Duyên Dáng Việt Nam

Đóng tàu - Di sản hàng hải của Hàn Quốc

Đào Tùng • 05-07-2020 • Lượt xem: 1841
Đóng tàu - Di sản hàng hải của Hàn Quốc

Vào năm 2018, Viện nghiên cứu di sản văn hóa hàng hải quốc gia của Hàn Quốc đã hoàn thành việc phục dựng một con tàu ngoại giao của Vương triều Joseon (1932 – 1910).   Con tàu này đã đưa đón các sứ giả triều đại Joseon tới Nhật Bản qua eo biển Hàn Quốc hàng trăm năm về trước.

Cũng vào năm 2018, Hàn Quốc một lần nữa khẳng định vị trí tiên phong trong nền công nghiệp đóng tàu thế giới. Nghề đóng tàu trong lịch sử và nền công nghiệp đóng tàu hiện đại của Hàn Quốc đã trở thành niềm tự hào và di sản quốc gia luôn được gìn giữ và phát triển.

Tái dựng lại biểu tượng lịch sử ngoại giao Hàn – Nhật

Chưa đầy 10 năm sau cuộc xâm lược của Nhật Bản trong thế kỷ 16, theo lời mời của Mạc Phủ Shogunate Nhật, Vương triều Joseon đã tiếp tục cử sứ giả sang nước này vào năm 1607. Phái đoàn ngoại giao mang tênTongsinsa hay Joseon Tongsinsa đóng vai trò chủ chốt trong sự trao đổi văn hóa giữa hai nước, trong các lĩnh vực văn học, hội họa, thư pháp, y học.. Những con tàu dành riêng cho nhiệm vụ này được gọi là Tongsinsaseon hay “Đoàn tàu thiện chí”. Hải đoàn có số lượng từ 3-6 con tàu đã di chuyển giữa hai nước trong 200 năm và kết thúc sứ mệnh của mình tại hải trình cuối cùng vào năm 1811. Việc phục dựng lại một trong những con tàu ngoại giao này được hoàn thành vào tháng 10.2018.

Soái hạm của hải đội Tongsinsa được phục dựng và giương buồm ra khơi năm 2018, tái hiện lại hình ảnh lịch sử của con tàu đã chở theo những Sứ giả thiện chí triều đại Joseon sang Nhật Bản những năm 1607-1811. (Nguồn: Viện nghiên cứu di sản văn hóa hàng hải quốc gia Hàn Quốc)

Ông Hong Sun-jae tại Viện nghiên cứu di sản văn hóa hàng hải Hàn Quốc là người đảm trách chính trong việc phục dựng con tàu Tongsinsa này. Ông cho biết trong số những tài liệu ghi chép về đoàn tàu Tongsinsa, cuốn sử sách Gyemi Susarok của Byeon Tak, một trong các đại sứ được cử sang nhật vào năm 1763, cung cấp thông tin chi tiết về quá trình chuẩn bị cho nhiệm vụ, đặc biệt là quá trình đóng tàu và cấu trúc của tàu Tongsinsa. Ngoài ra, bản thảo Heonseong Yugo cũng tiết lộ những thông tin chủ yếu về thiết kế, chất liệu và thời gian xây dựng con tàu. Dựa vào những ghi chép này mà đội phục dựng đã có thể đưa ra những quyết định chính xác nhất trong nỗ lực phục dựng tàu.

Ông Hong Sun-jae, phụ trách đội phục dựng của Viện nghiên cứu văn hóa di sản hàng hải Hàn Quốc bên cạnh công trình phục dựng tàu Tongsinsa với hi vọng hồi sinh những con tàu Geobukseon hay “Tàu con rùa” cổ. Ảnh: Jung Meen-young.

Con tàu này tái hiện hình ảnh của chiếc soái hạm dẫn đầu hạm đội chuyên chở thiện chí ngoại giao của Vương triều Joseon tới Nhật Bản. Nó là con tàu lớn nhất, được trang hoàng với vẻ ngoài lộng lẫy nhưng không kém phần nghiêm trang. Đó là biểu tượng của quyền lực hoàng gia triều đại Joseon trong quan hệ ngoại giao với Nhật Bản. Những nghiên cứu lịch sử đã tiết lộ kích thước và khối lượng thực tế của chiếc soái hạm. Trong lịch sử, con tàu dài 34.5 mét, rộng 9.3 mét, cao 3 mét và nặng 137 tấn. Những số liệu này được phản ánh chính xác trong con tàu phục dựng. Ngoài ra, nghệ thuật trang trí kiến trúc Dancheong và trang trí lụa cổ truyền được dùng trong con tàu lịch sử cũng được áp dụng nhằm tái hiện vẻ ngoài chính xác nhất.

Những con tàu truyền thống của Hàn Quốc vốn được đóng từ những khối gỗ nguyên, đó là kỹ thuật đóng tàu độc đáo của Hàn Quốc. Trong quá trình phục dựng, những khối gỗ thông cao cấp nhất được tuyển chọn kỹ càng. Người ta cũng thuê những thợ mộc lành nghề nhất trong nghề làm mộc truyền thống. Họ có nhiệm vụ cắt tỉa những khối gỗ này, sử dụng phương pháp truyền thống với các dụng cụ thô sơ như rìu và dùi đục.

Thiết kế 3D của soái hạm Tongsinsa phát triển dựa trên nghiên cứu lịch sử toàn diện. Nguồn: Viện nghiên cứu di sản văn hóa hàng hải quốc gia Hàn Quốc.

