế giới tranh trừu tượng ngỡ đóng kín mọi lối của ông.         

Xuất phát điểm, Vĩnh Phối còn là một trí thức thuộc dòng dõi hoàng tộc, là hậu duệ đời thứ 6 của vua Minh Mạng (1791 - 1841). Ông lại có thâm niên hơn 30 năm làm quản lý của một trường nghệ thuật lớn ở miền Trung. Sau này là hiệu phó trường Đại học Nghệ thuật Huế. Ông được nhà nước phong hàm Phó Giáo sư, nhà giáo ưu tú vào năm 1992.

Chân dung tự họa của họa sĩ Vĩnh Phối

Họa sĩ Vĩnh Phối sinh ngày 3/8/1938 ở Huế. Ông tốt nghiệp trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định chuyên ngành về tranh lụa và sơn mài vào năm 1958. Đặc biệt, từ 1959 đến 1966, được sự bảo trợ của hai vị giáo sư và cũng là hai họa sĩ tài danh hàng đầu của Italia lúc bấy giờ là Franco Gentilini và Pericle Fazzini, Vĩnh Phối được gửi đi tu nghiệp về hội họa và điêu khắc tại Học viện Mỹ thuật La Mã (Academia di Bella Arti di Roma), học viện mỹ thuật lừng danh thế giới của Italia. Đây được xem là bước ngoặt lớn hình thành phong cách nghệ thuật của ông sau này.

Họa sĩ Vĩnh Phối chịu nhiều ảnh hưởng của phong cách hội họa hiện đại châu Âu. Có lẽ vì thế mà nhiều nhà phê bình nhận xét rằng, các tác phẩm sáng tác trong thời kì đầu của ông thường phảng phất dấu vết của Alberto Giacometti, Jean Arp, Joan Miró, Henry Moore, Umberto Boccioni… Thời kì này, tuy còn trẻ nhưng Vĩnh Phối đã sớm khẳng định được tài năng bằng những giải thưởng quốc tế danh giá như: Giải Nhì cuộc thi quốc tế mỹ thuật đương đại Bracciano, Roma (1962), Huy chương bạc Triển lãm quốc tế mỹ thuật đương đại Viterbo, Italia (1962)...

Vợ chồng Tiến sĩ văn chương, Nhà thơ Trần Hoàng Phố - nhà nghiên cứu Phạm Thị Anh Nga trong buổi khai mạc triển lãm tranh họa sĩ Vĩnh Phối.

Các họa sĩ Trần Thế Vĩnh (TP.HCM), Phan Hải Bằng, Vũ Duy Tâm... học trò của họa sĩ Vĩnh Phối tụ họp về trong ngày khai mạc phòng tranh kỷ niệm 2 năm ngày mất của Thầy.

Nhiều bạn bè văn nghệ sĩ đã đến chia vui cùng gia đình nhân khai mạc phòng tranh của ông như dịch giả, nhà nghiên cứu Bửu Ý, nhà văn Nguyễn Đắc Xuân, nhà thơ Trần Hoàng Phố, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc… và nhiều văn nghệ sĩ khác. Đặc biệt, có nhiều học trò của ông từ nhiều thế hệ ở mọi miền đất nước đã về Huế tưởng niệm thầy trong ngày vui này như họa sĩ Trần Thế Vĩnh, Phan Hải Bằng…

Lần đầu tiên, phòng tranh Vĩnh Phối trưng bày 36 bức tranh đa số là hội họa trừu tượng, phi hình thể hoặc bán hình thể, cách bài trí chuyên nghiệp và sang trọng. Vĩnh Phối trong ký ức nhiều đồng nghiệp và người yêu tranh xứ Huế mãi là người Thầy, người truyền lửa sáng tạo và tạo cảm hứng tự do cho học trò nhiều thế hệ.