Duyên Dáng Việt Nam

Dọn dẹp bàn thờ cuối năm: Rút chân nhang sao cho đúng?

Châu Anh • 02-01-2020 • Lượt xem: 5824
Dọn dẹp bàn thờ cuối năm: Rút chân nhang sao cho đúng?

Việc lau dọn bàn thờ, rút tỉa chân hương cần được tiến hành một cách yên tĩnh và cẩn trọng. Công việc dọn dẹp bàn thờ, lau bát hương, tỉa chân hương đặc biệt quan trọng, cần phải được làm một cách thành kính, cẩn trọng, tránh phạm các bậc linh thiêng.  

Việc tỉa chân hương trước Tết không gắn liền với điển tích nào mà đó chỉ là một công việc dọn dẹp thông thường, giúp cho bàn thờ được gọn gàng, sạch sẽ hơn.  

Cũng có quan niệm cho rằng, bát hương đầy đặn, càng nhiều chân hương và tàn hương thì gia chủ càng có nhiều lộc. Cũng có ý kiến cho rằng, chân hương quá đầy sẽ che mắt thần linh, tiên tổ.  

Hình minh họa

Cách rút bớt chân hương  

Khi chân nhang quá nhiều cần rút bớt, nhớ để lại 1-3-5-7-9 chân (số lẻ) - còn những chân nhang đã nhổ cần đốt, thả tro xuống sông suối. 

Bát nhang bỏ đi (ví dụ bát nhang của ban thờ vong) bạn cần thả xuống sông suối (tốt nhất là đặt trên miếng xốp nổi), tránh những nơi uế tạp.  

Bạn nên nhớ, mỗi khi cầu cúng cần mở rộng cửa, thắp đèn trước (khởi động), rót nước, rót rượu (dương cầu âm), rồi thắp hương (phát sóng) và khấn cúng (kêu cầu). Chú ý thắp 3 hay 5 nén hương bởi 3, 5 là số lẻ, thuộc Dương mà Dương thờ Âm là hợp lẽ.  

Bởi theo quan niệm xưa, thắp quá nhiều hương sẽ mở đường cho Thập loại chúng sinh đến, tạo ra sự lộn xộn, phiền toái cho Thần, Tổ tiên mình thỉnh cầu. Nhớ rằng khi thắp phải để hương cháy đều, dùng tay phẩy nhẹ cho tắt lửa, không thổi.  

Khi cắm hương gia chủ cần cắm cho ngay ngắn mới có tác dụng dẫn lời thỉnh cầu tới đúng nơi cần đến. Đồng thời nên nhớ không cắm chồng các chân hương lên nhau nhằm tránh tạo ra những lớp thô (cũ) và thanh (mới) và phòng bốc hỏa.  

Lưu ý:  

Một điều vô cùng quan trọng khi thắp hương hoặc rút chân nhang đó là chúng ta luôn giữ sự thành tâm, nghiêm túc để thể hiện lòng thành kính với người trên khi thực hiện công việc này.