Duyên Dáng Việt Nam

Du lịch nông nghiệp Đồng bằng Sông Cửu Long – tiềm năng và nhiều thách thức

Hữu Khôi • 28-10-2018 • Lượt xem: 4172
Du lịch nông nghiệp Đồng bằng Sông Cửu Long – tiềm năng và nhiều thách thức

Hệ thống các sản phẩm du lịch đặc thù gắn với hệ sinh thái miệt vườn, sông nước đã trở thành sản phẩm chủ đạo để thu hút khách du lịch tại Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, hiện mô hình kinh tế này ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang phát triển manh mún và chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có.

Đồng bằng sông Cửu Long là đồng bằng lớn thứ ba trong tổng số 34 đồng bằng châu thổ lớn nhất thế giới, chỉ xếp sau đồng bằng Amazon (Nam Mỹ) và đồng bằng sông Hằng (Ấn Độ). Đồng bằng sông Cửu Long được bao bọc bởi sông Tiền, sông Hậu, với hệ sinh thái đa dạng, kết hợp với tinh hoa, lịch sử cộng đồng đã tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo.

Bên cạnh mô hình du lịch truyền thống, sản phẩm du lịch Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch dựa trên sự đa dạng của hệ sinh thái tự nhiên như hệ sinh thái biển, đảo, cửa sông, đất ngập nước, rừng ngập mặn, cù lao châu thổ (cồn Phụng, cồn Ốc, cồn Quy - tỉnh Bến Tre, cồn tiên - tỉnh Đồng Tháp, cồn Mỹ Phước - tỉnh Sóc Trăng...), khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn có tính đa dạng sinh học cao (Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, U Minh Hạ - tỉnh Cà Mau, U Minh Thượng - tỉnh Kiên Giang, Tràm Chim - tỉnh Đồng Tháp, Phú Quốc - tỉnh Kiên Giang), Vườn Chim - tỉnh Bạc Liêu, Vườn Chim - tỉnh Đồng Tháp... Ngoài ra, nằm ở hạ lưu sông Mekong với hai nhánh sông Tiền và sông Hậu, Đồng bằng sông Cửu Long có mạng lưới sông ngòi, kênh rạch dày đặc nên du lịch trải nghiệm cuộc sống trên sông nước bằng ghe, tàu rất hấp dẫn du khách.

Mô hình kinh tế du lịch nông nghiệp, một loại mô hình kinh tế mới dựa trên những giá trị tự nhiên của ngành nông nghiệp, như lễ hội dân gian gắn với đời sống của cư dân vùng Nam bộ, chợ nổi, chèo ghe trên sông rạch, thăm vườn trái cây, thưởng thức đờn ca tài tử, ẩm thực thời khẩn hoang... góp phần tạo nên sức hấp dẫn cho miền đồng bằng châu thổ này.

Còn nhiều thách thức
Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho rằng mặc dù có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nhưng so sánh trong tổng thể phát triển du lịch chung của cả nước, tốc độ phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long về tăng trưởng khách, doanh thu, mức đầu tư, tính chuyên nghiệp chưa thực sự có bước đột phá, tốc độ tăng trưởng còn thấp hơn so với các vùng khác trong cả nước.


Bên cạnh đó, là sự lúng túng của các địa phương, nhất là việc chưa tìm ra bản sắc riêng cho mình, cũng như chưa xác lập được các sản phẩm đặc trưng để đầu tư phát triển, tạo nên những sản phẩm du lịch mới. Các mô hình du lịch nông nghiệp trong vùng còn giống nhau, gây nhàm chán cho du khách. Việc khai thác các sản phẩm du lịch nông nghiệp còn thiếu tính sáng tạo, chưa khai thác giá trị từ hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, chưa chú trọng đến nhu cầu của du khách; tour du lịch phổ biến tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long được khai thác chủ yếu là tham quan miệt vườn, sông nước, chợ nổi, thưởng thức các loại bánh, trái cây, nghe đờn ca tài tử...

Sự kết nối giữa du lịch và nông nghiệp với các ngành khác chưa hiệu quả. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở lưu trú (homestay) và dịch vụ du lịch đang phát triển nhanh ở nhiều địa phương nhưng quy mô nhỏ lẻ, tự phát, thiếu chuyên nghiệp...  Vì thế Đồng bằng sông Cửu Long cần có chiến lược về phát triển sản phẩm một cách chuyên nghiệp, mang tính bền vững.