Duyên Dáng Việt Nam

Giải pháp nào cho triệu chứng trầm cảm, kiệt sức khi làm cha mẹ?

Cẩm Chi • 09-05-2022 • Lượt xem: 413
Giải pháp nào cho triệu chứng trầm cảm, kiệt sức khi làm cha mẹ?

Làm cha mẹ là một trải nghiệm thiêng liêng tuyệt vời đáng giá nhất trong cuộc đời con người. Thế nhưng bên cạnh niềm vui hạnh phúc, là những nỗi lo, sự căng thẳng, áp lực không hề nhỏ dẫn đến tổn thương tâm lý, tinh thần cho nhiều gia đình.

Kiệt sức khi làm cha mẹ là sự kiệt quệ về thể chất, tinh thần và cảm xúc vì cảm thấy căng thẳng kinh niên trong quá trình nuôi dạy con cái. Nó có thể biểu hiện bằng cảm xúc khó chịu hoặc cáu kỉnh, dễ tức giận, luôn phiền muộn, ngủ không ngon… Một số người bị kiệt sức sau sinh có thể hay quên, tăng cảm giác lo lắng hoặc trầm cảm, thậm chí nhiều người còn đặt câu hỏi về mong muốn và khả năng làm cha mẹ. Cảm giác hụt ​​hẫng, bối rối và bị cô lập là những dấu hiệu phổ biến.

Đôi khi sự mệt mỏi, căng thẳng khi nuôi dạy con cái còn do cha mẹ đặt kỳ vọng quá cao vào con cái hay tâm lý “con nhà mình phải bằng hoặc hơn con nhà người ta”. Điều này vô tình khiến họ gây áp lực lên con cái và lên cả chính mình. Thêm vào đó, áp lực cuộc sống với cơm, áo, gạo tiền có thể khiến cho chính cha mẹ bị vắt kiệt sức lực.

Khi gặp tình trạng kiệt sức kéo dài, bạn có thể bị mất cân bằng nội tiết tố, giảm ham muốn tình dục. Nếu bạn thường xuyên mất ngủ, nguy cơ mắc các bệnh lý nghiêm trọng như bệnh tim mạch và tiểu đường sẽ tăng lên. Sự kiệt sức của cha mẹ còn ảnh hưởng đến mối quan hệ của bạn với bạn đời, và với con cái, dẫn đến sự đổ vỡ trong giao tiếp và gia tăng tranh luận, oán giận. Khoảng cách tình cảm có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của con bạn sau này.

Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Clinical Psychological cho thấy sự kiệt sức của cha mẹ có thể dẫn đến tư tưởng chạy trốn - tưởng tượng sẽ từ bỏ việc nuôi nấng con cái và tất cả các yếu tố gây căng thẳng của nó - cũng như liên đới đến hành vi không quan tâm tới con cái và hành vi “bạo lực”  hướng vào trẻ em bao gồm sự gây hấn bằng lời nói và tâm lý (đe dọa, lăng mạ) và gây hấn về thể xác (đánh đòn, tát tai). Đối với những gia đình có con mắc phải các chứng rối loạn phát triển như tự kỷ, tăng động… thì vấn đề còn nghiêm trọng hơn.

Tự chăm sóc bản thân

Theo các chuyên gia thì muốn nuôi dạy con hiệu quả thì các bậc cha mẹ trước hết phải nên biết tự quan tâm chăm sóc bản thân thật tốt.

- Ngủ đủ giấc: hãy cố gắng ưu tiên cho giấc ngủ. Những giấc ngủ ngắn 20 phút cũng có thể giúp phục hồi sức khỏe và giảm căng thẳng, cải thiện sự tập trung và giúp bạn điều chỉnh cảm xúc của mình tốt hơn.

- Tập thể dục để tăng cường năng lượng và nâng cao các hormone trong cơ thể, giúp giảm trầm cảm. Bạn cũng có thể thiền, tập yoga ngắn hay đi bộ xung quanh khu nhà để giải tỏa đầu óc.

- Nghỉ ngơi khi bạn có thể: Hãy dành 2 phút mỗi sáng để hít thở và nghĩ về bản thân hoặc viết nhật ký nếu có thời gian. Tắm vào cuối ngày có thể giúp bạn thư giãn cả về thể chất và tinh thần.

- Chế độ ăn uống: Cung cấp năng lượng cho cơ thể bằng các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng. Bổ sung protein, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau trong bữa ăn của bạn. Đối với bữa ăn nhẹ, hãy chọn protein và carbohydrate giàu chất xơ.

Rèn luyện kiên nhẫn, bớt sự kỳ vọng

Nuôi dạy con cái là cả một thử thách khó khăn nhưng vô cùng giá trị. Cảm giác thất vọng và kiệt sức là hoàn toàn bình thường. Hãy cho phép bản thân cảm nhận cảm xúc của bạn, cố gắng kiên nhẫn, tử tế với chính mình và với người khác.

Ngoài ra, để tránh sự kỳ vọng quá cao vào con cái, cha mẹ cần hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu của đứa trẻ. Nên hướng con tới những mục tiêu mà năng lực, sở thích của con; có sự đồng điệu, thảo luận với trẻ và thiết lập các mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Điều này khuyến khích đứa trẻ làm tốt hơn, mà cha mẹ cũng đỡ mệt khi phải thúc giục, hao tâm tổn sức đeo đuổi cùng con những mục tiêu xa tầm với.

Kết nối và chia sẻ với những người tin tưởng

Một trong những điều đầu tiên bạn nên làm là thường xuyên nói chuyện với vợ/chồng, cha mẹ, đồng nghiệp, người thân yêu của mình. Đừng ngại chia sẻ cho họ về những gì bạn đang đối phó để nhận lại những lời khuyên bổ ích và các giải pháp cụ thể. Bạn cũng có thể tham gia các nhóm nuôi dạy con cái trên mạng xã hội, người quen để gặp gỡ những người cùng chí hướng, lắng nghe và thấu hiểu lẫn nhau trong bí quyết nuôi dạy con.

Nếu bạn cảm thấy quá mệt mỏi, sức khỏe đang giảm sút, hãy tìm kiếm sự trợ giúp. Tìm người trông trẻ có thể là một lựa chọn tốt, giúp giảm áp lực công việc hàng ngày. Bên cạnh đó, đừng ngần ngại đến gặp các chuyên gia y tế để được cung cấp các giải pháp chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp, để kiểm soát triệu chứng của bạn và cách vượt qua giai đoạn khủng hoảng.