VĂN HÓA

Đỗ Tư Nghĩa, Thi sĩ ở xứ Dã quỳ

Nguyễn Đạt • 28-09-2021 • Lượt xem: 655
Đỗ Tư Nghĩa, Thi sĩ ở xứ Dã quỳ

Chúng tôi gọi nhà thơ Ðỗ Tư Nghĩa là “Nhà thơ xứ dã quỳ”, đơn giản vì từ rất nhiều năm nay, ngoài đôi lúc phải về Sài Gòn chữa bệnh, anh không rời thành phố Ðà Lạt, xứ dã quỳ.

Tin và bài liên quan: 

Nhà thơ, dịch giả Đỗ Tư Nghĩa: Âm vọng con người

GSTS Thái Kim Lan: Tưởng niệm 100 năm Phạm Duy

Nhà thơÝ Nhi và những bến bờ của sáng tạo

Tháng ngày không tọa độ - Thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh

 Nhà văn Jesús Rodríguez Castellano giới thiệu 'Vỉa Từ' bản tiếng Tây Ban Nha

Người ta cũng thường gọi Ðà Lạt xứ hoa đào, là “xứ dã quỳ”, thứ hoa hướng dương dại, màu vàng tươi, sống mạnh mẽ và tràn lan nhiều ngả đường, ven đồi, thung lũng... của Ðà Lạt và khắp vùng cao nguyên Lâm Ðồng. Nhà thơ cư dân Ðà Lạt buồn rầu cho biết, hoa dã quỳ trong thành phố hầu như đã bị dọn sạch từ nhiều năm nay. Anh chọn Ðà Lạt là quê thứ hai, xem ra ít nhiều cũng vì đây là xứ dã quỳ.

Sinh quán của Ðỗ Tư Nghĩa là Quảng Trị. Sau khi tốt nghiệp triết học phương Tây tại trường Ðại Học Văn Khoa Huế, anh dạy học tại B'lao, lập gia đình và cư ngụ tại Ðà Lạt từ đó. Sau 30 Tháng Tư 1975, Ðỗ Tư Nghĩa dạy môn tiếng Anh tại nhà, căn nhà ở sâu trong một con hẻm gần cuối đường Nhà Chung, anh thuê trọ nhiều năm nay, từ khi gia đình anh định cư tại Mỹ.

Ðỗ Tư Nghĩa ở lại Ðà Lạt, anh cho rằng bản thân mình không thích hợp với đời sống tại Mỹ, một đất nước siêu công nghiệp. Chúng tôi thì cho rằng, hẳn là Ðà Lạt đã trở thành nơi chốn định mệnh của nhà thơ. Tới Ðà Lạt, hỏi thăm về Ðỗ Tư Nghĩa, rất nhiều người biết anh, gọi anh là “Thầy Nghĩa ở đường Nhà Chung”. Vài năm nay, vốn ốm yếu, mắc bệnh về tim mạch, sức khỏe Ðỗ Tư Nghĩa lại giảm sút thêm theo tuổi tác đã ngoài sáu mươi. Hiện nay anh đã nghỉ dạy học, chỉ tiếp tục dịch sách từ tiếng Anh sang tiếng Việt.


Di cảo thơ chưa xuất bản của thi sĩ, dịch giả Đỗ Tư Nghĩa. 

Ðỗ Tư Nghĩa dịch những cuốn sách anh thấy thú vị, ưa thích. Dịch xong để đấy, thỉnh thoảng xem lại, và sửa chữa cho thật hoàn chỉnh. Chúng tôi thấy anh dịch rất cẩn thận, cầu toàn, còn chuyện in ấn để phổ biến thì anh rất lơ ngơ, hầu hết sách dịch của anh được in ra, do bằng hữu giới thiệu với nơi in ấn phát hành. Riêng về thơ, tác giả phải có tiền mới in được, và việc in ấn phát hành, mục đích là để tập thơ được ra mắt người đọc, không nhà thơ nào ngây thơ để bận tâm về việc bán sách. Vì vậy thi tập “Gởi tình yêu - gởi cuộc đời” của Ðỗ Tư Nghĩa, bản thảo đã xong từ nhiều năm nay, vẫn chưa được chính thức in ấn phát hành. Một số ít bản được in ra bằng máy in vi tính rồi chụp lại bằng máy photocopy, tập thơ đến được vài mươi người đọc, là những bằng hữu thân quen với Ðỗ Tư Nghĩa.

