Duyên Dáng Việt Nam

Độc đáo những “con phố Trung thu” ở Hà Nội

LP • 06-09-2019 • Lượt xem: 2359
Độc đáo những “con phố Trung thu” ở Hà Nội

Xem các ảnh tư liệu chụp Trung thu Hà Nội giai đoạn 1914-1917 và 1925-1930 thấy đồ chơi cho trẻ em được bán nhiều trên phố Hàng Gai. Các loại đèn bằng giấy được làm rất tinh tế và phong phú. 

Một cửa hàng bán đèn lồng và đồ chơi Trung Thu năm 1915 trên phố Hàng Gai, Hà Nội. Ảnh: Flickr

“Từ mồng một tháng Tám là cả phố nhộn nhịp. Tất cả các bà mẹ và trẻ con Hà Nội đều đến phố Hàng Gai. Tất cả các hàng trong phố đều đã biến thành những cửa hiệu bán đồ chơi Trung thu bằng giấy. Voi giấy, ngựa giấy, đèn con thỏ, con thiềm thừ, cá hóa rồng, đầu sư tử, đèn kéo quân…” – cụ Hoàng Đạo Thúy (1900-1994) viết trong cuốn “Phố phường Hà Nội xưa”.

Ảnh chụp trên phố Hàng Gai giai đoạn 1914-1917. Ảnh: Flickr

Cụ Thúy viết tiếp: “Trẻ em cứ nằng nặc đòi mua “ông nghè” ngồi ghế tréo, che lọng xanh, có cả cờ cả biển, đủ mũ cánh chuồn và cân đai, bố tử mà giá chỉ vài xu thôi. Những người khéo tay đã làm những cái đèn có máy, chiếu ra bóng, nào cá lớn nuốt cá bé, nào chú bé leo cột mỡ, nào cô gái hứng dừa, vừa mỉa mai, vừa làm cho người ta suy nghĩ. Qua ngày rằm thì cả phố, đâu lại vào đấy”.

Nụ cười tươi tắn của một cậu bé bán đồ chơi Trung thu ở Hà Nội vào năm 1928. Ảnh: Flickr

Sau này, đồ chơi Trung thu chuyển sang bán ở phố Hàng Mã. Vào dịp tháng Bảy âm lịch, cả khu phố Hàng Mã đông vui nhộn nhịp, nhà nào cũng đầy ắp các loại giấy màu, que tre, sơn, hồ… để làm các món đồ chơi truyền thống.

Đèn lồng được bán gần đình Cổ Vũ trên phố Hàng Gai. Ảnh: Flickr

Thời bao cấp, đồ chơi dân gian như: Đầu sư tử, ông tiến sĩ giấy (ông nghè), đèn cù, đèn xếp, đèn ông sao, đèn ông sư, đèn kéo quân, lẵng thiên nga bông, lẵng thỏ bông, mặt nạ giấy bồi, trống nhỏ, tàu thủy chạy bằng hơi nước… là niềm ao ước của trẻ con mỗi dịp Trung thu. Phải là gia đình khá giả mới mua được cho con loại đèn này. Đôi khi, hai ba đứa trẻ mới có một cái chơi chung. 

Phố Hàng Mã. Ảnh: Viết Thành

Ngày nay, con phố Hàng Mã vẫn rực rỡ sắc màu, khách khứa ra vào nườm nượp nhưng đồ chơi dân gian nép mình khiêm nhường bên cạnh nhiều trò chơi hiện đại lôi cuốn và hấp dẫn trẻ nhỏ.

Tàu thủy bằng sắt tây bán trên phố Hàng Mã. Ảnh: Lê Bích

Theo cụ Hoàng Đạo Thúy, trong mỗi mâm cỗ Trung thu ngày xưa đều có bày ông tiến sĩ giấy. Các gia đình mua ông tiến sĩ giấy về bày cỗ Trung thu như một biểu tượng của sự ham học và khích lệ con cái cố gắng học tập để đỗ đạt, thành tài. Những ông nghè này thường được hóa đi sau khi kết thúc bữa tiệc Trung thu.

Mâm cỗ Trung thu truyền thống có ông tiến sĩ giấy. Ảnh: Lê Bích

Nay thì còn rất ít gia đình bày ông tiến sĩ giấy. 

Bà Tâm, người làm thiên nga bông ở phố Hàng Lược. Ảnh: Lê Bích

Chị Nguyễn Thị Tuyến (Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội) - nữ nghệ nhân duy nhất còn làm tiến sĩ giấy phục vụ Trung thu. Ảnh: Lê Bích

Tuy nhiên, vẫn có những người thợ cần mẫn làm nên những món đồ chơi Trung thu truyền thống như: Tàu thủy sắt tây, ông tiến sĩ giấy, đèn kéo quân, lẵng thiên nga bông… góp phần lưu giữ nét tinh hoa cho Hà Nội. Nhờ thế, hằng năm vào dịp Trung thu, đồ chơi truyền thống không bị lấn át hoàn toàn bởi đồ chơi ngoại nhập.