VĂN HÓA

Cao Minh Trí, bậc thầy của nhiều danh thủ guitar

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 03-01-2020 • Lượt xem: 7773
Cao Minh Trí, bậc thầy của nhiều danh thủ guitar

Trên thế giới, có lẽ cây guitar đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn và luôn luôn huyền diệu. Bởi lẽ nó như nhạc cụ của bậc đế vương và kẻ ăn mày. Của ông chủ và ô-sin. Của bác học và bình dân. Của biệt thự đền đài và trần ai gió bụi. Của salon và sến súa. Một cây guitar treo giá từ năm trăm ngàn đồng đến mấy chục ngàn đô-la cũng có! Thượng thừa và hạ đẳng. Cao thủ guitar Cao Minh Trí có thể xem là độc chiêu về ngón từng nói: “Nhiều khi tôi đã muốn bỏ nghề vì cả đời nghiên cứu cây guitar mà cuối cùng lại không hiểu hết về sự thần diệu biến hóa của nó…”.

Tin, bài liên quan:

Cao Minh Đức, guitarist có hạng của Việt Nam

Tùng Cội nguồn, người đỡ đầu cho tác phẩm thăng hoa

Guitar Ánh sáng và Bóng tối - Tư liệu quý giá và những xúc cảm vượt thời gian

Bạn thử nghĩ xem! Có thể sẽ hết sức đơn giản khi đặt cây guitar vào tay một tên hát rong. Y vẫn làm tròn, làm “vừa đầy” một bài hát đơn giản, dễ chịu. Nhưng hãy hình dung nếu cây đàn ấy lạc vào lòng một cao thủ thì cái “muôn một” đã biến hóa thành “muôn nghìn”, “muôn trùng”. Bởi thế, ý niệm “giải nghệ” của nghệ sĩ guitar Minh Trí là đúng! Con số không như một cảnh giới nên thượng thừa luôn luôn đặt ra giữa các bậc cao thủ. Cái ngỡ đã biết luôn nhỏ nhoi và cái chưa biết bỗng quá rộng lớn. Dừng lại hay từ bỏ nó cũng chính là Đạo vậy!

Thầy Cao Minh Trí (phải) một bậc thầy về guitar. Rất nhiều danh thủ, guitarist nổi tiếng từng là học trò của ông

Thầy Trí đã bước qua tuổi 70 nhưng vẫn dạy dỗ, tìm kiếm môn đệ. Tên tuổi ông gắn chặt với hào quang một thời của các nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng nhất miền Nam. Có lẽ từ Thanh Lan, Khánh Ly, Lệ Thu, Lý Huỳnh, Lam Phương, Nguyễn Ánh 9… Ông vẫn ôn luyện đàn hằng ngày để ngón biến hóa vi thủ, cao cường. “Nếu bây giờ trở lại Sài Gòn, tôi vẫn đánh được “ngon lành” là khác! Bởi chơi acoustic vẫn khó hơn guitar điện. Tôi không sợ lụi ngón vì chịu khó tập chưa lúc nào ngừng nghỉ…”.

Nhưng cái nghề chơi nhạc khi có tuổi ngẫm lại thấy bùi ngùi vì “đường dài”. Thầy Trí kể một buổi gặp cà phê cùng nhạc sĩ Bảo Chấn, một người bạn vong niên. Ông Chấn nói là tuổi thọ của nhạc công nhiều hơn ca sĩ nhưng mãi mãi phải đứng sau lưng ca sĩ! “Tôi nghiệm thấy đúng! Không chỉ ở trong nước mà cả quốc tế cũng vậy! “Thầy nhạc già, con hát trẻ”. Thôi thì tự an ủi yêu nghề mình sẽ được sống lâu với nghề và nghiệp dĩ hơn…”.

Thầy Cao Minh Trí, tác giả bài viết và nghệ sĩ Băng Thanh (bố của ca sĩ, nhạc sĩ Lê Cát Trọng Lỳ) tại Đà Nẵng - Tết 2016

Đang nói chuyện vui với tôi, bỗng giọng thầy xuống trầm: “Lâu rồi tôi có vào lại Sài Gòn, đi loanh quanh các tụ điểm ca nhạc thấy nghề ngỗng nhạc nhẽo gì bây giờ đánh đá lơ phơ, bát nháo quá!… Hình như sự kiếm sống mưu sinh đã làm lụi tàn, tật nguyền niềm đam mê? Không còn nhiều lửa với nghề như chúng tôi ngày xưa…”.

