GIẢI TRÍ

Đoàn Tuấn Đức, nhà làm phim trẻ triển vọng

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 07-01-2020 • Lượt xem: 3133
Đoàn Tuấn Đức, nhà làm phim trẻ triển vọng

Tôi xem “Mùa xuân sớm” của nhà làm phim trẻ, đạo diễn Đoàn Tuấn Đức những ngày cuối năm. Phim ngắn. Nội dung hiện sinh. Lời thoại viết sắc, lạnh. Hình ảnh nén đặc. Phim kể về nỗi nghi ngờ tình yêu có thật hay không giữa tâm hồn trẻ. Và mặc cho những hoang mang, hồ nghi lan tỏa, mùa xuân đã đến! Cái câu hỏi có hay không đó của Đức làm tôi nhớ đến một phim khác của anh: Ngày sinh nhật. Vẫn treo dọc những câu hỏi về cuộc đời, đức tin, sự dang dở của ước mơ và nỗi hiện diện chật chội của cái Tôi khi quyết dấn thân đi tìm một ý nghĩa tồn tại. Những phim của Đức cho thấy cái riêng, độc lập. Và đó chính là con đường của sáng tạo. Những kẻ lữ hành trên con đường nghệ thuật mơ một mùa xuân đến sớm... 

Vì thế trong mùa xuân, giới thiệu một gương mặt trẻ cũng là gương mặt của hy vọng. Dù có thể đường còn xa, còn lắm gập ghềnh! Nhưng tình yêu và thái độ dấn thân, tôi nghĩ, sẽ giúp khát vọng nở hoa...

Tin, bài liên quan:

Cao Minh Trí, bậc thầy của nhiều danh thủ guitar

Cao Minh Đức, guitarist có hạng của Việt Nam

Đạo diễn Hollywood Michael Mann làm phim về Huế với kinh phí 70 triệu USD

Đoàn Tuấn Đức là nhà làm phim độc lập trẻ, sinh năm 1989, đi Singapore từ năm 18 tuổi, tốt nghiệp triết học loại giỏi tại đại học Quốc Gia Singapore với tiểu luận về ‘Zarathustra đã nói như thế’ của Nietzsche. Sau đó Đức sống tại New York 3 năm, tốt nghiệp thạc sĩ điện ảnh tại City College of New York. Phim ngắn của Đức đã đi Cannes Short Film Corner (Pháp), San Gio Festival (Ý), New Filmmakers New York (Mỹ). Đức vừa về lại Việt Nam để phát triển dự án phim truyện dài đầu tay, vừa đem dự án đi giới thiệu ở chương trình đào tạo tài năng trẻ Berlinale Talents Tokyo ở Nhật. Hầu nhân vật chính trong các phim của Đoàn Tuấn Đức đều do anh tự thể hiện. Anh đã dành cho Duyên Dáng Việt Nam một cuộc trò chuyện. 

Cảnh trong phim đầu tay của Đoàn Tuấn Đức

* Chào nhà làm phim, đạo diễn trẻ của “Mùa xuân sớm”! Bạn bước vào thế giới Điện ảnh từ lúc nào? Điều gì của nghệ thuật thứ Bảy thực sự cuốn hút bạn?

Đạo diễn trẻ Đoàn Tuấn Đức: Xin cám ơn nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh đã dành cho Đức cuộc phỏng vấn này. Đức bị cuốn hút bởi sự bí ẩn của ngôn ngữ điện ảnh. Người ta hay nói điện ảnh tổng hợp những nghệ thuật khác như văn học, sân khấu, hội họa, nhiếp ảnh… và điện ảnh rất cụ thể, vì so với những ngành nghệ thuật khác, nó giả lập hiện thực gần đúng nhất. Nhưng Đức nghĩ thực ra ngôn ngữ thuần túy của Điện ảnh lại rất riêng chứ không vay mượn, rất siêu hình chứ không cụ thể. Tại nguồn gốc, nó là sự hòa tấu của không gian, chuyển động (thuật quay phim) và thời gian, nhịp điệu (thuật dựng phim). Từ khi 15 tuổi, Đức thích thú khi thấy nhiều đạo diễn sử dụng nó để truyền tải những cảm xúc đẹp và thơ. Nhưng đến 22 tuổi, Đức mới bắt đầu đi làm phim ngắn đầu tiên.

