Duyên Dáng Việt Nam

Duyên con gái là nhờ phước cha

Ni Ni - Ảnh: Internet • 12-12-2017 • Lượt xem: 5051
Duyên con gái là nhờ phước cha

Chỉ có bố mới biết rõ những tên đàn ông sẽ dễ dàng "gãy đổ" bởi những cô gái duyên dáng như thế nào. Vì vậy, đừng mặc định rằng một cô gái nhẹ nhàng, ý tứ nhất định là thành quả dạy dỗ của mẹ. Các ông bố hãy bầu bạn và "huấn luyện" con gái  mình trở nên thanh lịch, không phải là để đàn ông "nghiêng ngả" vì con gái mình mà để con gái thấy đó là những giá trị riêng của phụ nữ.  

Hôm nọ, chị bạn tôi đăng trên trang cá nhân của mình status đại loại là khi chị vào quán phở tình cờ quan sát cô bé tầm 20 tuổi ngồi bàn bên cạnh ăn rất từ tốn, không nghe tiếng khua tô muỗng, ăn xong xếp tô dĩa lại và lấy giấy lau chỗ dây ra bàn rồi chị kết luận phục mẹ cô gái đã dạy một cô bé 9X thanh tao như thế.

Thông thường, khi thấy một cô gái ý tứ, duyên dáng người ta sẽ nghĩ cô gái ấy đã được mẹ dạy chu đáo, hoặc chí ít cũng được ảnh hưởng những điều ấy từ mẹ. Nhưng tôi thì thường “mê mẩn” nhìn cách một ông bố dạy con  gái trở nên thanh lịch. Với tôi thì hình ảnh ấy vừa dễ thương lại vừa… hợp lý vì chính bố sẽ biết rõ hơn hết trong mắt đàn ông, một người phụ nữ như thế nào là duyên dáng và “biến” con gái mình trở nên “lợi hại” khiến cho “bọn đàn ông… chết như ngả rạ”.

Trở lại với câu chuyện cô bé ban đầu. Ở một quán ăn, cách cô ăn uống như vậy thật quá hay. Nhưng, có thật là mẹ cô dạy cô như thế không, biết đâu là bố? Tôi cứ nghĩ mãi! Có lẽ vì trong gia đình tôi, ba là người dạy các con về phép lịch sự và sự duyên dáng, với con gái thì ba kỹ lưỡng hơn.

Trong mâm cơm, ba thường dặn ăn uống không được gây tiếng động, không khua chén muỗng, đặc biệt là không được cầm đũa mình đang ăn khuấy vào tô canh chung. Ba từng khẻ tay ông anh háu ăn khi anh húp chén canh rột roạt rồi nói “như vậy người ta gọi là húp heo”. Đến khi ba phổ biến từ “húp heo” và dẫn ra chuồng heo nhà hàng xóm coi heo ăn thì thấy đúng là… xấu thiệt. Từ đó, từ “húp heo” được lưu truyền trong nhà tôi một cách vui vẻ để nhắc khi thấy thành viên nào ăn uống không mấy lịch sự.

Điều này thật ra không khó, ba bắt anh em tôi ăn uống  không vội vàng, phải nhai kỹ để khỏi đau bao tử thì lập tức chúng tôi không thể “gây tiếng vang” và trở nên từ tốn. Ngoài ra, ba còn dạy chúng tôi vô số những điều khác: không được cướp lời khi người khác đang nói, đừng cười cợt vô duyên, đừng móc mũi trước mặt người khác, ngậm tăm xỉa răng trong miệng…

Với con trai, ba bắt không được văng tục, chửi thề, nhất là trước mặt mẹ và em gái (không biết mấy anh trai tôi nói chuyện với bạn bè ở ngoài đường có chửi thề không, chứ ở nhà là tuyệt nhiên không). Con gái tới tuổi dậy thì, ba dạy phải tuyệt đối kín đáo mỗi khi tới tháng. Chị em tôi răm rắp nghe theo, mỗi khi tới tháng là phải chuẩn bị kỹ “đồ nghề… Nghe qua, tưởng ba tôi là người kỹ tính nhưng kỳ thực là không, người ngoài vô ý ba chẳng phán xét, con cái vô ý với ba ba chỉ nhắc nhở, chỉ vì ba muốn con cái ba thanh lịch trong mắt người khác.

Tôi quý những ngày tháng ba hay nhắc nhở mình. Vì vậy, nếu tình cờ thấy một ông bố nhắc con gái ý tứ vén tà áo nhẹ nhàng trước khi ngồi lên xe  thì tôi lập tức có cảm tình với người bố ấy. Nhiều người cho rằng dạy con những điều nhỏ nhặt như vậy hãy để cho mẹ, bố là đàn ông dạy vậy thấy tủn mủn. Có tủn mủn đâu, là bố khoái con gái ý tứ, duyên dáng nên dạy con như cách bố muốn. Các ông bố đừng giao hoàn toàn cho mẹ mà hãy giành phần chỉ dạy để con gái mình thật hay trong mắt mọi người. Lúc dạy con chính là lúc các ông bố được bầu bạn với con gái và qua bố, cô gái ấy sẽ hiểu trong mắt đàn ông một người phụ nữ luộm thuộm, vô ý sẽ đáng chán như thế nào.