500 tác phẩm nghệ thuật, trong đó có nhiều tác phẩm hội họa của các cây đại thụ trong làng mỹ thuật Việt Nam như “Trí - Lân - Vân - Cẩn” và “Nghiêm - Liên - Sáng - Phái” đã được sưu tập từ nước ngoài để lưu giữ và trưng bày tại Việt Nam.
Chia sẻ về dự án “khủng” này, chủ nhân của dự án này cho biết, việc mua các tác phẩm nghệ thuật từ nhà sưu tập nước ngoài để đưa về trưng bày tại Việt Nam đã được thực hiện trong một thời gian dài. Phần lớn các tác phẩm được “hồi hương” thuộc một bộ sưu tập lớn của Thái Lan. Tới thời điểm này, bộ sưu tập đã lên tới 1.000 tác phẩm và gần nửa trong số đó được mua lại từ nhà sưu tập nước ngoài.
Có thể kể đến một số tác phẩm tiêu biểu như: Phong cảnh, Trừu tượng của Nguyễn Gia Trí; Tiên cưỡi Rồng, Điệu múa cổ của Nguyễn Tư Nghiêm; Chân dung Kiều Chinh của Dương Bích Liên; Chùa Thầy của Nguyễn Sáng; Chân dung Lâm cà phê của Bùi Xuân Phái; Tình mẫu tử của Lê Phổ; Gia đình hươu của Trần Phúc Duyên; Phong cảnh mưa của Nguyễn Thụ…
Chia sẻ về những rủi ro khi phải đối mặt với vấn nạn tranh giả, tranh nhái mà nhiều nhà sưu tập tranh trong nước cũng đã từng vấp phải khi đưa tác phẩm của các danh họa Việt Nam trở về, chủ nhân bộ sưu tập này cho biết, đây là nỗi lo lắng lớn nhất. Vì thế, trước khi bước vào cuộc chơi lớn, mọi phương án đều được tính đến.
Trước hết, đối với tác phẩm của các họa sĩ hiện còn sống , mỗi bức tranh quyết định mua lại đều có tham vấn ý kiến của chính tác giả. Đặc biệt, việc đầu tư mua những tác phẩm có giá trị cao được chọn qua một kênh an toàn hơn, chính là các sàn đấu giá nghệ thuật uy tín của nước ngoài.
Hiện chủ của bộ sưu tập đã đầu tư xây dựng hệ thống phần mềm quản lý chuyên nghiệp và website giới thiệu các tác phẩm đến với công chúng yêu nghệ thuật trong và ngoài nước.
Chủ nhân của bộ sưu tập hội họa đặc biệt này cũng cho biết, hiện chưa tính đến việc chuyển nhượng hay kiếm lời từ những tác phẩm có được, họ chỉ kỳ vọng sẽ có nhiều cơ hội giới thiệu kho tàng hội họa của các danh họa Việt Nam mà họ đã kỳ công sưu tập được đến người yêu hội họa trong nước.
Họa sĩ Nguyễn Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, cho biết khi có nhiều người biết trân quý tác phẩm của họa sĩ trong nước là tín hiệu tốt. Tuy nhiên, với căn bệnh “thật giả bất phân” của mỹ thuật thời gian qua, ông cũng không khỏi băn khoăn. Tuy nhiên, ông tin tưởng, với việc có nhiều hơn nữa những tấm lòng tâm huyết với nghệ thuật như vậy, sẽ góp phần tăng thêm giá trị nội tại của thị trường mỹ thuật Việt Nam.