Chân dung nhà làm phim trẻ Đoàn Tuấn Đức - Họa sĩ Tâm Hảo

* Khó khăn đầu tiên mà Đức nhận ra khi làm phim? Đó là “lỗi” của Nghệ thuật thứ Bảy thế giới nói chung hay chỉ riêng Điện ảnh Việt Nam?

Điều khó nhất vẫn là tạo được một tác phẩm có giá trị, trong thời đại mà có những phim đã đẩy điện ảnh đi rất xa trong lịch sử. Với Đức, một tác phẩm có giá trị thực sẽ có cái đẹp thuần khiết, chân thực với cảm xúc con người, không tính toán để lừa mị người xem, có thể nói được thông điệp nhân văn, mà lại riêng biệt độc đáo. Đức nghĩ như một bản fuga của Bach, cái đẹp có sự chân phương mà những tác phẩm màu mè bóng bẩy không có, nhưng nó có một công thức bí ẩn mà mỗi người làm nghệ thuật phải tìm ra chìa khóa bằng sự thử nghiệm của riêng mình. Muốn đóng góp cái gì đó, người làm phim phải tìm tòi ngôn ngữ điện ảnh để sáng tạo một cái gì chưa làm đến, phá một cái giới hạn nào đó, cùng lúc với kể câu chuyện của mình.

Ở Việt Nam, người làm phim độc lập phải đối diện với hiện thực không có tiền để làm phim. Việt Nam vẫn chưa có hệ thống đầu tư cho phim độc lập, nên sau khi làm được những phim ngắn, người làm phim trẻ thường đem dự án phim dài ra nước ngoài xin các vốn đầu tư, và chờ đợi. Hiện thực đó liên tục thử thách người làm phim, họ bám lấy giấc mơ của mình trong nhiều năm, khó có công việc hay tình yêu ổn định được. Vì sinh lực trẻ có thời hạn, có những người không đủ niềm tin hay sự gai góc sẽ rẽ hướng khác. Với hiện thực khắc nghiệt đó, ngoài tạo ra nghệ thuật, bản thân người đạo diễn độc lập cũng phải là một tác phẩm nghệ thuật. Tính cách của họ thường phải đặc thù, mạnh mẽ, nỗi thôi thúc điều muốn nói phải lớn và bên trong phải giữ được niềm tin ngây thơ với điện ảnh trong mọi tình huống hay hay dở.

Họa sĩ Tôn Nữ Tâm Hảo đóng vai người mẹ trong phim "Mùa xuân sớm" của nhà làm phim trẻ Đoàn Tuấn Đức. Phim quay cảnh tại làng cá Nam Ô - Đà Nẵng

* Phim ngắn cần yếu tố nào quyết định? Liệu có phải chỉ đơn thuần những mảnh ghép của đề tài thông tấn?

Đức nghĩ phim ngắn là bước chuẩn bị cho sự khởi đầu, là phim dài. Phim ngắn có hai tác dụng chính: một là để đạo diễn tập luyện, thử phong cách cho phim dài, hai là làm dẫn chứng để người cộng sự, nhà đầu tư tin tưởng làm việc với đạo diễn trong phim dài. Cấu trúc và mục đích của phim ngắn khác phim dài, và giá trị của phim ngắn sẽ khó bền vững nếu đạo diễn không đi tiếp từ đó để làm phim dài.

* Điều khác nhau của phim Đoàn Tuấn Đức với tác phẩm của những nhà làm phim trẻ khác căn bản là gì? Đạo diễn nào bạn yêu thích và học hỏi được nhiều nhất?