Ông Hong tiết lộ đội phục dựng của mình đã dành nhiều công sức và tâm huyết nhằm tái hiện chính xác nhất những vật liệu, kỹ thuật và dụng cụ đóng tàu dùng trong thời Joseon nhằm tái hiện vẻ ngoài giống với con tàu gốc. Với ý định phục dựng một con tàu có khả năng ra khơi thực thụ, con tàu phải đáp ứng được những Yêu cầu an toàn tàu biển. Do đó, tuy vẻ ngoài được phục dựng như con tàu gốc, cấu trúc và động cơ của nó phải tuân theo những tiêu chuẩn đóng tàu hiện đại.

Vậy là, 200 năm sau hải trình cuối cùng của mình vào năm 1811, chiếc soái hạm của hạm đội Tongsinsa đã một lần nữa phô trương tầm vóc vĩ đại của mình trước công chúng vào năm 2018.

Kỹ thuật tinh xảo của nghề đóng tàu truyền thống

Bắt đầu từ năm 1975, người ta đã khám phá ra những hiện vật tàu biển đầu tiên còn sót lại ngoài khơi bờ biển Sinan, tỉnh Jeollanam-do. Các cuộc khai quật tiếp theo được tiến hành dưới đáy đại dương đã được tiến hành bởi Viện nghiên cứu văn hóa di sản hàng hải quốc gia Hàn Quốc nhằm thu thập, bảo tồn và phân tích những hiện vật lịch sử bị chôn vùi dưới đáy đại dương, phục dựng lại những con tàu cũ và nghiên cứu nghề đóng tàu truyền thống cũng như các kỹ thuật đóng tàu cổ xưa.

Bàn về những đặc điểm của tàu Hàn Quốc truyền thống, ông Hong cho biết, kỹ thuật đóng tàu cổ dựa vào đặc điểm của những con sông và dòng nước tại đây. Bán đảo Hàn Quốc có hệ thống sông ngòi và phụ lưu chằng chịt. Các con sông ở đây thường có dòng nước nông đi kèm với thủy triều lớn. Những dòng thủy lưu nóng và lạnh luân phiên theo mùa cho vùng đất này nguồn cá dồi dào. Đó là lý do tại sao những con tàu cổ thường có đáy phẳng thay vì đáy cong như thường lệ. Tàu đáy phẳng dễ di chuyển trong nước nông và dễ thay đổi phương hướng trong những không gian hẹp. Người xưa cũng dùng móc và chốt gỗ để ghép gỗ thay vì đinh sắt như hiện nay, do vậy tàu cũng dễ sửa hơn và bền hơn.

Cấu trúc đáy phẳng đã giúp tàu đánh cá hoạt động hiệu quả trong vùng nước hẹp và nông. Cấu trúc truyền thống này được áp dụng nhiều nhất trong tàu Geobukseon, hay “Tàu con rùa” xưa. Tàu con rùa là một loại tàu chiến cổ được sử dụng trong cuộc chiến chống Nhật thế kỷ 16. Một phiên bản được tinh chỉnh của loại này là tàu hải quân của Vương triều Joseon, còn được gọi là Panokseon (Tàu ván lợp). Trong khi sử dụng cấu trúc 2 tầng của tàu con rùa, tàu Panokseon cải thiện khả năng chiến đấu bằng cách lợp ván bằng các tấm lá sắt. Những chiếc tàu con rùa bắt đầu được ca ngợi khi vào khoảng cuối thế kỷ 16, Đô đốc Yi Sun-sin đã khéo léo sử dụng chúng trong những chiến thắng lịch sử của mình, chống lại cả một đại đội quân xâm lược Nhật.

Một mô hình Tàu con rùa cổ được phục dựng theo tỉ lệ 1:2,5 và trưng bày trong Bảo tàng ký ức chiến tranh tại Seoul, Hàn Quốc. Nguồn: The Pirate King.

Nhiều ghi chép lịch sử đã cho thấy những bằng chứng về năng lực đóng tàu của người Hàn Quốc xưa. Cuốn Lịch sử Goryeo (Goryeosa) có ghi, theo yêu cầu của Trung Quốc, người Hàn đã đóng 900 tàu chiến chỉ trong vòng 4 tháng vào năm 1274. Theo cuốn Biên niên sử Nhật Bản (Nihon Shoki), những người đóng tàu từ vương quốc Baekje (thuộc Hàn Quốc xưa) đã được mời tới Nhật Bản vào năm 271 và đóng ra những con tàu được đặt tên riêng là “Tàu Baekje”. Cũng theo những ghi chép này, kỹ năng đóng tàu của Hàn Quốc khi đó đã đạt tới trình độ chuyên môn cao.

Theo ông Hong Sun-jae, đóng tàu từ lâu đã trở thành một trong những ngành công nghiệp quan trọng nhất của Hàn Quốc. Theo những tư liệu lịch sử, các triều đại trong lịch sử Hàn Quốc đều có những ban ngành riêng chuyên phụ trách mảng đóng tàu. Nghề đóng tàu đã phát triển xuyên suốt lịch sử Hàn Quốc, nhưng dù con tàu lớn cỡ nào, vẫn luôn có những công đoạn đòi hỏi sự khéo léo của đôi tay người nghệ nhân. Chính những kỹ thuật thủ công khéo léo và những ý tưởng sáng tạo của quá khứ đã truyền cảm hứng để người Hàn tiếp tục duy trì và phát triển ngành nghề này.

Cảng đóng tàu Hàn Quốc hiện đại. Nguồn: Korean Heritage.

Phục dựng một chứng nhân lịch sử vốn chỉ được ghi chép trên giấy cũng giống như hồi sinh nền văn hóa và lịch sử đã sinh ra nó. Thật xúc động khi chứng kiến những chất liệu lịch sử vốn chỉ được tồn tại trong hồi tưởng nay được sống dậy trước mắt những con người của hiện tại.

Theo Korean Heritage