Duyên Dáng Việt Nam

F0 test nhanh 1 vạch có thật sự hết COVID-19?

M.N • 09-03-2022 • Lượt xem: 290
F0 test nhanh 1 vạch có thật sự hết COVID-19?

Sau một thời gian mắc bệnh, nhiều F0 test nhanh âm tính đã trở lại các hoạt động thường nhật. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, F0 lại… tái dương.

Do đã tiêm 3 mũi vắc xin ngừa COVID-19, nên khi có dấu hiệu bệnh, nhiều F0 đã tự test nhanh tầm soát tại nhà. Nếu kết quả dương tính, người bệnh cũng tự mua thuốc điều trị, theo dõi diễn tiến, phục hồi sức khỏe bằng… kit test nhanh. Điều này cho thấy, người dân đang dần chủ động nâng cao ý thức kiểm soát, phòng chống dịch trong cộng đồng. Tuy nhiên, sẽ rất nguy hiểm nếu quá lạm dụng test nhanh COVID-19 để chẩn đoán bệnh cho chính mình và người thân trong gia đình.

PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y dược TPHCM cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, chúng ta chủ động phòng chống dịch là rất tốt nhưng trên thực tế, chúng ta lại đang có sự lạm dụng test nhanh COVID-19. 

Đầu tiên chúng ta cần hiểu rõ test nhanh COVID-19 chỉ sử dụng khi một người có yếu tố dịch tễ như sau khi tiếp xúc F0, người đang có triệu chứng lây nhiễm bệnh… chứ kit test không sử dụng để tiên lượng F0 đang diễn tiến nặng hay nhẹ, hoặc test nhanh để biết bản thân mình có khả năng lây nhiễm cho người khác hay không? Cũng như dựa vào kết quả test để biết mình sắp hết bệnh chưa?... sẽ rất nguy hiểm.

“Trên thực tế, có rất nhiều lý do để một người quyết định test nhanh, đa phần là về tâm lý. Nhưng quan trọng, chúng ta cần hiểu test nhanh không có giá trị để biết được tiên lượng của bệnh khi một người đã mắc COVID-19, bởi có thể có người kết quả âm tính nhưng nguy cơ diễn tiến nặng và tử vong vẫn còn. 

Ngược lại, vẫn có người sau khi đã khỏi bệnh rồi vẫn còn test ra kết quả dương tính, tình huống này ở nhiều quốc gia vẫn xảy ra, chẳng hạn như ở Hoa Kỳ, Singapore. Như vậy, khi một người mắc bệnh, nên tuân thủ các chỉ định của bác sĩ tránh việc lạm dụng test nhanh để tự điều trị cho mình”, bác sĩ Dũng nhắc nhở.

Theo bác sĩ Dũng, test nhanh chỉ có giá trị nhất định, cho biết người được test có mắc bệnh hay không. Và chỉ làm test nhanh để chẩn đoán bệnh khi một người có triệu chứng, lúc đó kết quả xét nghiệm mới có thể xác định đúng.

Tuy nhiên, người cần xét nghiệm chỉ nên test nhanh từ 1 đến 2 lần và thực hiện cách ngày chứ không nên test liên tục gây tốn kém, tổn thương chứ không có lợi. 

Bác sĩ tại một bệnh viện nhi phân tích, một người nhiễm virus SARS-CoV-2 sau thời gian ủ bệnh từ 2-14 ngày (với chủng Delta, người bệnh có thời gian ủ bệnh ngắn hơn) có thể phát bệnh.

Khi đó, người bệnh có thể có triệu chứng nhẹ như sốt, đau họng, đau mỏi người hoặc không triệu chứng. Đa số người bệnh chuyển ngay sang giai đoạn hồi phục. Nhưng có một số bệnh nhân lại có diễn tiến nặng hơn, tổn thương về hô hấp, thận…

“Lúc này, người bệnh không nên chủ quan, phụ thuộc vào test nhanh COVID-19. Có một số trường hợp test nhanh kết quả âm tính nhưng tình trạng nặng dần, đến khi không chịu nổi, vào bệnh viện, kết quả RT-PCR lại là dương tính. Như vậy, khả năng trong giai đoạn hồi phục số lượng virus giảm, cho kết quả âm tính giả nhưng virus âm thầm gây tổn thương các cơ quan. Nếu đưa đến bệnh viện quá trễ, có thể phải nằm hồi sức kéo dài, nguy cơ xơ phổi, ảnh hưởng đến tâm lý rất lớn”, bác sĩ nói.

Như vậy, F0 tránh xuất hiện tâm lý chủ quan cho rằng test nhanh âm tính là khỏi bệnh hoặc bệnh sẽ không diễn biến nặng lên. Từ đó, người bệnh không theo dõi sức khỏe, rất nguy hiểm.

Bác sĩ Dũng nhắn nhủ, đối với người đang là F1 do tiếp xúc gần F0, để biết có mắc bệnh hay không, theo thông lệ quốc tế có thể xét nghiệm vào ngày thứ 5 sau khi tiếp xúc F0. Nếu quá lo lắng, có thể xét nghiệm vào ngày thứ 3 sau tiếp xúc, không nên test ngay lúc vừa tiếp xúc xong, sẽ không có giá trị xét nghiệm. 

Đối với những người thường xuyên làm việc trong môi trường có khả năng lây nhiễm cao, nhiều bệnh nhân, gia đình có người cao tuổi… có thể cẩn thận xét nghiệm sớm để tầm soát. Và chỉ xét nghiệm khi cần thiết nhất.

Theo PNO