Có thể, vì Đức giáo dục mình bằng nghệ thuật Tây phương từ năm 13 tuổi, phim Đức làm mang cảm quan Tây phương nhiều nhất so với những người làm phim trẻ khác, từ chủ đề, đến thị giác, âm thanh. Nguồn gốc là chơi nhạc cổ điển nhiều năm nên dựng phim sẽ có tính nhạc, và vũ trụ quan của phim sẽ đứng trên nền tảng những triết lý đã ảnh hưởng đến mình, như Phật giáo, Nietzsche, hay Spinoza. Vì lang thang nhiều nước từ lúc trẻ, thế giới phim của Đức có cảm giác không thuộc về nơi nào.

Đức xem ‘Au hasard Balthazar’ của Robert Bresson nhiều lần mà vẫn kinh ngạc, như cách ông sử dụng mỗi shot phim như mỗi viên gạch trong một kiến trúc tòa nhà, được lặp lại nhưng biến chuyển để tạo đối xứng cho phim, cách ông đánh nhịp dựng đều đặn nên phim vừa bi kịch lại vừa thanh thản, cách ông gia giảm diễn xuất để diễn đạt cái gốc Bản Thể theo cách nhìn loài người của đạo Thiên Chúa. Điều hay là những kĩ thuật này dẫn đến một tổng thể vừa tối giản vừa giàu cảm xúc, tải nhân văn sâu nặng.

Cảnh trong phim "Mùa xuân sớm" (Early Spring) của Đoàn Tuấn Đức

* Việc tốt nghiệp Triết học ở Đại học Quốc gia Singapor có giúp Đức “cải thiện” phim không? Hay càng “ẩn giấu”, đè nén trong các vấn đề lại càng khó hiểu?

Từ công cụ duy nhất là logic, người học triết đầu tiên đọc hiểu, giải mã hệ tư tưởng của các triết gia. Sau đó, nếu hiểu được, thì lý luận để bảo vệ hoặc phê phán các tư tưởng đó. Quá trình xâm nhập các hệ tư tưởng này làm người học triết tự hình thành tư duy độc lập và hệ tư tưởng riêng. Trong trường hợp lý tưởng, phim trưởng thành của những người học triết thường có thế giới quan rõ ràng, thẩm mỹ đặc thù và có độ sâu. Đây là một đường đi khá phổ biến trên thế giới, nhiều đạo diễn trước đây tốt nghiệp triết như Terrence Malick, Bela Tarr, Wes Anderson, Woody Allen…

Đối với Đức, triết học cung cấp nguồn ý tưởng dồi dào, và cho sự thấu hiểu trước tuổi thật của mình. Điều cần rèn luyện là cụ thể hóa ý tưởng thành hình ảnh đơn giản, phiên dịch thế giới trừu tượng trong mình ra bằng ngôn ngữ điện ảnh và trải nghiệm bản thân, để liên lạc được cho người xem những điều cần nói. Đây là một quá trình lâu dài, cần chất liệu sống, kĩ thuật, tuổi đời và cả tình yêu thương con người.

Nhà làm phim trẻ, đạo diễn Đoàn Tuấn Đức tự đóng vai chính trong các phim của mình

* Hai phim Đức đã làm “Ngày sinh nhật” và “Mùa xuân sớm” hình như là hai đề tài khác nhau? Một tôn giáo và hiện sinh, có lẽ rất ít khán giả hiện nay? Sao bạn chọn góc hẹp như vậy?

Có thể diễn tả chủ đề là ‘tôn giáo’ hoặc ‘hiện sinh’, nhưng Đức nghĩ hai phim đó đơn giản là nói về nỗi cô độc. Tuổi trẻ của Đức có nhiều thay đổi và xáo động. Vì sự mâu thuẫn nội tâm của mình với thế giới bên ngoài, Đức lùi về, xây ra một thế giới hài hòa để nuôi dưỡng mình trong đó. Hai phim ngắn đó gần giống như bức tranh hay bản nhạc, nó xuất phát từ thôi thúc tâm linh tự nhiên, giải tỏa những nỗi ám ảnh của mình. Chủ đề có thể Tây và trừu tượng, nhưng chỉ cần người xem cảm được cái năng lượng xúc cảm trong đó, thì phim ngắn của mình đã hoàn thành việc.