Những gì chúng tôi nhận biết qua thơ Ðỗ Tư Nghĩa, là những xót xa trước cuộc bể dâu, ngậm ngùi trước thế thái nhân tình. Và niềm tin yêu cuộc sống do chính mình đặt định: cứ an vui mà sống, khi mình còn hơi thở. Ðôi lúc òa vui: hóa ra mình đang sống trên đời...!

Một trong những tác phẩm do Ðỗ Tư Nghĩa dịch, được chú ý đặc biệt, là cuốn tự truyện của Osho (Osho: 1931-1990. Ðạo sư của một dòng Thiền). Cuốn sách này do nhà sách Nghiêm Bích Hoan in ấn phát hành với giấy phép của nhà xuất bản Trẻ. Ðể tránh vi phạm Công ước Berne về bản quyền của tác giả, nhà sách Nghiêm Bích Hoan đã đổi nhan đề, đặt tên cuốn sách là “Cuộc đời của luận sư Rajneesh Chandra”, và thay vì là sách dịch, cuốn sách được ghi là “Sưu tầm và biên dịch”! Cũng từ vụ việc tránh né bản quyền tác giả như nói trên, nhà sách Nghiêm Bích Hoan, nơi in ấn phát hành cuốn sách tự truyện Osho đã báo “tin vịt”, nói với Ðỗ Tư Nghĩa là nhà sách Nghiêm Bích Hoan đang bị rầy rà về cuốn sách tự truyện Osho, có thể dẫn tới việc bị thưa kiện về vấn đề bản quyền tác giả theo Công ước Berne! Và hành vi kế tiếp đó, là nhà sách Nghiêm Bích Hoan không trả một đồng nhuận bút nào cho người dịch! Chúng tôi được biết, tại nhiều nhà sách, cuốn “Tự truyện Osho” phát hành chừng mươi ngày đã bán hết sách!

Trước sự hàm hồ, thiếu minh bạch nói trên, Ðỗ Tư Nghĩa chỉ cười hiền hòa, và “chịu trận”! Chúng tôi từng nói với nhau về Ðỗ Tư Nghĩa: “Trước hết và sau cùng, Ðỗ Tư Nghĩa là một nhà thơ. Anh chưa từng phàn nàn về vụ việc kể trên hay những vụ việc tương tự.”

Chúng tôi biết Ðỗ Tư Nghĩa không có tiền, nhưng anh dịch sách mà không bao giờ đề cập, bận tâm về nhuận bút. Cuốn sách ưa thích, Ðỗ Tư Nghĩa dịch và được in ra, anh thấy vui mừng, vì chia Sẻ được nỗi thú vị của cuốn sách tới người khác. Ðược in và phát hành sau “Tự truyện Osho”, cuốn Tự Thú (Confession) của Lev Tolstoy, giấy phép của nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn, công ty Văn Hóa Cửu Ðức liên kết xuất bản, là tác phẩm mà Ðỗ Tư Nghĩa rất ưu ái, sửa đi sửa lại tới lúc tự thấy không thể sửa chữa hơn nữa.

Chúng tôi ghi lại ở dưới đây, nhận xét về tác phẩm “Tự Thú của Ernest J. Simmon”, tác giả một cuốn sách về Lev Tolstoy: “...một trong những phát ngôn cao cả nhất và dũng cảm nhất của con người, những tuôn trào của một linh hồn bị bối rối cực độ bởi vấn đề lớn của cuộc sống -mối quan hệ của con người với cái vô hạn- nhưng được thực hiện với sự chân thành hoàn toàn và nghệ thuật trác tuyệt...”


Chân dung thi sĩ, dịch giả Đỗ Tư Nghĩa (Ảnh: DDVN)

Gặp lại nhà thơ Ðỗ Tư Nghĩa lần này, những ngày bầu trời Ðà Lạt âm u vì áp thấp nhiệt đới. Anh cho biết: “Thơ thì vẫn chưa có cơ hội in ra, còn dịch thì một bạn trẻ đã lấy bản thảo, là một dịch phẩm về Kahlil Gibran, đã xin được giấy phép, chuẩn bị in...”

Chúng tôi đã nói, dù nhiều sách dịch đã được in ra, nhưng trước hết và sau cùng, Ðỗ Tư Nghĩa vẫn là một nhà thơ.

Nguyễn Đạt