 Thầy Trí có kể lại việc tình cờ gặp cây guitar lẫy lừng một thời là Trần Văn Phú trong một sân khấu “Hát với nhau”. Khách khứa leo teo vài người, nhạc công thẽo thượt múa máy. Nhìn cao thủ một thời về ngón, từng viết sách, giảng dạy âm nhạc - guitar, lom khom với cây đàn giữa chương trình ăn uống nhiều hơn nghệ thuật. “Tôi cảm thấy buồn…”.

Thầy Cao Minh Trí (thứ 2 trái sang) gặp gỡ bạn bè từ Sài Gòn về thăm. Trong ảnh có tác giả viết bài, anh Thành Dòng Thời Gian, nhạc sĩ Đăng Hà

Tôi có kỷ niệm theo học guitar thầy Cao Minh Trí từ năm lớp 8 (13 tuổi). Ông là người thầy đầu tiên truyền thụ cho tôi về sở nhạc, về đàn guitar. Những ca khúc đầu tiên của tôi viết từ lớp nhạc này như các bài hát Kỷ niệm xanh, Năm tháng cuộc đời vẫn như xưa (phổ thơ Nguyễn Khoa Điềm), Bi vọng ca, Chiều rỗng hồn em (phổ thơ Võ Kim Ngân)… Bởi thế càng khó quên!

Danh thủ rock - guitar solo Cao Minh Đức là con trai đầu của thầy. Đức cũng là người “đứng lớp” cùng cha mình, luyện ngón cho tôi và bạn bè cùng tuổi. Ngay từ thuở đó bọn tôi đã nể, đã phục Đức “sát đất” về ngón. Ở căn nhà sâu tít trong con hẻm nhỏ trên đường Trưng Nữ Vương, chúng tôi vừa học âm nhạc vừa nghe tiếng chuông nhà thờ gần đó đồng vọng. Đức ốm, nhỏ thó, cây đàn lớn hơn khổ người. Vật vã luyện ngón bằng cách đánh thi với… máy cassette. Đức có năng lực thẩm thấu âm thanh và phục hiện trên ngón như ma quỷ nhập thần. Những cú luýt, rô-tê, cu-lê… du đuổi theo các nghệ sĩ thế giới với những ngón điệu nghệ tuyệt chuẩn cùng Hotel California (Eagles), Gimme! Gimme! (ABBA), Papa (Paul Anka)… và rất nhiều tuyệt phẩm khác.

Guitarist, nhạc sĩ Cao Minh Đức là con trai đầu của thầy Cao Minh Trí. Để được xem như một guitarist có hạng của Việt Nam anh phải khổ luyện dưới sự chỉ dạy khắc kỷ của cha mình từ lúc 5 tuổi.

Có những kỷ niệm độc đáo như năm 1982, ca sĩ Thanh Lan về Đà Nẵng biểu diễn đã yêu cầu Cao Minh Đức lên sân khấu cùng cha đệm đàn cho mình. Lúc đó Đức mới… 10 tuổi (!). Một cậu bé và cây đàn chưa biết ai nhỉnh hơn ai! Từ đó đến nay Cao Minh Đức đã đoạt rất nhiều giải thưởng, chơi nhiều band nhạc. Gần như các ca sĩ nổi tiếng nhất của dòng nhạc nhẹ đương đại như Thanh Lam, Thu Phương, Mỹ Linh, Bằng Kiều… đều thăng hoa dưới ngón đàn phù thủy của anh. Khi đầu quân về Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam – Hà Nội anh từng đi diễn rất nhiều nước từ châu Âu, châu Á… Cao Minh Đức ngoài biểu diễn guitar còn sáng tác nhạc. Tác phẩm viết riêng cho guitar “Lũ lụt” của anh trình diễn được rất nhiều bạn trẻ yêu thích. Anh tham gia nhiều festival âm nhạc như Jazz-Rock, Bài ca mùa hè,… các hoạt động âm nhạc cả ba miền Đà Nẵng – Hà Nội – Sài Gòn. Em trai anh là Cao Minh Triết cũng là một cây guitar bass nổi tiếng.