Nhưng khi với phim dài thì Đức làm với tư thế hoàn toàn khác. Bởi mang một trách nhiệm lớn hơn và làm việc với đội ngũ nhiều người, công việc sẽ ngược với những điều cá nhân của phim ngắn. Mình phải tỉnh táo, xây dựng ngay cả bằng toán học sự quyến rũ của phim tại mỗi phút để phim tạo sự lan tỏa đối với người xem.

* Có sự mâu thuẫn khi xung đột nào giữa các nhà làm phim hôm qua và hôm nay không? Thẩm mỹ? Các vấn đề xã hội?

Thế hệ Đức biết ơn thế hệ trước, bởi “Gặp gỡ mùa Thu” đang làm nhiều việc để gầy dựng thế hệ sau. Những bạn làm phim cùng thời của Đức sinh vào những năm xoay quanh 1990, lớn lên vào thời chuyển giao, khi xã hội phát triển nhanh và tư tưởng được mở với internet. Thế nên, nội tâm có hai chiều đối lập: một tuổi nhỏ hình thành ở thế giới cũ, một Việt Nam đơn giản chậm rãi, và một tuổi thanh niên trải nghiệm những xoay chuyển nhanh chóng từ văn hóa hiện đại. Vì chỉ đứng một chân ở thế giới cũ, thế hệ làm phim của Đức có một khoảng cách nhất định với những hình ảnh hậu thực dân: đồng lúa, chăn trâu, nhà chật, quần áo rách. Những chủ đề như nghèo khó, mâu thuẫn các thế hệ, phán xét đạo đức, sẽ lùi dần, thay vào đó là những câu hỏi thức thời hơn, như giới tính, bạo lực, sự cô độc, tình yêu, mâu thuẫn hiện sinh… Có lẽ thế hệ trẻ của Đức tìm cái đẹp trong sự xấu xí, tìm thơ trong cái ghê tởm, tìm sự hòa nhập trong sự xa lạ. Nhưng cũng khác với lớp trẻ hơn, thế hệ Đức vẫn giữ nhịp sống chậm, có những nỗi buồn hoài cổ, muốn đi tìm trong phim ảnh những quá khứ tuổi nhỏ mà đã biến mất rất nhanh, tìm cái đẹp tinh tế, thanh thản, chưa tư bản hóa, tránh những cảm xúc phim quá nhanh và bóng nhoáng.

Khoảng trung học là thời điểm internet xuất hiện, thế hệ Đức tự giáo dục điện ảnh bằng những nguồn phim trước đây khó tìm ở Việt Nam, nên phong cách cũng ảnh hưởng từ những nguồn lạ từ trong lịch sử và thế giới. Thế hệ trẻ muốn thử nghiệm những thứ chưa làm ở Việt Nam, như dàn cảnh kiểu sân khấu, kĩ thuật trường đoạn, lối dựng phim vô trần thuật, lối làm phim kinh phí thấp. Những cuộc thử nghiệm để tìm sự tự do và phong cách riêng cho mình. Khoảng 5 năm nữa, khi những thử nghiệm này của mỗi người chín chắn thành phim dài, Việt Nam sẽ có nhiều giọng phim trẻ thú vị.

* Phim mới và những dự định sắp đến của Đoàn Tuấn Đức trong năm 2020?

Trong 3 năm tới Đức sẽ trở về sống ở Việt Nam để tiến hành một dự án phim truyện dài, phát triển cùng với hai người bạn đồng hành là một nhà văn và một diễn viên. Phim kết hợp công nghệ mới là Hiện Thực ảo (Virtual reality), xoay quanh một câu chuyện tình yêu, nhưng mang tính siêu thực, và tất nhiên là triết lý. Năm tới được dùng để phát triển kịch bản, tìm vốn đầu tư và đem đi giới thiệu ở chợ dự án. Đồng thời Đức cũng quay lại New York hằng năm để đón ảnh hưởng từ thành phố vĩ đại này.

* Cám ơn nhà làm phim trẻ Đoàn Tuấn Đức đã dành cho DDVN cuộc trao đổi thú vị! Chúc bạn có những thành công mới trên con đường nghệ thuật. Thế hệ trẻ đầy khát vọng, tương lai Việt Nam.