Guitarist Cao Minh Đức còn có nhiều kỷ niệm khó quên với tôi. Anh là nhạc sĩ hòa âm, phối khí và chỉ đạo nghệ thuật chương trình đêm nhạc Chiều rỗng hồn em giới thiệu Những tình khúc Nguyễn Hữu Hồng Minh của tôi do Cội Nguổn tổ chức tại Đà Nẵng tháng 6/2016. Sau đó, anh và tôi còn làm chung đêm nhạc Quên đi cuộc tình (lấy tên một ca khúc của anh) tổ chức tại Sài Gòn. Mới đó, những đứa bé mê nhạc, yêu đàn ngày xưa từ lớp nhạc thầy Cao Minh Trí đã lớn. Hồi ức lại, thật là xúc động…

Guitar bass Cao Minh Triết nổi tiếng trong giới chơi nhạc cũng là con trai thứ hai của thầy Cao Minh Trí

Một điều đặc biệt khác về gia đình guitar này mà tôi được biết, cụ thân sinh danh thủ Cao Minh Trí chính là bà Hồ Tuyết Loan mà giới sân khấu cải lương miền Nam không ai biết đến với cái tên cô Mười Tân Châu.

Bà Mười Tân Châu đã cùng các nghệ sĩ nổi tiếng như Phùng Há tạo nên cải lương sân khấu vang bóng một thời. Sau 1975, bà là giảng viên Dân ca Nam bộ trường Nghệ thuật sân khấu, rồi chuyển ra Đà Nẵng sống với con trai. Trong một cái Tết tôi đến thăm, thầy và Đức đã tìm ra nhiều hình ảnh tư liệu từ những năm 1950 cho thấy bà và các đồng nghiệp từng biểu diễn trong những chương trình đặc biệt có cả tổng thống Ngô Đình Diệm đến dự.

Kế thừa được tinh thần làm nghệ thuật của bà nội, ngón nghề tuyệt kỹ của cha, hai con trai ông là Cao Minh Đức và Cao Minh Triết đều đi sâu về đàn. Tiếng đàn hay ai cũng cảm được, còn sự khổ luyện? 

Kể lại một câu chuyện vui để thấy. Khi biết tôi thực hiện bài viết này, guitarist Trịnh Phụng – Đà Nẵng hỏi thăm trên facebook: “Anh có viết đoạn mấy đứa nhỏ khác thì được đi chơi bắn bi còn anh Cao Minh Đức thì bị ba bắt ngồi học đàn, khổ luyện vì đàn ngày ngày khắc nghiệt như trong trại quân đội không?”. Có lẽ không còn hình ảnh nào đẹp hơn, đúng hơn để trở thành một danh thủ guitar.

Gia đình thầy cô Cao Minh Trí và hai con trai Cao Minh Đức, Cao Minh Triết (Ảnh tư liệu)

 Thầy Cao Minh Trí nói, trong nghề dạy đàn của ông dần dần phác lộ một chu kỳ phải mười năm mới tìm được một người học trò giỏi. Ba môn đệ ông đào tạo đến giờ vẫn kiêu hãnh và hài lòng khi nhắc đến cũng sắp xếp trình tự theo chu kỳ ấy là các guitarist Trung Nghĩa (thập niên 1960 – 1970), Trần Minh Chánh (1975 – 1985) và con trai mình, cây guitarist Cao Minh Đức (1985 – 1995). Để tạo ra cách đàn và ma quái từ tiếng đàn riêng mình, người nghệ sĩ phải tập luyện có phương pháp, kỹ thuật. Các thang bậc đó, ông Trí cũng chia thành, cộng 3 yếu tố. Thứ nhất, xuất phát từ năng khiếu, dòng dõi, có gen sẵn trong một gia đình quý tộc, đã từng làm nghệ thuật. Thứ hai, phải gặp thầy giỏi để rèn, chỉ dạy những ngón đánh tuyệt chiêu, tuyệt kỹ. Cuối cùng là “nhân lực”, phải kiên tâm tự rèn luyện, vượt qua những trần ai, thử thách. Từ thực tế, tự rút tỉa thành những bí quyết, bí pháp riêng cho mình.

Nhưng nghĩ cho cùng, cao thủ guitar cuối vẫn chỉ là nhạc công! Một cái nghề nhọc nhằn và lạ lùng!

Đời sẽ quên sao?

Không, những gì đã đi vào sâu thẳm tâm hồn con người sẽ sống mãi trong ký ức họ. Không thể quên được! Như tuổi trẻ, như ngày tháng qua! Bài hát hay cung đàn của người nghệ sĩ còn nuôi nấng những bến bờ đã mất!…

Tôi biết chắc chắn một điều như vậy!